Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

Hiệu lực cầu nguyện

 

HIỆU LỰC CẦU NGUYỆN


Nghi vấn đầu tiên là cầu nguyện có kết quả không? 

Câu hỏi đó đã được rất nhiều người đặt ra, trong Cơ-Đốc giáo cũng như trong các truyền thống tôn giáo khác. Tại sao vậy? Tại vì nếu có linh ứng thì mình mới cầu, còn nếu không thì tại sao mình lại cầu? Vì vậy mà mình phải trả lời câu hỏi này trước, rồi sau đó mới đi tìm câu trả lời cho các nghi vấn khác.

Sự thật là mình thấy sự cầu nguyện nhiều khi có hiệu lực, nhiều khi lại chẳng có hiệu lực gì cả! Cho nên nói có là sai mà nói không cũng không đúng. 

.

Có một em bé người Mỹ hồi còn sáu tuổi, một hôm ra sân chơi với con chuột trắng của mình, con chuột mà em thích nhất. Không biết em chơi với con chuột ra sao mà con chuột chui vào một cái lỗ, rồi đi thẳng xuống đất mà không trở lên nữa! Buồn quá trời đất, em bé quỳ xuống, khẩn cầu Chúa để Chúa đem con chuột lên cho em. Em đã quỳ xuống, hai tay chắp lại với tất cả trái tim để cầu nguyện Chúa xin Chúa đem con chuột trở lên cho mình. Bắt chước mẹ, em lẩm nhẩm  khấn cầu: Con tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa, nếu Chúa muốn thì Chúa có thể đem con chuột trở lên cho con! 

.

Em bé quỳ suốt một tiếng, rồi hai tiếng đồng hồ, với tất cả sự chí thành của mình mà con chuột vẫn không chịu trở lên! Rốt cuộc thì em phải vào nhà ăn cơm. Không có con chuột, em buồn khổ vô cùng! 

Một vài câu chuyện như vậy đã xảy ra trong đời cậu bé, cho nên cậu không còn tin vào sự cầu nguyện nữa. 

.

Lớn lên vào trung học, cậu chọn ngành âm nhạc. Hôm đầu tiên vào lớp, chàng thấy giáo sư nhạc của chàng là một ông già lớn tuổi, bệnh hoạn, giọng nói hơi run run. Đặc biệt là sáng nào vào lớp ông cũng cầu nguyện, cầu nguyện tới 15 phút, làm học trò trong lớp rầu lắm. Tại vì cái cách thức cầu nguyện của ông không hay ho và hấp dẫn gì cả! Trước khi bắt đầu, ông thường hỏi: Anh có điều gì cầu nguyện không? Chị có điều gì cầu nguyện không? Ông ghi lại hết tất cả  những điều mà các học trò của ông muốn cầu rồi bắt cả lớp cúi đầu xuống, và ông bắt đầu cầu nguyện cho tất cả mọi người. 

.

Những điều cầu xin có lúc rất buồn cười, ví dụ: Ngày mai là ngày chúng con đi picnic, xin trời nắng ráo, đừng mưa! Vì vậy mà đối với anh chàng học sinh đi học nhạc kia thì 15 phút cầu nguyện trước giờ học là 15 phút chán ngấy, anh chẳng tin gì hết! Vậy mà ông thầy vẫn tiếp tục làm một cách rất chí thành, rất tinh chuyên!

Một hôm có một nữ sinh vào lớp, khóc nức nở. Cô nói rằng bác sĩ vừa khám phá ra một cái bướu trong óc của má cô, và bác sĩ còn nói là sợ bà ta không sống nổi qua tuần này! Cô khóc sướt mướt rất là tội nghiệp, làm tất cả mọi người trong lớp xúc động! Lúc ấy ông giáo bèn đứng dậy, giương mắt nhìn cả lớp bằng một cái nhìn rất là mãnh liệt, rồi tuyên bố: Trong lớp này có ai không tin vào khả năng cứu chữa của Thượng đế thì đi ra hành lang đứng, tại vì chúng tôi sẽ cầu nguyện cho má của cô nữ sinh này. Sau khi cầu nguyện xong thì tôi sẽ cho người ra đón các vị vào lại! Anh chàng của chúng ta định đứng dậy đi ra, tại vì anh không tin gì vào sự cầu nguyện cả. Nhưng không  biết tại sao anh lại không đủ can đảm để đi ra, nên anh ngồi nán lại. 

.

Ông giáo yêu cầu mọi người cúi đầu xuống, và ông bắt đầu cầu nguyện. Lời cầu nguyện tuy ngắn gọn nhưng giọng ông lại rất hùng tráng. Trong tư thế cúi đầu, chắp tay, và khép mắt, ông nói rằng:  Chúng con xin cám ơn Thượng đế chữa lành cho má cô Nancy ngay trong giờ phút này. Nhân danh Chúa Ki-tô, Amen! (Lord! We thank you for healing Nancy's mother right now. In the name of Jesus Christ, Amen!) 

.

Hai tuần sau người ta báo tin rằng bà má của Nancy đã lành bệnh.  Bác sĩ rọi kiếng, làm scanner và thấy không còn một dấu tích tối thiểu nào của cái bướu ngày xưa nữa. Đúng là một phép lạ! Bà lành lập tức chứ không trải qua một thời gian trị liệu nào hết! 

.

Lúc đó anh chàng sinh viên của chúng ta mới bắt đầu tin vào khả năng cứu chữa của Thượng đế. Anh tin vào sự linh ứng của việc cầu nguyện, và anh bắt đầu cầu nguyện cho ông thầy dạy nhạc của mình. Anh đã cầu nguyện với tất cả tâm thành, tại vì chuyện chữa lành cho bà mẹ của Nancy là một phép lạ mà anh đã chứng kiến. Anh cầu nguyện với tất cả trái tim anh cho sức khỏe của ông thầy dạy nhạc. Nhưng một năm sau thì ông giáo qua đời! 

Như vậy có nghĩa là, để trả lời cho nghi vấn thứ nhất, ta có thể nói rằng cầu nguyện có khi thành công, có khi không thành công. 

.

Câu hỏi thứ hai được đặt ra là tại sao cầu nguyện có khi thành công, có khi không thành công? 

.

Câu hỏi thứ ba: Nếu Thượng đế đã an bài như vậy rồi, thì cầu nguyện làm gì nữa? Các nhà thần học nói rằng nếu Thượng đế đã muốn như vậy thì cái ý nguyện của Thượng đế sẽ thành tựu (Que ta  volonté soit faite) vậy thì ta cầu làm gì nữa? Nếu tất cả đều đã được Thượng đế sắp đặt rồi, ví dụ như người đó đến tuổi đó thì sẽ phải bị bệnh ung thư, thì tại sao ta lại còn cầu nguyện cho mất công? Ngài đã  quyết định rồi mà! 

.

Nghi vấn thứ tư: Nếu cầu nguyện không có kết  quả, có phải là tại đức tin của mình đang yếu kém hay không? Thánh kinh có nói rằng "Nếu đức tin của anh vững chãi thì anh có thể dời một ngọn núi từ chỗ này sang chỗ kia"! 

Vậy thì đức tin của mình lúc nào mới thực sự gọi là đầy đủ, là vững chãi? Đối với câu chuyện chuột chui vào hố sâu của cậu bé trên đây, thì một cậu bé sáu tuổi, quỳ xuống cầu nguyện như vậy, là cậu có một đức tin rất lớn. vậy mà tại sao lần này cậu lại không thành công trong việc cầu nguyện? 

Vậy nếu cầu nguyện mà không có kết quả, thì có phải là do mình không có tình thương hay không? 

Nếu nhìn sâu vào thì ta sẽ thấy tình thương này đôi khi không hẳn là tình thương mình hướng về cho người đó, mà chỉ là một cái ước muốn, ước muốn người đó được sống để cho mình khỏi bơ vơ? Cho nên đó không phải thật sự là tình thương mình dành cho người đó, mà chỉ là tình thương hướng về cho chính mình. 

.

Còn một câu hỏi cuối, câu hỏi thứ năm: Người mình cầu nguyện là ai? Thượng đế là ai? Bụt là ai? Bồ tát Quan Thế Âm là ai? Đức mẹ Maria là ai? 

Nói rõ ra, câu hỏi cuối cùng trong vấn đề cầu nguyện: Khi cầu, ta cầu  ai?


 

Tự lực và Tha lực trong Cầu nguyện 

Chúng ta biết rằng khi ta có một đường dây điện thoại, muốn cho điện thoại của chúng ta có thể sử dụng được, thì trong đường dây đó phải có điện. Cũng giống như khi mình sử dụng máy quạt, tủ lạnh, hay bóng đèn, thì trong dây điện phải có dòng điện chạy qua. Sự cầu nguyện cũng vậy. Trong lúc cầu nguyện phải có một năng lượng. Năng lượng đó là đức tin, là tình thương yêu. Nếu cầu nguyện mà không có năng lượng của đức tin và của tình thương thì cũng giống như một đường dây không có điện, hành động cầu nguyện sẽ không  đưa tới một kết quả nào hết. 

.

Trong đạo Bụt, chúng ta có danh từ tụng kinh. Tụng kinh có nghĩa là ôn lại, đọc lại những lời Bụt dạy. Có khi chúng ta tụng một mình, có khi chúng ta tụng với tăng thân. Có khi chúng ta tụng thầm, có khi chúng ta tụng thành tiếng. Có lúc trong khi tụng, ta có năng lượng của chánh niệm, của đức tin, của tình thương. Có lúc chúng ta tụng như những con vẹt, chỉ để ý đến âm điệu ngân nga của câu kinh tiếng kệ, mà không để ý gì đến nghĩa lý của lời kinh. 

.

Một vài câu trong bài Đệ tử kính lạy, một bài tụng rất phổ biến ở Việt-nam, mà Phật tử người lớn cũng như các em trong Gia đình Phật tử đều thuộc lòng: 

.

Đệ tử lâu đời lâu kiếp, 

Nghiệp chướng nặng nề, 

Tham, giận, kiêu căng, 

Si, mê, lầm, lạc, 

Ngày nay nhờ Phật, 

Biết sự lỗi lầm, 

Thành tâm sám hối. 

.

Đó là một lời cầu nguyện hay không phải là một lời cầu nguyện?  Không, đây mới chỉ là một sự soi chiếu, một sự soi gương để có được tuệ giác về sự thật đã xảy ra cho mình. Đệ tử lâu đời lâu kiếp, Nghiệp chướng nặng nề, Tham, giận, kiêu căng, si, mê, lầm, lạc. Và nay nhờ ánh sáng từ bi của Bụt mà mình thấy được những vụng dại và lỗi lầm đó, rồi mình quyết tâm sẽ không tiếp tục làm như thế nữa. Đó mới chỉ là một sự thực tập. 

Thề tránh điều dữ, Nguyện làm việc lành. Những câu này là để ghi nhận rằng nhờ thấy được giáo lý của Bụt người hành giả nguyện áp dụng giáo lý ấy vào cuộc sống. Kế đến mới là lời cầu nguyện: 

.

Ngưỡng trông ơn Phật, 

Từ bi gia hộ, 

Thân không tật bệnh, 

Tâm không phiền não. 

.

Tu tập cũng như cầu nguyện, là để cho hai mặt của sự sống của mình là thân và tâm đều được an lành. Nhưng muốn Thân không tật bệnh, Tâm không phiền não là để làm gì? Không phải để chạy theo dục vọng, mà để:

.

Ngày ngày an vui, 

Tu tập phép Phật nhiệm mầu, 

Để mau ra khỏi luân hồi. 

.

Ta cầu nguyện như vậy đó. Cầu cho thân không tật bệnh, tâm không phiền não, là để hàng ngày có thể an vui tu tập phép Bụt nhiệm mầu mà thoát khỏi luân hồi; tu tập để đạt tới sự minh tâm kiến tánh mà độ thoát cho mọi loài chúng sanh. Đó là một lời đại nguyện. 

.

Bài Đệ tử kính lạy là một bài tiêu biểu cho tinh thần cầu nguyện của đạo Bụt. Cầu nguyện nhưng tất cả đều căn cứ trên sự hành trì tu tập của mình. Y vào tự lực nhưng cũng y vào tha lực, tại vì ta biết rằng nếu không có tự lực thì tha lực cũng không có. 

Ranh giới giữa tự và tha là cái mà mình phải quán chiếu. Chỗ nào là chỗ chấm dứt cái tự, và chỗ nào là chỗ bắt đầu của cái tha? Đó là một câu hỏi rất lớn, trong đạo Bụt, có thể câu hỏi đó (Đối tượng của cầu nguyện là ai?) là câu hỏi căn bản.

.

Trong truyền thống tu tập của người Phật tử, mỗi khi chắp tay lại trước đối tượng của sự lễ bái, chúng ta phải quán chiếu để biết mình là ai, và người ngồi hoặc đứng trước mặt mình mà mình sắp lạy là ai. Trước hết ta phải thấy giữa hai ta có liên hệ gì với nhau, giữa ta với Bụt có liên hệ gì với nhau, rồi ta mới nên lạy xuống. 

.

Nếu anh tưởng rằng Bụt là một thực tại hoàn toàn biệt lập với anh, không dính líu gì tới anh cả, anh đứng ở dưới này, còn Bụt ngồi ở trên kia, rồi anh lạy xuống, thì cái lạy của anh không đúng chánh pháp, tại vì cái lạy của anh căn cứ trên một tà kiến gọi là Ngã. Bụt có một cái ngã riêng biệt, hoàn toàn khác với anh, và anh có một cái ngã riêng biệt hoàn toàn khác với Bụt. Cái lạy đó là một cái lạy mê tín!

.

Trích Hiệu lực cầu nguyện của Thích Nhất Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét