Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Sức mạnh của lời nói

 

SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI

Lời nói có một sức mạnh khôn lường, có thể làm ta vui, ta buồn, làm ta đau đớn tuyệt vọng hoặc hài lòng và cũng nhiều khi, một lời nói vô ý có thể giết chết một con người. Vì thế, hãy biến lời nói thành hạt giống, gieo vào lòng người nghe thanh âm ngọt ngào để thế giới này tốt đẹp hơn…

Sau đây là 2 câu chuyện như thế:

Câu chuyện 1: “Chị Hai à, em sau này cho dù có chết đói cũng quyết không làm việc này nữa!”

Nữ tài xế taxi Tiểu Vương gặp phải một tên cướp, cô liền lấy tất cả số tiền có trên người giao cho tên cướp và nói: “Hôm nay tôi chỉ kiếm được một ít như này, nếu như cậu chê ít, tôi sẽ đem hết mấy đồng tiền lẻ ra đưa cho cậu nhé!”

Thấy chị tài xế thoải mái dễ dàng như vậy, tên cướp có chút sững sờ, Tiểu Vương nói tiếp: “Nhà cậu ở đâu? Để tôi đưa cậu về nhà nhé, đã muộn như này rồi, người nhà cậu sẽ lo lắng lắm đấy!”

Sự quan tâm của chị tài xế, khiến cho tên cướp thu hồi con dao nhọn lại. Thấy không khí có vẻ hòa hoãn, Tiểu Vương không để mất thời cơ mà dẫn dắt tên cướp: 

“Gia đình tôi trước đây cũng khó khăn lắm, sau này tôi theo người ta học lái xe, rồi làm nghề này. Mặc dù không kiếm được nhiều tiền, nhưng cuộc sống cũng không đến nỗi tệ.

Cậu là một nam tử hán, tứ chi khỏe mạnh, làm một chút việc gì đó có phải tốt hơn không, lại đi vào con đường này làm gì để cả đời này bị hủy hoại à!”

Khi đến chỗ kẻ cướp muốn xuống, Tiểu Vương lại nói: “Tiền của tôi cho coi như để giúp đỡ cậu, hãy dùng nó làm một chút việc đúng đắn, sau này đừng lại làm cái việc không ra người này nữa nhé”.

Suốt quãng đường đi, tên cướp không nói một lời nào, vậy mà đột nhiên khóc to thành tiếng, lấy hết số tiền nhét vào tay Tiểu Vương và nói: 

“Chị Hai à, em sau này cho dù có chết đói cũng quyết không làm việc này nữa!”

Câu chuyện 2: Một câu nói vô tình tác động đến cả cuộc đời một người thanh niên

Nhà văn Đài Loan – Lâm Thanh Huyền hồi còn là học sinh cấp hai, học lực và hạnh kiểm của ông đều là xếp loại kém, còn nhớ ông có hai lần mắc lỗi nghiêm trọng và hai lần lỗi nhẹ, cho nên đã bị lưu ban, thậm chí còn bị đuổi ra khỏi ký túc xá của trường.

Rất nhiều thầy cô đã không còn hi vọng gì vào ông, nhưng thầy giáo dạy văn Vương Vũ Thương lại không hề ghét bỏ ông, thường hay đưa ông về nhà ăn cơm, khi thầy bận việc phải nghỉ, còn bảo Lâm Thanh Huyền mang bài lên lớp cho các bạn.

Thầy giáo Vương nói với Lâm Thanh Huyền rằng: “Thầy đã dạy học 50 năm, liếc mắt đã nhận thấy con là một học sinh có tài năng”.

Những lời nói này đã khiến cho Lâm Thanh Huyền vô cùng cảm động và bị chấn động sâu sắc trong lòng.

Để không phụ lòng nỗi khổ tâm của thầy giáo, ông từ đó về sau nỗ lực cố gắng, quyết tâm làm một người có ích cho xã hội.

Quả nhiên, mấy năm sau, Lâm Thanh Huyền đã trở thành một phóng viên, trong một bài báo viết về tên tội phạm trộm cắp, ông cảm thấy tên trộm này có một tư duy rất tinh tế, thủ pháp gây án rất tinh vi tỉ mỉ, sau cùng không kìm được lòng mình ông đã viết ra rằng: 

“Một tên trộm với tư duy tinh tường, thủ pháp khéo léo và một tác phong đặc biệt như vậy, nếu hắn làm bất luận việc gì cũng sẽ đều có thành tựu”.

Ông không từng nghĩ, một câu nói vô tình chỉ thuận tiện mà nói ra như vậy, lại ảnh hưởng đến cuộc đời của một thanh niên. Hai mươi năm sau, tên trộm năm đó đã lột xác, hắn đã làm lại từ đầu, trở thành một vị chủ doanh nghiệp có chút tiếng tăm.

Trong một lần bất ngờ gặp Lâm Thanh Huyền, ông chủ doanh nghiệp này đã chân thành nói:

Bài viết đặc biệt của Lâm tiên sinh ngày đó đã thắp sáng lên điểm mù trong cuộc đời tôi, nó khiến tôi nghĩ rằng, ngoài việc làm tên trộm ra, tôi còn có thể làm được việc đúng đắn”.

Theo daikynguyenvn.com

Triết lý kinh doanh hiện đại

TRIẾT LÝ KINH DOANH HIỆN ĐẠI: TẬP TRUNG VÀO KHÁCH HÀNG

Chip Bell – một nhà tư vấn về sự trung thành của khách hàng nói rằng ông thường xuyên gặp trường hợp các nhà lãnh đạo than thở rằng “Chúng tôi đã đánh mất khách hàng của mình” hoặc “Chúng tôi quên mất ai thực sự là người trả lương cho chúng tôi”.

 

Neiman Marcus, người sáng lập Stanley Marcus, nói rằng: “Một thị trường không phải là người mua hàng của tôi, mà các khách hàng mới là người biến tôi thành người đàn ông giàu có.”

 

Các công ty có mức độ tập trung vào khách hàng cao như Ritz-Carlton, Amazon, Chick-fil hay USAA họ đã làm những gì?

 

Dưới đây là bốn hành động sẽ thay đổi cách tiếp cận, giúp doanh nghiệp không chỉ tập trung vào yêu cầu trực tiếp của khách hàng, mà còn biết cách đáp ứng những niềm hy vọng ẩn giấu của họ.

1. Học hỏi từ những người xung quanh

Thị trưởng của Santa Clarity, Bắc Los Angeles, ông biết các cuộc khảo sát sẽ không mang lại kết quả như mong muốn khi ông muốn biết điều gì là quan trọng nhất đối với công dân của mình và những điều mà họ phàn nàn. Vì thế, ông đã tổ chức một buổi làm tóc cho toàn thành phố để tìm hiểu sự thật thông qua những cuộc trao đổi gần gũi hơn.


Ai là người thực sự biết về khách hàng của bạn? Đó có thể là những người mà bạn không nghĩ đến. Một tổng giám đốc khách sạn đã tổ chức các buổi họp tập trung hàng quý với các tài xế taxi, những người đã xuất hiện xung quanh khách sạn của mình để đưa đón hành khách đến sân bay.

Đánh giá của nhân viên bảo vệ về thái độ của một khách hàng quan trọng khi họ rời đi đôi khi có thể mang tính tham khảo nhiều hơn việc thực hiện bốn mươi cuộc khảo sát.

 

2. Trở thành một “chuyên gia về khách hàng”

Trong “Product Development Performance”, tác giả Kim Clark và Takahiro Fujimoto nói đến việc Mazda đã tạo ra một chiếc xe mới có hiệu suất cao cho thị trường Nhật Bản như thế nào.

Bước đầu tiên là tập hợp các nhóm thiết kế, sản xuất, vận chuyển và đưa vào chương trình nghị sự;

Mỗi bước đi này đều được trình bày chi tiết trước hội đồng quản trị. Các thành viên trong nhóm không ngồi trong văn phòng để sàng lọc thông qua các nghiên cứu thị trường.

 

Thay vào đó, trong 6 tháng, Mazda cử họ đến tiếp xúc với những người mà công ty hy vọng sẽ mua chiếc xe này.

Sau đó, họ trở lại với một sự hiểu biết sâu sắc về những gì khách hàng của họ muốn về chiếc xe mới này và họ đã cho ra một kết quả thật sự thay vì chỉ là các kỳ vọng:

 

Với khách hàng mục tiêu, chiếc xe hoàn hảo là một chiếc xe góc cạnh nhưng cũng phải thanh lịch, được xã hội công nhận, lịch sự, mang kiểu dáng thể thao, mạnh mẽ, an toàn, gọn gàng và sáng sủa.

 

3. Đặt mình vào vị trí của khách hàng

Người thợ làm tóc của vợ Chip Bell là Johnny Adair, một người thợ hợp tác dài hạn, nói rằng:

“Tôi thấy những biểu hiện trên khuôn mặt dễ bị tổn thương, bối rối hoặc khó chịu của khách hàng, tôi muốn biết thêm về những gì tôi có thể làm để giảm bớt gánh nặng cảm xúc và thể chất của họ.

 

Trải nghiệm những gì mà họ trải qua để tăng cường sự chú ý của tôi đến những chi tiết nhỏ, từ đó tôi có thể phục vụ họ tốt hơn.

”Điều này không chỉ đơn giản là chú ý đến thế giới của khách hàng để tìm hiểu những gì họ đang được trải nghiệm và làm thế nào để cải thiện nó.

 

Mà việc này giống như thực sự đặt mình vào vị trí của khách hàng, trải nghiệm những gì khách hàng trải nghiệm chứ không chỉ là đơn thuần quan sát họ từ bên ngoài.

 

4. Học hỏi từ chính khách hàng của bạn

Khách hàng ngày nay thay đổi nhu cầu của họ nhanh hơn những gì chúng ta biết. Điều quan trọng là phải dự đoán “nơi khách hàng sẽ đến” bằng cách xác định sâu sắc “nơi họ đang ở”.

Nếu xem khách hàng như mục tiêu thì bất kỳ đơn vị chiến đấu nào cũng phải tìm ra “vị trí” của họ. Bởi vì chúng ta chỉ chiến thắng khi tìm ra mục tiêu của mình đang và sẽ ở đâu.


Tục ngữ Đức có câu: “He who chases two rabbits at once will catch none” (Người nào đuổi theo hai con thỏ cùng một lúc sẽ không bắt được con nào). Các doanh nghiệp nếu tập trung vào quá nhiều mục tiêu cùng một lúc sẽ không thể thành công.

 

Và, khi quyết định tập trung vào khách hàng, các tổ chức phải thực hiện việc này bảy ngày một tuần và năm mươi hai tuần một năm, chứ không chỉ trong một hai tuần triển khai dịch vụ khách hàng nào đó.

 

Nguồn: Forbes

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Không làm gì mà không gì là không làm

 

LÀM VIỆC KHÔNG BIẾT MỆT MỎI KHI ĐƯỢC LÀM ĐÚNG ĐAM MÊ

Một xã hội đang bị cuốn theo guồng quay cơm áo gạo tiền, ai cũng chạy theo miếng ăn cái mặc, ai cũng hiểu phải có làm mới có ăn.

Biết thế nhưng nếu chỉ bồi dưỡng tâm bổ cho cái bụng trong khi lại bỏ bê tâm hồn tàn rụi héo úa, có kiếm bao nhiêu tiền làm đầy bụng vẫn không đủ ra vào viện điều trị nội tâm bệnh tật.

Vậy nên, vấn đề cần thiết đặt lên bàn tròn thảo luận là phải làm thế nào để vừa làm việc nuôi no béo tốt cái bụng mà tâm hồn da dẻ vẫn hồng hào.

 

Đa số bạn trẻ hiện nay có xu hướng biến công việc thành kẻ thù. Cũng có người tự biến mình thành một chiến binh dũng mãnh, can đảm từ bỏ công việc hiện tại để lên đường tìm kiếm cho bản thân một chốn khác nơi họ thuộc về. Đó dường như đang là một xu thế thịnh hành trong giới trẻ.

 

Có người giã từ thành phố lên núi tìm ấp lập làng. Có anh kỹ sư lương làm tháng vài nghìn đô vội vã đóng gấp cặp sách, thu xếp hành trang mang hết về quê nuôi heo chăn bò.

Có chị kia tiếng vang đi Đông đi Tây du học, dự đoán là sẽ về nước đầu quân cho công ty ngoại quốc với lương bổng đáng thèm thuồng, giờ lại nghe tin đang ở quê may vá thêu thùa bán sản phẩm kiếm miếng ăn qua ngày.

 

Xã hội ngơ ngác trước quyết định của những người điên rồ. Bạn có bao giờ đặt dấu chấm hỏi cho tất cả sự lựa chọn đó? Điều gì đó đã nung nấu tâm can và lòng khát khao muốn được sống trong họ? Điều gì đã khiến những chiến sĩ tri thức tạ từ những cuộc viễn chinh? Thú nhận đi bạn chưa bao giờ mong muốn từ bỏ tất cả để trở về sống đời yên bình thảnh thơi như họ?

 

Nhưng bạn chỉ luôn nhìn thấy được một bên của đồng xu khi vung tay thảy lên trời. Mặt còn lại chôn giấu rất nhiều ẩn tích bạn không nhận ra.

Bạn không thể sống một cuộc đời như những người bạn trông thấy. Bởi bạn không phải là họ, hoàn cảnh sống của bạn khác họ, bạn có những gánh nặng đang phải mang vác trên vai… Với những dự án vẫn chưa được giải quyết. Lịch gặp đối tác khách hàng vẫn dày đặc không có chỗ trống.

 

Bạn thực sự mệt mỏi với đống công việc ngổn ngang. Thỉnh thoảng bạn có nhìn vào không trung rồi ném vào nó mấy câu đại loại như tại sao mình phải cật lực vắt kiệt sức với công việc thế này.

Khi bạn bắt đầu chán ngán công việc hiện tại, điều đầu tiên bạn cần làm là cảm nhận vào sâu bên trong bạn để tìm kiếm đâu mới là nơi bạn thuộc về, đâu là công việc bạn thực sự muốn làm.

 

Bạn có thấy những bậc vĩ nhân, những thiên tài, tại sao họ có thể ngủ ba bốn tiếng một ngày, thậm chí không tiếng đồng hồ một ngày, cắm đầu cắm cổ làm việc nhưng không bao giờ thấy chán? Vì đó là công việc họ yêu thích. Họ làm vì đam mê nhiệt huyết, họ không làm vì gánh nặng, không vì trách nhiệm, không làm việc trong sự gượng ép.

 

Vâng, có một cách làm việc khác mà như không làm nhưng lại mang đến cảm giác tích cực vô cùng. Đó là làm công việc mình yêu thích đến nỗi lãng quên nhận thức mình đang làm rất hăng say, làm quên ăn quên ngủ.

 

Nhưng đừng manh động lật đật chạy về nhà viết giấy ký tên vào đơn xin nghỉ việc khi vẫn còn đang băn khoăn trong chính cái sự đi tìm niềm đam mê mình yêu thích. Bạn cần hiểu rõ trái tim mình đang hướng về ngọn gió nào trước, mạnh mẽ đặt bước chân đầu tiên lên con đường tiến gần niềm yêu thích đó, dù nó có điên rồ và ngớ ngẩn.

 

Bạn phải là những con mắt luôn tìm kiếm tiếng gọi cuộc đời mình, chứ không phải là hèn yếu chấp nhận sống dung hòa với kẻ thù địch. Đó sẽ là một quá trình gian nan vô cùng và bạn phải mất rất nhiều thời gian. Nào, hãy dũng cảm đối diện với trận chiến của bạn, cho những đam mê trong bạn.

 

Đừng che giấu sự hèn yếu của bản thân dưới bộ đồng phục đó nữa. Nếu lỡ những đam mê trong bạn phải chịu cách thất trận, thì ít ra lòng liêm khiết chân thật trong bạn cũng hát vang bài ca chiến thắng. Đã sống hết mình thì có gì gọi là hối tiếc.

Điều gì đó mình phải trải qua mà không phải là phần số đã được lập trình sống trong kiếp sống của chính mình.

 

Chúng ta phải yêu đam mê như một vũ khí mà chúng ta sẽ dùng nó để chiến đấu với cuộc sống. Tôi không khuyên các bạn bỏ bê công việc sự nghiệp của các bạn, tôi chỉ nói rằng bạn phải đi đến đó bằng một phương tiện khác phù hợp với bạn hơn.

 

Người ta chỉ có thể làm việc hăng say không biết chán chê mệt mỏi khi được làm đúng đam mê của họ, làm việc với những thứ mà họ sẽ không phải cãi cọ lăng nhăng với tâm trí mình mỗi ngày. Bạn phải hiểu rằng những ngày làm việc mệt mỏi chán chường sắp đi qua, một đam mê thích đáng sẽ thánh hóa tất cả u sầu ủ dột.

 

Không phải là một ai khác, chỉ có bạn mới cứu thoát nạn nhân đang là chính bạn. Và hãy luôn nhớ lời Lão Tử đã dạy “Vô vi nhi vô bất vi” có nghĩa “Không làm gì mà không gì là không làm.”

Theo triethocduongpho.net