Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Làm thế nào để không quên những gì đã học


Mục đích của việc đọc các thể loại sách và blog trên trời dưới biển là gì nếu chỉ vài giờ sau bạn đã quên đi gần hết nội dung của nó?

 Lý do chúng ta luôn học trước quên sau …
Nhiều sinh viên dành cả kỳ học lao vào nhiều môn học khác nhau và đầu tư hàng giờ liên tục để đọc tài liệu, chỉ để quên sạch trong vài giờ sau khi kết thúc kỳ thi cuối cùng.

Nhà tâm lý học người Đức, Hermann Ebbinghaus, đã khám phá ra đường cong quên lãng – một khái niệm đưa ra giả thuyết về sự suy giảm khả năng ghi nhớ theo thời gian.

Đường cong quê lãng Ebbinghaus, theo đó thì chỉ sau 1h, chúng ta quên đến hơn 1/2 thông tin thu nạp. Và sau 1 tuần, chúng ta chỉ còn có thể nhớ khoảng 20%.

Đường cong quên lãng có độ dốc lớn nhất trong ngày đầu tiên, vì vậy nếu bạn không xem lại những gì đã học, thì khả năng cao là bạn sẽ quên gần hết thông tin và trí nhớ của bạn về nó sẽ tiếp tục giảm trong các ngày tiếp theo, cho đến cuối cùng thì chỉ còn sót lại vài mẩu thông tin rời rạc.

Trên tờ The Atlantic đã bàn về việc gia tăng thời gian sử dụng internet ảnh hưởng đến bộ nhớ của chúng ta theo hướng bất lợi.
Trong thời đại Internet, trí nhớ triệu hồi – khả năng bật ra một cách ngẫu nhiên thông tin có trong đầu bạn – trở nên ít cần đến. Nó vẫn có ích trong trò chơi hỏi đáp, hoặc ghi nhớ danh sách việc cần làm, song ở mức độ rộng hơn, Horvath nói, thứ được gọi là trí nhớ nhận diện quan trọng hơn. “Vậy nên miễn là bạn biết thông tin đó nằm ở đâu và cách thức để tiếp cận nó, thì bạn không cần phải nhớ nó làm gì,”

Học “tức thời” đang trở nên ngày càng phổ biến vì sẽ hiệu quả hơn, khi tìm kiếm thông tin bạn cần ngay lập tức thay vì lưu trữ những thông tin có thể hữu ích sau này. Kiến thức sâu không còn được đánh giá cao nữa – những thông tin nông, nhanh gọn và thiết thực lại hiệu quả hơn trong thực hiện công việc.
Chính bởi vì ta biết mình có một trí nhớ mở rộng, do vậy ta đặt ít nỗ lực vào việc ghi nhớ và thấu hiểu trọn vẹn các khái niệm và ý tưởng mà mình học.

Trong bài viết “Chứng rối loạn đọc marathon”trên tờ The Morning News, Nikkitha Bakshani phân tích ý nghĩa của thống kê này. “Đọc là một từ tinh tế,” bà viết, “song kiểu đọc phổ biến nhất lại là đọc theo hướng tiêu thụ: nơi chúng ta đọc, đặc biệt là trên internet, chỉ đơn thuần là thu thập thông tin. Những thông tin không thể trở thành kiến thức nếu như không “đọng lại”.

Chúng ta không thật sự đọc để học. Ta chỉ cảm thấy mình đang học gì đó bằng việc đọc và nhận diện từ ngữ trên màn hình. Những thông tin đó chưa phải là kiến thức, nhưng ta tự lừa mình tin rằng những gì đã vào trong đầu ta thì sẽ ở đó mãi mãi.

Nếu bạn đang nghiên cứu cho một bài kiểm tra hay cố gắng học một công thức/khái niệm phức tạp, hãy liên tục quay trở lại với thông tin đó. Mỗi lần quay lại với chủ đề mà bạn đang nỗ lực để hiểu, thì bạn càng củng cố ý tưởng đó vào bộ nhớ dài hạn của mình.

Hãy dành ra một vài giờ và cố gắng nhớ lại mà không nhìn vào bất cứ tài liệu nào. Nếu thấy vướng mắc, hãy đọc lại công thức/khái niệm đó và cố gắng nhớ lại một lần nữa trong vài tiếng sau.
Càng luyện tập nhiều bạn càng có khả năng lưu giữ và nhớ lại trong tương lai.

ST


Thứ Hai, 2 tháng 3, 2020

Giáo dục con cái ở lứa tuổi thanh thiếu niên



Đa số chúng ta trong cuộc sống phải đảm nhận rất nhiều vai trò khác nhau, nhưng không có vai trò nào khó hơn và quan trọng hơn vai trò làm cha, làm mẹ của con cái ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 13 đến 19 tuổi – cái lứa tuổi “teenagers” mà khi nghe nhắc đến mọi người điều nhăn mặt, lắc đầu chịu thua! Những đứa con ngoan ngoãn, thuần tính, thích được lòng cha mẹ tự nhiên biến mất.

Có những bậc cha mẹ thì nhất quyết muốn uốn nắn con theo ý mình và truyền thống của gia đình. điều này thường gây ra sự xung đột và căng thẳng trong gia đình. Như vậy thì phải làm thế nào?

Trong thực tế có nhiều phương pháp giáo dục có hiệu quả tùy những hoàn cảnh và đối tượng, nhưng dưới đây là một phương pháp khá phổ biến:

Thuận Theo Chiều Gió
Bạn nhìn những chiếc thuyền buồm căng gió chạy trên mặt nước, nó lướt nhẹ nhàng, vượt trên những đợt sóng, và tiến tới đích. Người lái thuyền buồm dựa trên các định luật vật lý căn bản để xoay cánh buồm theo chiều gió, lái mũi thuyền theo dòng nước và giữ cho thuyền luôn di động. Người lái thuyền luôn luôn để ý đến những nguyên tắc trên để thích nghi với các yếu tố trong thiên nhiên, ứng dụng môi trường mình đang có để đi đến đích.

Hướng dẫn con cái ở tuổi thanh thiếu niên cũng như điều khiển một chiếc thuyền buồm. Cuộc đời con cái chúng ta khi nào cũng đi tới, cũng có sự đổi thay. Dòng nước cuốn và cơn gió thổi là những gì đang xảy ra trong cuộc sống của con . Chiếc thuyền buồm cuộc đời các con đang di động. Chúng ta không thể bắt thuyền quay về hướng chúng ta đã định cho con một cách gắt gao.

Khi thấy con đi sai hướng, hãy nhìn hướng gió, dòng nước và điều chỉnh từ từ. Có thể con thuyền sẽ đi lâu hơn mới về tới đích, nhưng nếu tiếp tục điều chỉnh và hướng theo chiều gió, rồi nó sẽ đến đích. Điều quan trọng là không để mặc con thuyền trôi dạt không định hướng hay quặt tay lái bắt đổi hướng bất thình lình. Cả hai phương cách có thể làm con thuyền lạc hướng hoặc lật đổ rồi chìm luôn. Làm cha, làm mẹ, chúng ta là người lái thuyền buồm – cần sự uyển chuyển và kiên nhẫn cũng như cần quan sát, để ý, và nhận thức ngoại cảnh và các yếu tố ảnh hưởng chung quanh đời sống của con. Thuận buồm, xuôi gió, thuyền sẽ đến đích! 


Một câu chuyện có thật phản ảnh nguyên tắc trên: Một gia đình có cô con gái học rất giỏi và rất được bạn bè cùng thầy cô yêu quý.  được bầu là vinh danh tại trường trung học và được chọn là “prom queen” của năm lớp 10.  tham dự rất nhiều sinh hoạt của trường và có nhiều bạn.

Ở lứa tuổi này, em rất gần và trung thành với nhóm bạn của em, cả trai lẫn gái. Khi lên lớp 11, em hay đến nhà bạn chơi hay đi theo những sinh hoạt ở lại qua đêm do trường tổ chức. Dần dần mối liên hệ mật thiết với bố mẹ của em bị giảm đi. Mặc dầu em vẫn duy trì sự lễ phép trong gia đình và chuyên cần trong việc học, em ít tâm sự với bố mẹ như lúc trước.

Những buổi họp mặt gia đình họ hàng bắt đầu vắng bóng em vì em bận học và bận tiếp xúc với bạn bè cùng lứa. Một vài lần, bố mẹ đã phải hốt hoảng lấy xe chạy đi khắp nơi tìm em vì đã quá nửa đêm không thấy em về. Đến khi về nhà, em thản nhiên giải thích là em đến nhà bạn chơi, nói chuyện và ngủ quên ở đó. Bố mẹ bắt đầu gạn hỏi em rõ hơn về những người bạn em thường giao du. Em thú thật với bố mẹ là đám bạn của em là những người em đã từng quen biết lâu năm từ bậc tiểu học, bây giờ có những bạn đã vào băng đảng, đã từng bị bắt và bị tù. Tuy nhiên, đối với em, những người này vẫn là bạn thân thiết của em.

Bố mẹ em hoang mang. Tục ngữ ca dao ta có câu, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng,” nên bố mẹ khuyên em nên tìm bạn mới. Em trả lời là những người bạn này cần em hơn lúc nào hết vì họ đang gặp khó khăn. Bố mẹ băn khoăn nhưng hiểu là nếu cấm thì dễ dàng tạo sự xung khắc và hai bên không còn trao đổi tâm sự được nữa. Một mặt khác, tâm lý tuổi thanh thiếu niên, điều gì càng cấm càng có hấp lực mạnh hơn. Bố mẹ em đành phải thuận theo vì không có cách nào hơn.

Từ đó, thỉnh thoảng bố em tìm cách hỏi thăm về những người bạn này, nhất là những người đang ở trong tù. Một hôm, em xin tiền bố mua quà vào tù thăm bạn thì không những bố em vui vẻ cho tiền mà còn sẵn sàng chở em vào tù thăm bạn. Từ đó thỉnh thoảng bố đi cùng em vào tù thăm những người bạn trong băng đảng của em. Trong thời gian này, em tiếp xúc với đủ hạng người và bắt đầu chứng kiến những sự kì thị và bất công trong xã hội nên có những lúc em chán nản và bỏ nhà theo bạn một vài ngày cuối tuần mà không cho bố mẹ biết.

Bố mẹ đau khổ nhưng không tỏ thái độ ruồng bỏ hay thất vọng khi em trở về mà nhẹ nhàng khuyên nhủ em đừng nên vì quá lo cho bạn bè mà xao lãng chuyện học. Bố mẹ tiếp tục thay phiên chở em đi học buổi sáng và thỉnh thoảng cùng ghé vào nhà thờ cầu nguyện trước khi đến trường. Năm lên lớp 12 trung học, em bắt đầu ý thức sự khác biệt giữa em và bạn bè. Em bắt đầu hiểu là mọi người điều có cơ hội và trách nhiệm trong cuộc sống. Em không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi những người bạn kia nữa và dần dần tập trung vào sinh hoạt ở trường và cuộc sống gia đình trở lại. Cuối năm, khi ra trường trung học, em đạt được điểm cao và lên đại học hệ thống U.C. dễ dàng. Mỗi khi nghĩ lại khoảng thời gian ấy, bố mẹ em còn rùng mình hãi hùng tưởng chừng như còn cơn ác mộng!


Chính nhờ sự uyển chuyển và biết hướng dẫn con thuận theo chiều gió và điều chỉnh từ từ mà cơn ác mộng ấy đã không thành sự thật. Ngày nay, cô con gái đó là một cô giáo trung học thành công vì em biết và hiểu tâm trạng của học sinh mà em đang dạy. Nhờ sự hướng dẫn khôn khéo và tình thương yêu vô bờ bến của bố mẹ, em trở thành người hữu dụng và được những kinh nghiệm khó khăn của tuổi mới lớn để giúp người khác.

vui chơi dân dã thời dịch cúm corona

Hôm nay chủ nhật các em trong khu dân cư nhà mình không được các mẹ dẫn đi chơi như trước đây vì cảnh giác với dịch cúm corona nên các mẹ xúm nhau lại tổ chức cuộc chơi vui vẻ.