Chủ Nhật, 6 tháng 11, 2016

Tính sĩ diện


Ngoại trừ những người phải làm chuyện sai trái do bắt buộc, còn lại đa số chúng ta làm điều đó vì sĩ diện. Nếu để ý ta sẽ thấy, sự sĩ diện chi phối rất nhiều hoạt động hàng ngày của mỗi chúng ta.
Người Mỹ có câu “Một trong những điều quan trọng là việc người khác nhìn mình như thế nào”. Họ đã tổng kết ra rằng, rất nhiều các suy nghĩ và hành động hàng ngày của mỗi chúng ta là để thỏa mãn tính sĩ diện.
Ai cũng muốn mình đẹp hơn trong mắt người khác. Điều này không có gì sai trái cả. Nhưng nếu muốn đẹp quá giá trị của mình, đẹp hơn những gì mình có, là đã mắc vào bệnh sĩ diện. Người mắc phải bệnh này sẽ không bao giờ được yên.
Đẹp hơn trong mắt người khác là một nhu cầu chính đáng. Nhu cầu này thôi thúc chúng ta hành động, phấn đấu… Nhưng mắc vào bệnh sĩ diện thì lại rất tai hại. Hại cho bản thân, hại cho gia đình, và xã hội.
Người sĩ diện không bằng lòng với những gì mình có. Luôn tìm đủ mọi cách để nâng cao giá trị bản thân. Người ta nói dối vì sĩ diện, làm những điều sai trái vì sĩ diện, tiêu xài hoang phí vì sĩ diện.
Nói dối để nâng cao giá trị bản thân. Mua chiếc xe mới, dù xe cũ đang còn tốt. Xây nhà mới, đập nhà cũ còn tốt… Là những biểu hiện của người mắc bệnh sĩ.
Người ta làm điều sai trái để thăng tiến hay trục lợi, lãng phí để lấy danh tiếng là vì muốn mình là người quan trọng, muốn đẹp trong mắt người khác, chứng tỏ là mình chịu chơi, đẳng cấp… Sĩ diện ở cấp độ này tai hại hơn nhiều, nhất là đối với những cán bộ lãnh đạo.
Vậy ta có thể thấy, sĩ diện là một bệnh của xã hội. Khi mắc phải bệnh này người ta nói dối, làm việc sai trái và lãng phí vì đã rơi vào một cuộc đua không có hồi kết. Trong cuộc đua đó, không bao giờ họ được yên ổn.
Những người không mắc, hay “chữa” được bệnh sĩ diện hài lòng với bản thân, chấp nhận hoàn cảnh của mình, không sa vào những cuộc đua “hơn thua” phù phiếm. Cuộc sống của những người này luôn bình yên, thanh thản.
Nguyên nhân sâu xa của sự sĩ diện là bản chất xã hội thiếu sự minh bạch thông tin. Những quy chuẩn của phát triển mập mờ, tạo cho con người dễ đội lốt dưới mọi hình thức trong ứng xử với cộng đồng.
Và điều quan trọng cuối cùng là, từ cổ chí kim, tất cả những giá trị tốt đẹp của loài người đều được tạo ra từ những người thành thật.


Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Triết lý sống của Mahatma Gandhi


Triết lý sống của Mahatma Gandhi

Tinh thần phản kháng bất bạo động của Gandhi không chỉ dẫn dắt Ấn Độ đi tới độc lập, thoát khỏi sự đô hộ của Anh mà còn truyền cảm hứng cho những phong trào đòi quyền công dân và tự do trên khắp thế giới.

Khi Gandhi qua đời, gia tài vật chất của ông không có gì; nhưng hình ảnh cụ già ở chung với giới nghèo khổ, che mảnh vải thô kiểu ‘hạ nhân’, cầm cây gậy đuổi thực dân Anh luôn luôn in rõ trong óc người dân Ấn.

Gia tài tinh thần của ông với tư tưởng bất bạo động trở thành một tư tưởng quý báu trong kho tàng văn hóa của nhân loại.

Những triết lý sống bất hủ của Mahatma Gandhi
1. Quy luật của cuộc sống là không ngừng vận động và phát triển. Nếu cứ luôn đi theo những giáo lý sáo rỗng chỉ để chứng tỏ bản thân kiên định thì bạn sẽ chỉ chuốc lấy thất bại.
2. Quyền lực có hai dạng. Một sinh ra từ nỗi sợ hãi bị trừng phạt và một sinh ra từ những hành động yêu thương. Quyền lực dựa trên tình yêu hàng nghìn lần hiệu quả và lâu dài hơn quyền lực dựa trên sự sợ hãi.
3. Sự vĩ đại của con người không nằm ở khả năng tái tạo thế giới mà ở khả năng tái tạo chính bản thân mình.
4. Niềm tin... phải được gia cố bằng lý lẽ... khi niềm tin mù quáng, nó sẽ chết đi.
5. Sự trả thù chỉ khiến thế giới trở nên tăm tối.
6. Con người chỉ là sản phẩm của cách mình suy nghĩ. Anh nghĩ gì, anh sẽ trở thành cái đó.
7. Tương lai phụ thuộc vào điều chúng ta làm trong hiện tại.
8. Hãy sống như ngày mai anh chết. Hãy học như anh sẽ sống mãi mãi.
9. Cách tốt nhất để tìm thấy chính mình là hy sinh mình vì lợi ích của người khác.
10. Vinh quang nằm trong nỗ lực, không phải kết quả, nỗ lực hết mình là thắng lợi hoàn toàn.
------------
Mahatma Gandhi (1869 – 1948) được xem là một trong những môn đồ Ấn Độ giáo và là những nhà lãnh đạo Ấn Độ vĩ đại nhất, ông còn được nhiều người Ấn tôn kính như một Quốc phụ. 
Ngày sinh của ông, 2 tháng 10, là ngày lễ quốc gia của Ấn Độ. Năm 2007, Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lấy ngày 2 tháng 10 là Ngày Quốc Tế Bất Bạo Động.


Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

Để trí tưởng tượng của trẻ cất cánh


Để trí tưởng tượng của trẻ cất cánh

Trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ cần được bồi dưỡng. Chúng ta không thể giao nhiệm vụ này cho các thầy cô giáo, bởi họ không thực sự chú ý đến điều này.
Trên lớp cô đặt câu hỏi: “Băng tuyết tan ra sẽ thành gì?”. Không ít học sinh trả lời: “Nước”. Nếu có một học sinh nào đó đứng dậy nói: “Băng tuyết tan ra là mùa xuân”, thì sẽ bị cô cho là sai.
Nếu cô hỏi: “Tại sao con mèo rửa mặt?”, mà lũ trẻ đồng thanh đáp: “Vì mèo không bắt được chuột nên thấy xấu hổ”, thì ngay lập tức cũng bị cô phủ định hoàn toàn: “Không đúng, mèo phải rửa mặt là vì trong lông mèo có một chất, khi mặt trời chiếu vào thì sẽ…”.
Trên phương diện kiến thức khoa học, thì câu trả lời của trẻ đúng là ngây thơ, buồn cười, không hợp logic; nhưng đó là những câu trả lời giàu trí tưởng tượng, có tính sáng tạo, hợp với logic tư duy của trẻ. Vậy nên, sự phủ định của giáo viên lúc này là không phù hợp.

Theo Einstein : Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức !


Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Không dám mạo hiểm – không có thành công


Thành công và mạo hiểm luôn đi liền với nhau, những gì đạt được là kết quả của sự dám nghĩ, dám làm, dám mạo hiểm. Đại đa số chúng ta đều không dám mạo hiểm, bởi xã hội vẫn chưa có cái nhìn khoan dung đối với sự thất bại. Mạo hiểm thành công khiến người khác ghen tị, mạo hiểm thất bại khiến người khác chê cười, đây là hiện thực tàn khốc.
Con cua lột xác là để có một chiếc vỏ bảo vệ vững chắc hơn. Một người cả ngày sống dưới bóng của người khác sẽ bị hạn chế sự phát triển của bản thân mình. Không muốn mạo hiểm và tốn thời gian vào việc đi tìm nơi ẩn náu, thì vĩnh viễn chỉ có thể là một con cua kí sinh mà thôi.
Với những người thành công, tiền đề của sự mạo hiểm chính là hiểu rõ khả năng thành công. Trước khi quyết định mạo hiểm, họ không hỏi tỉ lệ thành công, mà luôn hỏi tỉ lệ thất bại. Với họ, không có thứ gọi là mạo hiểm mù quáng, bởi đặt cược càng nhiều, tổn thất càng lớn, khoảng cách đến thành công càng xa.
Chờ đợi mù quáng đồng nghĩa với việc bỏ qua cơ hội thành công, chỉ cần bạn học được cách mạo hiểm đúng lúc và chịu khó suy nghĩ, thành công sẽ đến với bạn!




Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

Bổn cũ soạn lại, Masan dính đòn.

Bổn cũ soạn lại, Masan dính đòn.

Gieo rắc nỗi sợ hãi luôn là công cụ bán hàng tốt nhất của các doanh nghiệp mà trùm sò là Masan. Lần này nỗi sợ hãi đang được hướng đến nước mắm truyền thống và hàm lượng arsen (thạch tín) trong nước mắm đang là tội đồ.
Nhìn lại bê bối thực phẩm với nước tương chứa 3-MCPD gây ung thư trước đây, người tiêu dùng hoang mang là thời cơ vàng cho công ty sản xuất hàng tiêu dùng Masan với lời lẽ sản phẩm Nước tương Tam Thái Tử không chứa 3-MCPD. Đúng như dự đoán, sản phẩm này đã giúp doanh thu của Masan tăng gấp 3 lần, từ 660 tỷ đồng năm 2007 lên 1.992 tỷ đồng năm 2008.
Nước mắm cũng từng được sử dụng làm công cụ thúc đẩy bán hàng cho Masan tương đối thành công. Khoảng cuối thập niên trước, thuật ngữ “nước mắm không có cặn” đã làm cho cục diện thị trường nước mắm xoay chuyển hoàn toàn. Việc đưa ra những thí nghiệm so sánh về hai loại nước mắm có cặn và không có cặn đã đưa nước mắm Nam Ngư, Chinsu của Masan thống lĩnh thị trường tới 60% thị phần.
Tiếp đó sản phẩm mỳ gói “Tiến vua” cũng sử dụng thông điệp quảng cáo không dùng dầu chiên nhiều lần, hay mỳ khoai tây “Omachi” không gây nóng đã một bước đưa ngành hàng này của Masan sở hữu thị phần ở Top trên.
Tương tự, mới đây, sản phẩm của Vinacafe áp dụng cùng phong cách truyền thông điệp của Masan: "tinh khiết hóa". Với tuyên ngôn có vẻ ngây ngô “cà phê phải là cà phê. Từ ngày 1/8 trong mỗi ly cà phê từ Vinacafe là cà phê nguyên chất”, sản phẩm này thực sự gây chú ý.
Giờ đây là "Cuộc chiến nước mắm"
Giờ đây, tranh cãi giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp lại được khơi mào, mà theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, xuất phát từ Masan.
Khởi đầu cuộc chiến là bài báo nêu đích danh Chinsu và Nam Ngư của Masan trong bài viết đặt nghi vấn về nước mắm công nghiệp với 17 phụ gia.
Tiếp sau đó là cuộc khẩu chiến nước mắm, tại đó Masan định nghĩa lại chất lượng nước mắm với thông điệp: Không phải cứ đạm cao thì mới ngon, không phải cứ đạm cao là tốt và không phải cứ muối mặn là sạch. Đồng thời hãng này đề nghị tổng kiểm tra toàn ngành, công bố rộng rãi trong dân chúng, không quên nhắc hàm lượng arsen trong nước mắm.
Ngày 17/10, cùng phụ họa, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố có tới 67% mẫu nước mắm được khảo sát có hàm lượng thạch tín (arsen), và hàm lượng đạm càng cao thì hàm lượng thạch tín cũng cao tương ứng.
Chỉ 3 ngày sau đó, ngày 20/10, một số báo giấy dành một trang quảng cáo cho 2 thương hiệu nước mắm của Masan là Chinsu và Nam Ngư. Thông điệp được gửi đi là: "Chúng tôi luôn tin rằng nước mắm phải ngon, nhưng trước hết phải an toàn".
Việc tạo ra những bê bối thực phẩm trong thời gian này sẽ là đòn bẩy cho kế hoạch marketing hàng Tết. Những sản phẩm mới được tung ra thời điểm này là đúng điểm rơi.

Tuy nhiên ngày nay người tiêu dùng đã khác những năm trước rồi, họ đã thực sự tỉnh táo hơn và không còn bị quảng cáo dơ bẩn dắt mũi nữa. Cơn khủng hoảng nước mắm lần này rất có thể Masan sẽ dính đòn “gậy ông đạp lưng ông” như chiến lược cho sản phẩm hạt nêm trước đây.



Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

Con người có thể hút năng lượng của nhau


Con người có thể hút năng lượng của nhau, bởi vậy nếu cảm thấy khó chịu hay mệt mỏi khi ở gần ai đó, bạn nên ít tiếp xúc với họ, một nghiên cứu khoa học mới đây đã công bố.
Các nhà khoa học Đức đã đặt ra giả thuyết và chứng minh rằng con người có thể hút năng lượng từ nhau, đó là lý do vì sao ở cạnh một số người bạn thấy thoải mái, còn ở người khác lại khó chịu, tất cả là bởi cái gọi là trường năng lượng “tốt” hay “không tốt” từ họ được hút vào bạn.
“Tất cả mọi thứ đều có năng lượng”, đó là tiền đề chính của khoa học và không có gì lạ nếu con người có thể làm biến đổi năng lượng.
Nghiên cứu thú vị này được tiến hành tại Đại học Bielefeld, Đức.
Cơ thể của chúng ta có khả năng hấp thụ các nguồn năng lượng xung quanh, theo bác sĩ chuyên khoa và là thành viên nhóm nghiên cứu tên là Bader Lee. “Đây chính là lí do tại sao có một số người cảm thấy khó chịu khi họ đang ở trong một nhóm người với nhiều năng lượng và cảm xúc hỗn hợp”.
“Cơ thể con người tương tự như cây cối, nó có thể hút, hấp thu năng lượng cần thiết để duy trì trạng thái cảm xúc của mình và tiếp thêm sinh lực cho các tế bào, làm tăng lượng cortisol và catabolize. Lượng năng lượng nhiều hay ít tùy thuộc vào nhu cầu của trạng thái cảm xúc mà bạn đang gặp phải”.
Điều này giải thích tại sao người ta có thể thay đổi tâm trạng từ lo lắng, căng thẳng, giận dữ đến thoải mái, vui sướng, lạc quan… bà Lee nói thêm.
Nhà khoa học cũng nhận định rằng, nhiều thế kỷ qua con người đã đánh mất khả năng kết nối với thiên nhiên – một trạng thái có thể giúp trao đổi năng lượng để mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại.
Nghiên cứu này nhìn nhận tinh thần dưới dạng năng lượng. Đó là cơ sở để giải thích rằng nhiều hiện tượng huyền bí đã xuất hiện khi con người ở tại các trạng thái năng lượng khác nhau.
Theo Peacefulcentury


Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016

TẠO DỰNG SỰ THÀNH CÔNG

1. Trước hết, nếu bạn làm việc gì thì hãy chú tâm vào việc đó và hoàn thành nó đến mức tuyệt đỉnh mà bạn có thể đạt đến, dù đó là bác sĩ, kỹ sư, nhạc sĩ, luật sư, họa sĩ…

Tất cả mọi nghề nghiệp đều là để phục vụ đời, làm cho cuộc đời đẹp hơn. Ta càng có kỹ năng cao trong nghề nghiệp của ta, ta càng phục vụ đời tốt hơn.
Hơn nữa, ta được trời giao cho ta một số tài năng. Nhiệm vụ của ta là phát triển các vốn liếng trời cho đó đến mức tối đa để phục vụ đời.

Bác sĩ Kusuda , đến xin học Thiền với một vị Thiền sư, vị thiền sư nói: “Thiền không phải là việc khó. Nếu anh là bác sĩ, hãy chữa bệnh với lòng nhân ái.” Kusuda thăm vị Thiền sư ba lần. Mỗi lần đều được vị Thiền sư bảo một điều duy nhất. “Bác sĩ không nên tốn thời giờ ở đây. Đi về và chăm sóc bệnh nhân.”

2. Đừng nhầm phương tiện và mục tiêu.
Trên con đường sự nghiệp, có nhiều cuộc thi, giải thưởng, bằng cấp, phần thưởng… Những thứ đó là phương tiện giúp các thí sinh có cơ hội trau dồi và phát triển tài năng. Chúng không phải là mục tiêu, cho nên ta sẽ cố gắng để thắng, đó là để tự trau dồi tài năng của ta. Thắng thì vui, không thắng thì cũng vui. Đừng “chấp” vào thắng thua và các danh hiệu, giải thưởng, dù là dự tranh thì vẫn dự tranh.

3. Đừng nhầm mục tiêu và các phụ phẩm của thành công.
Mục tiêu là phục vụ đời. Phụ phẩm có thể là địa vị, danh tiếng, tiền bạc. Nếu ta xuất sắc trong nghề nghiệp, những thứ đó thường tự nhiên bò đến. Nhưng chúng không thể là mục tiêu của ta. Mục tiêu của ta là phục vụ đời.

Nói tóm lại, ta làm việc chăm chỉ, cực nhọc, để phát triển mọi tài năng ta có đến mức tối đa, là để trả ơn trời đất đã cho ta các tài năng đó, và để dùng tài năng của ta trong việc phục vụ đời. Còn những thứ linh tinh khác—tiền bạc, địa vị, tiếng tăm—là những phụ phẩm của một đời sống nghề nghiệp xuất sắc cho đời. Chúng đến thì đến, chúng đi thì đi, đừng vướng mắc vào đó.