Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

Chiêm nghiệm vận mệnh đời người theo giờ sinh

 

CHIÊM NGHIỆM VẬN MỆNH ĐỜI NGƯỜI THEO GIỜ SINH

Cổ nhân quan niệm rằng, giờ sinh của mỗi người có mối liên hệ và ảnh hưởng tới cuộc đời của người đó, đặc biệt là từ trung niên trở đi. Nó còn đại diện cho mối quan hệ về con cái, nô bộc và sự nghiệp. Vì vậy thông qua giờ sinh người ta cũng có thể dự đoán được phần nào tính cách, vận mệnh của người đó ra sao.

Sinh giờ Tý (23h-1h)

Người sinh giờ Tý là mẫu người nóng vội nhưng mạnh mẽ, dễ bị người khác gây phiền hà thị phi. gặp nhiều may mắn, được cha mẹ, vợ hoặc người trong gia đình giúp đỡ rất lớn, có năng lực làm nên sự nghiệp.

 

Trong quan hệ vợ chồng thường thấy phần tình nghĩa nặng hơn yêu thương, giữa hai người giống như bạn bè, đồng nghiệp biết cách chia sẻ cho nhau khiến cả hai mặt gia đình và sự nghiệp đều rất hưng vượng.

 

Sinh giờ Sửu (1h-3h)

Người sinh vào giờ Sửu thì duyên với cha mẹ tương đối mỏng, tức là ít được ở gần cha mẹ hoặc dễ có điều xung khắc. Nhưng đây lại là mẫu người có phẩm chất cao quý, trong phát triển sự nghiệp dễ có khuynh hướng trở thành người có quyền thế, được hưởng phúc lộc.

Nếu là nữ giới sinh vào giờ này thì vợ chồng dễ vì tính cách hoặc công việc, gia đình mà phải ở cách xa hai nơi. Vì vậy, sau khi kết hôn, người phụ nữ sinh vào giờ Sửu dễ trở thành người mẹ phải lo nghĩ nhiều. vì nửa kia vô lo vô liệu.

 

Sinh giờ Dần (3h-5h)

Người sinh vào giờ Dần có mệnh phải ly hương đi xa nhà để lập nghiệp thì mới tốt, mới dễ thành công. Nữ giới sinh vào giờ Dần dễ có được người chồng biết quan tâm chăm sóc, mọi chuyện đều nghe theo sự sắp đặt của mình. Tuy nhiên, nếu người sinh giờ này có tính cách quá gay gắt thì dễ khiến nửa còn lại nảy sinh những suy nghĩ không vừa lòng nhưng chỉ để trong lòng mà không nói ra.

 

Sinh giờ Mão (5h-7h)

Người sinh vào giờ này nhận được sự giúp đỡ từ cha mẹ, anh chị em tương đối có hạn nên ít đạt được thành tựu lớn. Làm việc thường thấy có tình trạng tiến thoái lưỡng nan, khó thành công, khó giữ được sự nghiệp mà ông cha để lại.

Nữ giới sinh vào giờ này dễ gặp được người chồng có địa vị trong xã hội, tài sản và phúc lộc không ngừng tăng lên. Nhưng nếu không biết cách giữ gìn thì tình cảm vợ chồng dễ có xu hướng càng ngày càng nhạt.

Sinh giờ Thìn (7h-9h)

Người sinh vào giờ Thìn dễ có cha mẹ, anh chị em là người thành đạt. Bản thân lại có tư chất thông minh lanh lợi nên hiển đạt từ sớm nhưng lại dễ gặp hao tổn vào lúc trung niên. Đối với nữ giới sinh giờ này thì chồng là người an phận thủ thường, ổn định mà tiến.

Anh ta thường tập trung vào việc xây dựng tổ ấm hạnh phúc của hai người.

Người phụ nữ sinh giờ Thìn thường là người có tính cách coi trọng truyền thống.

 

Sinh giờ Tỵ (9h-11h)

Người sinh giờ Tỹ thiên bẩm thông minh lanh lợi, vì vậy ngay từ sớm đã gặt hái được nhiều thành công dù tương đối vất vả. Có thể tự mình gây dựng cơ nghiệp, Nữ giới sinh giờ này thì bạn đời thường là người có bản lĩnh, quan hệ rộng rãi, luôn luôn vươn lên để đạt ngôi vị cao nhất trong lĩnh vực mà mình theo đuổi.

Tuy nhiên, cũng vì vậy mà ít có thời gian chăm sóc gia đình. Hầu như gánh nặng đều phó mặc cho vợ, do đó khó khăn lớn nhất của người phụ nữ sinh giờ Tỵ là phải biết cách làm thế nào khéo léo kìm cương con ngựa bất kham về với gia đình.

 

Sinh giờ Ngọ (11h-13h)

Người sinh giờ Ngọ tính cách hòa nhã dễ gần, vui vẻ và nhiệt tình. Có thể tự mình chọn con đường riêng, không theo nghề của gia đình, Nữ giới sinh giờ Ngọ có đào hoa thịnh vượng nên dù đã có gia đình vẫn nhiều người để ý tới, điều này dễ khiến nửa còn lại không yên tâm.

Vì vậy, cần đề phòng tác động của ngoại cảnh gây bất hòa trong quan hệ vợ chồng. Nếu biết khéo léo tạo niềm tin cho nửa còn lại thì hạnh phúc sẽ càng thêm mỹ mãn.

 

Sinh giờ Mùi (13h-15h)

Người sinh giờ Mùi thì cha mẹ khắc nhau, có tình mà không có duyên hoặc có duyên mà không tình. Thành thân lúc bần hàn, sau có tiền bạc Nữ giới sinh giờ này thì tính cách hai vợ chồng dễ có chiều hướng cực đoan, giống như chia hai đầu nam bắc. Lấy chồng dễ là người nóng nảy, đôi khi khiến người vợ phải đau đầu vì đây là mẫu người không chấp nhận thỏa hiệp khi mâu thuẫn xảy ra.

Vì vậy, người phụ nữ sinh giờ này là phải biết mềm mỏng, nhẫn nhịn, tìm cách hạ nhiệt mỗi khi mâu thuẫn xảy ra mới có thể giữ được hôn nhân trọn vẹn.

 

Sinh giờ Thân (15h-17h)

Có mệnh phải đi xa nhà, lúc đầu cuộc sống không được thuận lợi. Vợ chồng được sống với nhau đến già, nếu biết hướng thiện thì sinh phú quý, về sau lại rất tốt.

Nữ giới sinh giờ này thì vợ chồng rất hợp nhau về mọi mặt và tạo ra sự hấp dẫn với người còn lại, càng sống với nhau lâu càng thêm gắn bó, có thể chịu đựng được tất cả mọi thách thức. Càng về sau họ sẽ cảm nhận nửa còn lại tuy hai mà một.

 

Sinh giờ Dậu (17h-19h)

Gia đình có nhiều phúc đức, tính cách đôn hậu nhưng quan hệ người thân gặp nhiều thay đổi khiến bản thân luôn gặp điều khó xử. Nữ giới sinh giờ này thì nửa còn lại dễ là người sống dễ dãi, ỉ lại không hiểu và chăm lo vợ khiến quan hệ dễ bất hòa. Vì vậy, nên khéo léo định hướng để người chồng đi theo con đường đúng đắn. Tránh đôi co khi mâu thuẫn nảy sinh.

 

Sinh giờ Tuất (19h-21h)

Là nam thì tuấn tú, nữ xinh đẹp, thông minh hơn người, suốt đời hưởng phúc, sinh được 2 con. Nhưng vận thế dao động không ổn định. Dễ được hưởng sản nghiệp từ cha mẹ hoặc dòng họ

Nữ giới sinh giờ này thì tình cảm vợ chồng có thể không được tạo dựng trên cơ sở xuất phát từ tình yêu, nhưng khi đã gặp nhau thì lại khó có gì có thể chia cắt được.

 

Sinh giờ Hợi (21h-23h) 

Là người nhanh nhẹn, nói thẳng, cuộc sống tương đối vất vả, cũng dễ gặp điều thị phi. Lúc đầu khó theo nghề của cha mẹ, về sau mới được cát lợi, rất tốt đẹp. Tính cách kiên cường, nhiệt tình, tay nghề khéo léo. Nữ giới thì mạnh bạo, dễ nổi nóng, rất chăm chỉ.

Nữ giới sinh giờ này thì vợ chồng dễ gặp nhiều mâu thuẫn, luôn trong tình trạng phân tranh giữa yêu và giận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì cả hai đều biết rõ, nhưng chỉ có thể giải quyết bằng cách đối thoại trên tinh thần xây dựng, gạt bỏ lòng tự cao cá nhân.

 

Trên đây chỉ là những kinh nghiệm được cổ nhân truyền lại nên chỉ mang tính chất giúp bạn đọc tham khảo và hiểu thêm về quan niệm cổ nhân giải mã vận mệnh đời người ra sao.

 

Ngày nay, môi trường sống, môi trường giáo dục và rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mỗi con người đã hoàn toàn khác xưa nên những quan niệm này có thể đã không còn phù hợp.

 

 

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2024

Sử Việt, cái váy đàn bà xứ Bắc

 

SỬ VIỆT, CÁI VÁY ĐÀN BÀ XỨ BẮC

Cái váy của người đàn bà đất Bắc không biết xuất hiện từ bao giờ, nhưng đến khi nhà Minh xâm lăng Việt Nam vào năm 1414, thì ngay sau đó “bọn Hoàng Phúc muốn bắt dân ta đồng hóa với người Tàu, cấm con trai con gái không được cắt tóc, đàn bà con gái phải mặc áo ngắn quần dài theo kiểu người Tàu, nghĩa là không được mặc váy như trước.

Váy là đồ mặc che nửa thân người phía dưới của người đàn bà xứ Bắc ngày xưa. đúng như người bình dân của ta đã mô tả trong một câu đố như sau:

Vừa bằng cái thúng mà thủng hai đầu,

Bên ta thì có, bên Tàu thì không.

Đến năm 1665 đời vua Lê Huyền Tông, nhà vua lại ra sắc dụ cấm đàn bà con gái mặc quần theo kiểu Tàu mà trở lại mặc váy theo y phục truyền thống của dân tộc. Vậy là, sau 250 năm, người đàn bà xứ Bắc lại mặc váy như trước thời kỳ bị quân Minh xâm lược bắt phải đồng hóa theo kiểu ăn mặc của đàn bà Tàu.

Đó là tình trạng ở đất Bắc tức từ Thanh Hóa trở ra. Tình trạng ở phía nam đèo Ngang tức từ Quảng Bình trở vào lại khác.

“Vào khoảng năm 1744 chúa Võ Vương ở phương Nam bắt dân gian cải cách y phục. Có lẽ từ bấy giờ, người đàn bà Đàng Trong bắt đầu mặc áo gài khuy và mặc quần, mà không mặc áo thắt vạt và mặc váy như người đường ngoài nữa.”

Vậy có thể nói, từ đời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trở về sau, phụ nữ Đàng Trong dưới quyền chúa Nguyễn mặc quần dài 2 ống thì người phụ nữ Đàng Ngoài dưới quyền vua Lê chúa Trịnh lại mặc váy.



Bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư

 

BÀI THƠ TIẾNG THU CỦA LƯU TRỌNG LƯ

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức?

Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Xuyên suốt bài thơ là một từ “nghe” xuất hiện ba lần ở đầu mỗi khổ thơ. Người đọc nghe gì? Chúng ta nghe lời “thổn thức” dưới ánh trăng mờ của mùa thu được nhân cách hóa, nghe tiếng lòng “rạo rực” của người cô phụ có chồng đi đánh giặc xa, nghe tiếng lá thu rơi “xào xạc” trong rừng vắng.

 

Cả ba khổ thơ của bài Tiếng thu đều được viết bằng ba dấu hỏi ở cuối ba khổ thơ này. Tại sao tác giả phải hỏi liên tục như vậy? Tại vì nhà thơ không tin người em nào đó có thể nghe được cái tiếng thu quá xa vắng và mơ hồ. Không nghe ư? Em hãy lắng lòng sâu đậm để tiếp nhận tiếng thu dịu nhẹ và mơ màng ấy.

 

Hai dòng thơ cuối của Tiếng thu đã vẽ lên trước mắt người đọc hình ảnh:

 

"Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trênlá vàng khô"

 

Có phải ta nghe tiếng lá vàng khô vỡ vụn dưới những bước chân nai ngơ ngác? Ta không nghe tiếng thu ấy bằng tai mà nghe bằng trí tưởng tượng, nghe vang lên trong tâm hồn, mỗi khi thấy lá ngoài đường rụng nhiều và những đám mây bàng bạc trên không...

 

Để thưởng thức trọn vẹn giai điệu mùa thu của Lưu Trọng Lư, hãy đọc lại Tiếng Thu, đọc liền mạch và chỉ dừng lại một giây khi gặp dấu chấm hỏi. Hãy tưởng tượng có ai đó ném xuống mặt nước phẳng lặng của hồ thu một viên đá nhỏ. Nhiều vòng tròn sóng đồng tâm xuất hiện và lan tỏa mãi. Đó là hình ảnh làn sóng âm thanh của tiếng thu mà nhà thi sĩ Lưu Trọng Lư đã làm vang lên trong tâm hồn mỗi người.