BÀN TRÒN HIẾN KẾ: “ĐỂ HỌC SINH KHÔNG SỢ MÔN
TOÁN”
“Sợ toán là thiệt thòi rất lớn trong
cuộc đời”
Thầy giáo Vĩnh Khang
cảm thán: “Nhìn sách toán 10 (mới) 2022 - 2023 hiện tại, giáo viên toán THPT
như chúng tôi đây cũng phát sợ chứ đừng nói đến HS”. Thảo bức xúc: “Tại sao học
phổ thông mà khó như vậy, kiến thức ở cấp THPT thì nay dồn xuống THCS, kiến
thức nâng cao lẽ ra ở đại học thì nay đem xuống THPT.
Chúng ta không giảm
tải, giảm khối lượng kiến thức mà còn tăng lên, nhiều hơn, khó hơn, để làm
gì?”.
Phụ huynh Nguyễn Trung
Dũng viết: “Từng là một HS khá môn toán nhưng khi dạy toán lớp 8 cho con gái
mình phải nói thật là tôi thấy rất "hãi hùng". Chương trình cơ bản
tôi không thấy có vấn đề gì nhưng phần bài tập rất rối rắm.
Đáng ra đa phần bài
tập chỉ dừng quanh chủ đề chính thì lại sa đà vào toán mẹo, là thứ toán mà GS
Phùng Hồ Hải nói là chập nhiều bài toán lại với nhau, hằng đẳng thức nối với
lấy nhân tử, lấy nhân tử lại nối với đảo dấu...”.
Toán học là “chìa
khóa” thì hãy cho học sinh biết mở “ổ khóa nào”
Ông Minh Tri bày tỏ: “Toán khó do
cách dạy và cách học. Toán học là môn học do con người đặt ra làm công cụ cho
các ngành khoa học khác.
Hãy xem lại cách dạy, giáo trình,
chúng ta đang đào tạo thế hệ thợ làm toán. Ai cũng bảo toán học là chìa khóa của
tri thức nhưng làm ơn hãy nói cho học trò biết trong từng bài giảng cái chìa
khóa dùng để mở ổ khóa nào”.
Thầy Lê Tấn Thời, giáo
viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn (H.Chợ Mới, tỉnh An Giang), cho rằng tình yêu toán học sẽ đến
với HS từ người thầy tạo nguồn cảm hứng trong tiết dạy sống động với phương
pháp tiếp cận tinh thần đổi mới sáng tạo của thế giới phẳng, không nên chỉ tập trung vào
những công thức khô khan.
Theo thầy Thời, điều
quan trọng với người thầy là làm thế nào giúp học trò mình hiểu được định lượng
kiến thức ấy để vận dụng vào thực tế và toán học cũng không ngoại lệ. Mỗi HS sẽ
tình cờ bắt gặp nhiều ý tưởng thú vị trong toán học qua nhiều nguồn tài liệu
khác nhau hay qua sự dẫn dắt gợi mở của người thầy.
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục VN
Tôi muốn các em tìm
thấy bài toán ở trong đời sống của mình, chứ không phải trong phiếu bài tập tôi
giao... Khuyến khích phản biện bằng các bài toán mở, có nhiều đáp án cũng là
một cách chữa bệnh sợ toán của các em.
Thầy Nguyễn Đắc Đạt
cho biết mình là “huấn luyện viên” môn toán từ hơn 10 năm nay và thấy rằng
không có HS nào dở môn toán, muốn để HS không sợ toán thì “hãy để các em là
diễn viên chính”.
“Tôi luôn có một ý
nghĩ rằng mỗi buổi dạy toán là một suất diễn của một vở kịch có kịch tính cao
trào và kết thúc là niềm hạnh phúc vì tất cả “diễn viên” đã làm được một điều
gì đó.
Phụ huynh hay giáo
viên hãy hạnh phúc khi nghe một em HS nói “con thích học môn toán quá”, chứ
không phải là “con đã được 10 điểm môn toán””, Thầy Đạt chia sẻ.
Sợ toán do “người học chỉ học vì người dạy”?
Dạy và học toán hiện
nay nếu vì những cuộc thi thì đã không ổn ngay từ đầu. Hình như cách dạy và học
toán hiện nay chỉ giải quyết phần ngọn là làm sao cho HS đạt điểm cao nhất
trong các kỳ thi và kiểm tra, trong khi học toán thì cần phải hiểu.
Thay vì phải học hiểu
thì các em buộc phải luyện trí nhớ nên rất mệt mỏi. Tiếp cận môn toán bằng con
đường này các em sẽ không còn được thấy vẻ đẹp của toán học, các em chỉ thấy áp
lực… Cuối cùng, người học học vì người dạy chứ không phải học cho bản thân
mình.
Thầy Lê Văn Vinh, giáo
viên Trường THPT TX.Phước Long (Bình Phước), cho rằng HS thấy môn toán khó là
do hổng kiến thức từ lớp dưới. Chẳng hạn, HS không giải được phương trình bậc
nhất, hệ bất phương trình bậc nhất… thì làm sao tiếp tục học được.
Vậy, toán học khó là
do bạn. “Môn nào cũng có cái khó, nhưng để trở thành một HS trung bình thì
không có môn nào khó cả”, thầy Vinh khẳng định.
Các em phải tìm thấy bài toán trong đời sống của mình
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện
Khoa học giáo dục VN, người từng là giảng viên Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, gửi tới diễn đàn hai bài với rất
nhiều tâm huyết về giải pháp, dẫn chứng bằng các bài toán cụ thể làm thế nào để HS không sợ toán, không khó để giúp các em cảm nhận
được vẻ đẹp của toán học.
Về cách dạy môn học
này, PGS Thơ cho rằng thật tiếc khi cách học mà các em được rèn là do thói
quen: giao đọc tài liệu gì, giao bài gì thì cố gắng để hoàn thành, không tự mình
khám phá, đọc thêm tài liệu khác, đặc biệt là các em không tra cứu, không liên
hệ với thực tế trong đời sống, trong nghệ thuật, trong khoa học kỹ thuật.
Sợ toán
chủ yếu xuất phát từ việc không hiểu bài
Em nghĩ vấn đề sợ học
toán của HS hiện nay chủ yếu xuất phát từ việc không hiểu bài. Kiến thức của
môn toán liên kết với nhau qua từng năm. Em đã từng là một người sợ học môn
toán vì ngày trước chương trình em học khá nặng, bài vở chất chồng lên nhau, chưa
kịp hiểu bài này đã phải học bài khác với lượng kiến thức và bài tập khá nhiều.
Nhưng điều đó đã thay
đổi. Giữa lớp 8, em đã ngồi học và tổng hợp lại tất cả những công thức, quy
luật toán từ đầu năm cấp 2 vì nhận ra vấn đề lớn nhất là do những kiến thức cũ
em không nhớ nên không học kiến thức mới được. Em cũng đã chăm chỉ làm bài tập
hơn vì một khi đã hiểu bài rồi thì đặt bút xuống là làm được.
Đối với những bài toán
khó, em sẽ tham khảo cách giải trên mạng, nhưng tốt nhất là vẫn nên hỏi thầy cô
hoặc những người giỏi toán hơn. Không có vấn đề nào là không thể giải quyết
được nếu ta thực sự quyết tâm thay đổi và dành nhiều thời gian cố gắng cho nó.
Học toán cũng là một
cách để ta tư duy và trau dồi nghị lực, giúp ích cho cuộc sống ta sau này, học
cách tư duy, phân tích vấn đề trong cuộc sống.
“Tôi muốn các em tìm
thấy bài toán ở trong đời sống của mình, chứ không phải trong phiếu bài tập tôi
giao”, PGS Thơ chia sẻ và đề nghị chúng ta nên đưa vào trong bài học những tình
huống có chứa bài toán mở, có nhiều đáp án để giải quyết. Các em chọn đáp án
nào sẽ thể hiện sự hiểu biết và kỹ năng áp dụng của các em.
Trong thực nghiệm, các
em HS rất hứng thú với những bài toán như vậy. Các em học chưa tốt thoát ly
được tâm lý nghe ngóng đáp án từ bạn giỏi hơn. Em nào cũng có đáp án của mình.
Khi trao đổi, thảo luận, các em tìm thấy điểm hợp lý, sự chặt chẽ trong các đáp
án khác, từ đó tìm được phương án tối ưu.
“Khuyến khích phản
biện bằng các bài toán mở, có nhiều đáp án cũng là một cách chữa bệnh sợ toán
của các em”, PGS Thơ khẳng định.
Theo PGS Thơ, thực tế
các bài học toán ở nhà trường hiện nay đã không đưa được nhiều thông tin biểu
lộ cái hay, cái đẹp.
Việc học toán nhằm tới
“thi”, tập trung vào giải toán có thể tăng kỹ năng và sự chịu áp lực của các
em, nhưng có thể làm mất đi niềm tin vào toán học, vào những ứng dụng tuyệt vời
của toán học trong công việc và trong cuộc sống, khiến các em học toán mà sợ
toán.
“Tôi cho rằng, đây là điều mà GS Ngô Bảo Châu đã nhắc tới “sợ toán
là thiệt thòi rất lớn trong cuộc đời”, PGS Thơ nói.