Bà Nguyễn Hữu Thị Nga – Huyền
phi của vua Thành Thái.
VUA THÀNH THÁI LÊN KIM LONG CHỌN QUÝ PHI
Hơn 100 năm đã qua, nhưng giai thoại
về vua Thành Thái cải trang thành một người dân bách tính liều mình lên Kim
Long (nay là phường Kim Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vào một
ngày Xuân để tìm chọn quý phi vẫn được người dân xứ Huế nhắc đến. Nhưng ngày
nay ít ai biết được rõ sự thật trong đó...
Nét
đẹp của cô gái Kim Long
Bắt đầu từ năm Bính Tý
1636, trải qua các đời chúa Nguyễn Phúc Lan và chúa Nguyễn Phúc Tần, Kim Long
trở thành thủ phủ của chúa Nguyễn và là nơi phồn hoa Đô hội bậc nhất Đàng
Trong. 51 năm sau (Đinh Mão 1687), chúa Nguyễn Phúc Thái đưa thủ phủ về Phú
Xuân (nơi có Kinh thành Huế ngày nay) để tránh lũ lụt,
Kim Long trở thành nơi
những người hoàng tộc, các gia đình quan lại lập phủ thờ, nhà vườn. Chỉ tính
riêng ở khu vực Phú Mộng thuộc phường Kim Long còn gần như nguyên vẹn 60 ngôi
nhà rường cổ.
Người con gái Kim Long
xưa có dáng người mảnh khảnh, mái tóc thề ôm trọn bờ vai, đôi mắt đen to tròn,
ánh nhìn day dứt, lại phảng phất nét lạnh lùng.
Ngày xưa, mái tóc thề
là biểu hiện cho sự trinh khôi của những cô gái xứ Huế. Khi chưa có chồng, tóc
con gái Huế thông thường là buông xoã tự do. Tóc phủ xuống bờ vai, xuống lưng
người và nhiều khi hơn thế, có những người còn rũ xuống gót chân.
Khi đã có người
thương, mái tóc thề càng nói lên sự chung thủy của cô gái Huế đối với chàng
trai, nghĩa là luôn “một lòng một dạ”, không có “ý chi” với ai khác nữa.
Giọng nói của những cô
gái Kim Long lại nhỏ nhẹ, dễ thương, điển hình cho âm giọng trọng tình cảm của
người Huế. Một nhà thơ đã viết một cách hình tượng
“Em ơi giọng Huế có
chi. Mà trong hoa nắng thầm thì cơn mưa”. Thậm chí, chỉ một tiếng “Dạ thưa”
ngọt lịm thôi cũng đủ để mê say lòng người.
Bởi thế, không chỉ
những công tử hào hoa muốn chiêm ngưỡng dung nhan mỹ lệ mà đến cả những bậc
quân vương xứ Huế cũng không tiếc thời giờ để đến Kim Long tìm cho bằng được
người trong mộng.
Đã hơn 100 năm nhưng
giai thoại về vua Thành Thái cải trang thành một người dân bách tính liều mình
lên Kim Long vào một ngày Xuân để tìm chọn quý phi vẫn được người dân xứ Huế
nhắc đến.
Người đời kể lại rằng,
vào một ngày Xuân, vua Thành Thái vi hành lên Kim Long kiếm tìm khắp nơi vẫn
chẳng gặp ai vừa ý, vua đành thuê một chiếc đò ra về.
Đò vừa ghé vào, mới
bước lên, nhà vua trông thấy cô lái đò đôi má ửng hồng rất có duyên. Lòng xao
xuyến, mê mẩn, vua liền hỏi: “Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?”.
Cô lái đò nhìn ông
khách lạ đời thỏ thẻ nói: “Đừng có bậy bạ mà họ lấy đầu chừ!”. Lại càng thấy
đáng yêu hơn, vua dấn tới: “Tui nói thiệt đó, o có muốn lấy vua thì tui làm mối
cho!”.
Câu chuyện còn dài nữa
nhưng kết cục thì ai cũng rõ, cô gái lái đò Kim Long kia đã “vô Nội”, làm quý
phi cho ông vua yêu nước chống Pháp.
Hai quý phi của vua Thành Thái. Ảnh chụp năm
1907 ở Huế.
Thực tế, các cô gái
Kim Long được làm vợ vua khá nhiều. Chẳng hạn, Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ có
ba cô con gái và cô nào cũng rất xinh đẹp, một gả cho vua Đồng Khánh, một gả
cho em trai vua Hàm Nghi, còn lại người con gái út Nguyễn Hữu Thị Nga rất mỹ miều
nên vua Thành Thái hay đi xe song mã đến nhà chơi. Sau này, bà Nga cũng được
vua Thành Thái đưa vào cung, phong làm Huyền phi, sinh hạ được hai người con.
Hiện nay, Kim Long vẫn
còn lưu dấu tích tên xóm Cồn Súng, Thượng Dinh, Trung Dinh, Hạ Dinh hay Nghinh
Xuân, nơi ở của cung tần mỹ nữ một thời. Kim Long cũng là nơi tập trung hầu hết
các phủ đệ của họ hàng bên vợ các vua nhà Nguyễn như phủ Đức Quốc Công Từ, phủ
Vĩnh Quốc Công…
Những
nữ binh Kim Long yêu nước
Nhưng sự thật là như
thế nào? Đó là vua Thành Thái đã lập ra một đội nữ binh đặc biệt, đa số là
những o con gái Kim Long mỹ miều nhằm che mắt Pháp.
Vua Thành Thái đã
thành công khi đánh lạc hướng bọn giặc cướp nước rằng mình cũng là một vị vua
mê sắc dục tột cùng, không lo lắng chi đến triều chính, để mưu đại sự cứu nước
cứu dân.
Việc tuyển mộ và huấn
luyện được tổ chức hết sức bí mật. Vua Thành Thái cho lính cận vệ thân tín đến
tiếp xúc với những cô gái Kim Long và gia đình các cô. Nếu được chấp thuận, vua
cho “dàn cảnh” bắt cóc, bằng cách hẹn ngày giờ và địa điểm gặp gỡ, rồi lính cận
vệ, hoặc chính nhà vua đem xe song mã đến đón họ và đưa vào cung cấm.
Để bảo mật, các cô gái
bị “bắt cóc” thường được đưa vào Tử Cấm Thành bằng cửa Hữu của thành Nội, gần làng
Kim Long, vì con đường chạy dọc theo bên ngoài Hoàng thành dẫn đến cửa Hữu rất
vắng vẻ vào ban đêm, hai bên đường lại không có nhà cửa của dân chúng.
Bởi thế dân gian lan
truyền câu ca: “Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm
đi” cũng nhằm nói về điều phi thường này của vua Thành Thái, một vị vua có lòng
yêu nước vô hạn.
Để tránh những con mắt
cú vọ của thực dân Pháp nên vua Thành Thái phải tỏ ra là một vị vua đam mê gái
đẹp.
Một số tài liệu ghi
rằng vua Thành Thái đã chiêu nạp được 4 đội, mỗi đội 50 người, đội trước huấn
luyện xong thì trở về gia đình và nạp đội mới, khi có thời cơ sẽ cùng nổi dậy
chống Pháp. Nhưng sự việc cuối cùng bị lộ khi tên Thượng thư Bộ Lại và “Cơ mật
viện” báo cho tên Khâm sứ Pháp Levécque.
Sau đó, tên Khâm sứ
Pháp Levécque nói thẳng là đã biết vua Thành Thái có ý đồ chống Pháp nên không
để vua ở ngôi được. Hắn nói vua Thành Thái muốn tại vị thì vua phải ký vào một
tờ giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, nay
phải “thành thực hồi tâm”. Nhưng vua Thành Thái đã ném tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy
xuống đất.
Ngày 3-9-1907, “triều
thần” theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua Thành Thái “dự thảo” chiếu
thoái vị, có chữ ký của các đại thần, với nội dung vua Thành Thái vì lý do sức
khoẻ không bảo đảm xin tự nguyện thoái vị.
Xem xong bản “dự
thảo”, vua Thành Thái chỉ cười, ghi ngay hai chữ “phê chuẩn”.
Ngày 12-9-1907, vua
Thành Thái bị thực dân Pháp đưa đi quản thúc ở Vũng Tàu. Đến năm 1916 vua bị
đày ra đảo Réunion cùng với con trai của mình là vua Duy Tân, cũng là một vị
vua yêu nước chống Pháp.
Huế, ngày 4-1-2019
Nguyễn Văn Toàn