Thứ Hai, 25 tháng 3, 2024

Ghi nhớ 3 nguyên tắc lật ngược ván bài cuộc đời

 

GHI NHỚ 3 NGUYÊN TẮC LẬT NGƯỢC VÁN BÀI CUỘC ĐỜI

Chỉ mất 14 năm để từ chàng trai nghèo thành người giàu nhất mọi thời đại: Khi khó khăn hãy nhớ đến 3 nguyên tắc này để lật ngược ván bài cuộc đời.

Từng bị người khác coi thường vì nghèo khó, thậm chí khi kinh doanh ông cũng đối mặt với phá sản.

Song từng bước giải quyết mọi nghịch cảnh theo 3 nguyên tắc dưới đây, ông vẫn trở thành người đàn ông giàu có nhất mọi thời đại.

Nhiều khi bạn thường thắc mắc bản thân làm việc chăm chỉ nhưng tại sao vẫn có cuộc sống nghèo khó? Thực tế, lý do không phải là bạn không biết cách kiếm tiền cũng không phải không có đủ kỹ năng.

Điều quan trọng là bạn thiếu trí tuệ để thoát ra khỏi nghịch cảnh. Vậy làm thế nào để có thể thoát ra khỏi nghịch cảnh?

Rockefeller là tỷ phú đầu tiên trên thế giới. Ông chỉ mất 14 năm để biến mình từ một chàng trai nghèo thành người giàu nhất thế giới.

Tuy nhiên thành công này không phải đạt được trong một sớm, một chiều, ông đã phải nỗ lực từng chút một trước khó khăn trong cuộc đời mình. 

 

Rockefeller gần như luôn trong nghịch cảnh từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Lớn lên trong gia đình nghèo khó, ông đã bị nhiều người coi thường.

Khi mới bắt đầu kinh doanh, Rockefeller cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí từng phải đối mặt với phá sản. 

 

Dẫu vậy, mọi nghịch cảnh trong đời đều được ông giải quyết. Mỗi lần đứng dậy sau vấp ngã, Rockefeller đều trở nên mạnh mẽ và giàu có hơn trước.

Bí quyết để ông lật ngược ván bài cuộc đời ở đây là gì?

 

Trong 38 bức thư gửi con trai của mình, ông đã tiết lộ bí quyết phản công của mình gồm 3 nguyên tắc. Một khi đã giác ngộ thì muôn vàn khó khăn đều có thể hoá giải, thành tựu trong đời cũng dễ dàng đạt được. 

 

Nếu cũng đang rơi vào tình thế khó khăn và tìm cách để giải thoát thì nguyên tắc phản công của người đàn ông giàu nhất mọi thời đại được cho là hữu ích đối với bạn. 

 

1. Hãy là một người thực sự thông minh 

Đối với nhiều người, thông minh là người có học vấn cao, kiến thức phong phú. Tuy nhiên đối với Rockefeller chỉ có hai kiểu người thông minh nhất:

Những người biết sử dụng trí thông minh của chính mình và người sử dụng được trí thông minh của người khác. 

 

Trên thực tế, nhiều người không thể phát huy hết trí tuệ của bản thân. Họ có những định kiến và hình thành tâm lý bảo thủ mạnh mẽ. Câu cửa miệng của anh ta là "Tôi hiểu rồi" ngay cả khi không hiểu gì cả.

Lòng tự trọng quá lớn, họ cảm thấy khó khăn khi nói bản thân "không hiểu"

 

Giả vờ hiểu biết và thông minh, những người như vậy thường không sử dụng hết trí thông minh của mình.

Thực tế, người biết sử dụng trí thông minh của mình có thể tự soi xét ưu, khuyết điểm của bản thân, rộng lượng thừa nhận và đề cao. Nếu có thể tự làm như vậy, khả năng của bạn tăng lên gấp bội. 

 

Khi sức mình không đủ, người thông minh là người biết tận dụng trí thông minh của người khác. Muốn dùng được sức người thì phải học cách lấy lòng người.

Muốn nắm lấy lòng người bạn phải hiểu hai điều: Thứ nhất, không ai thích bị coi thường. Nếu bạn đánh giá thấp ai đó, anh ta nhất định sẽ không cho bạn mượn sức.

 

Thứ hai, mọi người đều thích được ngưỡng mộ và khen ngợi. Tuy nhiên không ai muốn nhận được sự khen ngợi giả dối. Nếu muốn được ai đó giúp đỡ, trước tiên bạn phải phát hiện ra điều đáng khen ngợi của đối phương dành lời khen một cách chân thành.

Làm tốt 2 điều này, người khác thường sẵn sàng cho bạn mượn điểm mạnh của họ.

 

Tận dụng bản thân để phát huy hết khả năng của mình và biết cách mượn sức mạnh của người khác, bạn chắc chắn không khó để lật ngược ván bài cuộc đời.

 

2. Miễn phí là một cái bẫy khủng khiếp 

Nguyên tắc này là một trong những bí quyết quan trọng giúp gia tộc Rockefeller giàu có đến 6 đời.

Sinh thời, ông từng đau đầu về việc làm thế nào để duy trì địa vị của gia đình. Ông đã viết trong nhật ký của mình:

 

"Lịch sử vinh quang và thành công của gia đình ở hiện tại không thể đảm bảo con cháu sẽ có một cuộc sống tốt hơn trong tương lai.

Tự do là một cái bẫy khủng khiếp". Vậy tại sao ông lại cho rằng miễn phí là điều tồi tệ đến như vậy. 

 

Sự giúp đỡ miễn phí của người khác chỉ có thể diễn ra trong một giai đoạn chứ không thể đi cùng bạn suốt cả cuộc đời.

Sớm muộn gì bạn cũng phải thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Nếu đã hình thành thói quen nhận sự giúp đỡ, khả năng giải quyết công việc của bạn sẽ bị giảm. Khi người khác ngừng giúp đỡ, bạn là người đầu tiên gặp khó khăn. 

 

Với trường hợp một số người giúp bạn nhưng anh ấy không yêu cầu nhận lại ân huệ. Song thực tế bạn đã nợ anh ấy một ân tình. Sau này khi đối phương nhờ bạn giúp một việc gì đó, dù khó khăn đến đâu bạn cũng thường rất khó từ chối. 

 

Ngoài ra những món đồ miễn phí có thể là chiêu bài của kẻ lừa đảo. Chúng mang lại cho bạn một khoản lợi nhuận nhỏ để lấy lòng, khiến bạn mất cảnh giác nhằm tham gia vào các trò chơi và thực hiện hành vi lừa đảo.

Chấp nhận đề nghị miễn phí của họ tương đương với việc bạn đánh mất quả dưa hấu nhưng chỉ nhặt được hạt vừng. 

 

Có thể thấy rằng miễn phí trong cả 3 trường hợp trên đều không làm cho tình hình của bạn tốt hơn, thậm chí làm mọi thứ tồi tệ hơn. 

Do đó, không bao giờ,  Rockefeller để các con của mình nhận được tiền tiêu vặt miễn phí. Tất cả số tiền các con có được đều là thù lao sau khi đã làm công việc nhà.

Mục đích của việc này là để ngăn chặn các thế thế hệ tương lai hình thành suy nghĩ mọi thứ nhận được đều là miễn phí. 

 

Bởi vậy khi một ngày miếng bánh nào đó đột nhiên rơi xuống trước mặt, bạn phải bình tĩnh, phân tích kỹ ý nghĩa đằng sau chiếc bánh.

 

3. Thói quen quyết định thành bại 

Rockefeller cho rằng người nghèo không thể đổi đời vì họ luôn giữ thói quen nghèo và không chịu thay đổi.

Thực tế nhiều người không phải kém cỏi và không thể kiếm tiền nhưng họ lại không chịu thay đổi.

Dù không hài lòng với tình hình hiện tại đến đâu song anh ta cũng không dám tiến lên một bước. Vì thế những gì họ nhận lại được là một sự nghiệp chẳng có gì.

 

Nếu gặp rắc rối trong thời gian dài, chắc chắn bạn đang gặp vấn đề ở một khía cạnh nào đó, có thể là môi trường xung quanh, các mối quan hệ hoặc chính bạn.

Nếu muốn những vấn đề này được khắc phục và có một cuộc đời sang trang, bạn buộc phải tự mình giải quyết. 

 

Tuy nhiên, đa số chúng ta đều quen chờ đợi người khác thúc đẩy mình tiến lên. Thực tế chúng ta cần biết rằng không ai thúc đẩy bạn mà không nhận được lợi ích gì.

Vì thế nếu muốn thoát khỏi tình trạng khó khăn, bạn càng phải chủ động thay vì chờ người khác thúc ép mình. 

 

Đặc biệt trong công việc là lĩnh vực kinh doanh, nếu lười biếng và rút lui và chờ người khác đến thúc đẩy, bạn đang nhường cơ hội cho người khác.

Người thông minh là người biết biến nghịch cảnh thành cơ hội. Khi gặp nghịch cảnh, bạn cần vận dụng 3 nguyên tắc của Rockefeller để điều chỉnh bản thân.

Theo Thể thao & Văn hóa

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

Chúng ta vì sao phải lựa chọn làm người tốt?

 

CHÚNG TA VÌ SAO PHẢI LỰA CHỌN LÀM NGƯỜI TỐT?

“Cháu tự mình biết là được rồi!”

Sau cơn mưa, cậu bé phát hiện một con ốc sên nhỏ ở bên đường, cậu ngồi xuống nhặt nó lên, nhẹ nhàng đặt vào trong bụi cỏ.

“Đừng có chạy lung tung nhé!”, bà nội gọi cậu.

Cậu bé ngẩng khuôn mặt bầu bĩnh lên, hưng phấn nói: “Cháu đang giải cứu ốc sên. Nó nằm ở giữa đường đi ạ, rất là nguy hiểm, cháu đưa nó về nhà.”

Bà nội cảm thấy khó hiểu: “Ốc sên biết cháu cứu nó sao?”

Cậu bé trả lời: “Nó chắc là không biết”.

Bà nội nói: “Vậy cháu làm chuyện tốt này chẳng phải là không công sao. Ai mà biết cháu cứu ốc sên chứ?”
Cậu bé lập tức nói: “Cháu tự mình biết là được rồi! Cháu cứu một con ốc sên, cháu thấy rất vui!”

Câu nói đơn giản này của đứa trẻ, lại ẩn chứa hàm ý triết học nhân sinh sâu xa:

Ta làm việc tốt, không phải vì để cho người khác biết, thậm chí người được giúp cũng không cần biết, tự mình ta biết là được rồi.

Bởi vì làm việc tốt, khiến ta cảm nhận được bản thân mình tồn tại, cũng khiến ta xác thực tin bản thân mình là một người lương thiện, điều này đúng với kỳ vọng của ta, vì thế ta càng cho phép bản thân mình làm việc tốt.

Chỉ vì thế thôi là ta tự cảm thấy mình hạnh phúc!

Đây chính là ý nghĩa lớn nhất khi chúng ta làm việc tốt, cũng là ước nguyện nguyên sơ ban đầu của mỗi chúng ta.

Đáng tiếc chính là, đại đa số con người ngày nay thường mang quá nhiều thực dụng và lợi ích bản thân, cũng bởi vậy mà bóp méo hành vi của mình.

Chúng ta đi trợ giúp một người khác, đều sẽ kỳ vọng đối phương có thể cảm ơn, cũng mong rằng bản thân được hồi báo – cho dù chỉ là một câu cảm ơn.

Hoặc là, chúng ta sẽ hi vọng những người khác biết chuyện này, từ đó mà giành được sự ghi nhận và ca ngợi của họ.

Nếu không đạt được những điều như vậy, nhiều người trong chúng ta tất nhiên sẽ không nguyện ý làm chuyện tốt.

Kỳ thực, “để cho người khác biết ta làm chuyện tốt” dĩ nhiên cũng là có tình có lý, nhưng xa hơn nữa “ta biết mình làm chuyện tốt” mới thực sự là trọng yếu.

Bởi vì chúng ta còn sống, xét đến cùng, là sống cho mình xem, mà không phải cho người khác xem. Người khác ca ngợi và đền đáp bản thân mình đến đâu, thì cuối cùng cũng phải chính nội tâm khẳng định chính mình.

Người hạnh phúc nhất, chính là người thật tâm hài lòng với chính bản thân mình. Nếu không, ví như tất cả thế giới này đều ca tụng bạn, nhưng nội tâm bạn lại cảm giác mình đã làm rất nhiều chuyện xấu chuyện sai, không xứng với lời ca tụng này, thì cũng như cũ – không thể có được hạnh phúc bình an.

Rất nhiều triết học gia đều cho rằng, thế gian này chỉ toàn là những ảo ảnh, trong tâm chúng ta mới thực sự là chân thật nhất. Điều này quả là đạo lý ẩn ý sâu xa.

ST

Nhà thơ Việt Phương kể chuyện Bác Hồ góp ý sửa thơ

 NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG KỂ CHUYỆN BÁC HỒ GÓP Ý SỬA THƠ

Nhà thơ Việt Phương cho tôi biết, là thư ký riêng giúp việc vị Thủ tướng lâu năm nhất của nước Việt Nam, ông phải "tự kiềm chế" và mất đi rất nhiều điều. Ông vốn lắm cá tính, có kiểu riêng, điệu riêng, cách riêng, thích thú riêng, và thậm chí cả ngang tàng riêng.

Vì vậy, nếu ngay đến trong thơ cũng lại đưa cho thủ trưởng duyệt nữa, thì ông không còn gì, ông không còn là mình nữa. Nàng thơ là lĩnh vực của riêng Việt Phương.

 

Máu văn nghệ sĩ có sẵn trong căn cốt của mình, từ năm 1964, ông đã tham gia một nhóm thơ. Các thành viên trong nhóm đều làm thơ chuyên nghiệp, riêng có mình Việt Phương làm thơ nghiệp dư. Họ là Vũ Quần Phương, Bằng Việt, về sau thêm Phạm Tiến Duật ở trong miền Nam ra. Phái nữ có Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi...

 

Năm 1970, tập thơ "Cửa mở" của Việt Phương ra đời thu hút ngay được sự chú ý của dư luận, không phải chỉ riêng văn đàn mà cả chính giới.

 

Sau những dích dắc liên quan tới tập thơ "Cửa mở", Việt Phương vẫn là cán bộ giúp việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng thời tham gia nhóm cán bộ giúp việc Tổng Bí thư Lê Duẩn, và là một thành viên cốt cán của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

 

Những năm tháng ấy, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ ở chung với nhau. Vì vậy, nhiều lần nhà thơ Việt Phương sang giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi thì ông đọc cho Bác nghe những tài liệu trong nước và nước ngoài gửi đến để Bác duyệt; hoặc ông đọc những tài liệu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng muốn xin ý kiến Bác.

Sau những lúc làm việc xong, trong tình thân Bác - cháu, nhà thơ lại đọc Bác nghe một bài thơ ông mới viết.

 

Nhìn vào cuộc sống thấy cả mặt sáng và mặt tối. Dù trong thâm tâm mình vẫn luôn hướng về ánh sáng nhưng ông không thể làm ngơ trước cái xấu. Ông làm bài thơ dài hai trang về đời sống xã hội. Làm việc xong với Bác, ông đề nghị:

 

- Hôm nay cháu có bài thơ mới viết, xin đọc Bác nghe.

Bác Hồ hưởng ứng: "Ừ, chú đọc đi".

Nhà thơ Việt Phương liền đọc khổ thơ mở đầu, trong đó có những ý so sánh sự ác độc của người đời với loài cầm thú, kiểu như "nhăn nhở như đười ươi", "rình mò như cú vọ", "nham hiểm như cáo già", "độc ác như báo hổ".

 

Nghe xong, Bác lắc đầu và bảo:

- Không phải thế đâu chú ạ! Loài vật không xấu xa thế đâu. Đó là định kiến sai lầm của con người gán cho loài vật. Loài vật không xấu xa thế đâu. Loài vật không có như chú viết: nhăn nhở, rình mò, nham hiểm, độc ác. Không phải thế đâu.

 

Kể xong câu chuyện, nhà thơ Việt Phương nói với tôi: "Ngay mở đầu đã hỏng, tôi bỏ cả bài ấy đi. Từ đó tôi rất là thấm thía học được bài học từ Bác. Sau này dần dần cho đến lúc lớn thêm nữa, trải nghiệm, tôi hiểu ra được sự sống:

Sự sống rộng hơn sự người nhiều lắm. Sự người là từng người và cả loài người. Còn sự sống rộng hơn sự người nhiều. Trong sự sống còn nhiều những thành tố khác, những thành tố bình đẳng với con người mà con người cần tương kính, tương thân, tương ái…”.

 

Nhấp một chén trà ấm, nhà thơ Việt Phương trầm ngâm suy tư. Lát sau, ông lấy từng ví dụ để chứng minh cho tôi rõ.

 

Giáo sư Việt kiều Cao Huy Thuần đến chơi đã kể cho ông nghe câu chuyện có những nhà khoa học ở phương Tây dành cả một đời để nghe tiếng nói của từng loài cây.

Trên một mảnh đất độ phì nhiêu như nhau, khí hậu như nhau, người ta trồng một loại cây cùng một lúc, ra cùng một thứ hoa, cùng một thứ quả. Người ta tưới bón chăm sóc giống y như nhau, chỉ có một điều khác duy nhất:

Một cây họ cứ lặng yên chăm sóc, còn một cây trong khi chăm sóc thì họ nói chuyện với cây, tâm sự với cây vào lúc trời nắng, vào lúc trời mưa, vào lúc ra mầm mới, vào lúc rụng lá… Có điều gì trong cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn họ cùng tâm sự với cây. Kết quả là cây đó ra hoa sớm hơn hẳn và có quả ngọt hơn hẳn cây kia.

 

Vợ chồng giáo sư toán học Phan Đình Diệu lại kể cho ông nghe câu chuyện về hai cây cau vua cao to trong khoảnh vườn của mình:

"Cây cau vua nhà tôi, hai vợ chồng tôi đếm đã 200 lần rơi lá, không có lần nào lá cây cau rơi xuống mà gây tổn thương hay làm hại, gây khó khăn gì cho cây ở dưới, cứ như là nó lựa chọn ấy.

Nó chọn lúc nào thì rơi, theo chiều gió như thế nào, lá rơi xuống cách ra làm sao, đi theo những đường lượn thế nào, không bao giờ gây tổn hại cho ở dưới cả. Mà đến 200 lần. Có lẽ nào lại không có một tý ý thức nào?

Tôi phải khấn và tôi phải khâm phục cây ấy. Nó tôn trọng các cây khác đến như thế".

 

Còn vợ nhà thơ Việt Phương, bà Trần Tú Lan, con gái đầu của hai nhà cách mạng lão thành Vũ Văn Tân và Nguyễn Thị Phương Hoa, có một con chó và một con mèo. Dường như có sự giao lưu giữa bà chủ với hai con vật nuôi đó rất rõ rệt. Bà nói cái gì hầu như nó hiểu cả. 

 

Cho nên dần dần tôi thấm thía được câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không phải thế đâu chú ạ. Đó là định kiến sai lầm của con người. Loài vật không xấu xa như thế" - Nhà thơ Việt Phương kết thúc câu chuyện với tôi bằng một câu đúc kết đầy tâm đắc.

 

Trích Kiều Mai Sơn (VNCA Xuân 2011)