Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

Chất lượng tư duy phụ thuộc vào trí tâm, chứ không phải tuổi tác

 

CHẤT LƯỢNG TƯ DUY PHỤ THUỘC VÀO TRÍ TÂM, CHỨ KHÔNG PHẢI TUỔI TÁC

Có người cho rằng, bác ấy già rồi, tư duy dứt khoát là cũ kỹ, lạc hậu. Song cũng có người nói, cậu ấy còn trẻ người non dạ, tư duy còn hời hợt, nông cạn lắm. Hai ý kiến nhận xét đó đều lấy tuổi tác làm tiêu chí. Thực ra, có nhiều yếu tố quyết định chất lượng tư duy chớ không chỉ là tuổi tác

Yếu tố đầu tiên phải nói đến là tiềm năng hiểu biết, chất văn hóa, độ phong phú của ý kiến một con người cụ thể thường phụ thuộc chủ yếu vào số lượng trí thức, vào kết quả học tập tích lũy hiểu biết của người đó.

Chẳng có ai dốt nát mà có tư duy sâu sắc đầy đủ, phát biểu hay, có sức thu hút lớn. Tư duy là hoạt động của nhận thức ở giai đoạn cao tất nhiên phải phụ thuộc vào trình độ nhận thức.

Nhiều tuổi mà không học, không tích lũy thì nhận thức vẫn kém “không bột không gột nên hồ”. Thỉnh thoảng ta cũng bắt gặp một đôi người kém hiểu biết nhưng lại nói năng rất nhiều.

Song để ý nghe kỹ ta thấy ngay lượng thông tin trong sự nhiều lời đó quá ít ỏi, nghĩa là nội dung tư duy vẫn rất nghèo. Yếu tố thứ hai quyết định chất lượng tư duy là tầm suy nghĩ, tầm nhìn.

Có người thường suy nghĩ rất ngắn, ta hay ví đùa là nhìn không quá cái lỗ mũi của mình. Song cũng có người thường có tầm nhìn xa. Họ nhìn thấu cả cuộc đời, hoạch định trước kế hoạch cho cả một tương lai dài.

Họ là những chuyên gia, cán bộ quản lý tầm vĩ mô. Họ lên kế hoạch 5 năm, 10 năm. Họ hay đề cập đến những vấn đề bao quát lớn, có tầm quan trọng đặc biệt, chi phối nhiều hoạt động khác.

Những người có tầm nhìn, tầm suy nghĩ như thế thì bất luận ở độ tuổi nào, thường có một chất lượng tư duy cao; vừa sâu rộng vừa thông thoáng, quán xuyến được những vấn đề trước mắt mà không mâu thuẫn với mục tiêu lâu dài. Tư duy của họ bao giờ cũng vừa khái quát, vừa cụ thể, giàu sức thuyết phục.

Yếu tố thứ ba quyết định chất lượng tư duy là phương pháp suy nghĩ.

Có người có cách suy nghĩ tản mạn, tùy tiện, lỏng lẻo; nhớ gì nghĩ nấy, nói nấy, nói không đầu, không đuôi, ý nọ xọ ý kia không theo một trình tự nào cả.

Song cũng có người có cách suy nghĩ rất chặt chẽ, ý trước ý sau rõ ràng, trình tự hợp lý, nói năng lưu loát, mạch lạc, đâu ra đấy.

Những người có phương pháp suy nghĩ như thế thì dù còn rất trẻ chất lượng tư duy của họ cũng chịu ảnh hưởng tốt, có tính hệ thống, có chất khoa học cao.

Yếu tố quyết định cuối cùng là cái tâm;

Tâm thiện tâm ác đều ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng tư duy. Có người mang động cơ cá nhân ích kỷ trong mình rất mạnh; nghĩ gì, nói gì cũng đều lấy mình làm trung tâm, đều vơ vét hết mọi cái cho mình.

Họ mờ hết cả mắt, không thấy gì trước mình, chung quanh mình nữa.

Bố mẹ, anh em, cộng đồng xã hội sinh ra mình, nuôi nấng dạy bảo mình, họ cũng chẳng coi ra gì. Họ chẳng chút động lòng, chẳng chút do dự khi bàn đến chuyện xâm phạm đến lợi ích của người khác, lợi ích của tập thể. Lương tâm con người họ đã bay biến đâu mất rồi.

Song cũng có rất nhiều người, có thể nói là đại đa số người có tâm hướng thiện. Họ thường nghĩ nhiều đến điều tốt lành; tốt lành cho bản thân, tốt lành cho người khác, tốt lành cho cộng đồng.

Họ thường xúc động, thương tâm khi nhìn thấy đau khổ của người khác, và rất vui mừng trước hạnh phúc cùa mọi người.

Họ không bao giờ tranh chấp, ganh tỵ làm những điều xằng bậy. Cái tâm của họ luôn luôn trong sáng. Những người có cái tâm như thế thì chất lượng tư duy của họ bao giờ cũng phát triển theo hướng lành mạnh, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích của mình, thường xuyên lấy nhân nghĩa, lấy lẽ phải, công bằng làm trọng.

P. Corneille, một nhà văn nổi tiếng của Pháp trong tác phẩm “Lexid” của mình đã viết: “Tài năng không chờ đợi tuổi tác”. Chất lượng tư duy, một biểu hiện tài năng đầu tiên của con người cũng không phụ thuộc vào tuổi tác. Tâm và trí là hai yếu tố nền tảng quyết định mọi chất lượng tư duy của người.

Nguồn: Tạp chí Khoa học và Tổ quốc, 2004

 

Khoẻ trẻ đẹp và tuổi thọ

 

 KHOẺ TRẺ ĐẸP VÀ TUỔI THỌ

Sức khỏe và tuổi thọ mới là vấn đề được quan tâm nhất trong thế kỷ 21.

Người được Sách kỷ lục Guinness thế giới công nhận sống lâu nhất thế giới hiện nay là cụ bà Maria Branyas Morera, sinh ra ở Mỹ, năm nay 115 tuổi.

 

Để kéo dài tuổi thọ, giảm nguy cơ mắc bệnh các bạn nên áp dụng ngay các bí quyết sau đây:

 

1. Vận động tăng cường thể chất

......Trong đó đi bộ giúp bạn tăng tuổi thọ thêm 15 - 20 năm

2. Chế độ ăn uống khoa học

..….Đầy đủ dưỡng chất theo lối sống tư nhiên

3. Dưỡng sinh đông y

..….Giải tỏa căng thẳng

4. Giao lưu, gặp gỡ bạn bè người thân

……Con người hoà đồng xã hội

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2019, bà Morera cho rằng bà sống lâu nhờ "một cuộc sống trật tự và rất dễ chịu về mặt xã hội... một cuộc sống tốt đẹp, không thái quá". 

Mời các bạn xem video về cách chống lão hoá cho cơ thể theo khoa học:

 


 

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

Yêu thương trẻ thế nào là đúng

 

YÊU THƯƠNG TRẺ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG

Yêu thương vô điều kiện

Có người cho rằng các loài động vật đều có bản năng nuông chiều con bằng thứ tình yêu vô điều kiện, chỉ có con người là có suy nghĩ nên phải yêu con khác đi, phải yêu bằng tình yêu có điều kiện thì mới dạy con nên người được. đó là một cách hiểu hoàn toàn sai lệch.

Yêu thương vô điều kiện là bản năng của các loài động vật. Đó là thứ tình yêu mà Tạo hóa ban cho các loài để yêu thương con cái của mình.

Chỉ có con người, khi tiến hóa và suy nghĩ sai lệch mới sinh ra cái thứ nuông chiều và yêu thương có điều kiện, chính hai thứ này mới làm hỏng con cái mình.

Quan sát trong tự nhiên ta thấy, con mèo con chó đẻ con, chúng liếm láp cho con, ăn cứt của con ỉa ra, cho con bú đến tọp người, hạ canxi chân cúm vào vẫn lết về cho con bú.

Những con chó, mèo con day, cắn, đạp, leo lên đầu lên cổ mẹ mà giằng giật thì mẹ vẫn nằm im, liếm láp lũ con một cách trìu mến yêu thương.

Con chó, mèo mẹ không vì thế mà chê con hư rồi cắn con, không yêu con. Chúng không yêu con nào hơn con nào, không ghét bỏ một đứa con nào cả.

Tình yêu của mẹ chó, mèo dành cho con là hoàn toàn vô điều kiện.

Một con mèo con bò lạc ra khỏi ổ, mèo mẹ luôn tìm cách cắn cổ con tha về. Con ngỗng đẻ trứng, đố ai lạ động vào tổ nó được, vợ chồng nhà ngỗng sẽ rượt kẻ ăn cắp trứng chạy tóe khói.

Đó là bản năng bảo vệ con cái mãnh liệt xuất phát từ tình yêu vô điều kiện của chúng.

Tình yêu vô điều kiện là yêu thương con vì chúng là con của mình, không phân biệt đực hay cái, xấu hay đẹp, lành lặn hay tật nguyền, nên hay hư, ngoan hay không ngoan.

Nhưng vẫn luôn dạy bảo, hướng dẫn những kỹ năng sinh tồn, quy tắc sống cho con một cách đầy đủ và trách nhiệm nhất.

Khi con đã đến tuổi trưởng thành, chúng liền lập tức tách bầy và sống đời sống riêng. Một chu kỳ sinh đẻ khác mới lại bắt đầu.

Rất trách nhiệm nhưng đầy bản năng, rất khoa học nhưng luôn thuận tự nhiên. Ở con người, thuở xa xưa, cũng thế mà thôi.

Yêu thương có điều kiện

Chỉ có con người, có những suy nghĩ sai lệch về phương pháp giáo dục; vì các thói tính ích kỷ hoặc tổn thương tâm lý làm cho suy nghĩ lệch lạc; bị ảnh hưởng bởi các thứ “văn hóa” do con người nghĩ ra để áp chế vào cộng đồng nhằm tạo ra một xã hội theo ý của con người, một cách phản khoa học, nên mới đặt ra điều kiện với con cái để được yêu thương.

Con người là giống loài hư hỏng nhất trong chuỗi tuần hoàn bởi đa số ỷ mình thông minh nên toàn đi ngược, làm ngược lại Tạo hóa.

Yêu thương con cái là một bản năng vô điều kiện đã bị con người (nhất là người Việt) biến thành thứ tình yêu phải có điều kiện mới được ban phát. Chả có giống loài nào khác con người làm như thế cả.

“Ăn đi, mẹ yêu.” Người mẹ ngọt ngào. Đứa trẻ không ăn, nhè ra, liền bị chính người mẹ ấy trở giọng ngay lập tức, quát, “Có ăn không thì bảo, không ngoan mẹ không yêu bây giờ.”

Nghĩa là đứa trẻ phải ngoan ngoãn nuốt thức ăn mẹ đút cho thì mới được yêu.

“Con nhà người ta sao mà ngoan ngoãn học hành giỏi giang chăm chỉ thế, con nhà này vừa dốt vừa lười, chỉ mỗi cái vòi tiền xin đi chơi là nhanh. Biết thế này tôi đẻ quả trứng ăn còn hơn.”

Con mình đẻ ra luôn không bằng con nhà hàng xóm. Sao các mẹ không đi xin con nhà hàng xóm về mà nuôi?

Con mình đẻ ra không được yêu, đi yêu và khen ngợi con nhà hàng xóm, đặt điều kiện bắt đứa trẻ phải răm rắp theo đúng mọi ý muốn của mình thì mới được yêu, ngược lại thì có toàn quyền sỉ nhục nó, coi nó không là người?

Tôi có thể liệt kê ra đây hàng ngàn kiểu xỉa xói, chì chiết, chỉ trích, đặt điều kiện và bắt con phải đáp ứng được điều kiện mới được yêu thương của bố mẹ – con người.

Thay vì yêu thương vô điều kiện, hướng dẫn con cái để chúng sinh tồn, các quy tắc ứng xử để làm người có thể hòa nhập, sống tốt trong cộng đồng và sống cuộc đời của chúng thì bố mẹ – con người luôn đặt điều kiện để bắt chúng đáp ứng nguyện vọng, ý chí của mình và sống – thay, vì, cho – mình một cách rất ích kỷ và hoàn toàn phản tự nhiên.

khi đặt điều kiện các ông bố bà mẹ con người luôn nhân danh tình yêu, luôn cho rằng đó là vì muốn tốt cho con!

Chúng ta không oán trách những ông bố bà mẹ mắc phải thói đặt điều kiện khi yêu con cái, họ cũng là nạn nhân của bố mẹ ông bà, nhưng cần phải thật thẳng thắn, rõ ràng chỉ ra cái sai một cách quyết liệt và rành mạch như thế, thì mới mạnh dạn thay đổi được tư duy của chính mình, hòng tuyệt đối tránh vòng lặp bệnh lý – lặp lại điều sai ấy với con cái chúng ta.

Nuông chiều vô lối là một hình thức thể hiện của tình yêu tử cung.

Tình yêu tử cung là yêu con cái một cách bảo bọc, nâng niu, chiều chuộng, chăm bẵm, che chắn thái quá sau khi đã sinh con ra.

Bố mẹ có tình yêu tử cung không thể coi con là một cá thể độc lập, luôn muốn nó dính chặt, phụ thuộc vào mình như đứa bé còn nằm trong tử cung của mẹ.

Từ tình yêu tử cung, bố mẹ luôn nuông chiều bất kỳ ý thích nào của con, không thể dạy bảo hướng dẫn một điều gì.

Một đứa trẻ ba tuổi, đòi chơi IPad của bố, bố không cho, con lăn đùng ra khóc ăn vạ, mẹ lập tức lấy cho con chơi, khi bố không đồng ý thì mẹ xị mặt ra xỉa xói chồng ích kỷ.

Một đứa trẻ tập đi, bị ngã, mẹ thấy con ngã không nặng, muốn con tập tự đứng lên nên khuyến khích, bố thấy thế liền chạy đến đánh chừa hòn gạch, quay ra mắng mẹ vô ý vô tứ để con ngã còn ngồi đó không đỡ con lên.

Bố mẹ dạy con ý thức tự lập, hướng dẫn con tự dọn đồ chơi, tự dọn bàn ăn, tự vệ sinh… ông bà thấy thế liền giành lấy làm hộ cháu, quay ra trách mắng bố mẹ cháu “nó bé tí biết gì mà bắt nó làm thế..”

Ta có thể thấy rất nhiều cảnh cả nhà cùng nuông chiều một đứa trẻ hoặc trong nhà có một, vài người nuông chiều đứa trẻ đi ngược lại cách yêu thương giáo dục của người khác.

Tình yêu tử cung, nuông chiều vô lối làm hỏng hoàn toàn đứa trẻ. Nó sẽ làm cho trẻ sống bám, dựa dẫm, luôn đòi hỏi cho bản thân, không hề nghĩ tới người khác kể cả người thân, khi lớn chắc chắn nó sẽ thành “cục nợ.”

Ở Việt Nam, ta lại còn thấy một kiểu kết hợp dị hợm khác: nuông chiều vô lối kết hợp với yêu thương có điều kiện.

Lúc trẻ còn nhỏ, là khoảng thời gian cần được yêu thương vô điều kiện và hướng dẫn, chỉ bảo cặn kẽ kỹ năng thì lại bị nuông chiều và bảo bọc trong tình yêu tử cung không dạy bảo hướng dẫn gì.

Chẳng có ông bố bà mẹ nào mang thai suốt đời được nên tất lẽ dĩ ngẫu sẽ đến lúc mệt mỏi và thèm nghỉ ngơi, nhưng rủi thay, đứa con đã thành nếp dựa dẫm rồi, thế là họ quay ra đặt điều kiện bắt nó phải thế này thế nọ, chì chiết, chỉ trích nhưng vẫn không biết cách hướng dẫn.

Đứa trẻ trở nên mâu thuẫn cùng cực và tội nghiệp vô cùng vô tận. Nó hoàn toàn là sản phẩm lỗi từ chính lỗi của bố mẹ, ông bà, nhưng không bao giờ bố mẹ ông bà nhận đó là lỗi của mình, họ sẽ đổ tại trời sinh tính!

Còn nhiều điều để nói nữa, nhưng thiển nghĩ cũng đủ để các bậc làm bố mẹ suy nghĩ và nhận diện được các khái niệm, các hình thức thể hiện và lựa chọn cách đúng nhất cho mình để yêu và dạy con.