Thứ Bảy, 17 tháng 2, 2024

Cần định hướng tư duy sáng tạo cho tuổi Teen

  

Đoàn Linh An (15 tuổi, cán bộ Đoàn của Trường THPT Hà Nội - Amsterdam).

CẦN ĐỊNH HƯỚNG TƯ DUY SÁNG TẠO CHO TUỔI TEEN

Sáng tạo ra ảnh và video ấn tượng khác lạ, độc đáo hoặc dễ gây ra tranh cãi là cách dễ nhất để thu hút sự chú ý, chinh phục các netizen.

Càng ngày người ta càng ít đọc hoặc đọc kỹ nội dung bằng chữ nhất là khi chỉ lướt web và mạng xã hội với vô số thông tin hỗn độn sẽ hiện ra trên màn hình nhỏ bé của chiếc smartphone.

 

Những bạn trẻ tuổi teen ưa thích khám phá thế giới xung quanh với đầy sự tò mò (nhất là qua việc học tập), bên cạnh đó là mong muốn khẳng định “cái tôi” của mình trước mọi người. Nhưng ở Việt Nam hiện nay, nhiều bạn trẻ đang sáng tạo nội dung một cách thiếu mục đích, tốn khá nhiều thời gian để sa đà vào những thứ vô bổ không giúp gì cho tương lai, thậm chí còn lệch lạc cả về tư duy hoặc đạo đức mà vẫn được số đông cổ xúy tán thưởng.

 

Hầu như không ngày nào mà các bạn trẻ tuổi teen không sáng tạo một nội dung bất kỳ để đăng lên mạng xã hội.

Nhưng lại đang rất thiếu những chương trình ngoại khóa để định hướng tư duy sáng tạo nội dung bằng chữ, âm thanh và đặc biệt là hình ảnh dành cho lứa tuổi này.

 

Ví dụ như các chương trình đào tạo hoặc sách hướng dẫn tự thực hành, các cuộc thi sáng tạo (ảnh chụp, video, bài viết hoặc thuyết trình) theo các chủ đề phù hợp và ý nghĩa.

Những chương trình như “Hội thi sáng tác ảnh Tuổi xanh” của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, “Cuộc thi làm phim qua ống kính trẻ thơ online” của Quỹ Japan Foundation là quá ít số với đòi hỏi thực tế.

 

Trong khi đó nhiều quốc gia rất chú trọng tổ chức các chương trình với những chủ đề đầy ý nghĩa dành cho tuổi teen.

Những chương trình tiêu biểu dành cho tuổi teen toàn cầu như cuộc thi sáng tạo video 1 phút về bảo vệ thế giới và môi trường - “The global slingshot challenge” của Hiệp hội Địa lý quốc gia, “Liên hoan Nhiếp ảnh quốc tế của Nhật Bản.

 

Các quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã và đang được định hướng để tiếp cận chuẩn mực toàn cầu, đồng thời truyền cảm hứng tích cực về nhiều vấn đề nóng hổi cho toàn xã hội như bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, quảng bá hình ảnh quê hương,... Những vấn đề này nếu được trình bày quá lăng kính vô tư của trẻ em sẽ có hiệu quả tác động mạnh đến toàn bộ cộng đồng và cả chính quyền.

 

Trong thời đại internet kết nối toàn cầu, tuổi teen Việt Nam dễ dàng tiếp cận chung với các bạn cùng trang lứa ở khắp nơi. Nhưng nếu không có tư duy và định hướng đúng thì các bạn trẻ sẽ học “cái dở” thường nhanh hơn “cái tốt”. Câu chuyện về mạng Tik Tok đang từng bước bị cấm hoặc hạn chế ở nhiều quốc gia là một ví dụ.

Tiếc rằng sau nhiều nỗ lực nhưng các diễn đàn trực tuyến hoặc mạng xã hội thuần Việt đều sớm “chết yểu” khiến cho giới trẻ của Việt Nam rất thiếu sân chơi của riêng mình.

 

Lắng nghe ý kiến của những “người trong cuộc”

Tư duy sáng tạo hình ảnh của các em hiện nay chủ yếu là bắt chước cách chụp ảnh, quay video của Trung Quốc và Hàn Quốc thiên về giải trí đại chúng mà ít kích thích sáng tạo dành cho học tập và nghệ thuật, thường tiếp cận kiểu câu view (gây tò mò) với nội dung khá hời hợt.

 

Nếu không định hướng đúng đắn kịp thời, Việt Nam có thể lãng phí cả một thế hệ trẻ hiện nay về tư duy nền tảng cho sáng tạo và dễ gây nên hệ lụy xấu cho nhiều năm sau khi các bạn teen trở thành người lớn.

 

Khi công cuộc cải cách giáo dục toàn diện đang được triển khai ở Việt Nam, các môn sáng tạo như về nghệ thuật thị giác như mỹ thuật, đồ họa hoặc thiết kế (đòi hỏi nhiều năng khiếu bẩm sinh) vừa mới được đưa vào chương trình tới tận bậc trung học phổ thông.

Nhưng sáng tạo nội dung bằng nhiếp ảnh, video vốn rất dễ dàng chỉ cần smartphone thì chưa có dù hầu hết học sinh đang sử dụng hàng ngày. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ rất hiệu quả cho phương pháp giáo dục tân tiến như STEM hoặc STEAM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật và Nghệ thuật - Toán học).

 

Nhà nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Vũ Thế Long lưu ý rằng: “Từ thời tiền sử, con người đã ghi chép hình ảnh về cuộc sống qua tranh khắc trong hang động và giờ đây là hình ảnh từ smartphone và các thiết bị hiện đại khác.

Điều này là rất quan trọng cho nhân loại. Sở hữu thiết bị hiện đại chỉ là công cụ để sáng tạo, học tập và nghiên cứu cũng như khám phá thế giới sao cho có ích và có đạo đức”.

 

Đoàn Linh An (15 tuổi, cán bộ Đoàn của Trường THPT Hà Nội - Amsterdam) tâm sự: “Người lớn thường không hiểu hết hoặc đồng cảm được với lứa tuổi teen luôn muốn khám phá xung quanh theo cách riêng và thích tự ghi lại các kỷ niệm đầy ắp của mình cũng như những gì đã cảm nhận bằng hình ảnh được sáng tạo từ chính chiếc smartphone của mình.

Ngoài ra, thông điệp bằng hình ảnh dễ lan tỏa nhanh chóng tới mọi người”.

 

Theo ông Nguyễn Viết Thịnh đang có hai con ở tuổi teen: “Việc con trẻ thể hiện nội dung, suy nghĩ bằng hình ảnh, đồ họa hoặc video là một xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0.

Chiếc smartphone gần như là công cụ không thể thiếu không chỉ phục vụ học tập, cập nhật thông tin mà còn để các con thể hiện các suy nghĩ và góc nhìn của mình một cách không giới hạn.

 

Việc cần làm của phụ huynh là cần định hướng và kiểm soát để giảm thiểu các tác động tiêu cực và tối đa các tác dụng tích cực”.

Tuấn Ngọc


Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

Quy Tắc Duy Trì Mối Quan Hệ Vợ Chồng Trong Hôn Nhân

 

QUY TẮC DUY TRÌ MỐI QUAN HỆ VỢ CHỒNG TRONG HÔN NHÂN

 

Để xây dựng cuộc sống hôn nhân hạnh phúc và bền vững thực sự không dễ dàng. Vì vậy, cả hai nên trang bị những quy tắc để có thể duy trì mối quan hệ vợ chồng lâu dài.

 

Khác với lúc còn yêu nhau, cuộc sống hôn nhân không còn nhiều hành động lãng mạn hay những lời nói ngọt ngào, mơ mộng. Hôn nhân đòi hỏi ở cả hai nhiều hơn tình yêu. Đây cũng là lý do vì sao không phải cặp đôi nào cũng hạnh phúc khi kết hôn mặc dù đều rất yêu thương nhau.

 

Mỗi gia đình hạnh phúc sẽ tạo ra một xã hội hạnh phúc và vững mạnh. Trước thực trạng tỷ lệ ly hôn, ly thân ngày càng tăng cao, việc trang bị những bí quyết để giữ gìn cuộc sống hôn nhân là điều vô cùng cần thiết.

 

Dưới đây là 8 quy tắc để duy trì mối quan hệ vợ chồng trong hôn nhân:

 

1. Giữ sự chung thủy với bạn đời

Sự thủy chung giúp cả hai hướng đến cùng mục đích đó chính là xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm êm. Không ít người nhắm mắt bỏ qua việc vợ/ chồng phản bội để giữ mái ấm đủ đầy bố và mẹ cho con cái.

Tuy nhiên, những vết rạn nứt đã xuất hiện sẽ không bao giờ lành lại được và mối quan hệ vợ chồng chỉ còn là danh xưng trên giấy tờ.

Vì vậy, nếu đã quyết định kết hôn, hãy chắc chắn bản thân chung thủy trước sau như một.

 

2. Tôn trọng đối phương trong mọi hoàn cảnh

Không chỉ riêng trong mối quan hệ vợ chồng, tôn trọng là nguyên tắc quan trọng để xây dựng và duy trì tất cả các mối quan hệ. Tôn trọng không phải là điều gì quá lớn lao mà được thể hiện qua từng khía cạnh nhỏ trong cuộc sống. Vợ chồng tôn trọng nhau sẽ luôn hỏi ý kiến của đối phương khi đưa ra quyết định, coi trọng lời hứa, chừng mực trong lời nói, thái độ, cách ứng xử,…

Thực tế, rất nhiều phụ nữ Việt không nhận được sự tôn trọng từ bạn đời – nhất là những người làm công việc nội trợ hoặc thu nhập thấp hơn chồng. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này là quan niệm trọng nam khinh nữ có từ xa xưa.

Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, thiếu tôn trọng lẫn nhau sớm muộn cũng sẽ dẫn đến rạn nứt và đổ vỡ.

 

3. Luôn thành thật với nhau

Không giống với những mối quan hệ khác, giữa vợ và chồng không nên có bí mật. Thành thật ngay từ đầu sẽ giúp cả hai thấu hiểu, cùng nhau chia sẻ và đồng cảm. Trong khi thói quen che giấu sẽ khiến cho mối quan hệ thường xuyên gặp phải cãi vã, xung đột và về lâu dài sẽ gây sứt mẻ tình cảm.

 

4. Học cách chia sẻ và lắng nghe

Vợ chồng không chỉ chia sẻ với nhau những vấn đề chung như chăm sóc con cái, phụng dưỡng bố mẹ, xây nhà cửa,… mà còn phải trao đổi với nhau về công việc, bạn bè và những mối quan hệ xung quanh. Hiểu rõ về đối phương sẽ giúp cả hai thấu hiểu nhau hơn và luôn có lòng tin với vợ/ chồng của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.

5. Nhường nhịn – Bí quyết để duy trì mối quan hệ vợ chồng

Khi nóng giận, cả hai rất dễ gây tổn thương nhau bằng những từ ngữ nặng nề. Những câu nói, hành vi khi nóng giận có thể đặt dấu chấm hết cho một mối quan hệ.

Tuy nhiên, nhường nhịn không phải là sự thấp kém hơn về mặt địa vị. Khi cả hai đã lấy lại bình tĩnh, nên cùng nhau trò chuyện để tìm ra giải pháp và đánh giá lại những điểm còn thiếu sót của bản thân. Ngoài ra, sự nhường nhịn là quy tắc cả hai người đều phải ghi nhớ chứ không riêng gì người vợ.

 

6. Chấp nhận sự khác biệt

Cả hai người phải học cách chấp nhận sự khác biệt của đối phương thay vì ép buộc đối phương phải thay đổi để phù hợp với bản thân. Khi chung sống, những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt, sở thích của cả hai có thể không đồng điệu. Đôi khi tình trạng này có thể gây ra một số phiền toái trong cuộc sống và vô tình là nguyên nhân của các cuộc cãi vã.

Chúng ta không thể ép buộc người khác theo ý muốn của bản thân dù đó là vợ, chồng hay là con cái. Thay vì yêu cầu người khác thay đổi, hãy chấp nhận sự khác biệt và cả hai phía nên điều chỉnh bản thân để dung hòa lẫn nhau.

Trong nhiều trường hợp, khác biệt quá lớn cũng là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân phải chấm dứt.

 

7. Tinh thần trách nhiệm

Cuộc sống hôn nhân đòi hỏi rất nhiều thứ từ tài chính cho đến sự thấu hiểu, sẻ chia và tin tưởng. Trách nhiệm giúp cả hai học cách vun vén gia đình, tích cóp để lo lắng cho tương lai, biết dành thời gian cho gia đình và cùng chia sẻ gánh nặng khi nuôi dạy con cái.

Trong gia đình, mỗi người sẽ có một vai trò riêng và trách nhiệm của cả hai là ngang bằng. Người chồng cần tránh việc phó thác mọi việc trong gia đình và nuôi dạy con cái cho vợ. Ngoài ra, vợ cũng cần hỗ trợ chồng trong việc để tạo nguồn tài chính ổn định để lo lắng cho tương lai.

 

8. Tôn trọng và yêu thương chính mình

Bên cạnh việc vun đắp và xây dựng gia đình, bạn cũng đừng quên tôn trọng và yêu thương chính mình. Thực tế, không ít người chấp nhận hy sinh nhiều thứ và nhẫn nhịn để giữ hạnh phúc. Tuy nhiên, sự nhún nhường sẽ khiến đối phương quên mất trách nhiệm của bản thân đối với gia đình.

 

Hôn nhân có ý nghĩa thiêng liêng với mỗi người nhưng điều này không phải là tất cả. Ngoài hôn nhân, bạn còn có các dự định, đam mê riêng và những mối quan hệ khác. Bên cạnh thời gian dành cho gia đình, bạn nên dành chút ít thời gian để bản thân được nghỉ ngơi, thư giãn và có cơ hội để phát triển bản thân.

 

ST

 

''Cha mẹ cần tiếp tục trưởng thành theo sự lớn lên của con cái''

 

''CHA MẸ CẦN TIẾP TỤC TRƯỞNG THÀNH THEO SỰ LỚN LÊN CỦA CON CÁI''

Cuộc sống hiện đại khiến cho thời gian dành cho nhau, lắng nghe nhau giữa cha mẹ và con cái trở nên ít dần. Mải mê chạy theo những đam mê cá nhân, vô tình khiến sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái trở nên lỏng lẻo.

Trước nhiều biến động của cuộc sống hiện đại, sự quan tâm của bố mẹ dành cho con cái còn bao gồm cả những lo lắng: Lo lắng sao cho con bắt kịp với bạn bè, lo bảo vệ con khỏi những luồng văn hóa độc hại, những nguy hiểm thường trực luôn hiện hữu quanh con...

Bên cạnh đó, khi cuộc sống ngày càng có nhiều biến đổi theo xu hướng cởi mở, giao lưu nhiều hơn với thế giới bên ngoài, trẻ em được tiếp cận với nhiều cái mới nên cách sống, cách suy nghĩ của trẻ em cũng khác.

Trẻ có ý thức về bản thân nhiều hơn, có ý thức muốn khẳng định mình nhiều hơn so với thế hệ cha mẹ chúng.

Chính vì thế, làm cha mẹ trong cuộc sống hiện đại là phải chịu nhiều áp lực.

Đặc biệt, khi bước vào giai đoạn dậy thì và trưởng thành, giữa cha mẹ và con cái sẽ bắt đầu hình thành khoảng cách. Ở độ tuổi này, con bắt đầu hình thành cái tôi, có suy nghĩ và quan điểm riêng. Tính cách của trẻ cũng sẽ có sự thay đổi và định hình rõ rệt. Khi nhu cầu khẳng định cái tôi của trẻ gặp phải sự can thiệp quá sâu của cha mẹ, các em cảm thấy ngột ngạt trong vòng tay bao bọc ấy.

Ngược lại, nếu cha mẹ thờ ơ không để ý, lơ là không quan tâm thì vô tình đẩy các bạn trẻ vào sự cô đơn, có thể gây nhiều hệ lụy đáng tiếc. Thế cho nên, mức độ quan tâm thế nào, quan tâm bao nhiêu là cả một nghệ thuật.

Cha mẹ thời kỳ hiện đại bắt buộc phải trở thành bố mẹ thông thái, quan sát con, định hướng cho con chứ đừng quan tâm quá sâu vào đời sống của con, bởi chính điều ấy càng tạo ra sự ngăn cách giữa cha mẹ và con cái.

Con sẽ luôn cảm thấy phải đề phòng cha mẹ, thấy việc tâm sự, chia sẻ với cha mẹ không còn dễ dàng.

- Khoảng cách thế hệ bắt nguồn từ việc lấy cách nghĩ, lối sống của thế hệ trước áp đặt cho lối sống, cách nghĩ của thế hệ sau. Ví dụ, theo cách nghĩ của thế hệ trước, bố mẹ luôn có quyền dạy bảo và con cái phải nghe lời, họ tự cho mình quyền quyết định mọi việc thay con hoặc luôn áp đặt, bắt con phải sống theo mong muốn của mình.

Tuy nhiên, thế hệ "Gen Z" hiện nay có điều kiện được hưởng những điều tốt đẹp về mọi mặt của đời sống nên cách nghĩ, cách đánh giá vấn đề, quan điểm sống rất khác so với thế hệ bố mẹ chúng, thế hệ cách chúng hơn 20 năm.

Chính vì thế, việc tiếp thu các luồng văn hóa mới, xu hướng thời trang, kiểu tóc, cách hưởng thụ cuộc sống của chúng sẽ khác với bố mẹ. Và, nếu nhìn theo góc nhìn của bố mẹ, họ sẽ thấy con cái mình ăn mặc dị hợm, nghe những loại nhạc “không giống ai”, sống không biết tiết kiệm...

Đối với họ như thế là hư hỏng, là không ngoan. Nếu cứ tiếp diễn tình trạng chênh lệch về quan điểm, lối sống, cách nghĩ này trong một thời gian dài thì sẽ tạo một khoảng cách rất lớn giữa hai thế hệ bố mẹ và con cái.

Chúng ta hiểu rằng, khi trở thành bố mẹ, ai cũng có trong mình một bản năng làm bố mẹ, đó là bản năng gắn kết, yêu thương với những đứa con của mình.

Tuy nhiên, bên cạnh bản năng, các bậc làm cha mẹ cần trang bị thêm cho mình những kiến thức cơ bản để có thể tìm một cách giao tiếp, kết nối phù hợp nhất với con của mình.

Để tăng tính kết nối, cha mẹ hãy là bạn của con, đồng hành cùng con bởi vì khi không phải là một người bạn tốt, con sẽ chẳng chia sẻ và cha mẹ sẽ không có cơ hội hiểu được những gì con nghĩ. Hãy dành thời gian bên con bởi thứ mà trẻ cần không phải chỉ là vật chất đủ đầy, mà còn được ngồi bên cha mẹ, được cha mẹ hỏi han và chia sẻ.

Có nhiều bậc cha mẹ than rằng, họ không thể nào ngồi nói chuyện với con quá 5 phút. Đó không phải do sự khác biệt về tuổi tác hay tư duy, mà do bạn đã không quan tâm đến lời nói của trẻ, hoặc luôn gạt đi mọi ý kiến của trẻ.

Nhiều cha mẹ thường chăm chú xem ti vi hay điện thoại khi trẻ tâm sự khiến chúng cảm thấy không được tôn trọng, dần dà, trẻ không còn hứng thú tâm sự bất cứ chuyện gì với cha mẹ nữa.

ST