Thứ Ba, 16 tháng 1, 2024

Buổi nói chuyện thơ cuối cùng của Xuân Diệu

BUỔI NÓI CHUYỆN THƠ CUỐI CÙNG CỦA XUÂN DIỆU

Tháng 9 năm 1985, kỷ niệm 40 năm ngày Quốc khánh 2 tháng 9, Câu lạc bộ Đoàn Kết (ở đường Tràng Tiền) tổ chức cuộc nói chuyện "Thơ Việt Nam 1945-1985". Diễn giả là nhà thơ Xuân Diệu.

Tôi còn nhớ như in buổi nói chuyện hôm đó. Gọi là "Thơ hiện đại Việt Nam sau Cách mạng tới nay", nhưng lướt qua một số tên tuổi tiêu biểu, già nửa thời gian còn lại, thi sĩ quay ra phân tích, giảng giải cái hay của... thơ mình. Tất nhiên chẳng ai lấy làm ngạc nhiên về điều này (vì ông đã làm như thế nhiều lần, cả trên trang sách).

Được nghe nhà thơ lớn nói chuyện đã là vui lắm, huống hồ được nghe "chui" một số bài thơ xưa của ông ít có dịp được tái bản, lại còn thơ trong sổ "mật" chưa hề xuất bản, vui nào bằng.

Xuân Diệu thông báo chuyện trong cuộc gặp gỡ quốc tế các nhà văn ở Xôphia trước đây, ông có đọc bài thơ "Chén nước", được đồng nghiệp tán dương. Nữ thi sĩ Bungari Đimitrôva còn cho rằng đó là bài thơ hay nhất đọc buổi hôm đó.

Tiện đây, Xuân Diệu bình luôn mấy câu thơ Đimitrôva viết về cái hôn, đại thể "Nụ hôn vùi trong tóc": "Tại sao phải vùi, chữ vùi hay như thế nào? Vì nụ hôn nóng bỏng như hòn than đỏ, phải vùi vào trong tóc, chớ không nó trơn trượt, nó rơi mất" - Nguyên văn câu bình luận của nhà thơ như thế.

Mọi người vỗ tay rào rào. Nhà thơ nghiêng người, ngả cổ nâng cốc nước cam, uống một hơi, vẻ mặt mãn nguyện.

Nhưng đến giờ giải lao, hình như theo thông báo từ trước "người đi nghe nói chuyện thơ được mua thêm họa báo", ở hành lang, mọi người chen chúc nhau, cố gắng mua lấy được đôi tờ họa báo về bọc sách cho con (nên nhớ những năm tháng ấy ở ta còn khan hiếm về giấy, có được đôi tờ họa báo bọc sách, bọc vở là quý lắm, đa phần chỉ dám bọc sách vở bằng giấy báo, giấy vỏ bao xi măng mà thôi).

Không khí lộn xộn kéo dài, khi nhà thơ Xuân Diệu đã trở về bục diễn giả và tiếp tục nói chuyện thơ rồi, mà ở hành lang, những cánh tay nhao nhao giơ lên vẫn còn dày đặc.

Xuân Diệu ngán ngẩm lắc đầu. Ông lẩm bẩm, nhưng vì miệng ông ghé gần micrô, nên trong phòng, mọi người đều nghe thấy: "Mọi người đến đây để mua họa báo chứ không phải nghe thơ à?".

Mặc nhà thơ ta thán, nhiều người vẫn bỏ ngoài tai, cố gắng đạt được mục đích của mình.

Lòng ta là một cơn mưa lũ

Đã gặp lòng em là lá khoai

Thái độ của nhà thơ đã chất nhiều bực dọc. Câu thơ đọc lên nghe nặng nề, như táp vào mặt người nghe. Đột nhiên, nhà thơ to giọng:

- Lá khoai, ở miền Nam người ta gọi là lá môn, nhưng chẳng lẽ với đồng bào miền Bắc, tôi lại gọi là lá môn, là: Lòng ta là một cơn mưa lũ/ Đã gặp lòng em là lá môn hay sao?

Cũng chẳng cần biết ẩn ý của nhà thơ thế nào khi nói ra câu ấy, mà nghe cách giải thích ngộ quá, mọi người rộ lên cười. Tiếng cười làm cho thi sĩ hơi dịu lại, rồi chắc cũng thấy cách giải thích của mình hơi sa đà, ông nói thêm:

- Vả chăng, dùng chữ lá môn không được. Như thế làm sao vần với hai câu dưới: Mưa biếc tha hồ tuôn giọt ngọc/ Lá xanh không ướt đến da ngoài...

Tiếng cười lại rộ lên râm ran khắp phòng...

Đó là buổi nói chuyện thơ cuối cùng trước công chúng của thi sĩ, vì chỉ ba tháng sau đó, ông đã "vẫy chào cõi thực để vào hư".

Nhà thơ Xuân Diệu ra đi đến nay đã hơn hai chục năm (ông mất ngày 21/12/1985). Lớp học sinh ngày ấy giờ đã lớn, những quyển sách đã sờn, nhưng vẫn còn đâu đây một niềm tiếc thương của những người đã từng một lần được nghe ông nói chuyện thơ...

ST

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

Câu chuyện chiếc bẫy chuột và lời khuyên…

 

CÂU CHUYỆN CHIẾC BẪY CHUỘT VÀ LỜI KHUYÊN ĐỪNG NGÓ LƠ NHỮNG NGƯỜI ĐANG GẶP KHÓ KHĂN

Chuyện kể rằng có một con chuột sống trong nhà một người nông dân. Một hôm nó nhòm qua kẽ tường xem người nông dân và vợ anh ta đang chăm chăm mở gói gì đó. Con chuột nghĩ rằng đó là một cái hộp chứa thức ăn và nó chắc mẩm mình sẽ được ăn ngon đây.

Vậy nên, nó càng tò mò nhưng rồi nó rất hoảng hốt khi biết đó là một cái bẫy chuột.

Con chuột vội chạy ra sân nông trang và loan báo tới tất cả những con vật khác: “Có một cái bẫy chuột trong nhà đấy! Tôi nói cho mọi người biết có một cái bẫy chuột trong nhà đấy!”

Gà mái thấy vậy lục cục ậm ừ, ngẩng đầu lên bảo: “Ngài chuột ơi, tôi thấy đây quả là mối nguy hại đến ngài đấy, chỉ riêng ngài thôi. Còn tôi thì tôi không bận tâm lắm đâu”.

Còn lợn thì tỏ ra thông cảm: “Tôi cũng rất tiếc, ngài chuột ạ. Nhưng tôi chẳng biết làm gì hơn việc cầu nguyện cho ngài không gặp mối họa nào. Cứ yên tâm là tôi sẽ luôn cầu nguyện cho ngài bình an”.

Bò cái tiếp lời: “Tôi cũng rất lấy làm tiếc, ngài chuột nhưng thực sự tôi có liên quan gì đến cái bẫy chuột ấy đâu”.

Chuột nghe vậy, cảm thấy chán nản vì mối hiểm họa cận kề mà phải một mình đối đầu. Nhưng chuột ta cũng không dám trách gì những con vật khác vì nó thấy lí luận của họ cũng chẳng có gì sai.

Tới khuya hôm ấy, một âm thanh vang to khắp căn nhà. Vợ người nông dân nghĩ rằng con chuột đã sập bẫy nên đã vội chạy tới xem. Trong bóng tối, bà không thấy con rắn độc đã bị kẹp đuôi vào cái bẫy ấy nên đã bị nó đớp ngay vào tay.

Người nông dân đã vội vàng đưa vợ tới bệnh viện, khi trở về nhà, bà lên cơn sốt. Thấy hàng xóm mách bảo, người nông dân vội bắt con gà mái để nấu cháo gà bồi bổ cho vợ.

Nhưng cơn sốt vẫn chưa dứt nên bà con lối xóm tấp nập sang thăm hỏi. Vì thế, người nông dân đã giết thịt con lợn để mời cỗ.

Nhưng rồi vợ ông cũng không qua khỏi cơn bạo bệnh. Trong đám tang của vợ mình, người nông dân đã mổ bò cái để thiết cỗ mọi người đến thăm viếng.

Lời bình

Một chiếc bẫy chuột dường như chẳng liên quan gì đến gà, lợn, bò, nhưng cuối cùng vẫn gây cho chúng những hậu quả nghiêm trọng. Chuyện đáng bàn là nếu gà, lợn, bò giúp đỡ chuột từ trước thì có lẽ mọi chuyện đã khác. Gà, lợn, bò chết vì sự vô tâm của mình.

Trong cuộc sống, con người thường tập trung quá nhiều đến lợi ích riêng của mình, mà thờ ơ với những điều xung quanh. Khi tháy chuyện không hay nhưng lại không liên quan đến mình, con người thường tặc lưỡi cho qua.

Những vấn đề xảy ra xung quanh vẫn có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối ta, giống như ảnh hưởng của cái bẫy chuột lên gà, lợn, bò vậy. Cuộc sống sẽ thực sự tốt hơn nếu chúng ta bớt thờ ơ với nhau hơn và biết lên tiếng, thay vì chỉ nhìn nhau rồi tặc lưỡi.

Đừng nghĩ cuộc đời này bất công với bạn

 

        ĐỪNG NGHĨ CUỘC ĐỜI NÀY BẤT CÔNG VỚI BẠN, CHẲNG QUA LÀ DO BẠN CHƯA HIỂU RÕ LUẬT CHƠI THÔI

Từ trước đến nay, mọi người thường quan niệm: cuộc sống vốn dĩ không công bằng và tự an ủi bản thân rằng phải tập quen dần với điều đó. Cũng đúng là thế thật, ngoại trừ những người tài năng xuất chúng, người bình thường như chúng ta phải từng ngày vật lộn với những khó khăn trong cuộc sống. Vậy nên, mọi người thường dễ cảm thấy cuộc đời này bất công.

Sự thật là, cuộc đời giống như một trò chơi, nhưng có mức độ phức tạp hơn. Người chơi sẽ cần đọc kỹ và hiểu đúng những quy tắc đã có trước khi bắt đầu vào cuộc chơi.

Tác giả của bài viết này, ông Oliver Emberton đã đề ra 3 quy tắc chính của trò chơi mang tên "cuộc đời" này.

Quy tắc 1: Đời về căn bản là ganh đua

Bạn đang có một công việc ổn định tại công ty? Bạn rất yêu mến công việc đó? Thời đại công nghệ lên ngôi, chẳng ai chắc rằng bạn sẽ không bị thay thế bởi lập trình máy tính cả?

Chức vụ đó là vị trí bạn hằng mong ước? Hàng chục người khác cũng muốn như bạn và còn đang lên kế hoạch hành động trước cả bạn.

Dù không muốn nhưng mọi người phải thừa nhận rằng, tất cả chúng ta đều đang trong một cuộc tranh đua quyết liệt. Đó có thể là sự cạnh tranh từ bất cứ thứ gì - bạn bơi được xa hơn, nhảy đẹp hơn …

"Chỉ cần cố gắng hết sức là được", "Đối thủ lớn nhất của bạn là chính bạn", đừng nghĩ những lời động viên thường nghe này là để xoa dịu bạn khỏi áp lực và căng thẳng.

Thực chất, chúng có tác dụng ngược lại, nghĩa là thúc ép chúng ta cố gắng nhiều và nhiều hơn nữa.

Nếu sống mà không cần phải ganh đua, chúng ta đã được khuyên nên bỏ cuộc ngay từ đầu.

Thế nên, đừng bao giờ tự tin nói rằng, mình chẳng cần đến cạnh tranh để có thể sống như ngày hôm nay.

Nếu vẫn nghĩ đây không phải ganh đua, thì đơn giản là bạn đã bị loại khỏi cuộc chơi này rồi. Mọi nhu cầu của con người đều sẽ khởi động "đường đua". Và chiến thắng sẽ chỉ dành cho những ai thực sự chiến đấu vì nó.

Quy tắc 2: Người ta đánh giá bạn qua những thứ bạn làm được, không phải những thứ bạn nghĩ

Xã hội này thường đánh giá con người dựa trên những gì họ có thể làm cho người khác. Bạn vừa cứu một đứa trẻ khỏi đám cháy, sơ cứu người bị tai biến hay đơn giản là có thể gây tiếng cười, mọi hành động của bạn sẽ được người khác "định giá" ngay lúc đó.

Sẽ chẳng có gì bàn cãi ở đây nếu bạn cũng đánh giá bản thân theo cách đó. Chúng ta chỉ đơn thuần tự tin cho rằng "tôi là người tốt", hay "chắc chắn tôi sẽ làm được". Bạn đánh giá bản thân theo cách nghĩ riêng của mình, nhưng đó không phải cách thế giới đang nhìn vào bạn.

Bạn tốt tính như thế nào, tài cán đến đâu, đam mê dữ dội ra sao, xã hội này không quan tâm. Điều họ quan tâm là bạn sẽ làm được gì cho thế giới. Thủ khoa tốt nghiệp Đại học nhưng lại thất nghiệp, thì cũng bằng không.

Mà cho dù chúng ta có làm tốt cỡ nào, ta cũng sẽ bị người đời soi mói và nhìn bằng góc nhìn phiến diện. Một nhân viên gác cổng cần mẫn sẽ chẳng được tung hô như một nhà đầu tư chứng khoán thành đạt. Một nhà nghiên cứu ung thư sẽ ít được quan tâm hơn dàn siêu mẫu chân dài.

Vì sao vậy? Đó là bởi vì những tài năng đó là quý hiếm và được đón nhận bởi nhiều người hơn.

Cứu một mạng người, bạn là anh hùng khu phố, nhưng chữa được bệnh ung thư, tên bạn đi vào huyền thoại. Viết một quyển sách cực hay nhưng không xuất bản, bạn chẳng là ai trên cõi đời này, nhưng nếu bạn là tác giả tiểu thuyết "Harry Potter", cả thế giới đều phải ngưỡng mộ bạn.

Có thể bạn sẽ không thích nghe điều này: Bạn sẽ được đánh giá dựa trên những gì bạn có khả năng làm được và số lượng người được hưởng lợi từ điều bạn làm. Nếu không chịu chấp nhận sự thật đắng ngắt này, lúc nào bạn cũng thấy thế giới bất công với mình.

Quy tắc 3: Khái niệm công bằng của mỗi người liên quan mật thiết đến lợi ích cá nhân

Con người thích đặt ra những chuẩn mực đạo đức. Đó chính là lý do chúng ta cần trọng tài trong thi đấu hay thẩm phán trong tòa án.

Chúng ta luôn phân định rõ đúng – sai trong mọi tình huống, và hy vọng thế giới sẽ tuân theo. Cha mẹ và thầy cô cũng dạy chúng ta điều đó từ khi còn nhỏ. Họ dạy ta điều hay, lẽ phải và thấm nhuần tư tưởng: cứ ngoan là sẽ có thưởng.

Nhưng trò chơi cuộc đời này đâu dễ dàng gì. Bạn học như điên, nhưng vẫn thi trượt. Bạn làm việc miệt mài, nhưng người khác lại được thưởng. Bạn yêu người ấy đến dại khờ, nhưng thứ bạn nhận lại là những cử chỉ lạnh lùng của đối phương.

Vấn đề ở đây không phải là cuộc đời này bất công với bạn, mà là do tự bạn đã hiểu sai về khái niệm "công bằng".

Khi bạn yêu đơn phương ai đó, bạn xem họ là mẫu người hoàn hảo. Họ có đầy đủ những đức tính bạn mong chờ mà người khác không có. Tương tự khi ai đó thích bạn, tuy bạn không quá xinh đẹp hay xuất sắc, người ta vẫn ưu ái bạn, bởi vì bạn đem lại cho họ cảm giác "hoàn thiện".

Cách bạn ghét những người xung quanh cũng thế thôi, đặc biệt là những đối tượng quyền lực điển hình. Bạn ghét sự nghiêm khắc của sếp, ghét thầy cô vì bạn hay bị la rầy. Việc bạn thích hay ghét ai đó sẽ phụ thuộc vào việc người đó có đem đến những gì bạn muốn hay không.

Đôi khi, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thật nghẹt thở và bất công với những điều luật đầy bó buộc từ họ. Nhưng việc gì cũng có 2 mặt, họ cũng chỉ đang làm tốt bổn phận của mình mà thôi.

Thầy giáo tỏ ra hung dữ để bạn sợ và chú tâm học hành, sếp uy nghiêm để giữ kỷ cương công ty. Nếu họ không làm đúng trọng trách, họ biết sẽ xảy ra hậu quả gì.

Mỗi người đều có những sự ưu tiên khác nhau, vậy nên, "khổ trước sướng sau" là tốt nhất.

Tại sao cuộc sống không công bằng?

Đó là bởi vì chúng ta không định nghĩa đúng khái niệm về sự công bằng. Chúng ta đang phủ lên sự công bằng một tấm áo choàng gắn đầy những suy nghĩ mơ mộng: "Ước gì mình được như họ".

Thử tưởng tượng nếu tồn tại thế giới mà ai cũng được đối xử "công bằng" như họ mong muốn, thì cái thế giới đó sẽ loạn đến mức nào?

Không ai dám yêu đương ai vì sợ làm tổn thương những trái tim yếu đuối. Trường học, công ty sẽ chẳng đi lên vì toàn những thành phần vô kỷ luật. Và ông trời sẽ chỉ đổ mưa xuống những người xấu.

Hầu hết chúng ta đều dành quá nhiều thời gian vẽ nên cuộc sống lý tưởng trong mơ, đến nỗi chẳng màng đến thế giới thực xung quanh đang chuyển biến thế nào. Vì vậy, ngừng than vãn và đối mặt với thực tế mới chính là chìa khóa mở tung sự hiểu biết về thế giới cũng như mọi tiềm năng ẩn sâu bên trong bạn.

Nguồn: Oliver Emberton