Chủ Nhật, 14 tháng 1, 2024

Con tàu tư bản đang chạy trật đường ray

 

CON TÀU TƯ BẢN ĐANG CHẠY TRẬT ĐƯỜNG RAY

Thiền sư Thích Nhất Hạnh được mời hướng dẫn một ngày thực tập chánh niệm tại trụ sở chính của Google tại California vào cuối tháng 9/2013. Đây là một dấu hiệu cho thấy việc thực tập chánh niệm đang bắt đầu trở nên phổ biến trong xã hội hiện nay.

Thầy Thích Nhất Hạnh, tác giả của hơn 2 triệu cuốn sách được bán ra ở Mỹ đã có một buổi gặp gỡ với hơn 20 Giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn công nghệ có trụ sở ở Mỹ tại Silicon Valley để chia sẻ tuệ giác của Thầy về nghệ thuật an trú trong hiện tại.

Thầy Nhất Hạnh cảnh báo rằng nền văn minh của chúng ta đang có nguy cơ sụp đổ trước những thiệt hại nghiêm trọng về xã hội cũng như môi trường sinh thái do nền kinh tế chạy theo ham muốn vật chất gây nên.

Thầy cũng đồng thời chỉ ra cho chúng ta một hướng đi mới, đó là xây dựng một nền kinh tế lấy hạnh phúc chân thực làm mục tiêu, thay vì hy sinh hạnh phúc của mình để thờ phụng chủ nghĩa vật chất như bấy lâu nay chúng ta vẫn làm.

Thầy cho rằng để các doanh nghiệp có thể đóng vai trò quan trọng trong việc chặn lại con tàu tư bản đang chạy trật đường ray thì trước tiên các nhà lãnh đạo tập đoàn cần phải nhận ra sai lầm căn bản của mình, đó là cách tư duy hạn hẹp, lấy lợi nhuận làm thước đo duy nhất cho sự thành công của tập đoàn.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian vào cuối khóa tu tại Catskill Mountains về nghệ thuật chuyển hóa khổ đau, Thầy cho biết: "Chúng ta cần phải xem lại quan niệm của chúng ta về hạnh phúc".

Chúng ta nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có được khi nào chúng ta giành thắng lợi, khi chúng ta giành được vị trí đứng đầu. Tuy nhiên, sự thực thì không cần thiết phải như vậy. Bởi vì ngay cả khi chúng ta kiếm được nhiều tiền hơn, chúng ta vẫn khổ đau như thường.

Nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng chúng ta chỉ có thể hạnh phúc khi chúng ta vượt lên trên những người khác, khi chúng ta trở thành nhân vật số một. Sự thực là chúng ta không cần phải trở thành 'number one' mới có thể hạnh phúc".

Vì vậy, "Cần phải có một hướng đi tâm linh trong đời sống cũng như trong công việc kinh doanh, nếu không chúng ta không thể nào có thể xử lý những khổ đau do công việc và đời sống hàng ngày tạo ra".

-----

Thích Nhất Hạnh là một thiền sư, giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, và người vận động cho hòa bình.

Ông sinh ra tại làng Thành Trung, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, vào ngày 11/10/1926, xuất gia theo Thiền tông vào năm 16 tuổi, trở thành một nhà sư vào năm 1949.

Ông là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Đạt lai Lạt ma. Ông là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân".

 

Mấy chuyện nhỏ về học tập

 

MẤY CHUYỆN NHỎ VỀ HỌC TẬP

 

* Núi cao và đồng bằng

Nếu đường đời có núi cao, có đồng bằng thì lúc hoang mang nhất là khi ở đồng bằng chứ không phải ở núi cao. Bởi khi trước mắt là núi cao, chúng ta chỉ phải lo nghĩ cách leo lên; còn khi ở giữa đồng bằng mênh mang, chúng ta lại phân vân không biết theo hướng nào.

Cũng như thời chúng ta đi học, hằng ngày chỉ nghĩ tới đối phó với các bài kiểm tra và bước vào được cửa đại học nhưng học xong chúng ta lại không biết làm gì! Vì thế, lúc còn đang leo núi, chúng ta nên lập kế hoạch đường đi sau này, thời học sinh càng cần lập chí hướng.

 

* Buông lơi tinh thần

Thời học sinh, đọc sách trước khi thi một tuần cho đến lúc thi cũng khó có thể quên, nhưng sau khi thi xong chỉ hai ba ngày là quên sạch.

Buông lơi tinh thần thường là nguyên nhân thất bại lớn nhất của chúng ta, một phút buông lỏng, lơ là có thể khiến bao công lao khó nhọc trước đó trôi sạch. Nghĩ như thế, chúng ta sao không luôn tự cảnh tỉnh bản thân nhỉ?!

 

* Đọc ngẫu nhiên

Nhiều thành tựu lớn được bắt đầu từ hứng thú mà hứng thú thường bắt đầu từ tự tin; lòng tự tin phần lớn bắt đầu từ việc mình có điểm hơn người; phần lớn những người có điểm hơn người đều bắt đầu từ việc đọc sách ngoài lề. Từ cấp một tới cấp ba, phần lớn học sinh đọc sách giống nhau, người có được sự khác biệt thường là nhờ đọc sách ngoài lề và kinh nghiệm ngoại khóa, mà sự khác biệt đó dễ gây hứng thú, là nguyên nhân để họ tự tin và thành đạt.

Sách giáo khoa, kiến thức trường lớp dĩ nhiên quan trọng, thu thập kiến thức bên ngoài càng không thể bỏ qua.

 

* Chọn sách

Nhà văn Trung Quốc Hạ Chí Tôn trong cuốn "Mười hai ngọn đèn cho bạn trẻ" viết: "Đọc một cuốn sách tồi chính là mất thời gian và tâm trí để đọc một cuốn sách tốt". Không thể đọc hết sách trên đời, vì thế chúng ta phải lựa chọn. Không chỉ đọc sách có giá trị, mà cần hơn là chọn sách phù hợp với trình độ mình, bởi sách có giá trị học thuật không nhất thiết có giá trị với mọi độc giả, ví như sách triết học nói chung không giúp gì cho học sinh tiểu học.

Vì thế tôi muốn nói: "Nên chọn sách mà đọc, chọn sách có giá trị cho bạn".

 

* Học giỏi là quan sát giỏi

Tôi dạy vẽ, có lúc chỉ dạy cho một học sinh. Thế nhưng cũng có khá nhiều học sinh vẫn đến nghe giảng. Tôi nhận ra, những học sinh đến sớm về muộn chỉ để "học ké" này tiến bộ rất nhanh. Bởi trong quá trình học ké, họ nhận ra sai lầm của người khác và biết tránh sai lầm đó; những học sinh đã học rồi thì "ôn cũ biết mới", nhận thức càng sâu sắc.

Vì thế tôi thường nói: "Người học giỏi là người quan sát giỏi".

 

* Tiêu hóa tri thức

Nếu chúng ta xem phim làm từ mấy chục năm trước, so với phim thời bây giờ sẽ cảm thấy phim bây giờ có nhịp độ nhanh hơn hẳn. Cùng một sự việc, trước kia phải mất một thời gian mới rõ thì người thời nay đã nhanh chóng hiểu ra.

Tri thức ngày một nhiều lên mà thời gian thì vẫn như cũ, nó khiến ta mỗi giây phải thu nhận kiến thức gấp nhiều lần, thậm chí gấp hàng chục lần so với xưa. Vì thế ngoài tranh thủ thời gian, sử dụng từng giây một, chúng ta còn cần phải tự bồi dưỡng năng lực tiếp thu và tiêu hóa tri thức.

 

* Hấp thụ và tiếp nhận

Ăn ít chưa chắc đã gầy, ăn nhiều chưa chắc đã béo, quan trọng là có hấp thụ được hay không.

Đọc ít sách chưa chắc đã dốt, ngày nào cũng cầm sách ê a chưa chắc đã uyên thâm, quan trọng là có năng lực tiếp nhận hay không.

 

Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2024

Sức mạnh của việc kiên định với bản thân

 

SỨC MẠNH CỦA VIỆC KIÊN ĐỊNH VỚI BẢN THÂN

 

Trong hơn 400 năm kể từ khi Harvard được thành lập, Catharine Drew Gilpin Faust là nữ hiệu trưởng duy nhất của ngôi trường danh giá này.

Tại buổi lễ khai giảng năm 2017, bà nói: "Một trong những thử thách trong cuộc sống là ngăn chặn những điều nhảm nhí từ thế giới bên ngoài."

 

Năm 2007, Faust được bầu làm hiệu trưởng của Harvard. Thời điểm đó, hàng nghìn bài báo chỉ trích Faust, cho rằng bà là một nữ hiệu trưởng "bất tài". Trước những lời chỉ trích từ thế giới bên ngoài, Faust chỉ nhẹ nhàng nói: "Tôi không phải là nữ hiệu trưởng của Harvard, tôi là hiệu trưởng của Harvard". Sau đó, bà không ngừng đi đến nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới để giao lưu.

 

Bất chấp sự phản đối của thế giới bên ngoài, bà đã tổ chức cho sinh viên tiến hành thực hiện giáo dục nhân văn, nâng cao khả năng tu dưỡng văn hóa và tinh thần của họ. 

Kết quả, bà một tay thay đổi hiện trạng của một ngôi trường coi trọng khối khoa học, xem nhẹ khối xã hội, khiến chất lượng giảng dạy của Harvard ngày càng tốt hơn.

 

Cuối cùng, khi Faust từ chức, Hội đồng Quản trị đã đánh giá bà là một trong những hiệu trưởng vĩ đại nhất của Harvard.

Tôi nhớ đến câu nói của Schopenhauer: "Một trong những điểm yếu phổ biến nhất trong bản chất con người đó là chúng ta quá quan tâm đến cách người khác nhìn nhận bản thân."

 

Có quá nhiều người quan tâm đến việc người khác nghĩ gì để rồi đắm mình vào những chuyện tầm phào.

Vậy nhưng, cái miệng ở trên cơ thể người khác, còn cuộc sống lại nằm trong tay bạn. Những gì người khác nói không liên quan gì đến bạn, bạn chỉ cần làm theo mong muốn của bản thân và bước đi trên con đường vững chắc dưới chân mình.

 

Giống như tác gia Roy Martina từng nói: "Một trong những bước đột phá lớn nhất trong cuộc đời tôi là ngừng lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình. Chỉ khi không cần tới những lời khen ngợi từ bên ngoài, chúng ta mới có thể trở nên tự do."

 

Không sống trong miệng người khác, tự nắm chặt chiếc vô lăng của cuộc đời mình, đó chính là sự tỉnh táo của một người trưởng thành.