Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2024

"Tư duy ngược" của nghững người thành công

 

"TƯ DUY NGƯỢC" CỦA NGHỮNG NGƯỜI THÀNH CÔNG

 

Cuộc đời của mỗi người không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Sẽ luôn tồn tại trắc trở ở phía trước ngáng đường, vì vậy, bạn phải học được cho mình cách thoát ra hoàn cảnh khó khăn ấy nhanh nhất có thể.

 

Sự khác biệt lớn nhất giữa một người thành công và một người tầm thường là nằm ở tư duy. Người thành công, họ sẽ suy nghĩ vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, và khi rơi vào nghịch cảnh, họ biết cách sử dụng "tư duy ngược".

 

So với tư duy truyền thống, tư duy ngược có nghĩa rằng bạn sẽ lật lại, nhìn nhận vấn đề ở hướng ngược lại, đây là phương thức tư duy mà phần lớn mọi người đều không nghĩ tới.

Dùng "tư duy ngược" để suy nghĩ và giải quyết vấn đề là bạn đang "đi theo con đường ngược lại" và cũng là một cách "không ngờ tới và đáng ngạc nhiên" giúp bạn đạt được mục tiêu "chiến thắng"

 

Những câu chuyện ngắn dưới đây sẽ cho bạn biết thế nào là "tư duy ngược" của người thành công:

 

* Có một người giàu, mỗi lần ra khỏi nhà đều sợ có người tới cướp nhà mình, anh ta muốn mua một chú chó lai sói về trông nhà, nhưng lại sợ cho chó ăn thì lại tốn tiền.

Sau một khoảng thời gian dài đắn đo suy nghĩ, anh ta cuối cùng cũng nghĩ ra một cách: Trước khi ra khỏi nhà, anh ta bỏ pass wifi đi, để thành free wifi, sau đó yên tâm ra khỏi nhà.

Kể từ ngày đó, ngày nào cũng có mười mấy người đứng trước cửa nhà anh ta bắt wifi miễn phí, rất an toàn và cũng không còn phải lo lắng nữa.

Tư duy ngược: đổi góc độ suy nghĩ vấn đề, kết quả sẽ khác nhau rất nhiều.

 

* Một người giàu đi mua cà chua.

Ông hỏi người bán hàng: "Cà chua bao tiền một cân?"

Người bán hàng hàng nói: "16 ngàn một cân.".Ông chọn lấy hai quả cà chua đặt lên bàn cân, sau đó chọn lấy một quả to nhất để lên cùng.

Người bán hàng nhìn cân rồi nói: "10 ngàn".

Ông lấy quả to nhất ra khỏi cân tỏ ý không cần, người bán hàng liếc ông một cái rồi nói kiểu hách dịch: "8 ngàn".

Trên thực tế thì quả cà chua to nhất kia còn nặng hơn cả hai quả cà chua trên cân, rõ ràng là người bán hàng vô lý, người xung quanh chứng kiến đều rất không hài lòng.

Nhưng người giàu ngược lại vẫn rất bình tĩnh, lấy từ trong túi ra 2 ngàn đưa cho người bán hàng, nhưng ông không lấy 2 quả cà chua trên bàn cân mà cầm lấy quả cà chua to nhất mà mình vừa bỏ ra khỏi cân, rồi vui vẻ ra về.

Tư duy ngược: đổi cách tính, tự mình nghĩ ra một phương pháp khác, bạn sẽ phát hiện ra cách giải quyết vấn đề mới.

* Có một ao cá mới được mở, phí vào câu cá là 200 ngàn.

Tuy nhiên, phần lớn mọi người dù có ngồi câu cả ngày cũng không câu được con cá nào. Ông chủ nói, nếu không câu được cá, vậy thì sẽ tặng một con gà. Kết quả, rất nhiều người tranh nhau tới câu cá. Khi quay về, trong tay người nào người nấy cũng đều xách một con gà. Mọi người đều rất vui vẻ! Cảm thấy ông chủ rất thú vị.

Sau này, nhân viên quản lý ao cá nói với mọi người rằng ông chủ thực ra là hộ nuôi gà chuyên nghiệp.

Tư duy ngược: Đổi mạch suy nghĩ, nhưng vẫn đạt được mục tiêu.

 

* Nhà đầu tư tài ba nước Mỹ, Charlie Munger, còn được biết tới là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất của Warren Buffett.

Có người hỏi Charlie Munger: Làm sao để tìm được một người bạn đồng hành tốt?

Ông trả lời rằng: Trước tiên, bạn phải là một người tài giỏi và đáng tin cây, bởi lẽ một người bạn đồng hành tốt, họ không phải là kẻ ngốc.

Tư duy ngược: chim khôn luôn tìm cành cây tốt để làm bến đỗ.

 

* Mandela bị kết án 27 năm tù, và trong khoảng thời gian đó, ông đã bị các quản ngục ngược đãi rất nhiều. Điều bất ngờ đó là, khi trở thành Tổng thống, ông đã mời ba người quản ngục từng ngược đãi mình tới buổi lễ hôm đó.

Khi Mandela đứng lên tỏ lòng kính trọng với 3 người quản ngục, mọi người chứng kiến đều tĩnh lại.

Ông nói: "Khi tôi bước ra khỏi cánh cửa ngục tù để bước tới với tự do, tôi biết rằng, nếu mình không để những đau thương và oán hận lại phía sau, vậy thì tôi vĩnh viễn vẫn sẽ ở trong cái ngục tù ấy."

Tư duy ngược: Tha thứ cho người khác thực ra là một hình thức cải thiện bản thân.

 

* Có một ông lão thích yên tĩnh, nhưng khu vực xung quanh nhà ông luôn có trẻ em tới chạy chơi, điều này khiến ông cảm thấy rất phiền phức.

Ông nghĩ ra một cách, ông gọi lũ trẻ lại và nói: Chỗ ta vốn rất yên tĩnh, cảm ơn các cháu đã tới khuấy động làm không khí thêm vui vẻ, đồng thời tặng cho mỗi đứa trẻ 3 cây kẹo.

Lũ trẻ rất vui vẻ, mỗi ngày đều tới đây chơi.

Vài ngày sau, ông chỉ cho mỗi đứa 2 cây kẹo, rồi 1 cây, và dần dần không còn cho chúng nữa.

Lũ trẻ vừa buồn bực vừa giận dỗi nói: Bọn cháu không thèm tới đây góp vui cho ông nữa.

Ông lão lại có lại được không gian yên tĩnh như mình mong muốn.

Tư duy ngược: nắm bắt yếu điểm của người khác, không việc gì là không thành công.

 

* Một nhân viên bán hàng nói với một người tới mua hàng rằng: "Chị à, ở đây chúng em có quyển sách tên là "500 lí do của đàn ông khi về muộn", chị nhất định phải mua nó."

Người mua hàng cười nói: "Tại sao?"

Người nhân viên bình tĩnh nói: "Vì chồng chị cũng mua quyển này."

Tư duy ngược: đánh vào tâm lý, quyền kiểm soát chính sẽ nằm trong tay bạn.

 

* Có một nhà hàng ăn buffet, vì thực khách tới ăn quá lãng phí thức ăn, nên nhà hàng đã đặt ra quy định: lãng phí thức ăn sẽ bị phạt 10 ngàn!

Kết quả, tình hình kinh doanh ngày càng tệ hơn.

Sau này, quản lý nghĩ ra một giải pháp, tăng giá món ăn lên 10 ngàn, đồng thời thay đổi quy định rằng: người không lãng phí thức ăn sẽ được tặng 10 ngàn.

Kết quả, việc làm ăn phát đạt một cách bất ngờ, hành vi lãng phí thức ăn cũng không còn nữa.

Tư duy ngược: Đừng bao giờ để khách cảm thấy mình "chịu thiệt", hãy để họ cảm thấy mình đang được hưởng lợi.

 

*Lão hòa thượng hỏi tiểu hòa thượng: "Nếu bước lên một bước là chết, lùi một bước về sau cũng phải chết, con sẽ làm thế nào?"

Vị hòa thượng trẻ chẳng do dự đáp: "Thì con sẽ đi đường bên."

Tư duy ngược: bên cạnh đường vẫn còn con đường khác.

 

Đời người khó lường, nghịch cảnh hay thất bại đều là chuyện thường tình. Lúc này, bạn luôn phải giữ cho mình tâm thái lạc quan và tích cực, nhìn nhận vấn đề từ một góc độ khác, lật ngược lại vấn đề, biết đâu "sơn cùng thủy tận ngờ hết lối, liễu rủ hoa cười lại gặp làng", hi vọng luôn ở phía trước đón đợi bạn.

 

Đôi khi, mất đi cũng là một hình thức có lại được.

Mong bạn trong khó khăn vẫn có thể sống thật lạc quan!

Mong bạn học được tư duy ngược, thành công trở thành một người thành công.

ST

 

Thứ Bảy, 6 tháng 1, 2024

4 kiểu người không cần bái Phật vẫn có Phật duyên

 

4 KIỂU NGƯỜI KHÔNG CẦN BÁI PHẬT VẪN CÓ PHẬT DUYÊN

Trên đời có 4 kiểu người không cần bái Phật vẫn có Phật duyên thâm sâu, được trời Phật "âm thầm" phù hộ mà không hề hay biết.

Nếu bạn là 1 trong số những người này thì chắc chắn phúc đầy, may mắn, an yên:

Phật giáo vốn không truyền bá tư tưởng sùng bái thần linh, người tín Phật tức là người trí giả, dùng trí tuệ của bản thân để giải trừ những khổ não, cách xa thống khổ trong cuộc đời.

4 kiểu người không cần bái Phật vẫn có Phật duyên:

1. Người có tâm "từ bi hỷ xả"

Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật khuyên dạy chúng sinh hãy chăm tu tập “Tứ Vô Lượng Tâm”, tức là “bốn món tâm rộng lớn không lường được”, đó là các tâm “Từ, Bi, Hỷ, Xả”.

- Tâm “Từ” là khả năng hiến tặng niềm vui cho tha nhân, cho người khác.

- Tâm “Bi” là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt.

- Tâm “Hỷ” là niềm vui, lòng thanh thản do từ bi đem tới.

- Tâm “Xả” là thư thái nhẹ nhàng, tự do, không kỳ thị.

Phật dạy hãy mở rộng bốn tâm này, không hạn chế, cho tất cả các loài hữu tình ở khắp bốn phương. Đây là những đặc tính giúp con người trở nên tốt đẹp, hoàn thiện, là lối sống của bậc thánh.

Cho nên người có tâm "từ bi hỷ xả" cho dù không cần ngày ngày bái Phật thì vẫn sẽ được âm thầm phù hộ độ trì, giúp vượt qua mọi tai họa trong cuộc đời, an nhàn hưởng phúc bởi tự thân người đó đã tự gieo Phật duyên.

 2. Người giữ "nội tâm thanh tịnh"

Cuộc sống này luôn có quá nhiều sự cám dỗ, trên con đường giác ngộ luôn trải đầy tiền tài, vật chất, danh vọng, địa vị để làm chướng ngại vật níu chân mỗi chúng ta. Phải là người bản lĩnh, biết giữ bản thân mình, giữ gìn cơ thể, lời nói và một tâm hồn thanh tịnh mới mong đạt được giác ngộ chân chính.

Cực lạc hay địa ngục vốn nằm trong tâm của chúng ta, lựa chọn ra sao là do chính chúng ta quyết định.

Tâm thanh tịnh sẽ tự chặn đứt mọi phiền não, sướng khổ cuộc đời là do tâm quyết định.
Giữ tâm thanh tịnh, bình hòa đối diện với cuộc sống đó chính là có duyên với Phật, khi đó thì cho dù không bái Phật vẫn tự gieo phúc khí, may mắn cho bản thân.

3. Người biết sợ nhân quả

Những người hiểu và biết sợ nhân quả báo ứng cũng là một kiểu người không cần bái Phật nhưng vẫn được chư thần Phật che chở độ trì.

Một người có thể không tin Phật, nhưng không thể không tin vào luật nhân - quả trên đời này.

Nhân quả là định luật căn bản xuyên suốt quá trình thành trụ hoại diệt của tất cả chúng sinh từ đời này sang đời khác, cho đến vũ trụ, vạn vật cũng không phải tuần hành, biến dịch một cách ngẫu nhiên, vô lí, mà luôn tuân theo định luật nhân quả.

Đừng nghĩ rằng những việc mình đã làm không có ai chứng kiến thì thần không biết quỷ không hay, thực ra mỗi một việc thiện mà bạn làm, sẽ trở thành phúc báo sau này cho bạn; mỗi việc ác mà bạn làm, sẽ trở thành quả báo, nghiệp báo mà bạn phải gánh vác trong tương lai.

Nhiều người làm việc ác bất chấp thủ đoạn, là do không tin vào nhân quả báo ứng. Chỉ người biết sợ nhân quả, hiểu rằng nhân quả không chừa một ai thì mới có thể tích phúc tích đức, vinh hoa phú quý cả đời.

4. Người có tu dưỡng hướng thiện

Đức Phật từng nói rằng, ai cũng có Phật tính, ai cũng có thể tu tập thành Phật. Để có được thì trước hết phải tu dưỡng hướng thiện, tức là có Phật ở tại tâm, tâm có Phật thì mới toàn vẹn.

Tâm ta khi hành động đừng suy nghĩ xem liệu sẽ tích được bao nhiêu đức. Phật sẽ phù hộ đến bản thân mình như thế nào. Sự phù hộ sẽ không đến từ Phật, mà đến từ lòng thương và tình cảm của muôn người xung quanh dành cho hành động của mình.

Trong đời sống bình thường, người làm thiện lành thì được mọi người quý mến, xã hội tôn vinh. Sống trong một môi trường có nhiều người quý mến ủng hộ thì đó là một môi trường hạnh phúc.

Việc tu dưỡng hướng thiện của chúng ta khi đó lại có ảnh hưởng đến người khác, có người bắt chước làm theo, thì một nhân tốt không chỉ cho ra một quả tốt, mà là rất nhiều quả tốt.

songdep.com.vn

Ông bà giáo già, gieo chữ cho những trẻ gần 30 năm

 

ÔNG BÀ GIÁO GIÀ, GIEO CHỮ CHO NHỮNG TRẺ GẦN 30 NĂM

Ở cái tuổi xế chiều, hàng ngày ông bà Tư vẫn cần mẫn dạy chữ cho trẻ em nghèo. Nhìn những đứa trẻ từ không biết đọc, biết viết rồi thành biết chữ, biết học điều hay, lẽ phải…, cặp vợ chồng già thêm phần hạnh phúc.

Nhắc đến lớp học tình thương của ông bà Tư, người dân ở ấp Tân Lập (phường Đông Hòa, TP. Dĩ An, Bình Dương) ai cũng biết đến cặp vợ chồng già lọm khọm, mỗi ngày đều đặn bước lên bục giảng gieo con chữ tình thương cho trẻ em nghèo.

 

 
Ông bà Tư là cái tên thân thương được những đứa trẻ và người dân nơi đây yêu mến đặt cho. Ông Tư tên thật là Huỳnh Văn Phê (83 tuổi), còn bà Tư là Huỳnh Thị Lành, năm nay cũng đã ngót nghét 85.

Lớp học tình thương là tâm huyết suốt gần 30 năm của ông bà Tư vơi mong muốn giúp những đứa trẻ thiếu điều kiện đến trường có cơ hội làm quen với con chữ.

 

"Thấy mấy đứa nhỏ không được đến trường, suốt ngày ở nhà chơi đùa nên ông bà Tư 'nổi máu anh hùng' mở lớp dạy. Ban đầu tận 130 đứa, mà phòng học xập xệ lắm chứ không được như bây giờ", bà Tư hồ hởi kể lại việc mở lớp vào năm 1994.

Đến năm 2001, nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, lớp học được xây mới lại một cách khang trang hơn.

 

Ông Tư phụ trách dạy các em nhỏ, bà Tư dạy những em lớn hơn, thoắt một cái gần 30 năm, lớp học vẫn duy trì trong tình yêu thương của ông bà Tư dành cho lũ trẻ.

Bà Tư cho biết để dạy tụi nhỏ biết chữ, biết phép tắc, nghe lời rất khó khăn khi tụi nhỏ vào đời sớm, thường nghịch ngợm, bướng bỉnh.

 

"Khi dạy được tụi nó biết chữ, bà Tư vui lắm con. Thấy mấy đứa trẻ ngoan hơn, biết lượm được của rơi trả lại cho người mất, kính trọng người lớn…, ông bà hạnh phúc lắm", bà Tư cười vui vẻ.


Dù sức khỏe của ông bà Tư không còn như trước nhưng lớp học vẫn đều đặn mở cửa mỗi sáng từ thứ 2 đến thứ 6

Vì những đứa trẻ ở lớp học tình thương có độ tuổi khác nhau, đa số chúng đều bước ra đời sớm để bươm chải phụ giúp gia đình nên việc dạy bảo, uốn nắn tụi nhỏ không hề đơn giản. Dù rất thương tụi nhỏ nhưng khi lên bục giảng, ông bà Tư vô cùng nghiêm khắc để răn dạy chúng trở thành người tốt.

 

"Nhiều đứa trẻ đáng thương lắm con…"

"Mấy đứa này có đứa có cha mà không có mẹ, có đứa thì cha mẹ bỏ nhau, sống nương nhờ nội ngoại. Tụi nó có tiền đâu mà đi học trường chính quy nên vô đây để ông bà dạy chữ. Nhiều đứa trẻ đáng thương lắm con…", bà Tư nghẹn giọng, nhìn những đứa trẻ đang cặm cụi viết bài, đánh vần rồi trầm ngâm.

Gần 30 năm mở lớp dạy học, bà Tư thấu hiểu hết những bất hạnh mà tụi nhỏ đã và đang trải qua. Không giống như những đứa trẻ đồng trang lứa khi được gia đình chăm bẵm, yêu thương, được đến trường học chữ, những đứa trẻ của lớp học ông bà Tư hầu hết phải phụ giúp gia đình mưu sinh.

 

Tuổi thơ bất hạnh, thiếu thốn đi tình yêu thương, chăm sóc của những người thân, ông bà Tư hiểu hết bên ngoài sự gai góc, nghịch ngợm của tụi nhỏ là một tâm hồn yếu mềm cần những vòng tay yêu thương. Lớp học không chỉ là nơi dạy chữ mà còn là mái nhà để tụi nhỏ cảm thấy vẫn được yêu thương, ít nhất là tình yêu mà ông bà Tư dành cho chúng.

Cặm cụi đánh vần từng chữ, Phạm Văn Trường (12 tuổi) đưa đôi mắt long lanh nhìn bà Tư. Từ ngày vào lớp học, Trường đã trở nên dạn dĩ hơn, mỗi ngày đến lớp, con lại biết thêm được nhiều bạn bè, chữ nghĩa.

"Lúc đầu con đi học thì con không cảm thấy thích, nhưng mà học xong con lại thấy rất vui. Ông bà Tư thương tụi con nữa, ông bà dạy cho tụi con thành người tốt, dạy cho con những thứ hay ho", Trường hồn nhiên nói.

Cô bé 7 tuổi Phạm Huỳnh Thảo Ngân sau khi đến lớp ông bà Tư đã biết khi thấy ai làm rớt đồ thì phải lượm trả, không được ăn cắp, phải thật thà. "Con muốn sau này con làm giáo viên, giống ông bà Tư vậy", Thảo Ngân cười nói.

….

Để có thể quản lý và duy trì lớp học tình thương, ngoài việc đứng lớp của ông bà Tư, rất nhiều sinh viên ở trường ĐH Khoa học Tự nhiên đến để phụ giúp ông bà dạy chữ.

Tham gia lớp học được một thời gian, Nguyễn Hoàng Minh Tâm (sinh viên năm 1) chia sẻ: "Em thấy ông bà lớn tuổi, dù sức khỏe không tốt nhưng vẫn mở lớp dạy cho các bé em rất nể. Bản thân em cũng đam mê về dạy học nên em cũng muốn góp sức cùng ông bà để giảng dạy cho các em".

Có lẽ với ông bà Tư, trong hành trình gần 30 năm qua, việc nhìn những đứa trẻ từ không biết đọc, biết viết rồi thành biết chữ, trở thành người tốt là điều mà ông bà cảm thấy hạnh phúc nhất.

"Bà Tư chỉ mong tụi nhỏ biết chữ, thành người tốt, ngoan ngoãn, biết nghe lời người lớn là được rồi, bà chỉ biết mong vậy thôi", bà Tư cười hiền hậu.

 

Tính đến nay, số lượng học sinh của lớp học tình thương ấp Tân Lập cũng hơn cả nghìn em. Thế nhưng, vợ chồng ông Tư vẫn có thể nhận ra đứa học trò nhỏ ngày nào dù đã qua nhiều năm xa cách.

 

Theo giaoducvathoidai.vn