Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Kỷ niệm của một sinh viên văn khoa với nhà thơ Xuân Diệu

 

KỶ NIỆM CỦA MỘT SINH VIÊN VĂN KHOA VỚI NHÀ THƠ XUÂN DIỆU

Cũng do cơ duyên có dịp nghe thơ Xuân Diệu từ hồi nhỏ, với ấn tượng sâu đậm ông để lại trong tôi, thế nên, vào học kỳ 2, năm thứ tư ở khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (khóa 1976- 1980), khi làm luận văn tốt nghiệp, trong số hàng trăm đề tài về văn học Việt Nam và thế giới mà thầy cô đưa ra, tôi quyết định chọn đề tài "Thơ tình Xuân Diệu”.

 

Bắt tay vào viết được già nửa luận án, một buổi chiều ở ký túc xá Mễ Trì (quận Thanh Xuân), thằng bạn Nguyễn Ngọc Hiếu học lớp ngôn ngữ K21, bỗng dưng gợi ý cho tôi: Mày làm luận văn về ông Xuân Diệu thì nên đến gặp nhà thơ mà hỏi han thêm. Nhà ông Xuân Diệu ở số nhà 24 đường Điện Biên Phủ, gần khu Ba Đình đấy.

 

Đắn đo và phân vân một vài ngày, cuối cùng tôi cũng "liều” mình đến tìm gặp nhà thơ xem sao. Đó là một buổi chiều giữa tháng 5/1980, tôi nhảy xe điện từ Thanh Xuân đến Cửa Nam, rồi tìm đến nhà ông. "Nhà tôi hai bốn Cột Cờ, ai yêu thì đến hững hờ thời qua”. Rất may, nhà thơ Xuân Diệu hôm đó có nhà.

Tôi không thể nào quên được hình ảnh ông đứng sau cánh cổng sắt, đôi mắt mơ màng nhìn dòng người tấp nập qua lại trên đường. Ông có vẻ buồn, nom cô đơn tội nghiệp làm sao.

 

Sau khi tự giới thiệu: "Cháu là sinh viên trường Tổng hợp đang làm luận văn tốt nghiệp về thơ tình của bác...”, đôi mắt nhà thơ như sáng lên, ông ân cần nắm tay tôi và dẫn vào một thư phòng ở tầng một (gia đình nhà thơ Huy Cận ở lầu hai). Ông nhã nhặn bảo u già giúp việc pha giúp ấm trà nhài tiếp khách.

Tôi choáng váng khi nghe ông nói: "Em đừng xưng hô với anh là bác nhé. Thi sỹ thì không có tuổi tác”. Tôi đáp "dạ” lí nhí nhưng ngượng đỏ chín khuôn mặt non tơ vì khi ấy tôi mới hai mươi tuổi tròn, còn ông đã ở tuổi sáu mươi tư...

 

Trong khi trò chuyện với ông đôi lúc tôi vẫn cứ thưa bác, cháu. Nhà thơ Xuân Diệu hỏi qua tình hình học tập của tôi, rồi ông bê một chồng sách dày ra khoe: Đây là sách có chữ ký của các nhà văn lớn trên thế giới tặng anh, cuốn thì của Aragông nhà thơ lớn của Pháp, rồi đến Na Zim Hít mét nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ, nhà thơ Đimitrôva của Bungari...

 

Tôi ngây người bái phục và rồi sung sướng nhất khi ông mang cuốn sổ tay ra bảo: "Anh còn một trăm bài thơ tình chưa in ở đâu, em chép lấy vài ba bài mà bổ sung vào luận văn”. Tôi vội vàng chép được dăm bài và nghe ông lý giải bài thơ "Hôn cái nhìn":

 

Không phải anh hôn nơi mắt

Anh hôn cái nhìn của em

Mắt anh một vầng yêu mến

Thắt anh trong lưới êm đềm.

 

Trước khi ra về, tôi được ông tặng cuốn tiểu luận, phê bình văn học của ông có tiêu đề Mài sắt nên kim, nhà thơ ký tặng với dòng chữ "Thân quý tặng Nhan Sinh, người bạn tri kỷ với thơ tình Xuân Diệu” khiến sinh viên nhãi nhép như tôi gần như nhảy cẫng lên vì xúc động.

Có thêm tư liệu nghiên cứu và được sự động viên khích lệ của thi nhân, tôi dồn sức trong nửa tháng viết xong luận văn dày 70 trang. Sau khi thuê đánh máy bốn bản, tôi lại rụt rè mang đến nhà Xuân Diệu biếu ông đứa con tinh thần của mình, ông hẹn một tuần sau tôi đến chơi để ông góp ý, nhận xét.

 

Lần gặp này, ông hỏi han tôi có người yêu chưa và căn dặn chân tình: “Em không nên lấy vợ sớm, sau này lập gia đình cũng nên đẻ một, hai con thôi, dân Việt mình đẻ nhiều như gà ri ấy, nhếch nhác và khổ lắm. Em phải chịu khó học ngoại ngữ vào nhé, sinh viên ta yếu ngoại ngữ lắm, muốn thành tài, bước ra thế giới phải tiếng Anh, tiếng Pháp”. Tuổi trẻ bồng bột và ham chơi, tôi vâng dạ cho qua chuyện chứ chưa ý thức được lời dạy chí tình của ông dành cho lớp trẻ.

 

Đúng lịch hẹn, cuối tháng 6/1980, tôi đạp xe đến nhà Xuân Diệu để nghe ông nhận xét, đánh giá về bản luận văn. Với tâm trạng hồi hộp, lo âu tôi nem nép ngồi ghế nhìn ông đi đi lại lại trong căn phòng với thái độ bực dọc.

Quả thực, tôi bị ông xạc một trận ra trò vì chương viết về thơ tình Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám, tôi phê phán nặng tay cái tôi ủy mỵ, tiểu tư sản của tác giả "Thơ Thơ” và "Gửi hương cho gió” theo đúng quan điểm của các học giả Mácxít thời ấy.

 

Ông chép miệng và lắc đầu bảo: Sinh viên các em cứ rập khuôn theo quan điểm của các thầy, các nhà nghiên cứu phê bình đánh giá thơ lãng mạn giai đoạn 1930- 1945 như thế là giáo điều. Tôi chỉ bớt hoảng hồn khi ông chuyển sang phần nhận xét tôi viết về thơ ông sau Cách mạng tháng Tám và khẳng định phong cách thơ tình Xuân Diệu.

 

Lúc đó, ông trở thành con người khác hẳn, khuôn mặt tươi tắn trở lại, tự tay ông pha cà phê và bóc kẹo ngon mời tôi ăn. Ở hai chương viết này, tôi ngợi ca ông hết lời, trích dẫn và bình luận những bài thơ, câu thơ hay nhất của ông viết về tình yêu.

Ông bảo: Chú em thẩm thơ tinh tường đấy, người anh gọi duy nhất "Ông Nhỏ” là Trần Đăng Khoa, nay phải gọi thêm Nhan Sinh là “Ông Nhỏ”. Chẳng biết ông hứng khởi khen tôi có thật lòng không, nhưng cánh mũi tôi thì nở phập phồng.

 

Cuối buổi, Xuân Diệu hỏi tôi có dự định công tác ở đâu sau khi ra trường, tôi đáp: Em đang băn khoăn chọn lựa vào dạy ở trường Đại học Tổng hợp Huế hoặc về Thông tấn xã Việt Nam. Nhà thơ liền gạt phắt, em tuyệt đối không nên đi làm báo, nghề báo giết mất văn chương.

Nếu em dạy đại học, chuyên sâu nghiên cứu thơ tình Xuân Diệu thì anh tặng em bản thảo cả bốn tập thơ Lan, Cúc, Trúc, Mai mà anh dự định xuất bản nay mai. Tôi lễ phép cám ơn và hứa nghe theo lời khuyên của ông.

 

Nhưng, hỡi ôi, tôi là đứa học trò thất lễ với nhà thơ Xuân Diệu. Do bản tính thích lang thang đây đó, sau khi bảo vệ luận văn được điểm 9 và tốt nghiệp đại học, tháng 7/1981 tôi xin vào Thông tấn xã Việt Nam công tác và hăng hái đi Sơn La làm phóng viên thường trú.

Ba năm sau đó tôi lấy vợ và có con trai đầu lòng khi mới hai mươi tư tuổi. Dù hàng năm đều nghỉ phép ở Hà Nội, nhưng tôi không dám vác mặt đến gặp nhà thơ lớn Xuân Diệu bởi ba điều dạy bảo của ông tôi đều làm ngược: Lấy vợ sớm, lười học ngoại ngữ và đi làm báo.

 

Ngày 18/12/1985, Xuân Diệu, "ông Hoàng thơ tình" Việt Nam về cõi vĩnh hằng tại Hà Nội ở cái tuổi 69. Từ Tây Bắc xa xôi, tôi thắp nén nhang thơm để tưởng nhớ đến ông và cũng tạ lỗi không gặp được ông lần cuối.

Nhan Sinh

 

Thứ Tư, 3 tháng 1, 2024

Mỗi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời đều là duyên phận, không có đúng sai

 

MỖI CUỘC GẶP GỠ TRONG CUỘC ĐỜI ĐỀU LÀ DUYÊN PHẬN, KHÔNG CÓ ĐÚNG SAI

Trên đời này nếu có thứ không thể cưỡng cầu thì chính là duyên phận, mọi thứ muốn tốt đẹp hãy cứ để tùy duyên.

 

Người tin tưởng vào duyên phận, một khi duyên đến sẽ thản nhiên đón nhận, còn khi duyên đi cũng sẽ không cố gắng níu giữ.

Kỳ thực, trong cuộc đời mỗi người có rất nhiều điều là không thể lý giải. Chính bởi điều này, mà khiến cho con người ta lúc nào cũng tràn đầy suy tưởng.

 

Duyên phận là điều gì đó rất kì lạ, không ai có thể thực sự nói rõ về nó. Có thể hữu duyên vô tình quen biết nhưng lại hiểu thấu nhau.

Có thể hài hòa với nhau, nhưng lại không thể ở gần nhau. Không cố ý theo đuổi thì lại có, bỏ tâm cố gắng tìm kiếm thì lại chẳng thành.

 

Mỗi người đều có những cuộc gặp mà suốt đời này không thể nào quên, có những cuộc gặp là mãi mãi, nhưng cũng có những cuộc gặp sớm “đứt gánh giữa đường”. Tất thảy mọi thứ trên đời đến và đi đều là duyên phận, đừng cưỡng cầu.

 

Buông không có nghĩa là bỏ cuộc, cố chấp không đồng nghĩa với kiên trì

Tại mỗi thời điểm, tại từng ngã rẽ đều có những ám hiệu được đưa ra, nhưng khi đó chúng ta lại mờ mịt không biết. Lúc quay đầu nhìn lại, bỗng phát hiện mọi thứ đều rõ ràng trước mắt, mới mỉm cười mà lĩnh ngộ sự thống khổ, bi thương.

 

Người quyết định bạn hạnh phúc hay khổ đau chính là bản thân bạn. Nếu không có sự cho phép của bạn, bất kể thứ gì cũng không thể khiến bạn đau buồn hay vui vẻ. Không ai cướp đi niềm hạnh phúc của bạn.

Người có thể cướp đi điều đó là chính bạn, bởi vì bạn giao niềm vui của mình cho người khác nắm giữ. Bạn không cách nào ngăn chặn được cơn lũ, nhưng bạn có thể học cách kiến tạo một con thuyền.

 

Tôi và bạn vốn không quen biết, định mệnh cũng không gắn bó với nhau. Yêu một người, nhưng kỳ thực là yêu chính mình, khi bản thân phát hiện mình mong muốn thứ gì đó nhưng không đạt được, sẽ sinh lòng khao khát.

Hận một người, thực ra là hận chính mình, khi bản thân phát hiện điều mình mong muốn nhưng không đạt được, sẽ cảm thấy giận dữ. Kỳ thực, trên đời không có tình yêu vô cớ, cũng không có oán hận vô cớ, yêu và hận, đều là tự đấu tranh và đối thoại với chính mình.

 

Duyên hợp duyên tan chỉ là lẽ thường

Duyên hợp, duyên tan đều lưu lại một điều gì đó tốt đẹp và một chút tiếc nuối. Trong sinh mệnh mỗi người, điều gì là của bạn thì sẽ không mất, còn như điều gì không là của bạn thì cuối cùng cũng không thuộc về bạn.

Nếu như yêu nhau, hãy dắt tay nhau đến khi bạc đầu, nếu lỡ mất nhau, hãy chúc nhau hạnh phúc. Nếu bạn yêu tôi, hãy sát gần một chút, một chút nữa, nếu như không yêu, hãy rời xa hơn một chút, một chút nữa.

 

Ai rồi cũng sẽ gặp một người dành cho cuộc đời mình, cứ chờ dù sớm hay muộn người ấy cũng sẽ xuất hiện khiến cuộc sống bạn tươi sáng hơn. Mọi sự tùy duyên, điều gì qua đi thì hãy buông bỏ để nó qua đi, nên bình tĩnh đối diện, quý trọng hết thảy những gì đang có ở hiện tại, tương lai đang chờ bạn ở phía trước.

"Xởi lởi trời cho, so đo trời lấy”

 

"XỞI LỞI TRỜI CHO, SO ĐO TRỜI LẤY”

 

"Xởi lởi trời cho, so đo trời lấy” là một câu nói kinh điển mang ý nghĩa răn dạy con cháu sâu sắc.

 

1. “Xởi lởi trời cho, so đo trời lấy” là gì?

Xởi lởi tính cách cởi mở, phóng khoáng, dễ tiếp xúc, dễ hoà với người khác. Câu tục ngữ “Xởi lởi trời cho, so đo trời lấy”, người xưa muốn nói với chúng ta, làm người sống trên đời cốt yếu cầu bình an và vui vẻ, còn vật chất đừng nên quá so đo được mất.

 

Trên thực tế, chúng ta hay gặp người xởi lởi, phóng khoáng, không so đo thiệt hơn tự khắc được lợi tới tận nhà, trời ban cho nhiều may mắn. Còn người lúc nào cũng tính toán, so đo, làm gì cũng khư khư quan tâm lợi ích mà bất chấp tất cả thì trời thường xui khiến cho mọi chuyện khó thành.

Nhiều khi người tính không bằng trời tính,.

 

2. So đo tính toán càng nhiều thì mất càng nhiều

Nhiều người tin rằng khôn ngoan là cách tốt nhất để tạo ra sự giàu có. Nhưng khi bạn so đo tính toán quá nhiều đến số tiền bạn có được, bạn chắc chắn sẽ phải trả một cái gì đó cho sự giàu có, và những gì bạn phải trả có thể là những thứ mà ngàn vàng không đổi được.

 

Suy cho cùng, sự giàu có nội tâm không liên quan gì đến số tiền, tất cả những gì nó cần là một trái tim. Do đó, hãy sống bao dung hơn và đừng so đo tính toán quá nhiều.

 

Một trưởng lão đã kể một câu chuyện như sau:

Một người may mắn nhặt được một viên ngọc trân châu to và đẹp, nhưng anh ta không hài lòng vì có một vết nhỏ trên viên ngọc trai. Anh ta cho rằng nếu có thể trừ bỏ vết nhỏ này thì nhất định nó sẽ trở thành bảo vật quý giá nhất trên đời.

Chính vì thế, anh ta quyết tâm cạo bỏ bề mặt của viên ngọc trai, nhưng các vết đốm vẫn còn đó. Anh ta lại cắt hết lớp này đến lớp khác, cho đến khi vết đốm biến mất nhưng viên ngọc trân châu đó không còn nữa.

 

Được và mất luôn diễn ra đồng thời, trong cái rủi có cái may. Không ai luôn được, cũng không ai luôn mất. Được quá nhiều chưa chắc đã tốt, nó có thể khiến bạn mê mất cái tâm vốn có, hoặc bị áp lực quá lớn.

Người thắng nhờ rộng lượng, thua bởi so đo. Tâm nhỏ thì tất cả những việc nhỏ đều thành lớn, tâm lớn thì tất cả những việc lớn cũng trở nên nhỏ.

Thế giới rất công bằng, mọi cố gắng sẽ không bị phụ bạc, làm người rộng lượng thì cuối cùng sẽ không phải chịu thiệt.

 

3. Nuôi dưỡng bản thân trở thành một người phóng khoáng

Không quan tâm người khác nói gì về bạn ở sau lưng, bởi lẽ những lời nói đó không thay đổi được thực tế, nhưng lại có thể làm loạn tâm trí của bạn. Một khi tâm đã loạn thì mọi thứ đều sẽ loạn theo.

Người hiểu bạn, không cần giải thích; người không hiểu bạn, không cần bạn giải thích, bởi giải thích cũng chỉ thế thôi, không thay đổi được gì. Thời gian sẽ cho họ câu trả lời thích đáng.

 

Người phóng khoáng họ chân thành với bạn bè, hiếu thuận với mẹ cha. Đứng ở trên cao nhưng không bao giờ khiến người khác cảm thấy mình cao hơn người ta.

Họ trầm ổn, hay suy nghĩ, năng học hỏi, không ngại khó khăn, không bao giờ từ bỏ. Họ luôn mở rộng tầm nhìn, có thể nhảy cao được bao nhiêu sẽ nhảy cao bấy nhiêu, có thể đi xa được đến đâu sẽ đi xa bấy nhiêu.

 

Con người, quý ở phóng khoáng, nhìn đời thoáng ra. Hãy luôn tin rằng, người thực sự hiểu bạn, sẽ không vì những cái có hoặc không có mà phủ định bạn. Nuôi dưỡng cho tốt cái sự phóng khoáng của mình, đời sẽ tươi đẹp hơn, nhiều màu sắc hơn.