Thứ Tư, 6 tháng 12, 2023

Sơ lược về Liệu pháp hồi tưởng (Reminiscence therapy)

 

SƠ LƯỢC VỀ LIỆU PHÁP HỒI TƯỞNG (REMINISCENCE THERAPY)

 

Liệu pháp hồi tưởng là một dạng tâm lý trị liệu tập trung vào gợi nhớ lại những sự kiện quá khứ. Dạng trị liệu gợi nhớ lại cuộc đời này giúp cải thiện cảm quan của chủ thể về sức khỏe của họ.

 

TS. Robert Butler, một bác sĩ tâm thần làm việc trong lão khoa những năm 1960, được công nhận là người đầu tiên khám phá giá trị của liệu pháp hồi tưởng. Liệu pháp hồi tưởng là hình thức can thiệp không dùng thuốc nên nó có thể được ứng dụng khá rộng rãi.

Nghiên cứu cho thấy dạng trị liệu này giúp cải thiện lòng tự trọng và giúp người lớn tuổi cảm thấy thoải mái hơn.

Khi người lớn tuổi được nhắc nhớ về những ngày tháng đã qua, họ sẽ háo hức trò chuyện với mọi người. Họ sẽ có cảm giác trọn vẹn khi chia sẻ về những giai đoạn đã qua trong cuộc đời mình.

 

Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ ghi nhận việc sử dụng những đoạn hồi ức hoặc những cột mốc lịch sử trong cuộc sống có thể thực hiện bằng định dạng văn bản hoặc lời nói.

Ví dụ, bà của bạn có thể chia sẻ với bạn về những lá thư thời chiến mà ông bạn đã gửi, hoặc dì của bạn có thể hoài niệm về những buổi dạo chơi suốt mùa hè trong khu bà đã từng ở ngày bé. Chia sẻ ký ức với người thân bằng cách nào cũng đều có giá trị cả.

Giống như sự hữu ích mà việc kể chuyện mang lại cho sức khỏe tâm thần, hồi tưởng cũng vậy.

 

Cách vận hành.

Thân nhân hoặc tự bạn có thể thực hiện liệu pháp. Hãy sử dụng nhiều giác quan khác nhau để kích hoạt ký ức từ đó giúp người cao tuổi có thể thực hiện liệu pháp này.

 

Các kỹ thuật.

 

– Thị giác: Hãy đi đến căn gác mái và lấy cuốn album ảnh cũ và đồ vật lưu niệm ra. Hãy xem những bộ phim cũ của gia đình. Thường thì những gợi nhớ thị giác này sẽ khiến chủ thể vui lên. Hãy trò chuyện với đối phương về những tấm ảnh, những mẩu tạp chí, thư, và nhật ký. Hãy hỏi những câu hỏi mở để kích thích họ nhớ lại ký ức.

 

– Thính giác: Bật những bài nhạc từ những ban nhạc yêu thích mà họ nghe cùng năm tháng họ lớn lên, sử dụng ứng dụng Youtube trong điện thoại. Trị liệu bằng âm nhạc có rất nhiều lợi ích tích cực lên sức khỏe, bao gồm làm giảm huyết áp, thúc đẩy miễn dịch và hạn chế trầm cảm.

 

Nghe những bài nhạc xưa tác động đặc biệt mạnh mẽ lên người lớn tuổi mắc sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer. Người bệnh sa sút trí tuệ thường dễ cáu bẳn, có thể làm đi làm lại một hành động, bồn chồn không yên, và có hành vi hung hăng.

Một nghiên cứu gần đây về can thiệp bằng âm nhạc đã tiết lộ những hiệu ứng đầy hứa hẹn của âm nhạc giúp giảm những hành vi tiêu cực này ở người bệnh sa sút trí tuệ.

 

– Mùi vị: Nấu hoặc nướng đồ ăn yêu thích đối phương. Hãy ăn thật chậm và trò chuyện với họ về những điều họ nhớ đến khi ăn những món này hồi nhỏ. Ví dụ, cắn một miếng panettone, một loại bánh mì ngọt của Ý mỗi dịp Giáng Sinh, có thể gợi ra một làn sóng ký ức cho người ông đến từ Milan của bạn.

 

– Xúc giác: Hãy yêu cầu họ cầm một chiếc cúp thể thao thời trung học hoặc cảm nhận bề mặt sần sùi của một bức tranh. Hãy đưa cho họ một trong những chiếc áo nỉ/len cũ để họ sờ. Hoặc yêu cầu họ ôm chặt một chú gấu teddy mềm mại mà họ từng chơi hồi còn bé. Bạn có thể yêu cầu họ đeo một chiếc nhẫn hoặc một món trang sức yêu thích.

 

– Khứu giác: Mùi hương có thể khuấy động ký ức một cách sống động. Và nó xảy đến cực kỳ nhanh. Hãy sử dụng mùi hương, dầu thơm, và các loại nến thơm để khơi gợi ký ức. Hệ thống khứu giác trong não nằm cùng chỗ với khu vực tác động lên cảm xúc và trí nhớ.

 

Liệu pháp hồi tưởng có thể hỗ trợ những vấn đề gì?

Liệu pháp hồi tưởng đóng vai trò quan trọng trong những bệnh lý sau:

 

Sa sút trí tuệ.

Người bị sa sút trí tuệ mất dần trí nhớ ngắn hạn nhưng vẫn còn lưu lại và thậm chí có thể tiếp cận những ký ức dài hạn. Vì vậy, người lớn tuổi sẽ được là chính mình và cảm thấy vui khi áp dụng mô hình trị liệu này. Họ lấy lại được cảm giác thành tựu và tìm được sự thỏa mãn khi chia sẻ những câu chuyện cuộc đời mình.

Trầm cảm ở người lớn tuổi.

Liệu pháp hồi tưởng đã được chứng minh có hiệu quả giúp giảm bớt đáng kể trầm cảm, bao gồm cả người lớn tuổi mắc bệnh mãn tính và những người đang dùng thuốc chống trầm cảm.

Điều thú vị là “liệu pháp hồi tưởng khá hiệu quả cho phụ nữ lớn tuổi và người lớn tuổi có xuất hiện các triệu chứng trầm cảm nghiêm trọng.”

Lợi ích.

 

– Hỗ trợ người bệnh sa sút trí tuệ và Alzheimer

– Cải thiện lòng tự trọng.

– Giảm những hành vi không mong muốn.

– Giảm căng thẳng.

– Gia tăng cảm giác khỏe mạnh.

– Cảm nhận niềm vui.

– Mở rộng cơ hội kết nối.

 

– Tăng cường kết nối sâu sắc hơn giữa các thế hệ, giữa họ hàng với nhau.

– Gắn kết tốt hơn giữa trị liệu viên và người bệnh.

– Giảm các triệu chứng trầm cảm.

– Tăng chất lượng cuộc sống.

– Dể bề tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống.

– Giúp người cao tuổi chấp nhận những bệnh lý đang gặp.

 

Bằng cách tái cấu trúc lại ký ức từ quá khứ, liệu pháp này giúp người lớn tuổi tạo dựng một câu chuyện tiểu sử về đời mình.

Mỗi người cũng có thể sử dụng liệu pháp này với các thành viên trong gia đình mình và thảo luận về nhiều ký ức khác nhau. Nên lắng nghe chủ động. Và nên phản hồi một cách tích cực.

 

Bạn cũng có thể hỏi các câu hỏi cập nhập kiểu như “Hồi ông có công việc đâu tiên là lúc ông mấy tuổi?” hoặc “Hồi đó bị kêu đi lính ông có sợ không?”.

Bằng cách này, bạn có thể yêu cầu người thân mình mở rộng thêm những gì họ đã nói. Yên lặng không có gì đáng sợ cả. Hãy cho họ một chút thời gian, hãy hỗ trợ và động viên họ.

 

Nguồn: https://www.verywellmind.com/how-reminiscence-therapy-works-5214451

 

Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

Nỗi nhớ Yết Kiêu của công chúa Nhà Nguyên

 

NHỚ YẾT KIÊU, TỪ PHƯƠNG BẮC CÔNG CHÚA NHÀ NGUYÊN ĐÃ THỐT RA CÂU THƠ: BÂY GIỜ ĐÃ Ở PHƯƠNG NÀO, NGƯỜI ƠI?

Sau khi đánh thắng quân Nguyên, nhằm có được quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, tránh chiến tranh liên miên, vua Trần Nhân Tông cử Bảng nhãn Lê Đỗ cùng với Yết Kiêu đi sứ sang nhà Nguyên.

Quân Nguyên sang đánh Đại Việt đều biết danh tiếng của Yết Kiêu, nay thấy Yết Kiêu sang sứ thì vua cùng các tướng nhà Nguyên đều nghĩ cách để có được tướng tài. Một viên quan tâu rằng nên sử dụng mỹ nhân kế, bởi anh hùng khó qua ải mỹ nhân.

Vua Nguyên thấy chọn ai cũng khó xứng với Yết Kiêu, nên cuối cùng quyết định chọn người con gái út của mình là công chúa Ngọc Hoa.

Công chúa Ngọc Hoa thuộc dạng sắc nước nghiêng thành, lại đàn hay hát giỏi nên được vua cha cưng chiều. Khi nghe vua cha nói muốn gả cho một viên tướng ở nam triều và “phải giữ bằng được ông ấy ở lại đây” thì công chúa không bằng lòng.

Thế nhưng khi lần đầu nhìn Yết Kiêu, thấy đây quả là một dũng tướng, khi trò chuyện lại thấy đây là một người gần gũi, nên công chúa thay đổi, dành trọn vẹn tình cảm cho Yết Kiêu.

Hàng ngày công chúa đều tìm cớ để có cơ hội gặp Yết Kiêu, khi thì mang đặc sản phương Bắc để khoe, khi thì mời Yết Kiêu đi ngắm đất kinh kỳ. Thấy hai người thường xuyên trò chuyện với nhau thì vua Nguyên mừng lắm.

Khi thời gian đi sứ đã hết, vua Nguyên dùng đại tiệc để tiễn đoàn sứ của Đại Việt, khi buổi tiệc đến lúc vui vẻ nhất thì vua Nguyên nói ngỏ ý muốn gả công chúa cho Yết Kiêu.

Yết Kiêu không muốn kết hôn, nên sau giây lát suy nghĩ, Yết Kiêu đáp rằng:

Cảm ơn đức vua đã cho thần có được diễm phúc ấy. Nhưng nước có phép vua, thần lại là tôi tớ của vua Trần nên phải tuân theo lệnh vua. Thần xin phép về xin ý kiến của vua Trần, nếu được đồng ý thần sẽ qua làm lễ với công chúa.

Vua Nguyên nghe thấy hợp lý thì đồng ý cho ông về tâu với vua Trần, công chúa liền xin đi theo Yết Kiêu về Đại Việt. Yết Kiêu liền nói rằng:

Tục nước tôi không cho phép con gái theo về nhà chồng mà chưa có mối, chưa có lễ vật, nàng lại là công chúa cành vàng lá ngọc càng phải giữ thanh danh, thể diện. Nàng cứ ở lại chờ tôi một thời gian để tôi nói với cha mẹ mang lễ vật tới.

Khi về Triều đình, Yết Kiêu có báo lại kết quả chuyến đi sứ và ý vua Nguyên muốn gả công chúa cho mình. Nhà Trần không muốn mất tướng tài, cũng do Yết Kiêu không muốn, nên quyết định không nhắc gì chuyện này nữa.

Từ ngày Yết Kiêu đi chờ mãi không thấy tin tức gì, lòng công chúa Ngọc Hoa như có lửa đốt, nàng thường lên lầu cao ngóng về phương Nam. Mỗi lần có đoàn sứ thần từ Đại Việt đến công chúa đều hỏi han tin tức, rồi gửi lời nhắn đến Yết Kiêu, nhưng đều không thấy hồi âm.

Chờ đợi mỏi mòn, công chúa Ngọc Hoa vẽ hình Yết Kiêu, tự tay thêu đôi uyên ương để tặng khi Yết Kiêu quay lại, nhưng mãi vẫn không có tin tức gì.

Công chúa đã thêu những vần thơ vào khăn áo rồi nhờ sứ thần Đại Việt gửi lại cho Yết Kiêu, những vần thơ này còn lưu truyền đến ngày nay:

Tại Cao lão ở làng Lôi Động, phỏng dịch là:

Lên lầu dạ thấy bồi hồi

Trăng soi bóng nước, nước trời hòa nhau.

Cùng ta thưởng nguyệt đêm nao

Bây giờ đã ở phương nào, người ơi?!

Một bài thơ khác. dịch là:

Dứt áo phút ly biệt,

Thiếp hỏi chàng đi đâu.

Chẳng hận về sai hẹn,

Chỉ mong chớ phụ nhau.

Suốt 2 năm không có tin tức gì, không chờ thêm được nữa, công chúa xin được sang phương Nam. Nhà Vua ngăn cản nhưng công chúa cương quyết đi, nếu không được đi sẽ tự vẫn, vì thế vua Nguyên đồng ý và cử người đi theo bảo vệ.

Từ Đại Đô, đoàn người bắt đầu cuộc hành trình xa xôi đến phương Nam, sau 2 tháng thì đến biên giới (thuộc Móng Cái – Quảng Ninh hiện nay).

Tin tức bay về Triều đình, nhà Trần không muốn mất Yết Kiêu nên loan báo rằng Yết Kiêu đã qua đời.

Nhận được tin dữ, công chúa đau đớn mặc đồ tang lập đàn tế suốt 7 ngày 7 đêm liền; sai lính đẵn gỗ vàng tâm, triệu thợ điêu khắc giỏi tạc tượng mình và viết bức huyết tâm thư thổ lộ tình cảm của mình với Yết Kiêu. Rồi đặt bức tượng mình vào thân một khúc gỗ đã đục rỗng thả xuống sông cho trôi về Đại Việt.

Xong việc công chúa Ngọc Hoa khấn:

Thiếp và chàng sống trên trần thế chưa nên duyên chồng vợ, nay chàng không còn nữa, thiếp nguyện thác xuống âm phủ để gặp chàng và nên nghĩa vợ chồng.

Nói xong công chúa quay về hướng Bắc nhìn quê hương lần cuối, rồi cởi hài gieo mình xuống dòng sông chảy xiết. Thấy vậy 9 nàng hầu và 2 thái giám cũng nhảy xuống sông theo chủ.

Dù có nhiều người con gái dành tình cảm cho Yết Kiêu, nhưng ngày nay tại nơi thờ Yết Kiêu ở đền Quát, thôn Hạ Bì (xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) chỉ có bức tượng gỗ của Ngọc Hoa công chúa là được đặt cạnh Yết Kiêu. Bức tượng gỗ này tương truyền là được đẽo từ tấm gỗ nổi lên nơi công chúa Ngọc Hoa trẫm mình chết.

Nguồn: Đại Việt Sử ký Toàn thư, Việt sử giai thoại

Yết Kiêu (1241 – 1301) người làng Lôi Động, huyện Thanh Hà. Anh hùng chống giặc ngoại xâm vào đời nhà Trần, người có công chống giặc Nguyên Mông vào thế kỷ XIII

Ảnh: Đền Quát. Đền thờ Yết Kiêu, tại tả ngạn sông Đò Đáy (sông Quát) thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, Gia Lộc, Hải Dương.


 

 

Làm sao để việc kiếm tiền sẽ trở nên dễ dàng hơn

 

LÀM SAO ĐỂ VIỆC KIẾM TIỀN SẼ TRỞ NÊN DỄ DÀNG HƠN

Bạn nghĩ cái gì, bạn sẽ gặp cái đó. kể cả việc kiếm tiền.

Những năm gần đây, có một cách nói khá nổi tiếng đó là "Luật hấp dẫn".

Cuốn "The secret" giải thích rằng: "Khi tư duy tập trung ở một lĩnh vực nào đó, những người, sự vật, sự việc liên quan đến lĩnh vực này sẽ bị nó thu hút".

Bạn nghĩ cái gì, bạn sẽ có cái đó, hiểu đơn giản thì là, bạn nghĩ ra sao, bạn sẽ gặp được cái đó.

Có một câu chuyện kiếm tiền dễ dàng như sau:

Ông Chua Lam (nhà văn người Singapore) có một lần gọi taxi về nhà, chiếc xe ông ngồi không những được trang trí khá vui mắt mà còn có cả hoa, người tài xế trong suốt quá trình cũng luôn rất niềm nở.

Thời buổi đó người gọi xe taxi khá ít, nhiều tài xế khác thường hay phàn nàn, kể khổ với khách.

Nhưng vị tài xế này ngược lại lại nói, nỗ lực một chút, có ra sao cũng cảm thấy mãn nguyện rồi.

Anh tài xế còn nói với nhà văn Chua Lam: "Đại khái là khi tôi nghĩ thông thì vận may nó dường như cũng đến, vừa kết thúc chuyến xe này là ngay lập tức có chuyến xe khác."

Quả đúng như vậy, nhà văn Chua Lam vừa xuống xe thì hàng xóm sống gần đó cũng vừa hay bắt chiếc xe này.

May mắn là thứ khó nắm bắt nhất, nhưng những người lạc quan, vận mệnh sẽ luôn tốt hơn một chút.

Trong tình cảm có câu “Ghét của nào trời trao của đó” cái “ác cảm” vô hình này đã tạo nên một “luật hấp dẫn”: Càng ghét càng nghĩ đến người ấy và bỗng một ngày trái tim của bạn bắt đầu lạc nhịp bởi người ấy đó lúc nào không hay!