Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

Hồi ký Trần Văn Khê: - Giới thiệu nhạc truyền thống

 


Năm1959 tại Unesco giáo sư Trần Văn Khê được bà Maryvonne Kendergi phỏng vấn. 


HỒI KÝ TRẦN VĂN KHÊ: - GIỚI THIỆU NHẠC TRUYỀN THỐNG

Hai ngày sau tôi qua Tokyo bằng máy bay của Hãng Pan American, tại phi trường đã có Ban tổ chức chờ đón. Tôi chuẩn bị đi theo họ thì một người Nhựt tự xưng là người của Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại đây tới đón tôi. Tôi không biết ông đại sứ này là ai, hỏi ra mới biết đó là ông Bùi Văn Thinh một người bạn cũ.

Vào năm 1945 khi ông làm việc ở một tỉnh miền Tây thì gặp tôi đi cùng đoàn sinh viên xuống lục tỉnh hát lấy tiền mua gạo giúp đồng bào miền Bắc đang bị đói, vợ chồng ông quí tôi từ dạo đó. Nghe tin tôi qua dự hội nghị tại Tokyo, ông cho người bí thơ của ông ra đón.

 

Viên bí thơ hỏi giấy thông hành của tôi để làm thủ tục nhập cảnh và khai hải quan. Khi thấy tôi sử dụng giấy thông hành “vô quốc tịch” (apatride) thì ông rất bối rối vì đã báo với Công an phi trường tôi là bạn thân của ông đại sứ Việt Nam.

Ông yêu cầu tôi chờ một chút, lát sau ông trở ra cho biết Công an nói rằng tôi vừa là đại biểu tham dự Hội nghị Quốc tế vừa là bạn của đại sứ Việt Nam nên họ vẫn để cho đi qua cửa thượng khách.

Mọi việc đều êm xuôi. Khi ra xe viên bí thơ cẩn thận xin phép tôi cho ông cất lá cờ Việt Nam Cộng hòa gắn phía trước xe ngoại giao đoàn rồi đưa tôi về khách sạn.

 

Tại hội nghị, trong số 1.400 đại biểu tham dự, chỉ có 50 người được mời vô nghe nhã nhạc trong hoàng cung trong đó có tôi. Đây là một vinh dự cho tôi vì khách được mời gồm toàn những giáo sư kỳ cựu hoạt động gần 20 năm trong lãnh vực nghiên cứu âm nhạc trong khi tôi chỉ mới có 3 năm trong ngành. 

 

Về sau, tôi mới biết sở dĩ mình được mời vì hai điểm: tôi là Ủy viên Ban chấp hành Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO đại diện cho châu Á và điểm thứ hai là vì Ban tổ chức biết việc tôi được học bổng của Rockefeller Foundation, nghĩa là một trong 3 nhà nghiên cứu được cơ quan này cho là xứng đáng được tài trợ.

 

Sang Nhựt mà gặp mùa hoa anh đào nở là dịp may hiếm có. Chỉ trong vòng mấy ngày, hoa nở rộ, sau đó tàn rất mau. Lần đầu tiên trong đời tôi được ngắm hoa anh đào nở đẹp rực rỡ khi cùng đi với người bạn mới quen là giáo sư Koizumi Fumio. Ông là người bạn tốt đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc nghiên cứu đờn koto. 

 

Đến năm 1995 tôi được giải thưởng quốc tế mang tên ông về nhạc học dân tộc của Nhựt, giải thưởng được đặt ra sau khi ông qua đời.

Tôi cũng thú vị khi được gặp giáo sư Kishibe, người bạn đồng chí hướng quen nhau từ 3 năm này. Dịp này ông Kishibe mời tôi về nhà ăn tối, thưởng thức đặc sản Nhựt Bổn như món cá sống sushi và uống rượu sa kê.

 

Tại hội nghị tôi cũng gặp lại ông Yuize Shinichi, nhạc sĩ đờn koto mà tôi được gặp lần đầu tiên ở hội nghị của UNESCO tại Paris năm 1958. Lần này ông và phu nhân, nhũ danh Nakashima, nhận dạy tôi đờn koto đồng thời giới thiệu tôi với những người trong trường phái Ikuta, còn bà Kishibe thì giới thiệu tôi với trường phái Yamada.

Đây là hai trường phái lớn của đờn koto, mỗi trường phái có một số nhạc sư nổi tiếng và không liên hệ giao hảo với nhau, một nhạc sinh nhập môn trường phái này không thể học với trường phái kia.

 

Khi vừa tới Tokyo, tôi viết thơ tự giới thiệu và xin phép đến chào cả hai phái. Tôi đến gặp ông Nakashima, trưởng phái Ikuta trước vì ông lớn tuổi hơn, rồi xin gặp giáo sư Nakanoshima Kinichi, trưởng phái của Yamada sau. Hai bên đều chấp nhận tiếp tôi và sẵn sàng trả lời tất cả những gì tôi muốn tìm hiểu. Đây cũng là một trường hợp hi hữu.

Cả hai phái đều ngỏ ý muốn nghe tôi nói chuyện về đờn tranh và âm nhạc Việt Nam. Tôi trình bày với đại diện hai phái rằng tôi có thể lần lượt tới hai nơi để nói chuyện, nhưng nếu tôi lỡ bỏ sót một vài vấn đề nào đó trong một buổi, có thể bị ngộ nhận là có sự thiên vị, trong khi tôi thật tình quí trọng cả hai bên.

Vì vậy tôi đề nghị chọn một địa điểm trung lập để tổ chức buổi nói chuyện. Một điều bất ngờ là cả hai phái đều chấp nhận.

 

Chưa khi nào tôi đờn mà trong lòng lo lắng bằng bữa đó. Tôi có cảm giác đây là một cuộc hội ngộ anh hùng trong giới nhạc trên đất Phù Tang. Tôi “đơn đao phó hội” trước các sư tổ, sư bá, sư phụ, sư huynh, sư đệ của hai trường phái đờn koto đến xem đường quyền, đường thương của một võ sĩ Việt Nam.

 

Tôi thưa cùng các trưởng phái:

- Tôi không phải là người xứng đáng đờn cho quí vị nghe. Trong nước tôi có nhiều nhạc sĩ đờn rất hay nhưng họ không có dịp qua đây, còn tôi biết đờn là do truyền thống gia đình, nhưng lại chuyên về nghiên cứu nên tiếng đờn của tôi chưa đạt được trình độ cao nhứt của đờn tranh. Do đó xin quí vị đừng đánh giá đờn tranh Việt Nam qua tiếng đàn chân phương mộc mạc của tôi.

Tôi đã quan sát thấy đờn koto của Nhựt Bổn sở trường về biểu diễn tay mặt nhưng sử dụng tay trái yếu hơn đờn tranh. Vì vậy trong khi trình bày các thủ pháp, tôi chú trọng đề cập đến điểm mạnh của đờn tranh:

 

- Theo truyền thống Việt Nam, bàn tay mặt sinh ra âm thanh, bàn tay trái nuôi dưỡng và làm đẹp âm thanh. Bàn tay mặt cho cái xác còn bàn tay trái cho cái hồn. Vì vậy, bàn tay trái đối với chúng tôi vô cùng quan trọng. Quí vị nhấn nửa bậc và một bậc còn chúng tôi có thể nhấn từ nửa bậc, một bậc cho đến hai bậc rưỡi.

Cách nhấn thì rất phong phú và tinh vi, có nhấn - vuốt, nhấn - rung, nhấn - mổ, nhấn mượn hơi. Mổ thì mổ đơn, mổ kép, mổ kiềm dây, phối hợp tất cả để âm thanh trở nên sinh động hơn.

 

Tôi nói đến đâu minh họa đến đó, những người nghe rất thú vị và hoan nghinh nồng nhiệt. Sau bữa đó, vào cuối tháng 5 năm 1961, Đài truyền hình Nhựt Bổn NHK mời tôi nói chuyện trong chương trình giới thiệu và so sánh đờn tranh với đờn koto. Tôi nói về đờn tranh được ông Koizumi thông dịch ra tiếng Nhựt, khi đối chiếu với đờn koto thì bà nhạc sư Hirai Sumiko minh họa. Băng ghi hình này được giữ tại Phòng lưu trữ băng từ của đài.

Bảy năm sau, năm 1968, Đài NHK của Nhựt Bổn chọn chương trình đó dự thi tại Vienne, kinh đô của nước Áo, trong chương trình “Áp dụng phương pháp thính thị trong giáo dục âm nhạc”.

Đài truyền hình Pháp cũng gởi dự thi một chương trình do nhạc sư Daniel Lesur và tôi thực hiện, trong đó tôi giới thiệu bốn nhạc khí dân tộc gồm đờn kìm, đờn cò, đờn tranh và trống.

Tuy Việt Nam không dự hội nghị này nhưng mọi người vẫn được nghe âm nhạc Việt Nam tới 2 lần qua các đoạn phim của Nhựt Bổn và Pháp. Đó là một niềm vui lớn của tôi trong sứ mạng giới thiệu âm nhạc Việt Nam trên thế giới.

 

Trích Hồi ký Trần Văn Khê (Phương Nam phát hành)

 

Năm1959 tại Unesco giáo sư Trần Văn Khê được bà Maryvonne Kendergi phỏng vấn.

Thứ Hai, 27 tháng 11, 2023

Sức mạnh của sự dịu dàng

 

SỨC MẠNH CỦA SỰ DỊU DÀNG

Đàn ông được xem là phái mạnh vì họ mạnh thật. Từ thể lực đến cơ bắp, đến sức mạnh tinh thần, người đàn ông thể hiện sức mạnh rõ ràng.

Phụ nữ không mạnh về cơ bắp, cũng không lì lợm và quyết đoán như đàn ông. Dù có hô hào nữ quyền đến mấy thì phụ nữ cũng không có được sức mạnh như đàn ông.

Nhưng đã có những phụ nữ rất mạnh, mạnh hơn đàn ông rất nhiều. Người đàn ông có gia trưởng đến mấy, khệnh khạng đến mấy, khỏe đến mấy, giỏi đến mấy, cũng bị họ khuất phục. Họ dùng “quyền lực mềm”.

 

Trong nhóm bạn nhậu thân thiết của tôi, có chuyện kỳ lạ như vầy. Một anh là kỹ sư điện, tính tình nhũn nhặn, hiền lành và luôn thể hiện sự nhường nhịn đến nỗi chịu nhiều thiệt thòi với bạn bè. Khi xảy ra sự vụ gì căng thẳng, anh ấy đều cười xòa, nhường nhịn.

Anh ấy là điển hình của “dĩ hòa vi quý”. Ấy vậy mà hôm nọ, cả nhóm vừa ngồi vào bàn nhậu, anh ấy đỏ mặt bừng bừng, nhắn tin trả lời vợ. “Vợ anh kêu thế nào mà anh nổi nóng vậy? Rồi anh có về không?”. “Không về! Vợ bảo hôm nay anh nhậu mà không về ăn cơm thì đây là bữa cơm cuối cùng tôi nấu cho cả nhà”. “Vậy anh trả lời tin nhắn vợ thế nào?”. “Tôi nhắn ok”.

http://ads.phunuonline.com.vn/www/delivery/lg.php?bannerid=80&campaignid=64&zoneid=32&loc=https%3A%2F%2Fwww.phunuonline.com.vn%2Fsuc-manh-cua-su-diu-dang-a1458633.html&referer=https%3A%2F%2Fwww.google.com%2F&cb=89a39d945cCũng trong nhóm, có anh bạn là phó tổng giám đốc một tập đoàn lớn, thường ngày hét ra lửa ở công ty. Là phó nhưng tổng cũng phải nể sợ, vì anh ấy mạnh mẽ và quyết đoán, thậm chí có phần cực đoan.

Vậy mà hôm trước, cả nhóm vào quán nhậu, mồi vừa dọn ra bàn, anh ấy đang hào sảng chia sẻ về các siêu dự án đang thực hiện, bỗng xem tin nhắn và biến sắc.

Anh ấy bảo “chết rồi, thành thật xin lỗi anh em, mình phải về ngay”. “Vợ kêu thôi mà, ngồi một chút rồi về có sao đâu anh?”.

“Không được, mình phải về ngay”. “Vợ nhắn gì mà anh sợ dữ vậy?”. “Có nhắn gì ghê gớm đâu, nhưng mình phải về”. 

Anh vừa rối rít xin lỗi anh em, vừa cho xem tin nhắn: “Anh ơi, em đã âm thầm đi chợ, nấu món anh thích nè, lòng xào nghệ đó, có cả hẹ nữa. Em đã canh giờ rồi, anh về là em vừa dọn sẵn, mình cùng ăn cho nóng”. Và anh ấy lao như bay về nhà, sợ đĩa lòng xào nghệ bị nguội, sợ người nấu chờ lâu.

Các anh em vẫn chưa hết ngơ ngác, sau đó mới phân tích và so sánh hai câu chuyện. Một người vợ đanh thép, mạnh mẽ ra lệnh, khiến ông chồng hiền lành bỗng chống đối kịch kim. Một người vợ dịu dàng thỏ thẻ khiến ông chồng mạnh mẽ bỗng nhũn như con chi chi.

 

Nếu bình tâm nhìn lại mình và những chị em xung quanh, sẽ thấy, có người vợ nào càng ngày càng tỏ ra dữ dằn, đanh đá, mạnh mẽ, quyết đoán mà hạnh phúc với người đàn ông của mình? Nhưng dễ dàng bắt gặp những phụ nữ dịu dàng, nhẹ nhàng nhưng nắm được “dây cương” của người đàn ông.

Họ khéo léo đưa người đàn ông của mình vào cuộc chơi hạnh phúc do họ sắp đặt, khiến ông chồng luôn cưng chiều để họ hạnh phúc.

 
Phụ nữ phải vùng lên, phải mạnh mẽ lên! Nhưng mạnh mẽ lên không phải là thể hiện quyền lực của mệnh lệnh, triệt buộc mà mạnh mẽ lên bằng công cụ tuyệt vời của một người nữ: sự dịu dàng. Nói không quá, phụ nữ có sự dịu dàng là có tất cả. 

Chẳng phải ông bà có câu “Nói ngọt lọt đến xương” hay sao? Một phụ nữ trên hành trình vun đắp hạnh phúc với người đàn ông của đời mình, nếu chưa có sự dịu dàng thì cần phải học và phải tập. 

 

Nếu vẫn không chịu dịu dàng, vẫn nghĩ là áp chế người kia bằng sự ghê gớm, đanh đá thì chỉ tạo ra “cái vỏ” của hạnh phúc mà thôi.

Sự dịu dàng có tập được không? Tôi nghĩ là được. Không được nhiều cũng được ít. Có tập là có tiến bộ, và sẽ hạnh phúc dần lên.

 

Nước Pháp có một bài hát rất nổi tiếng, có tựa Le géant de papier, tức là Người khổng lồ bằng giấy, lời Việt của bản này là Lạc mất mùa xuân. Lời bài hát rất hay, đại ý: “Bảo tôi đánh nhau với quỷ dữ, đi khiêu chiến với loài rồng của cõi hư vô, bảo tôi phá vỡ những ngọn núi, đi vào miệng núi lửa…

Tất cả, đối với tôi, đều có thể thực hiện được. Nhưng trước sự dịu dàng của em, tôi chỉ là người khổng lồ bằng giấy”.

 

Ai nghe đi nghe lại bài Người khổng lồ bằng giấy, mơ hồ tưởng tượng mình đang được ngắm nhìn một người phụ nữ hiền dịu và vui vẻ quy phục trước sự dịu dàng của nàng.

Đàn ông, dù có mạnh mẽ đến đâu, trước sự dịu dàng của người phụ nữ mình thương, cũng mềm nhũn như người khổng lồ bằng giấy. Như vậy, phụ nữ sẽ mạnh hơn đàn ông nếu chị em có được sự dịu dàng. Lúc đó, các nàng không lo gặp thiệt thòi chi nữa. 

 

Trần Triều

Mưa gió trên đường đời giúp chúng ta học được cách mở dù

 

MƯA GIÓ TRÊN ĐƯỜNG ĐỜI GIÚP CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC CÁCH MỞ DÙ

Người đến thế gian này, dù trong hữu ý hay vô tình thì đều là đang trong tu luyện. Trên mỗi bước đường tiến tới thành công, không ai có thể đi đến đích mà luôn thuận buồm xuôi gió.

Có người xuất hiện giúp đỡ thì cũng có người xuất hiện để ngáng trở, như vậy mới hài hòa. Kỳ thực người khiến bạn tổn thương cũng là đang trợ giúp bạn. Tục ngữ nói: “Hoa sen khai nở từ bùn nhơ, nhân tài sinh ra ở gia đình bần hàn”.

Mỗi giọt nước mắt đều khiến người tỉnh ngộ, mối lần nếm trải đau thương đều đang giúp người trở thành trụ cột. Mưa gió trên đường đời không phải để khiến bản thân lùi bước mà để giúp chúng ta học được cách mở dù. Lòng tin bị lừa dối không phải là để khiến chúng ta trở nên thờ ơ mà để giúp chúng ta nhìn thế giới này thông tỏ hơn.

Có một chàng trai Từ Chí Ma, một tài tử của Trung Hoa Dân Quốc, trong suốt cuộc đời, ông đã để lại nhiều bài thơ nổi tiếng. Trong số đó có rất nhiều bài thơ tình, có bài viết cho Lâm Huy Nhân, có bàn viết tặng Lục Tiểu Mạn, nhưng không có bài nào viết cho vợ mình là Trương Ấu Nghi.

Người đàn ông si tình và lãng mạn này lại vô cùng lạnh nhạt một cách khác thường đối với người vợ kết tóc của mình. Trương Ấu Nghi sinh ra trong nhà danh môn, gia cảnh giàu có, từ nhỏ đã được học hành ở trường lớp.

Vì chấp nhận một cuộc hôn nhân sắp đặt, cô kết hôn với Từ Chí Ma khi mới 15 tuổi. Vào thời điểm đó, cô đã bị Từ Chí Ma và những người ủng hộ tư tưởng mới coi thường.

Lần đầu tiên Từ Chí Ma nhìn thấy ảnh chụp của Trương Ấu Nghi, ông đã hét to rằng ‘cô gái nhà quê’, ông đã so sánh cuộc hôn nhân của hai người thành ‘chân bó và âu phục’.

Khi Trương Ấu Nghi đang mang thai đứa con thứ hai cũng là lúc Từ Chí Ma đang điên cuồng theo đuổi Lâm Huy Nhân.

Biết mình lại sắp làm cha, phản ứng đầu tiên của ông dĩ nhiên là muốn ‘loại bỏ thật nhanh’.

Trước sự tàn nhẫn của Từ Chí Ma, Trương Ấu Nghi vâng vâng dạ dạ nói: “Em nghe nói có người vì nạo phá thai mà chết…”

Từ Chí Ma lại cười nhạt thốt lên: “Có người vì ngồi xe lửa mà chết, chẳng lẽ như vậy thì người thế gian không đi xe lửa nữa sao?”

Sau đó, hai người ly hôn và trở thành nhân vật đầu tiên ly hôn kiểu mới ở Trung Hoa Dân Quốc.

Sau khi bị Từ Chí Ma bỏ rơi, Trương Ấu Nghi đã lặng lẽ sinh con ở nơi tha hương dị quốc. Lúc đó cô đã đi theo anh trai của mình sang Đức và học ngành giáo dục trẻ, hơn nữa còn nói được thành thạo tiếng Đức.

Vài năm sau, Trương Ấu Nghi về nước và chung vốn mở Công ty thời trang Vân Thường.

Người phụ nữ mà Từ Chí Ma từng cười nhạo là ‘đồ quê mùa’ cuối cùng đã trở thành bà chủ điều hành một công ty âu phục dẫn đầu xu hướng thời trang trên toàn Trung Quốc.

Nhờ năng lực kinh doanh xuất sắc của mình, Trương Ấu Nghi không chỉ giúp Công ty thời trang Vân Thường phát triển mạnh mẽ mà cô còn giữ chức Phó chủ tịch Ngân hàng Tiết kiệm Thương mại dành cho Phụ nữ Thượng Hải.

Từ người bị bỏ rơi trở nên thịnh vượng, chính sự ưu tú và kiên cường đã mang lại may mắn cho Trương Ấu Nghi.

Chính nhờ sức chịu đựng thương tổn lớn nhất, cuối cùng cô lại trở thành người mạnh mẽ nhất.

Nhà văn Romain Rolland từng nói: “Cuộc đời giống như dòng nước xiết, không ẩn chứa đá ngầm thì không thể làm nổi nên những gợn sóng đẹp”.

Những thứ nếu không thể quật ngã bạn thì sẽ khiến bạn trở nên lớn mạnh hơn.

Những người khiến bạn chịu đựng thương tổn chính là đang tới giúp bạn có thêm những kinh nghiệm phong phú và thành tựu cuộc đời.

Tôi rất thích một câu của Charles Byard: “Khi bầu trời đủ tối, những vì sao sẽ tỏa sáng rực rỡ”.

Người ta luôn trở nên kiên cường sau khi nếm trải đau thương, cơn đau qua rồi thì liền trưởng thành, hiểu được nên quý trọng hay buông bỏ.

Hãy cảm tạ người đã lừa dối bạn, bởi vì nhờ có họ mà bạn có thêm kinh nghiệm cùng sự hiểu biết.

Cảm ơn người đã coi khinh bạn, bởi vì nhờ có họ mà bạn mới có cảm hứng và lực lượng ý chí vươn lên.

Hãy cảm ơn người khiến bạn tổn thương, bởi vì nhờ có sự xuất hiện của họ mà nhân cách của bạn được rèn giũa.

Quá trình điêu khắc chính mình nhất định sẽ đi kèm với đau đớn và thống khổ. Nhưng nếu có thể chịu đựng được một đòn giáng xuống thì thân thể chúng ta sẽ tốt hơn và kiên cường hơn.

ST