QUA CẦU GIÓ BAY
Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.
Có
lẽ không riêng người Việt, hầu như các dân tộc khác trên thế giới xưa nay đều
thích ngửi mùi hương từ cơ thể người yêu. Hấp dẫn nhất có lẽ là mùi từ chiếc áo
tỏa ra, như đôi tình nhân trong câu ca dao trên. Nếu không thì cứ cởi cái khác
trao nhau; việc gì phải (lo) dối mẹ?
Ít
nhất có hai người… Mỹ đã nghĩ như thế khi họ thành lập công ty Smell Dating mới
đây ở New York. Đấy là cô Tega Brain và ông Sam Lavigne. Công ty của họ chuyên
cung cấp dịch vụ mai mối bằng cách cho thân chủ ngửi mùi “hương” của nhau.
Ai muốn tìm bạn, nếu hợp (mùi) sẽ tiến xa hơn nữa, được phát một cái áo về mặc
3 ngày (liên tục không tắm) rồi gửi trả lại. Nhận được áo, công ty sẽ cắt ra
thành mảnh nhỏ rồi gửi đi cho những thân chủ khác. Khi nhận được những mảnh
“tình” (được đánh số), họ sẽ ngửi từng cái rồi vào trang mạng Smell Dating điền
kết quả.
Nếu
có hai thân chủ nào hợp mùi của nhau thì sẽ được thông báo (để tiến xa hơn
nữa). Lệ phí rất rẻ, chỉ 25 Mỹ kim cho đến chừng nào… ngửi được ai “tâm đầu ý
hợp” thì thôi! Nếu lần đó ngửi không thấy ai hợp thì được phát cho cái áo khác
thử tiếp.
Chỉ chừng đó, không cần phải làm gì khác hoặc nói dài dòng thỉnh thoảng
buồn buồn thích nhạc Trịnh, lâu lâu (đói bụng?) thích nấu ăn… Cũng chẳng cần
mất công giải thích mùi cơ thể mình thơm hay không tùy người đối diện. Đơn giản
như vậy mà lâu nay, có lẽ hơn nửa thế kỷ, không ai nghĩ ra?
Một
sinh viên trường New York University, năm 25 tuổi, tên là Jesse Donaldson đang
tham gia tìm bạn ở Smell Dating. Anh bảo rằng dịch vụ này đem lại ánh sáng cuối
đường hầm sau khi thử hết các loại dịch vụ thông thường khác trên mạng.
Anh
này mặt mày cũng sáng sủa, nhất là đôi mắt. Không rõ anh có nghĩ đến tình huống
ngửi thì thơm mà trông xấu quá? Thực ra, mùi thơm cũng có mãnh lực đặc biệt của
nó trong tình ái. Ngoại trừ xấu đau xấu điếng chứ cô nào có nhan sắc trung bình
mà thơm “như múi mít” thì cũng được lắm anh theo.
Để
cơ thể có được một mùi thơm quyến rũ, phải là người khỏe mạnh tràn trề nhựa
sống. Đàn bà thuở còn… con gái (đang dậy thì) không cần bôi nước hoa cũng thơm.
Thành ra, ngửi áo có thể đoán chừng được tuổi. Càng nghe mùi thơm càng dễ phỏng
đoán hơn. Có lẽ vì thế mà trong văn học sử Việt Nam tương truyền rằng vua Tự
Đức từng làm một bài thơ khóc một cung phi rất trẻ (và đương nhiên là đẹp) mà
sớm lìa đời:
Đập
cổ kính ra, tìm lấy bóng,
Xếp
tàn y lại, để dành hơi.
Mối
tình muốn dứt càng thêm bận,
Mãi
mãi theo hoài cứ chẳng thôi.
Làm vua, như Tự Đức, có hàng trăm bà vợ, vậy mà vẫn nhớ (thương) mùi hương của
bà phi kia. Chứng tỏ, thứ nhất, bà không dùng (nhiều) dầu thơm nên vẫn giữ được
mùi đặc trưng của cơ thể. Thứ nhì, bà phải còn rất trẻ mới tự tin không dùng
nhiều dầu thơm. Chứ bà nào cũng thi nhau xức dầu thơm thì có đâu được bài thơ
với ý tứ độc đáo như thế?
Thực
ra, không phải mãi bây giờ con người mới nghĩ ra chuyện dùng áo để tìm bạn.
Ngay từ thời xưa, ở Việt Nam, đã có anh chàng giả bộ ra đầu đình tát nước để bỏ
lại chiếc áo trên cành hoa, dụ dỗ mấy cô trong làng. Có điều, không rõ anh mặc
áo đó mấy ngày… không tắm?
ST