Thứ Ba, 18 tháng 7, 2023

Sắc màu cuộc sống

SẮC MÀU CUỘC SỐNG

 

Nếu được hỏi “Cuộc sống màu gì", bạn sẽ nói sao?

Đôi khi lái xe trên đường, nghe những bài hát, những tâm sự tuổi mới lớn trong chương trình "Cửa sổ tình yêu", ta bỗng xúc động vì tìm thấy hình ảnh tuổi thơ trong đó. Những câu chuyện tình yêu, những khúc mắc tuổi mới lớn khiến chúng ta ngày một trưởng thành…

 

Thật thú vị phải không? Điểm qua bài hát “Sắc màu” của nhạc sĩ Trần Tiến, đúng là có muôn màu để chúng ta lựa chọn: "Một màu xanh xanh, chấm thêm vàng vàng; Một màu xanh chấm thêm vàng cánh đồng hoang vu; Một màu nâu nâu, một màu tím tím; Màu nâu tím mắt em tôi ôi đẹp dịu dàng; Một màu xanh lam, chấm thêm màu chàm...".

 

Sắc màu cuộc sống với cậu bé 5 tuổi là một khoảng trời xanh ngát với những đám mây bồng bềnh phiêu lãng thong dong, và trong khuôn hình có chú siêu nhân nhện siêu năng lực.

Với bé gái 5 tuổi là một bông hoa và những quả bóng xanh đỏ tím vàng sặc sỡ, có cô công chúa mặc váy hồng thật xinh đẹp, bên cạnh là bà Tiên phúc hậu mặc chiếc đầm màu tím và giỏ phép thuật màu xanh hy vọng.

 

Còn với một cô gái đang yêu, sẽ là một ngôi nhà hình trái tim hạnh phúc. Với chàng trai nọ là khuôn mặt khả ái của người mình yêu. Với bác nông dân là những cánh đồng lúa vàng trĩu nặng. Còn với một trái tim chơi vơi, hụt hẫng sẽ là khuôn hình màu xám…

 

Tới đây, ta bỗng nhớ một câu nói của đại thi hào Nguyễn Du: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ". Thật đúng vậy, màu cuộc sống tuỳ thuộc vào tâm trạng, cảm xúc của mỗi người. Bởi thế, hãy mỉm cười mỗi ngày để sắc màu thêm tươi mới. Hãy vẽ cho mình những nét vẽ sáng ngời, chứa chan hy vọng về tình yêu, cuộc sống.

 

Thiền trong đời sống ngày nay

THIỀN TRONG ĐỜI SỐNG NGÀY NAY

Ngày nay, người ta thường tập hợp kinh nghiệm sống thực của người xưa tu tập thiền pháp để viết thành sách, cho thấy vị trí rất quan trọng của thiền trong đời sống xã hội, có thể gọi đó là thiền trong sinh hoạt đời thường.

Nổi tiếng có Thiền sư Nhật Bản Kimura, Suzuki, Thiền sư người Mỹ Philip Kapleau, Thiền sư Miến Điện Sayadaw U Jotika... Các vị Thiền sư này đã ứng dụng thiền pháp vào đời sống xã hội, mở ra lối thoát cho nhiều người trước những khủng hoảng của thời đại; nhất là đối với xã hội Tây phương, làm nhẹ bớt “stress” hay sự ô nhiễm tinh thần do con người gây ra càng lúc càng trầm trọng.

Có thể nói xã hội thiền hay thiền trong sinh hoạt đời thường tuy không phải là thiền pháp của Đức Phật hay của các vị Tổ sư chứng đắc, nhưng cũng đã giúp được cho con người ở thời đại ngày nay đạt được ba tiêu chí vừa nêu: cơ thể khỏe mạnh, tinh thần bình ổn và trí tuệ sáng suốt.

Riêng tôi, tu tập theo kinh Pháp hoa, tôi tâm đắc khẩu hiệu: “Liễu ngộ Pháp hoa chứng đạo Thiền”.

Đối với người tu Pháp hoa, họ thiền trong mọi sinh hoạt, từ tụng niệm, lễ bái, nghe pháp, thuyết giảng, thậm chí trong mọi việc làm bình thường hàng ngày đều không rời thiền.

Ngài Thiên Thai dạy rằng đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, thuyết pháp, đều là thiền. Thiền của Pháp hoa cũng vậy, ăn trong thiền, nói trong thiền, làm việc trong thiền, ngủ nghỉ trong thiền..., không phải chỉ ngồi yên mới thiền.

Tất cả sinh hoạt đời thường của chúng ta trong từng phút giây đều diễn ra ở trạng thái tập trung, gọi là thiền. Tâm chúng ta luôn gắn liền với pháp Phật, tạo cho chúng ta tinh thần bình ổn và luôn suy nghĩ lời Phật nên trí sanh trong các pháp.

Kinh Pháp hoa diễn tả ý này là “Tùng Phật khẩu sanh, tùng pháp hóa sanh, đắc Phật pháp phần”.

Vì vậy, khi gặp việc bức bách làm rối loạn tâm hồn, chúng ta ngồi yên, hoặc đọc kinh Phật hay đi bách bộ để suy tư lời Phật dạy, đều giải tỏa được những vướng mắc.

Nhờ bám trụ vào pháp Phật, tạo thành lực tập trung trong mọi tình huống, chúng ta được bình ổn và có tầm nhìn chính xác. Thiền Pháp hoa hay thiền trong sinh hoạt đời thường là vậy.

Tuy nhiên, trước mắt, thiền pháp đang hiện hữu như người bạn thân quen ở khắp mọi nơi, dưới mọi hình thức của sinh hoạt đời thường. Không ai có thể phủ nhận vai trò của thiền pháp rất quan trọng, nó đang mang lại lợi ích lớn lao cho đời sống tâm sinh lý của mọi người trên trái đất này.

HT Thích Trí Quảng

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2023

Lợi ích của sự tử tế.

 

LỢI ÍCH CỦA SỰ TỬ TẾ.

 

Hành vi thuận xã hội là một thuật ngữ mà các nhà tâm lý học sử dụng để chỉ những hành động liên quan mang đến sức khỏe, sự an toàn và cảm xúc dành cho người khác. Nói cách khác, nhiều hành vi “tốt” như chia sẻ, hợp tác, và an ủi đều là những hành vi thuận xã hội vì lợi ích của những người khác.

Những hành vi như vậy rõ ràng mang đến lợi ích cho những người ta giúp và vun đắp một xã hội kết nối rộng mở hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho rằng đối xử tử tế với người khác có thể mang đến lợi ích cho chính bản thân bạn.

 

Gia tăng thu hút với nửa kia.

Là một người tử tế có thể giúp bạn trở nên thu hút hơn với nửa kia. Trong một nghiên cứu xuất bản năm 2019 trên Tập san Nhân cách, tham dự viên đã xếp hạng tử tế là đặc điểm đơn lẻ quan trọng nhất ở một người bạn đời. Điều này có nghĩa là người ta cảm thấy nó quan trọng hơn tình hình tài chính, thu hút ngoại hình và óc hài hước.

 

Bạn cảm thấy tốt khi là người tử tế. Nghiên cứu cho rằng việc gắn kết vào những hành động tử tế và giúp đỡ người khác giúp bạn cải thiện tâm trạng. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc thực hiện những hoạt động tử tế mỗi ngày làm gia tăng cảm giác hạnh phúc và cải thiện sức khỏe.

 

Nghiên cứu cũng nhận thấy rằng chúng ta càng làm nhiều hành động tốt đẹp, thì chúng ta sẽ càng cảm thấy hạnh phúc. Dù cho hành vi này hướng trực tiếp đến ai, dù là bạn bè, người lạ hay thậm chí chính bản thân mình – tất thảy đều mang đến hiệu ứng tích cực như nhau.

 

Nghiên cứu cho thấy hành xử tử tế có thể cũng giúp con người ta ứng phó hiệu quả hơn với tác động của căng thẳng. Ví dụ trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người nào thường xuyên hành xử tử tế ghi nhận ít căng thẳng và cảm giác tiêu cực hơn.

 

Lòng tử tế được bồi đắp.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tử tế có thể “lây lan”. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng những hành vi giúp đỡ nhau sẽ tạo ra hiệu ứng hình tháp, lan truyền ba cấp độ từ khởi nguồn ban đầu.

Điều này có nghĩa là đối xử tử tế với người khác có thể khiến họ đối xử tốt với những người tiếp theo, châm ngòi một làn sóng hành vi tử tế và hỗ trợ lẫn nhau trong các mạng lưới xã hội.

 

Những điều cần cân nhắc.

Mặc dù rõ ràng tử tế mang lại nhiều lợi ích quan trọng, nhưng nó cũng đưa đến một số điểm tiêu cực. Điều này đặc biệt đúng khi nhu cầu hành xử tử tế gây cản trở quá trình trao đổi thành thật và tính xác thực.

 

Nếu bạn không nói ra những điều mình thực sự muốn trong một mối quan hệ vì để tránh xung đột và để thể hiện mình tử tế thì điều đó có nghĩa là bạn không cho mọi người thấy con người thật của bạn.

Điều này sẽ khiến các mối quan hệ trở nên thiếu đi chiều sâu và thân mật cảm xúc. Cãi vã và xung đột có thể xuất hiện, nhưng sự thiếu kết nối và tình trạng dần bớt thân thiết cũng có thể tồn tại.

 

Mặc dù tử tế hời hợt có thể cũng có điểm tiêu cực, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không nên cố gắng để trở thành người tử tế. Chìa khóa nằm ở sự tập trung vào thái độ tử tế được vun đắp bởi sự tận tâm và chu đáo, không phải bởi vẻ lịch sự giả tạo nhằm che giấu cảm xúc thật của bạn.

 

Kết luận.

Có rất nhiều cách bạn có thể thực hành sự tử tế trong đời sống thường nhật. Bạn cũng có thể bắt đầu bằng cách thể hiện sự biết ơn với một ai đó trong cuộc sống hoặc tình nguyện làm việc gì đó mà bạn quan tâm.

Tử tế khiến bạn cảm thấy vui – biến tử tế thành một thói quen cũng tự khiến nó trở thành một phần thưởng.

 

Gặp khó khăn khi cố gắng trở thành một người tử tế là chuyện bình thường. Cũng giống như bất kỳ kỹ năng nào khác, trở thành một người tử tế hơn có thể cần nhiều thời gian và công sức.