Thứ Hai, 10 tháng 7, 2023

Cuộc đối đầu giữa não trái và não phải

CUỘC ĐỐI ĐẦU GIỮA NÃO TRÁI VÀ NÃO PHẢI

Bạn có bao giờ nghe mọi người nói họ có khuynh hướng tư duy bằng não trái hơn hoặc não phải hơn chưa?

Theo mô tả, người tư duy bằng não trái có kỹ năng logic và toán học tốt. Những người được cho là tư duy bằng não phải lại có tài năng thiên vào những thứ mang tính sáng tạo. Khi tìm hiểu kỹ hơn quan niệm phổ biến về người thuận “não trái” và “não phải”, bạn có thể sẽ ngạc nhiên khi biết rằng ý tưởng này vốn chỉ là một trong rất nhiều những lời đồn đoán thiếu chính xác về não bộ.

Thuyết não trái – não phải là gì?

Theo học thuyết về sự thống trị của não trái – não phải thì mỗi bán cầu não sẽ kiểm soát những dạng tư duy khác nhau. Ngoài ra, người ta cũng quan niệm rằng mỗi người trong chúng ta đều sẽ thích tư duy bằng một bên nào đó hơn bên còn lại.

Ví dụ, một người thiên về “não trái” thường được mọi người nhận xét là logic hơn, phân tích tốt hơn và khách quan hơn. Một người “não phải” thường được công nhận là có trực giác tốt hơn, sâu sắc và chủ quan hơn.

Trong tâm lý học, học thuyết này dựa trên hoạt động lệch bên trong chức năng của não bộ. Não bộ bao gồm hai bán cầu, mỗi bên giữ nhiều vai trò. Hai bên não giao tiếp với nhau qua thể chai. (Thể chai là bó sợi chính nối hai bán cầu não cho phép truyền thông tin vận động, cảm giác, và nhận thức giữa 2 bán cầu)

Bán cầu não trái kiểm soát cơ bên phải của cơ thể trong khi bãn cầu não phải kiểm soát phần cơ thể bên trái. Đây là lý do tại sao tổn thương não trái sẽ ảnh hưởng lên các bộ phận cơ thể bên phải.

Những nghiên mới sau này đã chỉ ra rằng não bộ không hoạt động hoàn toàn lưỡng phân như quan niệm trước đây.

Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những năng lực trong những môn như toán sẽ là mạnh mẽ nhất khi cả hai bán cầu làm việc cùng nhau.

Ngày nay, các nhà thần kinh học biết được rằng hai bán cầu não phối hợp với nhau để thực hiện hàng loạt các công việc và rằng hai bán cầu giao tiếp với nhau qua thể chai.

Carl Zimmer giải thích trong một bài báo trên tạp chí Discover rằng, “Dù não bộ có thiên lệch một bên đến thế nào đi nữa thì hai bán cầu vẫn phải phối hợp cùng với nhau.”

 “Quan niệm trong tâm lý học phổ thông (quan niệm phổ biến) về não trái – não phải không thể hiện được mối quan hệ gần gũi, phối hợp cặn kẽ của hai bên não. Chẳng hạn bán cầu não trái chuyên biệt vào các âm giúp hình thành từ ngữ và xử lý ngôn ngữ. Bán cầu não phải nhạy cảm hơn với các đặc trưng cảm xúc của ngôn ngữ, điều chỉnh giọng điệu chậm rãi rõ ràng từ đó truyền tải được ngữ điệu và trọng âm.”

Trong một nghiên cứu thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Đại học bang Utah, tiết lộ rằng mặc dù các hoạt động có cường độ cao hơn trong một số khu vực quan trọng nhưng cả hai bán cầu đều, về cơ bản là, trung bình tương đương nhau trong các hoạt động.

TS. Jeff Anderson giải thích, “việc một số chức năng não xuất hiện ở một bên bán cầu hay bên còn lại là hoàn toàn chính xác. Ngôn ngữ có xu hướng mạnh hơn ở não trái và sự tập trung có nhiều hơn ở não phải. Nhưng con người ta thường không có mạng lưới não “thuận” trái hay “thuận” phải.

Mặc dù ý tưởng về người thuận não trái/não phải đã được giải đáp, nhưng đây vẫn là quan niệm phổ biến. Vậy chính xác thì học thuyết này nói gì?

Theo học thuyết sự thống trị của não phải – não trái, bán cầu não phải giỏi nhất trong biểu cảm và sáng tạo. Bán cầu não trái sẽ “tinh tường” các công việc thiên về logic, ngôn ngữ và tư duy phân tích.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra thuyết não trái/não phải chỉ là một lời đồn đoán thiếu căn cứ, tuy nhiên đây vẫn là quan niệm hết sức phổ biến. Tại sao? Không may thay là nhiều người không biết rằng học thuyết này đã lỗi thời. Và cũng không may thay là ý tưởng này dường như đã ăn sâu vào nền văn hóa đại chúng.

Các tài liệu đã khái quát hóa quá đà và cường điệu hóa quá mức việc hiểu được những thế mạnh và điểm hạn chế của bản thân trong một số lĩnh vực nhất định có thể giúp bạn xây dựng những cách thức học tập và nghiên cứu tốt hơn.

Ví dụ, học sinh nào gặp khó khăn trong việc làm theo hướng dẫn bằng lời (thường được coi là một đặc tính của người thuận não phải) sẽ cảm thấy tốt hơn hơn khi viết xuống những hưỡng dẫn, từ đây giúp hình thành khả năng tổ chức tốt hơn.

Điều quan trọng cần nhớ nếu bạn tham gia một trong rất nhiều các bài kiểm tra não phải/trái thường thấy trên mạng là những bài này làm cho vui thôi chứ ta không nên đặt quá nhiều trọng tâm vào kết quả.

Nguồn: https://www.verywellmind.com/left-brain-vs-right-brain-279505

Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2023

7 ân tình ở đời nhất định phải khắc cốt ghi tâm

7 ÂN TÌNH Ở ĐỜI NHẤT ĐỊNH PHẢI KHẮC CỐT GHI TÂM

 

Không phải tất cả mọi thứ đều được coi là điều hiển nhiên, cuộc đời của mỗi người đều chịu ơn dưỡng dục của tạo hóa, cha mẹ và những người xung quanh.

 

Ơn sinh dưỡng của tạo hóa

Chúng ta sinh ra đã thấy mọi thứ đều được an bài nên đôi khi coi đó là điều hiển nhiên. Cứ mặc sức hưởng thụ đến khi gặp khó khăn, sóng gió, bất công lại trách ông trời không có mắt.

Chúng ta sống giữa trời đấy, sinh trưởng, hưởng linh khí của thiên nhiên, chúng ta nên an phận, biết ân trời đất. Những phong tục tế tự thần linh, Trời Đất xưa nay đều đang nhắc nhở con người nhớ tới ơn dày của tạo hóa.

Nếu luôn biết nhớ ơn cuộc sống, nhớ ơn Thần linh luôn che chở, nâng đỡ mình trước những nguy nan, kiếp nạn, người ta sẽ cảm nhận được sự tĩnh tại, bình yên và hạnh phúc sâu thẳm trong lòng mình.

 

Ơn dưỡng dục của cha mẹ

Cha mẹ cố gắng sử dụng hết khả năng tài chính và sức lực của mình để mong con cái được hạnh phúc và khỏe mạnh. Đại ơn của cha mẹ cả đời báo đáp không hết. Cha mẹ không cần chúng ta phải cung phụng vật chất đủ đầy, chỉ mong chúng ta luôn hạnh phúc, bình yên.

 

Ơn thầy cô

Vai trò giáo dục của một người là rất lớn, và đôi khi còn mang tính quyết định. Dù học văn hay võ, học giả, công nhân, nông nghiệp, kinh doanh, nghiên cứu khoa học hay sân khấu điện ảnh, nếu được thầy cô hướng dẫn, bạn sẽ có lợi cả đời.

“Không thầy đố mày làm nên“, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy“, công ơn của thầy cô phải ghi lòng tạc dạ.

 

Ơn dẫn đường chỉ lối

Nếu có người có thể chỉ ra phương hướng cho bạn, thổi bùng lên ngọn lửa tư tưởng của bạn, tháo gỡ những nút thắt trong tâm bạn giúp con đường phía trước của bạn đột nhiên trở nên sáng rõ, đoan chính, thậm chí mở ra một tương lai rạng ngời cho bạn thì ơn này cả đời bạn cũng không thể quên được. Ơn chỉ đường mở lối này càng cần đền đáp muôn phần.

Ơn cứu trợ lúc cấp bách

Có những lúc bản thân rơi vào bế tắc hay bước đường cùng, không phải ai cũng có thể mạnh mẽ và bản lĩnh để vượt qua,

Cho nên, nếu gặp được quý nhân tương trợ những lúc này thì càng phải biết quý trọng và mang ơn suốt đời. Đừng bao giờ cho phép bản thân được quên người đã cùng mình vượt qua giông bão.

 

Ơn nghĩa vợ chồng

Vợ chồng là loài chim cùng chung số phận, cùng hỗ trợ nhau khi tai họa ập đến. Mỗi người thành công đều không thể tách rời sự ủng hộ và cống hiến thầm lặng của nửa kia. Vợ chồng cùng nhau điều hành gia đình, sinh con đẻ cái, đỡ đần về già, cùng nhau chia sẻ hạnh phúc.

 

Ơn huynh đệ

Huynh đệ tình thâm, ơn như thủ túc. Anh chị em đều là huyết thống của cha mẹ, lớn lên trong cùng một gia đình, đều là niềm hy vọng của cha mẹ. Khó tránh khỏi những khi cơm không lành, canh chẳng ngọt, những khi bất đồng quan điểm nhưng dù đi đâu, về đâu, dù cuộc sống bộn bề trôi đi từng ngày, tình anh em vẫn như mạch nước ngầm mát trong chảy mãi.

 

Thùy Linh

Hiệu Ứng Hào Quang (Halo Effect) Trong Tâm Lý Học

HIỆU ỨNG HÀO QUANG (HALO EFFECT) TRONG TÂM LÝ HỌC

Nhà tâm lý học Edward Thorndike là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ này trong một bài báo năm 1920 có tiêu đề "The Constant Error in Psychological Ratings."

Hiệu ứng hào quang đôi khi còn được gọi là "khuôn mẫu về sức hấp dẫn hình thể" và nguyên tắc "cái gì đẹp cũng tốt cả”.

 

Ngoại hình thường là một phần chính của hiệu ứng hào quang. Những người được coi là hấp dẫn cũng có xu hướng được đánh giá cao hơn về những đặc điểm tích cực khác.

Tuy nhiên, hiệu ứng này không chỉ ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta về mọi người dựa trên sự hấp dẫn của họ.

Nó cũng có thể bao gồm các đặc điểm khác. Ví dụ, những người hòa đồng hoặc tốt bụng cũng có thể được coi là dễ mến và thông minh hơn. Hiệu ứng hào quang khiến cho nhận thức về một phẩm chất dẫn đến những đánh giá thiên lệch về các phẩm chất khác.

 

Tuy nhiên, định kiến ​​về sức hấp dẫn này cũng có thể là con dao hai lưỡi. Các nghiên cứu khác đã phát hiện rằng mặc dù mọi người có nhiều khả năng gán một loạt các phẩm chất tích cực cho những người hấp dẫn, họ cũng có nhiều khả năng tin rằng những người đẹp trai là viển vông, không trung thực và có khả năng sử dụng sức hấp dẫn của họ để thao túng người khác.

Hiệu ứng hào quang có thể ảnh hưởng đến một số bối cảnh trong thế giới thực.

 

Trong Giáo Dục

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng hiệu ứng hào quang có thể đóng một vai trò nào đó trong môi trường giáo dục. Giáo viên có thể tương tác với mỗi học sinh mỗi khác nhau dựa trên nhận thức về sự hấp dẫn. Ví dụ, nghiên cứu trước đó đã cho thấy rằng giáo viên có kỳ vọng tốt hơn về những đứa trẻ mà họ đánh giá là hấp dẫn hơn.

Hiệu ứng hào quang có thể ảnh hưởng đến cách giáo viên đối xử với học sinh, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến cách học sinh nhận thức về giáo viên.

Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi một giáo viên được coi là niềm nở và thân thiện, sinh viên cũng đánh giá họ là người hấp dẫn, lôi cuốn và dễ mến hơn.

 

Tại Nơi Làm Việc

Có một số cách mà hiệu ứng hào quang có thể ảnh hưởng đến nhận thức của mọi người trong môi trường làm việc. Ví dụ, các chuyên gia cho rằng hiệu ứng hào quang là một trong những thành kiến ​​phổ biến nhất ảnh hưởng đến việc đánh giá chất lượng công việc và đánh giá hiệu suất.

Người giám sát có thể đánh giá cấp dưới dựa trên nhận thức về một đặc điểm riêng lẻ hơn là nhìn vào toàn bộ kết quả hoạt động và đóng góp của họ. Ví dụ, sự nhiệt tình hoặc thái độ tích cực của người lao động có thể làm lu mờ sự thiếu kiến ​​thức hoặc kỹ năng của họ, khiến những người khác đánh giá họ cao hơn so với hiệu suất thực tế của họ.

 

Hiệu ứng hào quang cũng có thể có tác động đến thu nhập. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tâm lý học Kinh tế cho thấy, trung bình, những người bồi bàn có sức hút kiếm được tiền boa nhiều hơn khoảng 1.200 đô la mỗi năm so với những người bồi bàn kém hấp dẫn.

Một nghiên cứu khác cho thấy sức hấp dẫn về thể chất có tác động tích cực không chỉ đến sự tự tin của một người mà còn đối với thu nhập tổng thể và tình trạng tài chính của họ.

 

Những người xin việc cũng có thể nhận thấy tác động của hiệu ứng hào quang. Nếu một nhà tuyển dụng tiềm năng coi ứng viên là người hấp dẫn, họ cũng có nhiều khả năng đánh giá người đó là thông minh, có năng lực và đủ tiêu chuẩn.

 

Trong Tiếp Thị

Các nhà tiếp thị tận dụng hiệu ứng hào quang để bán sản phẩm và dịch vụ. Khi người nổi tiếng tán thành một mặt hàng cụ thể, “vầng hào quang” mà chúng ta nhìn thấy ở người nổi tiếng đó có thể lan truyền và khiến chúng ta nhìn thấy sản phẩm đó với một vầng hào quang.

 

Như tên của nó, hiệu ứng vầng hào quang ngược xảy ra khi một người đưa ra đánh giá tiêu cực về một người khác chỉ dựa trên một đặc điểm đã biết. Đặc điểm duy nhất đó tô màu cho tất cả các đặc điểm khác. Ví dụ, nếu bạn thấy một người ăn mặc lôi thôi, bạn có thể cho rằng đó là người xấu. 

 

Kết Lại

“Đừng trông mặt mà bắt hình dong.” Các cụ nói không sai. Lần tới khi bạn cố gắng đánh giá một người khác, hãy thử nhìn lại xem ấn tượng chung của bạn về họ đã ảnh hưởng như thế nào đến đánh giá của bạn về các đặc điểm khác.

Tất nhiên, nhận thức được hiệu ứng hào quang vẫn không giúp chúng ta dễ dàng tránh được ảnh hưởng của nó đối với nhận thức và quyết định của chúng ta.

Hiệu ứng hào quang chỉ là một trong nhiều thành kiến ​​cho phép mọi người đưa ra quyết định chớp nhoáng nhưng cũng gây ra sai sót trong phán đoán.

 

Nguồn Verywellmind - What is the Halo Effect?