Thứ Năm, 22 tháng 6, 2023

Đừng buồn vì một người không nhớ đến ta


ĐỪNG BUỒN VÌ MỘT NGƯỜI KHÔNG NHỚ ĐẾN TA

 

Cuộc đời là một làn gió. Tình người là một làn mây. Gió thì muốn bay khắp muôn phương, mà mây thì lúc tụ, lúc tan làm sao ta có thể nắm được. Gió và mây không thuộc riêng ai, thế thì “đừng buồn vì một người không nhớ đến ta”.

Cái kỷ niệm thường làm nên những hồi ức. Hồi ức tạo nên những nỗi nhớ, và chúng ta khổ đau là do cất giữ quá nhiều kỷ niệm.

Cuộc sống thảnh thơi là vì biết buông những kỷ niệm không đáng nhớ. Sóng biển sẽ dạt vào bờ những gì không thuộc về nó.

 

Chúng ta cũng tập buông đi những gì không thuộc về mình. Cho dù lòng còn tiếc nuối, vương vấn cũng phải đủ mạnh để vượt qua. Qua đến bờ bên kia nhìn lại, những gì mình quý hôm trước, hôm sau đã trở thành quá khứ. Mà quá khứ cũng chỉ là duyên đến duyên đi.

Duyên đến thì sống chân tình, duyên đi thì buông nhẹ. Còn lại cứ thuận theo tự nhiên. Cuộc đời cái gì cũng chỉ là đến và đi, không có gì là mãi mãi.

 

Có những chuyện vốn dĩ mình không nên biết, khi biết rồi lại càng thêm đau. Sự thật luôn đi đôi với hận thù. Ở góc độ nào đó của cuộc đời, mong chúng ta đến với nhau bằng sự chân thành và ra đi cũng trong chân thành.

Bởi vì những người chúng ta gặp giữa cuộc đời không phải là tình cờ thoáng qua. mỗi người đi qua cuộc đời đều có một lý do nhất định.

 

Cuộc sống, mình đã không trao người khác niềm vui thì thôi, vẫn không muốn một ai đó vì mình mà buồn.

Thứ Tư, 21 tháng 6, 2023

Thế nào là người quân tử


THẾ NÀO LÀ NGƯỜI QUÂN TỬ

 

Người quân tử luôn có quy tắc làm người bất di bất dịch, đây là một nét đặc trưng nổi bật của họ.

 

Câu chuyện của Winston Churchill

Thời trẻ, Winston Churchill có một thời gian dài làm nghị viên tại hạ nghị viện Anh. Ông có một nữ đồng nghiệp dung mạo có thể nói là xấu xí tên là Margarita, hai người có quan điểm, chủ trương chính trị rất khác nhau.

 

Việc Winston Churchill đồng ý, Margarita thường sẽ phản đối, tương tự, chủ trương của Margarita, Winston Churchill sẽ bỏ phiếu không tán thành. Hai người cứ động một tí là cãi nhau ầm ĩ trong nghị viện, đôi bên mắng nhiếc chỉ trích nhau, đến cuối cùng ai nấy đều khó chịu rồi giải tán.

 

Có một hôm, Winston Churchill uống khá nhiều rượu trong giờ cơm trưa khiến ông sau đó say mèm, ợ hơi liên tục, người liêu xiêu tiến về nghị viện tham dự một cuộc họp.

Đúng lúc đó, ông gặp Margarita. Người phụ nữ này rất tức giận, xông lên phía trước mặt Churchill hét lên: Winston, anh lại say rồi! Anh nhìn bộ dạng của anh xem, thật khiến người ta ghê tởm!

Churchill phản bác một cách cay nghiệt: Đúng! Cô nói không sai, tôi uống rượu quả đúng là việc rất ghê tởm. Ngày mai tôi tỉnh rượu rồi sẽ không còn ghê tởm nữa. Nhưng còn cô thì sao? Hôm nay cô xấu, hôm qua cô xấu và ngày mai cô vẫn xấu như thế!

 

Điều này thực sự rất quá đáng. Margarita không thể ngờ được rằng Winston Churchill lại có thể nói ra những lời độc địa như thế. Bà ta tức đến mức phát khóc ngay tại đó.

Thẳng thắn mà nói, cách làm của Churchill khi đó quả thực vô cùng bất nhã, có lẽ do ông uống quá nhiều rượu nên không còn làm chủ được mình.

Câu chuyện không lấy gì làm vui vẻ này nhanh chóng lan truyền trong hạ nghị viện. Mọi người cho rằng Margarita nhất định sẽ hận Churchill đến thấu xương.

 

Năm 1939, khi phát xít Đức xâm lược Ba Lan, khi đó, thủ tướng Anh là Neville Chamberlain, vì ông thực thi chính sách ngoại giao nhân nhượng với Hitler nên bị người dân trong nước kịch liệt phản đối, bị ép phải từ chức.

Nhà vua của nước Anh khi đó đã đề xuất Churchill thay thế cho Chamberlain nhưng bắt buộc phải nhận được sự ủng hộ của trên 2/3 số nghị viên mới hợp pháp.

 

Có người phản đối Churchil làm thủ tướng, họ liên lạc với một số nghị viên khác, thuyết phục họ sẽ bỏ phiếu phản đối. Họ tìm đến Margarita, hi vọng người phụ nữ này sẽ đứng về phía mình.

Thế nhưng, Margarita đã từ chối ngay lập tức: Tôi toàn tâm toàn lực ủng hộ Churchill, trong thời khắc nguy cấp này, tôi không nghĩ ra ai có thể đảm nhiệm vị trí này tốt hơn anh ta.

Trong số những người tôi đã từng gặp thì dũng khí, trí tuệ và lòng yêu nước của anh ta là thứ mà không ai có thể so sánh được.

 

Margarita không tán thành chủ trương chính trị của Churchill, thậm chí không chấp nhận lối sống của ông, thế nhưng trong sâu thẳm nội tâm, người phụ nữ này vẫn kính nể tài hoa và lòng yêu nước của ông. Vì thế, dù là một đối thủ chính trị, khi cơ hội phản công đến, bà vẫn chấp nhận bỏ qua.

 

Về mặt ý nghĩa, Margarita là một người quân tử thực sự.

 

Lời bình

Có thể nhận thấy, lựa chọn của Margarita xuất phát từ chính nguyên tắc làm người của một người quân tử.

Có thể, tôi không cùng quan điểm với anh, tôi không thích chủ trương của anh, tôi ghét cay ghét đắng lối sống của anh, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không tôn trọng nhân phẩm của anh, càng không có nghĩa là tôi có thể tước đoạt đi quyền lợi của anh.

 

Sự tôn trọng lẫn nhau không chỉ thể hiện ở việc đôi bên quan hệ với nhau thân thiết, gần gũi, mà quan trọng hơn là: Sự tôn trọng cho phép đối phương có thể phát ra những tiếng nói bất đồng. Chỉ có như thế, tư tưởng mới có thể tự do, xã hội cũng nhờ vậy mà ngày càng tiến bộ.

 

Nguyễn Nhung

Những con ma đói của thời đại


NHỮNG CON MA ĐÓI CỦA THỜI ĐẠI

Xã hội của chúng ta trong cuối thế kỷ thứ hai mươi và đầu thế kỷ hai mươi mốt, con người có cảm tưởng là mình mất gốc, mình cảm thấy bơ vơ, lạc loài, mình không thấy được sự liên hệ giữa mình và tổ tiên, ông bà cha mẹ mình.

Có những người trai trẻ lớn lên giận cha, giận mẹ, phủ nhận văn hóa của mình, phủ nhận dân tộc, đất nước của mình vì họ đã gánh chịu quá nhiều khổ đau.

Có những thanh niên Tây phương khi giận cha tới mức có thể tuyên bố như thế này: Ông đó hả! Tôi không có muốn có gì liên hệ tới ông đó hết! Nói như vậy không có nghĩa là những người thanh niên Việt Nam không có ý nghĩ và lời nói như vậy. Khi mình cảm thấy rằng những đau khổ của mình là do cha mẹ mình gây ra thì mình thù hận cha mẹ và không muốn có liên hệ gì tới cha mẹ nữa.

Đó là những con người phóng thể, những con người không có gốc rễ. Khi chúng ta không có gốc rễ, chúng ta không thể nào có hạnh phúc được.

Xã hội của chúng ta trong cuối thế kỷ thứ hai mươi và đầu thế kỷ hai mươi mốt, con người có cảm tưởng là mình mất gốc, mình cảm thấy bơ vơ, lạc loài, mình không thấy được sự liên hệ giữa mình và tổ tiên, ông bà cha mẹ mình.

Thời đại chúng ta đã chế tạo ra không biết bao nhiêu con ma đói. Những con ma đói bằng xương bằng thịt đàng hoàng. Nó đi trong xã hội, đi trong cuộc đời, đi kiếm một chút hiểu và một chút thương, đi kiếm một nơi nương tựa nhưng hoàn toàn bơ vơ.

Chúng ta chỉ cần bỏ một chút thì giờ nhìn quanh là nhận diện ra được những con ma đói đó. Đói ở đây không phải đói cơm hay đói áo mà là đói hiểu biết và đói tình thương. Cái hiểu đó, cái thương đó gia đình đã không cung cấp được cho họ.

Khi giữa cha mẹ không có truyền thông, giữa cha con không có truyền thông, cha không nhìn mặt con được, con không nói chuyện với cha được, làm sao có hạnh phúc? Gia đình không phải là chỗ người trẻ muốn trở về. Người trẻ đi tìm quên lãng ở những lĩnh vực khác. Người trẻ sa vào hầm hố của tội ác, tội phạm, ma túy, trác táng.

Từ khi sinh ra, họ chưa bao giờ thấy ở trong gia đình có hạnh phúc. Cha làm khổ mẹ, mẹ làm khổ cha, cha đay nghiến mẹ, mẹ đay nghiến cha. Tất cả những cái đó đã gây ra những vết thương rất sâu đậm nơi người con trai, người con gái. Khi giữa cha mẹ không có truyền thông, giữa cha con không có truyền thông, cha không nhìn mặt con được, con không nói chuyện với cha được, làm sao có hạnh phúc?

Gia đình không phải là chỗ người trẻ muốn trở về. Người trẻ đi tìm quên lãng ở những lĩnh vực khác. Người trẻ sa vào hầm hố của tội ác, tội phạm, ma túy, trác táng.

Ở Pháp, mỗi ngày có khoảng ba mươi ba thanh niên tự tử. Họ tự tử không phải là vì thiếu cơm thiếu áo mà vì họ lâm vào trạng thái tuyệt vọng. Trong cuộc đời của họ, chưa bao giờ họ tiếp nhận được hiểu và thương từ gia đình, từ xã hội. Các nước khác ở Âu châu tình trạng cũng tương tự.

Ở Hòa Lan, nghe nói rằng tỉ số những cặp vợ chồng ly dị là trên 50%. Cấu trúc gia đình ở tại xã hội Tây phương bây giờ rất lỏng lẻo và mong manh. Cấu trúc đó có thể tan rã bất cứ lúc nào.

Ngày xưa chúng ta có một gia đình vững chãi hơn nhiều. Khi có những khó khăn ở trong gia đình, mình có thể chạy sang nhà ông chú, bà thím, ông bác để tỵ nạn, sau đó chúng ta có thể trở về nhà được.

Nhưng bây giờ gia đình trở thành nhỏ xíu, mỗi gia đình sống ở một căn hộ nhỏ hẹp trong chung cư. Những gia đình đó được gọi là gia đình hạt nhân, nuclear family, rất là nhỏ, chỉ có hai vợ chồng, một đứa con hoặc hai đứa con.

Khi mình cảm thấy không nương tựa được vào gia đình, không có gốc rễ trong gia đình, không có gốc rễ trong truyền thống tâm linh, không có gốc rễ trong xã hội và văn hóa của đất nước thì mình trở thành một con ma đói.

Xã hội Tây phương hiện giờ sản xuất rất nhiều con ma đói. Trung tâm tu học của chúng tôi ở tại Pháp quốc và Mỹ quốc luôn luôn tiếp nhận những con ma đói.

Không khó khăn gì hết, mình chỉ nhìn họ một phút đồng hồ là biết rằng đó có phải đích thực là ma đói hay không. Nhìn cách họ đi, cách họ ngồi, cách họ nhìn, cách họ nói chuyện là mình có thể biết được họ có phải là ma đói hay không. Họ đói tình thương, đói hiểu biết và họ hoàn toàn bơ vơ.

Trích từ sách cho đất nước đi lên – Thầy Nhất Hạnh