KHI…. ĐÔI ĐŨA LỆCH
Khi yêu, có ai mà không mong muốn tìm được một người xứng đôi vừa lứa, để nghe người khác tấm tắc và… ganh tị “đúng là một cặp thanh mai trúc mã”, “một cặp trời sinh”.
Yếu tố xứng đôi vừa lứa có thể đươc xem xét theo nhiều khía cạnh: trình độ học vấn, địa vị xã hội, nhan sắc, hoàn cảnh gia đình, tuổi tác, hoặc chỉ đơn giản như có chung mục đích sống, giống nhau về tính cách, bản lĩnh,…
Thế nhưng, trong cuộc sống vốn dĩ nhiều màu sắc này, có những tình yêu không hoàn hảo, không xứng đôi cũng chẳng vừa lứa mà còn rất…. đũa lệch.
Không chỉ trong tình yêu mà trong tình bạn vẫn tồn tại những đôi đũa lệch như thế này.
Vậy một tình yêu như vậy có lãng mạn không? Một tình bạn như thế có lâu bền không? Tại sao người ta lại đến với nhau khi người ngoài, thậm chí bạn bè hoặc các bậc cha mẹ nhìn vào cũng cho là quá lệch đôi?
Trong trường học, bạn sẽ không hiếm thấy cảnh một cô nàng xinh xắn, hiền lành, học giỏi nhưng lại… cặp kè với một anh chàng cá tính cực mạnh, có xu hướng chống đối với những quy định chung của trường học và sức học thì rất…ẹ.
Hoặc anh chàng công tử con nhà giàu dù không đẹp trai lắm nhưng đã đem lòng cảm mến cô bạn cùng lớp, mà cô bạn này, ngoài giờ đi học còn phải phụ mẹ bán buôn vô cùng vất vả?
Ngoài trường học, bạn cũng sẽ thấy có nhiều đôi đũa lệch. Cô bạn gái xinh xắn của chúng ta mới chỉ 17 tuổi nhưng bạn trai của cô ấy chỉ hơn cô ấy có… 30 tuổi.
Dù là trong tình bạn hay tình yêu, người ta luôn tìm kiếm một sự tương đồng nhất định, có thể về tinh thần, về những hoàn cảnh bên ngoài.
Một cậu bé 15 tuổi vẫn có thể kết bạn và thân tình với một người trung niên có độ tuổi cỡ…cha mẹ mình, khi họ sinh hoạt chung trong một câu lạc bộ những người sưu tầm tem.
Đó là vì người ta có chung với nhau một sở thích, người ta bàn luận tâm đầu ý hợp với nhau nên người ta trở thành bạn. Nói chung, đó là sự đồng điệu trong tâm hồn.
Tình yêu là sự đồng điệu giữa hai tâm hồn
Còn trong tình yêu, nói đúng ra, người ta không thể lý giải chính xác vì sao mình lại yêu người đó. Càng khó lý giải với mọi người, thậm chí với chính bản thân mình hơn, tại sao mình lại yêu một người có nhiều khác biệt với mình như vậy.
Khác biệt quá lớn về tuổi tác, khác biệt quá lớn về gia cảnh, khác biệt quá lớn về trình độ,…
Thực ra, vẫn có thể lý giải rằng, đó là sự rung động của con tim, đó là “sự không lý giải” của tình yêu, hay đơn giản rằng, tình yêu thì làm gì có sự phân biệt trong đó? Điều này hoàn toàn đúng, và rất đúng với những người coi tình yêu là nghiêm túc. Nhưng ngược lại, trong rất nhiều trường hợp, những cặp “đũa lệch” đến với nhau chỉ vì những lý do mà họ… hiểu rất rõ nhưng không muốn nói ra, hoặc không cần nói ra vì ai cũng biết.
Chẳng ai chê trách một người quá trẻ yêu một người quá… không trẻ nếu đó là tình yêu thực sự, không có sự chi phối quá nhiều của yếu tố vật chất và yếu tố tình dục. Cũng chẳng ai chê trách một người có trình độ cao sánh đôi cùng một người không có trình độ cao nếu cả hai đều có ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, với lòng tự trọng và bản lĩnh của mình.
Chẳng ai trách móc cô bé nghèo khi được cậu bạn giàu có để ý nếu cô vẫn là cô, không ỷ lại vào bạn trai, vẫn chăm ngoan học hành, vẫn giúp đỡ cha mẹ,….
Sự tương đồng trong quan hệ yêu đương không phải là sự “cào bằng” tất cả trên moị phương diện giữa hai người mà phải là sự tương đồng tương đối. Ở đây đó chính là sự đồng cảm và sự thông hiểu để làm cơ sở chấp nhận nhau.
Vấn đề căn bản nhất để hướng đến sự tương đồng vẫn là sự đồng điệu về tâm hồn, suy nghĩ. Ngay cả những yếu tố có thể là “điểm lệch” nhưng nếu mỗi phía biết “nghiêng” mình xuống, biết hướng đến sự cân đối và hòa hợp thì vấn đề vẫn có thể điều chỉnh…
Nói chung, sự lệch đôi này không phải là điều quan trọng trong tình yêu, nó cũng không phải là một vật cản trong tình yêu. Hoàn toàn có thể khắc phục những sự lệch nhau đó bằng nhiều cách, nhưng chắc chắn phải dựa trên một tình cảm thực sự và lồng ghép trong đó là bản lĩnh dám đối mặt với dư luận.
Quan trọng nhất mình vẫn là mình, không vì những điều hơn, điều kém mà bị lệ thuộc vào người khác. Làm được điều naỳ thì dù đôi đũa lệch cách mấy thì vẫn có thể so cho vừa.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn