Thứ Hai, 5 tháng 6, 2023

Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức con người

THAM VỌNG LÀ CÁI HỐ KHÔNG ĐÁY LÀM KIỆT SỨC CON NGƯỜI

Có thể nói rằng lòng ham muốn là một trong những bản năng của con người. Ham muốn có thể hiểu theo nghĩa: thèm, muốn, ham… Cũng có thể hiểu rộng ra là tham lam và tham vọng. Tham lam có tính chiếm hữu, là vơ vét về cho mình, còn tham vọng là lòng ham muốn quá lớn, nhiều lúc vượt quá khả năng, khó có thể thực hiện được.

Không ai có thể vỗ ngực tự hào “tôi không có chút ham muốn, tham lam nào”. Trong ba điều huý kỵ “tham – sân – si”, chữ “tham” được đặt ở vị trí đầu tiên.

1. Nguyên nhân của ham muốn

Ham muốn có nhiều mức độ khác nhau, từ một mơ ước tầm thường, một khao khát nồng nàn cho đến sự đam mê nghiện ngập, tất cả đều là những biểu hiện của lòng ham muốn.

Ai trong chúng ta cũng có những ham muốn và khát khao cho riêng mình. Khát khao nếu quá mạnh, quá cao, quá khó so với thực chất của mình, chúng ta gọi là tham vọng. Vấn đề là tham vọng đó tích cực hay tiêu cực mà thôi. Có người muốn kiếm thật nhiều tiền, có người khát khao thành công, có người đam mê quyền lực, có người muốn có vốn tri thức hơn người…

Lòng ham muốn sẽ đưa đến hành động để đạt được cái mà mình muốn sở hữu. Bản chất của ham muốn không mang tính tốt hay xấu mà chính cái đối tượng mà nó ham muốn, cái hành động để thỏa lòng ham có chính đáng hay không mới định tốt hay xấu.

Trong hành trình cuộc sống, nhiều lúc chúng ta cũng nên dừng lại, quay về với bản thân và tự hỏi điều đáng sợ nhất trong đời là gì, là ma quỷ, chiến tranh hay là ốm đau bệnh tật? là mất người yêu, là nghèo đói…?

Không hẳn là những thứ đó đâu. Điều đáng sợ nhất đối với con người chính là lòng tham, là tham vọng. 

Tham vọng rất nhẫn tâm, nó có thể đưa con người đến những hành vi mất nhân tính. Nó biến một người bình thường thành một kẻ đầy thủ đoạn và âm mưu. Nó khiến cho cuộc sống yên ấm của một gia đình tan vỡ.

Có những người, không kiềm chế được tham vọng của bản thân, để lòng tham chế ngự và điều khiển bản thân, bị người đời lên án, phỉ báng. Hàng ngày chúng ta đều thấy nhan nhản những hành vi vô nhân, biến chất như thế.

Nếu như tham vọng không có điểm dừng, chúng ta sẽ như những con thiêu thân sẵn sàng lao vào ánh sáng dù bỏ mạng cũng không hối tiếc. Hãy nhớ rằng, dù chúng ta có làm gì, bí mật đến đâu rồi cũng có lúc sẽ được phơi bày ra ánh sáng.

Hậu quả không chỉ mình gánh chịu mà còn cả cha mẹ, vợ/chồng cùng những đứa con thơ vô tội, những người mà chúng ta yêu thương bị vạ lây.

“Tham lam” là tâm lý chung của phận người. Số người kiềm chế được lòng tham trong cuộc sống rất hiếm. Hệ quả của lòng tham chính là sự bất an, lo sợ. Dù là quan hay dân, tham thì lúc nào cũng lo sợ bị tố cáo, bị trị tội vì vậy phải che đậy bằng mọi cách như chối quanh, đổ thừa… rồi đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, từ cái họa nhỏ đến cái họa lớn hơn.

2. Khắc phục lòng tham lam, ham muốn

Chế ngự lòng ham muốn đồng nghĩa với việc thắng được chính mình! Nếu như có những ham muốn có thể thúc đẩy chúng ta sống vươn lên thì cũng có những ham muốn lệch lạc, vô bổ là nguyên nhân của hầu hết những tai ương, khổ đau, mất mát trong cuộc đời.

Đời nào thì cũng bấy nhiêu cám dỗ: tình, tiền, quyền… Tự thắng được những ham muốn của chính mình thật không đơn giản. Tuy nhiên, không gì là không thể làm được nếu có quyết tâm cao, nghị lực và ý chí lớn, bền bỉ… Khó nhưng mọi sự đều có thể nếu chúng ta có đủ quyết tâm và kiên trì.

Platon đã từng nói rằng “nhu cầu của con người ngày càng nhỏ thì càng dễ được thỏa mãn.

Vì vậy mà chúng ta phải biết tạo cho mình một nếp sống lành mạnh. Thích nghi với mọi hoàn cảnh. Bằng lòng với những gì mình đang có, dù bất kỳ trong hoàn cảnh nào ta cũng luôn làm chủ mình để không bị nô lệ dục vọng.

Sống thiểu dục tri túc mới mang lại cho chúng ta niềm vui chân thật và đích thực.

“Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức, con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu, mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn.” (Erich fromm)

Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

Chúng ta ngày càng có ít bạn bè hơn?


CHÚNG TA NGÀY CÀNG CÓ ÍT BẠN BÈ HƠN?

Khi trưởng thành tôi nhận ra rằng tôi ngày càng có ít bạn bè hơn. Và tôi cũng hiểu rằng không chỉ mình tôi mà tất cả chúng ta đều gặp phải vấn đề tương tự.

 

Khi còn trẻ mọi người thường giản đơn trong việc kết bạn

Thử nhớ lại về những đứa bạn thân nhất của bạn hồi còn đi học. Lý do gì khiến bạn trở thành bạn bè ngay lần gặp gỡ đầu tiên? Là do các bạn ngồi cùng bàn trong buổi học đầu tiên rồi sau đó bắt đầu bằng một vài câu làm quen, rồi chuyện trò…

Rồi thời gian bên nhau nhiều hơn: ở trường học, ở nhà, những lúc rảnh rỗi….và thế là hai bạn đã trở thành một đôi bạn thân.

Hay là do hai bạn cùng ở trong một đội bóng, tình cảm phát sinh từ những ngày tháng luyện tập vất vả cùng nhau và những lúc vui buồn khi cả đội thắng hay thua trong một trận đấu đầy ý nghĩa….

 

Vậy thứ gì đã khiến tình bạn giữa hai người ngày càng trở lên khăng khít?

Câu trả lời chỉ có một –Đó là những điểm chung. Các bạn ở cùng lứa tuổi, các bạn thấu hiểu nhau. Các bạn cùng sẻ chia những khoảnh khắc vui buồn….Và chính những điều đó giúp tình bạn càng trở nên bền chặt.

Thế rồi thời gian trôi qua, bạn dần trưởng thành trong suy nghĩ và hành động. Bạn có những sở thích, thú vui mới, có ước mơ có hoài bão khác xưa.

Đương nhiên những điểm chung khi xưa giữa hai bên sẽ dần biến mất…..và sợi dây liên kết giữa các bạn dần dần bị buông lơi….

 

Có khi bạn gặp lại một người bạn cũ của mình, ban đầu hai bạn có thể rất vui vì được cùng nhau ôn lại những kỷ niệm cũ nhưng sau khi nói xong chuyện cũ bạn sẽ nói gì tiếp theo? Chắc chắn rằng dù bạn có định nói gì tiếp đi chăng nữa, cuộc trò chuyện cũng chỉ trở nên nhạt nhẽo mà thôi.

 

Những người bạn vẫn còn ở bên nhau là vì họ luôn sẻ chia với nhau những điều thật sâu sắc, thật ý nghĩa.

Dù rằng càng lớn ta càng mất đi nhiều bạn bè, nhưng chắc chắn sẽ có những người bạn tốt vẫn luôn ở bên ta. Những người bạn luôn san sẻ với nhau những điều sâu thẳm trong đáy lòng. Và sự chân thành đó là cơ sở của một tình bạn vĩnh cửu.

 

Có những người bạn trái ngược với bạn hoàn toàn, cả về tính cách, nghề nghiệp, sở thích nhưng lại là người có thể cho bạn cái nhìn khách quan nhất về mọi thứ xung quanh (đương nhiên là về bản thân bạn nữa). Đây mới thực sự là người bạn bạn cần.

 

Làm thế nào để xây dựng một tình bạn vững bền kể cả khi ta trưởng thành.

Không quan trọng bạn có bao nhiêu bạn, điều quan trọng là những phẩm chất người đó có. Giống như Thomas Fuller đã từng nói: “Nếu bạn có một người bạn đúng nghĩa, bạn sẽ nhận được nhiều hơn những gì bạn chia sẻ”.

 

Chìa khóa để có một tình bạn bền lâu cho những người trưởng thành đơn giản là:

 

* Lợi dụng lẫn nhau là chất xúc tác duy trì tình bạn

Việc kết bạn đối với người trưởng thành không còn đơn giản chỉ để vui chơi như thuở thơ bé nữa mà phần lớn đều xây dựng dựa trên một mối quan hệ lợi ích nào đó. Đây chính là cơ sở để xây dựng mạng lưới xã giao, là giá trị để gắn kết những mối quan hệ lâu dài nhất.

Khi cả hai bên cùng chia sẻ lợi ích tinh thần và vật chất tương đương, thì tình cảm mới có thể phát triển lâu dài.

 

* Lễ nghi - xã giao đúng phép

Vấn đề xã giao khi tương tác với nhau, đặc biệt là khi đối diện với gia đình hai bên đó là hai bên có tôn trọng gia đình của người kia hay không. Nếu không tôn trọng gia đình bạn bè của bạn thì tình bạn của bạn không còn nữa hoặc là cả hai sẽ trở mặt nhau và bạn không hề biết sự nguy hiểm của việc này lớn đến mức nào. Đây không chỉ là vấn đề về sự tôn trọng người khác, mà còn là một người tu luyện và phản ánh tính cách của bạn.

 

* Giữ chừng mực

Hãy tốt với chính mình, chỉ cần ở trong các mối quan hệ của chính mình, bạn bè là bạn bè, khoảng cách vẫn được duy trì. Việc giữ khoảng cách như vậy sẽ không phải để bạn xa lánh bạn, mà là để tình bạn của bạn được duy trì.

 

ST

Tôn giáo dưới góc nhìn tâm lý học


TÔN GIÁO DƯỚI GÓC NHÌN TÂM LÝ HỌC

 

Tôn giáo và Tâm linh.

Mặc dù tôn giáo và tâm linh có liên quan với nhau nhưng giữa hai phạm trù này vẫn có sự khác biệt. Tâm linh là một thực hành và đức tin mang tính cá nhân, trong khi tôn giáo lại tập trung vào một nhóm các thực hành có tổ chức của một nhóm tập thể lớn hơn. Người ta vẫn có thể sống đời sống có tâm linh nhưng không theo tôn giáo nào cả.

 

Tâm lý học về niềm tin tôn giáo.

Theo một ước tính từ Trung tâm Nghiên cứu Pew, có 84% dân số thế giới có liên hệ với tôn giáo, công bố gần đây của viện Gallup, có 47% người Mỹ trưởng thành là thành viên của một tôn giáo nào đó.

Về lý do tại sao con người ta lại tin vào tôn giáo, các nhà tâm lý học đã đề xuất một số thuyết lý giải.

 

Trong khi Freud tin rằng niềm tin tôn giáo là một dạng hoàn thành ước nguyện mang tính bệnh lý thì những nhà nghiên cứu khác lại cho rằng cách não bộ con người vận hành thường sẽ dẫn dắt khiến con người ta có niềm tin.

Tâm trí con người luôn tìm kiếm những dạng thức, mục đích và ý nghĩa, điều này có thể ảnh hưởng lên lý do tại sao chúng ta lại tìm đến tôn giáo để được dẫn dắt hệ thống niềm tin của mình.

 

Ảnh hưởng từ quá trình nuôi dạy và văn hóa cũng đóng một vai trò quan trọng vì con người ta thường có xu hướng thuộc về tôn giáo mà họ được nuôi dưỡng thành. Nhu cầu muốn được thuộc về của con người, kết hợp với mong muốn được kết nối với xã hội cũng góp phần hình thành mong muốn được là một phần của ai đó lớn lao hơn bản thân mình.

 

Tác động của tôn giáo.

Tôn giáo có thể là một nguồn sức mạnh an ủi và dẫn dắt. Tôn giáo có thể mang đến một nền tảng niềm tin và hành vi mang tính đạo đức. Nó cũng có thể giúp ta cảm nhận được cộng đồng và kết nối với truyền thống. Một số nghiên cứu thậm chí còn cho rằng nó có thể ảnh hưởng lên sức khỏe.

 

Tôn giáo và sức khỏe thể chất.

Một chuỗi các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những tham dự viên có tôn giáo hoặc có đời sống tâm linh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành (CHD) thấp hơn, huyết áp thấp hơn, hệ miễn dịch tốt hơn và tuổi thọ dài hơn khi so với nhóm không theo tôn giáo hoặc không có đời sống tâm linh.

 

Trong những nghiên cứu này, người có tôn giáo sẽ ít hút thuốc lá hơn, từ đó nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc cũng thấp hơn, như ung thư, các bệnh tim mạch, và bệnh phổi. Duy trì một lối sống lành mạnh có liên đới với chất lượng cuộc sống tốt hơn cũng như tuổi thọ dài hơn.

 

Tôn giáo và sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu kết luận tôn giáo có thể có lợi và có hại lên sức khỏe tinh thần. Nói về lợi, tôn giáo và tâm linh có thể giúp thúc đẩy những niềm tin tích cực, vun đắp hỗ trợ cộng đồng, và cung cấp những kỹ năng ứng phó tích cực.

Mặt khác, cách ứng phó tiêu cực bằng tôn giáo, giao tiếp sai lệch và những niềm tin tiêu cực có hại thực sự gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần.

 

Những lợi ích chính của tôn giáo lên sức khỏe tâm thần.

Một số lợi ích của tôn giáo bao gồm:

– Giúp ứng phó với các sự kiện gây căng thẳng.

– Có thể khích lệ lòng vị tha, yêu thương và biết ơn.

Con người thường tìm đến những niềm tin tôn giáo để đối phó với những triệu chứng bệnh lý tâm thần và để kiểm soát căng thẳng.

 

Tôn giáo là tốt hay xấu?

Nghiên cứu cũng phát hiện ra những người gặp khó khăn trong niềm tin tôn giáo có thể có sức khỏe kém và mức lo âu và trầm cảm cao hơn. Một số niềm tin tôn giáo có thể đóng một phần đưa đến lợi ích hoặc hạn chế tiềm ẩn.

 

Người tin vào Chúa nhân từ thường hay tha thứ cho bản thân và xử lý những lỗi lầm bằng thái độ thương yêu bản thân.

Ngược lại, những người tin vào Chúa phán xét và trừng phạt có thể trải qua những hệ lụy làm sức khỏe tệ đi.

 

Với những lợi ích tiềm ẩn liên quan đến tôn giáo, bạn không nhất thiết phải tin theo một tôn giáo để gặt hái được những lợi ích này. Việc từng bước thực hiện những hành vi lành mạnh, hình thành những kết nối xã hội với mọi người, và tăng cường kỹ năng ứng phó là những bước bạn có thể làm để đạt được, nhưng điều đó thường có được nhờ tôn giáo.

 

Đây là quan sát có thật: Những người tham gia sinh hoạt tôn giáo thường xuyên có khuynh hướng sống thọ hơn và thường ở trạng thái tinh thần tốt hơn.

việc tham gia sinh hoạt (như kết nối với mọi người, cầu nguyện, hoặc chiêm nghiệm tâm linh) có thể giúp con người ta sống lâu hơn và cảm thấy vui hơn. Cái này bạn phải là người tự quyết định.

Tham khảo. Aldwin CM, Park CL, Jeong Y-J, Nath R. Differing pathways between religiousness, spirituality, and health: A self-regulation perspective. Psychology of Religion and Spirituality. 2014;6(1):9–21. doi:10.1037/a0034416