Chủ Nhật, 4 tháng 6, 2023

Chúng ta ngày càng có ít bạn bè hơn?


CHÚNG TA NGÀY CÀNG CÓ ÍT BẠN BÈ HƠN?

Khi trưởng thành tôi nhận ra rằng tôi ngày càng có ít bạn bè hơn. Và tôi cũng hiểu rằng không chỉ mình tôi mà tất cả chúng ta đều gặp phải vấn đề tương tự.

 

Khi còn trẻ mọi người thường giản đơn trong việc kết bạn

Thử nhớ lại về những đứa bạn thân nhất của bạn hồi còn đi học. Lý do gì khiến bạn trở thành bạn bè ngay lần gặp gỡ đầu tiên? Là do các bạn ngồi cùng bàn trong buổi học đầu tiên rồi sau đó bắt đầu bằng một vài câu làm quen, rồi chuyện trò…

Rồi thời gian bên nhau nhiều hơn: ở trường học, ở nhà, những lúc rảnh rỗi….và thế là hai bạn đã trở thành một đôi bạn thân.

Hay là do hai bạn cùng ở trong một đội bóng, tình cảm phát sinh từ những ngày tháng luyện tập vất vả cùng nhau và những lúc vui buồn khi cả đội thắng hay thua trong một trận đấu đầy ý nghĩa….

 

Vậy thứ gì đã khiến tình bạn giữa hai người ngày càng trở lên khăng khít?

Câu trả lời chỉ có một –Đó là những điểm chung. Các bạn ở cùng lứa tuổi, các bạn thấu hiểu nhau. Các bạn cùng sẻ chia những khoảnh khắc vui buồn….Và chính những điều đó giúp tình bạn càng trở nên bền chặt.

Thế rồi thời gian trôi qua, bạn dần trưởng thành trong suy nghĩ và hành động. Bạn có những sở thích, thú vui mới, có ước mơ có hoài bão khác xưa.

Đương nhiên những điểm chung khi xưa giữa hai bên sẽ dần biến mất…..và sợi dây liên kết giữa các bạn dần dần bị buông lơi….

 

Có khi bạn gặp lại một người bạn cũ của mình, ban đầu hai bạn có thể rất vui vì được cùng nhau ôn lại những kỷ niệm cũ nhưng sau khi nói xong chuyện cũ bạn sẽ nói gì tiếp theo? Chắc chắn rằng dù bạn có định nói gì tiếp đi chăng nữa, cuộc trò chuyện cũng chỉ trở nên nhạt nhẽo mà thôi.

 

Những người bạn vẫn còn ở bên nhau là vì họ luôn sẻ chia với nhau những điều thật sâu sắc, thật ý nghĩa.

Dù rằng càng lớn ta càng mất đi nhiều bạn bè, nhưng chắc chắn sẽ có những người bạn tốt vẫn luôn ở bên ta. Những người bạn luôn san sẻ với nhau những điều sâu thẳm trong đáy lòng. Và sự chân thành đó là cơ sở của một tình bạn vĩnh cửu.

 

Có những người bạn trái ngược với bạn hoàn toàn, cả về tính cách, nghề nghiệp, sở thích nhưng lại là người có thể cho bạn cái nhìn khách quan nhất về mọi thứ xung quanh (đương nhiên là về bản thân bạn nữa). Đây mới thực sự là người bạn bạn cần.

 

Làm thế nào để xây dựng một tình bạn vững bền kể cả khi ta trưởng thành.

Không quan trọng bạn có bao nhiêu bạn, điều quan trọng là những phẩm chất người đó có. Giống như Thomas Fuller đã từng nói: “Nếu bạn có một người bạn đúng nghĩa, bạn sẽ nhận được nhiều hơn những gì bạn chia sẻ”.

 

Chìa khóa để có một tình bạn bền lâu cho những người trưởng thành đơn giản là:

 

* Lợi dụng lẫn nhau là chất xúc tác duy trì tình bạn

Việc kết bạn đối với người trưởng thành không còn đơn giản chỉ để vui chơi như thuở thơ bé nữa mà phần lớn đều xây dựng dựa trên một mối quan hệ lợi ích nào đó. Đây chính là cơ sở để xây dựng mạng lưới xã giao, là giá trị để gắn kết những mối quan hệ lâu dài nhất.

Khi cả hai bên cùng chia sẻ lợi ích tinh thần và vật chất tương đương, thì tình cảm mới có thể phát triển lâu dài.

 

* Lễ nghi - xã giao đúng phép

Vấn đề xã giao khi tương tác với nhau, đặc biệt là khi đối diện với gia đình hai bên đó là hai bên có tôn trọng gia đình của người kia hay không. Nếu không tôn trọng gia đình bạn bè của bạn thì tình bạn của bạn không còn nữa hoặc là cả hai sẽ trở mặt nhau và bạn không hề biết sự nguy hiểm của việc này lớn đến mức nào. Đây không chỉ là vấn đề về sự tôn trọng người khác, mà còn là một người tu luyện và phản ánh tính cách của bạn.

 

* Giữ chừng mực

Hãy tốt với chính mình, chỉ cần ở trong các mối quan hệ của chính mình, bạn bè là bạn bè, khoảng cách vẫn được duy trì. Việc giữ khoảng cách như vậy sẽ không phải để bạn xa lánh bạn, mà là để tình bạn của bạn được duy trì.

 

ST

Tôn giáo dưới góc nhìn tâm lý học


TÔN GIÁO DƯỚI GÓC NHÌN TÂM LÝ HỌC

 

Tôn giáo và Tâm linh.

Mặc dù tôn giáo và tâm linh có liên quan với nhau nhưng giữa hai phạm trù này vẫn có sự khác biệt. Tâm linh là một thực hành và đức tin mang tính cá nhân, trong khi tôn giáo lại tập trung vào một nhóm các thực hành có tổ chức của một nhóm tập thể lớn hơn. Người ta vẫn có thể sống đời sống có tâm linh nhưng không theo tôn giáo nào cả.

 

Tâm lý học về niềm tin tôn giáo.

Theo một ước tính từ Trung tâm Nghiên cứu Pew, có 84% dân số thế giới có liên hệ với tôn giáo, công bố gần đây của viện Gallup, có 47% người Mỹ trưởng thành là thành viên của một tôn giáo nào đó.

Về lý do tại sao con người ta lại tin vào tôn giáo, các nhà tâm lý học đã đề xuất một số thuyết lý giải.

 

Trong khi Freud tin rằng niềm tin tôn giáo là một dạng hoàn thành ước nguyện mang tính bệnh lý thì những nhà nghiên cứu khác lại cho rằng cách não bộ con người vận hành thường sẽ dẫn dắt khiến con người ta có niềm tin.

Tâm trí con người luôn tìm kiếm những dạng thức, mục đích và ý nghĩa, điều này có thể ảnh hưởng lên lý do tại sao chúng ta lại tìm đến tôn giáo để được dẫn dắt hệ thống niềm tin của mình.

 

Ảnh hưởng từ quá trình nuôi dạy và văn hóa cũng đóng một vai trò quan trọng vì con người ta thường có xu hướng thuộc về tôn giáo mà họ được nuôi dưỡng thành. Nhu cầu muốn được thuộc về của con người, kết hợp với mong muốn được kết nối với xã hội cũng góp phần hình thành mong muốn được là một phần của ai đó lớn lao hơn bản thân mình.

 

Tác động của tôn giáo.

Tôn giáo có thể là một nguồn sức mạnh an ủi và dẫn dắt. Tôn giáo có thể mang đến một nền tảng niềm tin và hành vi mang tính đạo đức. Nó cũng có thể giúp ta cảm nhận được cộng đồng và kết nối với truyền thống. Một số nghiên cứu thậm chí còn cho rằng nó có thể ảnh hưởng lên sức khỏe.

 

Tôn giáo và sức khỏe thể chất.

Một chuỗi các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những tham dự viên có tôn giáo hoặc có đời sống tâm linh có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành (CHD) thấp hơn, huyết áp thấp hơn, hệ miễn dịch tốt hơn và tuổi thọ dài hơn khi so với nhóm không theo tôn giáo hoặc không có đời sống tâm linh.

 

Trong những nghiên cứu này, người có tôn giáo sẽ ít hút thuốc lá hơn, từ đó nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến hút thuốc cũng thấp hơn, như ung thư, các bệnh tim mạch, và bệnh phổi. Duy trì một lối sống lành mạnh có liên đới với chất lượng cuộc sống tốt hơn cũng như tuổi thọ dài hơn.

 

Tôn giáo và sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu kết luận tôn giáo có thể có lợi và có hại lên sức khỏe tinh thần. Nói về lợi, tôn giáo và tâm linh có thể giúp thúc đẩy những niềm tin tích cực, vun đắp hỗ trợ cộng đồng, và cung cấp những kỹ năng ứng phó tích cực.

Mặt khác, cách ứng phó tiêu cực bằng tôn giáo, giao tiếp sai lệch và những niềm tin tiêu cực có hại thực sự gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần.

 

Những lợi ích chính của tôn giáo lên sức khỏe tâm thần.

Một số lợi ích của tôn giáo bao gồm:

– Giúp ứng phó với các sự kiện gây căng thẳng.

– Có thể khích lệ lòng vị tha, yêu thương và biết ơn.

Con người thường tìm đến những niềm tin tôn giáo để đối phó với những triệu chứng bệnh lý tâm thần và để kiểm soát căng thẳng.

 

Tôn giáo là tốt hay xấu?

Nghiên cứu cũng phát hiện ra những người gặp khó khăn trong niềm tin tôn giáo có thể có sức khỏe kém và mức lo âu và trầm cảm cao hơn. Một số niềm tin tôn giáo có thể đóng một phần đưa đến lợi ích hoặc hạn chế tiềm ẩn.

 

Người tin vào Chúa nhân từ thường hay tha thứ cho bản thân và xử lý những lỗi lầm bằng thái độ thương yêu bản thân.

Ngược lại, những người tin vào Chúa phán xét và trừng phạt có thể trải qua những hệ lụy làm sức khỏe tệ đi.

 

Với những lợi ích tiềm ẩn liên quan đến tôn giáo, bạn không nhất thiết phải tin theo một tôn giáo để gặt hái được những lợi ích này. Việc từng bước thực hiện những hành vi lành mạnh, hình thành những kết nối xã hội với mọi người, và tăng cường kỹ năng ứng phó là những bước bạn có thể làm để đạt được, nhưng điều đó thường có được nhờ tôn giáo.

 

Đây là quan sát có thật: Những người tham gia sinh hoạt tôn giáo thường xuyên có khuynh hướng sống thọ hơn và thường ở trạng thái tinh thần tốt hơn.

việc tham gia sinh hoạt (như kết nối với mọi người, cầu nguyện, hoặc chiêm nghiệm tâm linh) có thể giúp con người ta sống lâu hơn và cảm thấy vui hơn. Cái này bạn phải là người tự quyết định.

Tham khảo. Aldwin CM, Park CL, Jeong Y-J, Nath R. Differing pathways between religiousness, spirituality, and health: A self-regulation perspective. Psychology of Religion and Spirituality. 2014;6(1):9–21. doi:10.1037/a0034416

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Học cách yêu bản thân để sống đẹp


HỌC CÁCH YÊU BẢN THÂN ĐỂ SỐNG ĐẸP

Vì sao chúng ta cần yêu bản thân?

Tình yêu chính là “liều thuốc” hữu hiệu nhất. Khi biết yêu bản thân, bạn chấp nhận những yếu điểm của mình và tha thứ cho quá khứ, khi đó, bạn mới bắt đầu cảm nhận tình yêu từ người khác dễ dàng hơn. Lúc bạn làm mọi thứ với tình yêu bản thân cũng là lúc bạn ngưng phán xét và trở nên đồng cảm hơn với mọi người.

 

Tình yêu là đại dương và trái tim bạn là một bình nước. Hãy làm đầy bình nước của mình trước và tình yêu sẽ lan tỏa đến tất cả mọi người. (Beau Taplin)

 

Trước khi lấp đầy trái tim bằng tình yêu, bạn cần bỏ đi những điều không mang lại cho bạn sự bình yên. Khi những góc khuất được dọn dẹp, trái tim bạn sẽ bớt đi sự nặng nề và tăm tối. Đó là lúc bạn nhìn cuộc sống với một đôi mắt khác và cũng là lúc bạn cảm nhận được tình yêu từ trong bản thân mình.

 

Thế nào là yêu bản thân?

Có thể bạn sẽ cho rằng bạn vốn đã rất thương yêu bản thân. Thực chất, yêu bản thân cần đến sự thực hành không ngừng nghỉ.

Bạn cảm nhận tình yêu bản thân chỉ khi bạn được là chính bạn, và cũng chính vì yêu bản thân mà bạn luôn phấn đấu mỗi ngày để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Dù vậy, bạn không cần phải đưa bản thân vào một khuôn khổ nhất định để ép mình thay đổi. Đôi khi, những gì bạn cần làm đơn giản chỉ là ngồi xuống, quan sát tư tưởng, cảm xúc đang dâng trào bên trong nội tâm của bạn.

 

Những điều nhỏ bé giúp bạn yêu bản thân hơn

* Hãy biết ơn

Bạn hãy xem mỗi sự kiện xảy đến trong đời bạn như một “món quà”. Đó có thể là một chỗ đậu xe lý tưởng, một khoảnh khắc khi bạn tận hưởng ánh nắng sớm, hay một chú mèo hoang dễ thương xuất hiện trước cửa nhà bạn. Hãy nói lời cảm ơn với những điều nhỏ bé nhất, biết ơn những gì bạn đang có thay vì tập trung vào những thứ bạn không có.

 

* Hãy hiện diện

Tâm trí chúng ta thường đi lang thang từ suy nghĩ này sang suy nghĩ khác. Nếu không đủ sự nhận thức, suy nghĩ sẽ khiến chúng ta quay cuồng trong ma trận của lo âu và sợ hãi.

Một trong những cách hiệu quả để giữ cho bản thân luôn hiện diện đó là hướng sự tập trung lên những bộ phận trên cơ thể. Bạn có thể tập luyện bằng cách chú tâm vào các ngón chân đang ngọ nguậy, vào lồng ngực hay vào hơi thở của mình. Bằng cách này, bạn sẽ bớt đi những suy nghĩ tiêu cực ngăn cách bạn với tình yêu bản thân.

 

* biết ĐIều gì là quan trọng nhất trong hiện tại

Khi phải vật lộn với một quyết định, não bộ của bạn sẽ bắt đầu lấy những thông tin cũ về những gì xảy ra trong quá khứ để áp dụng lên hoàn cảnh hiện tại, những dữ liệu không còn phù hợp từ quá khứ.

Bạn hãy tự hỏi bản thân: “Điều gì là tốt nhất ở thời điểm này cho tôi, cho tình huống mà tôi đang gặp phải?”, “Tôi nên làm thế nào để được sống đúng với con người thật của tôi?”.

 

Lan tỏa ánh sáng tình yêu trong bạn

Những phán xét về bản thân thực chất chỉ là những chiếc mặt nạ mà chúng ta tự đeo cho chính mình. Hãy can đảm nhìn sâu vào bên trong để hiểu được bản chất chân thật và tìm lại sự bình yên vốn có.

Bằng cách yêu thương bản thân mỗi ngày, bạn sẽ bắt đầu tái kết nối và khám phá chính mình một lần nữa. Bạn sẽ bao dung và yêu thương cả những điều khiếm khuyết, bất toàn của bản thân.

 

Mỗi người trong chúng ta đến với cuộc sống này đều có lý do và sứ mệnh riêng. Nếu lý do cho sự tồn tại của bạn chính là tình yêu thì bạn sẽ yêu và lan tỏa tình yêu ấy như thế nào?