Thứ Hai, 24 tháng 4, 2023

Nuôi dưỡng Tình yêu

NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU

Tình là ngọn lửa rơm mau tàn. Còn Nghĩa là lửa trấu, cháy suốt đêm. Ngày xưa Việt Nam có truyền thống đi xin lửa, vì không có hộp quẹt, cũng không có đèn dầu. Mỗi khi nấu cơm, nếu nhà mình không có trấu để giữ lửa thì mình phải qua hàng xóm xin lửa.

Các cháu có thể là chưa bao giờ thấy Con Cúi. Con Cúi không phải là một sinh vật mà mình vẫn gọi là con. Mình lấy rơm bện lại thành một con rắn bằng rơm thật chặt, đốt một đầu và nó cứ cháy ngún từ từ, được năm bảy giờ đồng hồ. Mỗi khi cần lửa nấu cơm thì mình tới Con Cúi lấy lửa. Nếu mình không có Con Cúi và cũng không có lửa trấu thì mình phải đi xin thôi. Thế hệ của quý vị bây giờ không biết đi xin lửa là gì, ngày xưa đi xin lửa là chuyện mỗi ngày.

Lửa rơm cháy mau được ví dụ cho tình yêu. Lửa trấu ngún cháy cả ngày đêm được tượng trưng cho Nghĩa. Ân Nghĩa là cái phải tiếp nối cái Tình. Tình phải được bắt đầu cho khéo để từ từ đưa tới cái Nghĩa. 

Ân Nghĩa là cái nuôi dưỡng một cặp vợ chồng cho tới khi đầu bạc răng long. Răng long thì đi làm răng giả, còn đầu bạc thì đi mua thuốc nhuộm. Và nuôi dưỡng Nghĩa là nuôi dưỡng thương yêu.

Mỗi ngày mình phải làm cho cái tình của mình lớn lên và biến thành nghĩa. Mình phải biết lợi dụng cái ngọn lửa đầu tiên.

Mỗi ngày mình phải xây dựng cái ơn và cái nghĩa. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ săn sóc đều là tạo ra ơn và nghĩa. Chính cái đó nó là keo sơn giúp cho một cặp vợ chồng sống với nhau suốt đời.

Tình bạn cũng vậy. Tình bạn thì không có sự cháy bùng, đam mê như là tình yêu, cho nên tình bạn dễ hơn nhiều. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói rất rõ là tình bạn thì lâu dài, bền chắc, và nuôi dưỡng mình nhiều hơn tình yêu.

Cho nên bí quyết là mình phải biến tình yêu lúc ban đầu trở thành tình bạn. Hai người ban đầu là hai người yêu, nhưng từ từ sẽ trở thành hai người bạn.

Khi trở thành hai người bạn thì đó là tình yêu đang còn. Còn nếu tình yêu không trở thành được tình bạn thì nó sẽ chết, nó không thành công.

Mà sở dĩ tình yêu trở thành tình bạn được là vì mình phát khởi được cái ơn và cái nghĩa. Cái ơn nghĩa đó bắt đầu từ chỗ ý thức được rằng tại sao giữa bao nhiêu người mà người đó lại chọn mình.

Và mình biết ơn người đó đã chọn mình. Cái chọn của mình không phải là nhất thời. Sự chọn này phải xảy ra trong một quá trình nào đó, với trí tuệ chứ không phải chỉ với đam mê mà thôi.

Nếu chỉ có đam mê thì mình sẽ hối hận. Phải có trí tuệ và phải biết lắng nghe, Lắng nghe bạn bè của mình, lắng nghe cha mẹ của mình, lắng nghe các em của mình. Vì họ cũng có cái thấy, mà cái thấy của họ đôi khi khách quan hơn, chắc chắn là khách quan hơn mình, tại vì mình chủ quan quá.

Mình đam mê rồi thì mình không thấy được sự thật rõ ràng bằng những người khác.

Trích Chọn người tri kỷ - Tàng kinh các - Làng Mai

 

 

Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2023

“Thuận theo tự nhiên” là cách sống của người trí tuệ

“THUẬN THEO TỰ NHIÊN” LÀ CÁCH SỐNG CỦA NGƯỜI TRÍ TUỆ

Tục ngữ câu: “Cố tình trồng hoa, hoa không nở. Vô tâm cấy liễu, liễu thành rừng”. Trong cuộc sống, rất nhiều khi cưỡng cầu mong có được thì lại bị mất đi, giống như nắm cát nằm trong tay, nắm càng chặt thì nó rơi càng nhanh. 

Cổ nhân nói: “Sống chết có số, phú quý do trời”, bởi vậy hết thảy sự tình trong cuộc sống thuận theo tự nhiên là lựa chọn tốt nhất. Con người sở dĩ phiền não phần lớn đều là vì lo được lo mất, hoặc là canh cánh trong lòng một số sự tình nào đó. Người ta thông thường đều là cường điệu bản thân quá mức hoặc truy cầu quá nhiều rồi không đạt được mà đánh mất đi sự khoái hoạt, tường hòa vốn có, mà rơi vào đau khổ.

Mọi việc không cần phải cố ý đi thể hiện, dùng tâm thái bình thản, tự nhiên để xử lý các sự tình trong cuộc sống, hết thảy thuận theo tự nhiên mới có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. 

Nếu khi gặp khó khăn, tìm không ra phương pháp giải quyết tốt nhất, chúng ta nên để nó thuận theo tự nhiên.

Có câu chuyện kể rằng, thời xưa có một vị thư pháp nổi tiếng đến một ngôi chùa cổ kính theo lời mời để viết một bức hoành phi. Lúc ông ngồi viết, một người học trò đi theo ông ngồi bên cạnh và mài rất nhiều mực. 

Đồng thời, với mỗi bức mà thư pháp gia viết, người học trò này đều thẳng thắn đưa ra những ý kiến đánh giá. Sau khi viết xong một bức, người học trò của ông nói: “Thưa thầy! Bức này viết không đẹp!”

Mỗi một bức mà thư pháp gia viết, người học trò của ông đều cảm thấy không hài lòng, cho rằng ông chưa thể hiện ra hết thực lực của bản thân. Vị thư pháp gia viết rất nhiều bức, nhưng người học trò đều có chung một nhận xét: “Bức này so với bức trước còn xấu hơn!” 

Vị thư pháp gia nén lòng viết đến 84 bức mà vẫn không nhận được lời khen ngợi của người học trò.

Cuối cùng, người học trò của ông có việc đi ra ngoài, ông nghĩ thầm: “Lần này ta cuối cùng cũng tránh được ánh mắt lợi hại của cậu ta rồi! Thế là vị thư pháp bình tâm tĩnh khí, viết một bức với tâm thái vô cùng thoải mái tự nhiên, không để tâm đến kết quả ra sao. Quả nhiên, sau khi người học trò quay trở lại phòng, nhìn thấy bức hoành phi, liền thốt lên: “Thật sự là một kiệt tác!”

Bởi vậy có thể thấy, phàm là việc gì, khi làm mà canh cánh trong lòng mong muốn đạt được kết quả như ý thì thường lại bị thất vọng. Không cầu, thuận theo tự nhiên mà làm, tự nhiên lại đạt được kết quả như ý. 

Đây chính là điều mà cổ nhân nói: “Không cầu mà tự được”.

Thái Tương là nhà chính trị, nhà văn, nhà thư pháp nổi tiếng thời Bắc Tống. Ông có một bộ râu rất rậm nên mọi người thường gọi ông là “Mỹ nhiêm công”. Tống Nhân Tông rất thích bộ râu của Thái Tương nên có một lần hỏi đùa ông rằng: “Không biết ban đêm khi ái khanh ngủ, chòm râu này đặt ở trong hay ở ngoài chăn bông?”

Thái Tương nghe thấy câu hỏi này thì giật mình vì chính ông cũng chưa bao giờ để ý đến điều đó. Vì thế, ông không thể trả lời được.

Đêm đó, khi Thái Tương ngủ, ông hết đặt chòm râu ra ngoài chăn rồi lại cho vào trong chăn. Cuối cùng, cả đêm ông không ngủ được vì không biết nên đặt ở trong hay ở ngoài cho thích hợp nhất.

Về sau, ông mới tìm ra được đáp án tốt nhất, đó là lúc bình thường căn bản không cần để ý, râu ở bên trong chăn hay ở bên ngoài chăn, hãy để nó thuận theo tự nhiên là hơn hết.

Kỳ thực, con người ngủ như thế nào, thức dậy như thế nào đều là việc rất tự nhiên. Nếu trong lòng có chấp nhất, gượng ép thì lại thành ra trái với tự nhiên. Một khi đã trái với tự nhiên thì làm sao có thể có được sự thoải mái?

Hạnh phúc và khoái hoạt là một phần của cuộc sống, chỉ là rất nhiều người thế gian không biết thưởng thức như thế nào. Rất nhiều người mỗi ngày đều truy đuổi danh lợi, địa vị và hưởng thụ vật chất khiến tinh thần mệt mỏi sức lực cùng kiệt mà vẫn không đạt được niềm hạnh phúc và khoái hoạt thực sự.

Người ta không biết được rằng rất nhiều thứ trong cuộc sống chỉ có thuận theo tự nhiên mới có thể đạt được, cưỡng cầu là không thể được và khoái hoạt cũng là như vậy. Cảnh giới cao nhất của nhân sinh chính là không cầu mà được.

Phàm là việc gì cũng không nên cố ý cưỡng cầu, thuận theo tự nhiên, tùy ngộ mà an, vận khí tốt và hạnh phúc sẽ thuận theo đó mà đến.

An Hòa

Bi kịch lớn nhất của con người là “dốt mà không biết mình dốt”.


BI KỊCH LỚN NHẤT CỦA CON NGƯỜI LÀ “DỐT MÀ KHÔNG BIẾT MÌNH DỐT”.

 

Ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải căn bệnh ấu trĩ; Như vậy, dốt nát chưa phải là bi kịch lớn nhất của con người, mà bi kịch lớn nhất của con người là "dốt mà không biết mình dốt".

 

Những tưởng trong một xã hội mà ai cũng bằng này cấp nọ, tràn lan cử nhân, tiến sĩ, kỹ sư… như bây giờ thì “giặc dốt” chỉ là câu chuyện của quá khứ.

Nhưng, thực ra nó vẫn còn sờ sờ ra đó (thậm chí là còn đáng sợ hơn xưa) dưới một “lớp áo” khác: sự ấu trĩ hay sự ngộ nhận về hiểu biết.

Nói một cách nôm na bằng ngôn ngữ bình dân là: dốt mà không hề biết là mình dốt.

 

Những “tinh hoa”, “trí thức” luôn được xem là “đôi mắt” hay “tầm nhìn” của xã hội nên tất nhiên họ sẽ không có những cái ấu trĩ bình thường của những người bình thường. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có “điểm mù”.

 

Liệu họ có thực hiện được sứ mệnh định hướng, định hình xã hội trong lĩnh vực, ngành nghề của mình hay chưa? Liệu họ có bứt ra được những giới hạn của thời đại mình đang sống để có được một viễn kiến xa hơn, rộng hơn?

Liệu họ có hướng được xã hội của mình đi vào một thời đại mới tốt đẹp hơn bằng chính tầm nhìn, trí tuệ đó của mình, hay vẫn chỉ loay hoay với những thị phi trong thời đại của mình?

 

Không ít người dù ngậm ngùi nhưng cũng phải đồng tình với nhận xét của GS. Trần Hữu Dũng (ĐH Dayton, Ohio, Hoa Kỳ) trong một bài viết trên báo Xuân của TBKTSG cách đây mấy năm rằng, Việt Nam đang ở trong “thời vắng những nhà văn hóa lớn”, khi mà những ngôi sao dẫn đường trên bầu trời tinh hoa ngày càng ít ỏi và le lói.

 

Nói tóm lại, ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải căn bệnh ấu trĩ. Bởi như Einstein từng nói: “Có hai thứ được coi là vô tận: Vũ trụ và sự ngu dốt của con người”. Và ông còn nói thêm rằng: “Về phần vũ trụ thì tôi không chắc lắm, nhưng sự dốt nát của con người thì chắc chắn là như thế”.

Như vậy, dốt nát chưa phải là bi kịch lớn nhất của con người, mà bi kịch lớn nhất của con người là “dốt mà không biết mình dốt”.

 

Để không lún sâu vào cái dốt mênh mông ấy, mỗi người cần có một trách nhiệm với bản thân là liên tục “phản tỉnh” chính mình, phản tỉnh với những điểm mù (nếu có) của mình.

Ngay cả với giới tinh hoa, nếu không liên tục “phản tỉnh chính mình” hay “phản tư chính mình” thì người hiểu biết sẽ dễ trở thành người ít hiểu biết hay người ấu trĩ trong một số vấn đề (kể cả những vấn đề thuộc chuyên môn hay sở trường của mình), và khi đó sẽ không chỉ khó thực hiện được tốt cái vai trò thức tỉnh xã hội vốn có của mình, mà còn có thể gây nguy hại cho xã hội.