Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

Sống ở đời, cái gì quá cũng không tốt


SỐNG Ở ĐỜI, CÁI GÌ QUÁ CŨNG KHÔNG TỐT 

 

Phật dạy Con Đường Trung Đạo, con người muốn hạnh phúc phải biết điểm dừng, không đánh mất bản thân, đặc biệt phải tránh xa những chữ “quá” dễ mang đến tai họa cho đời ta.

 

1. Qúa đau buồn dễ dẫn đến thối chí

Con người dù đau buồn đến đâu, cũng tuyệt đối không được tuyệt vọng, sa sút tinh thần, thối chí, không cầu tiến. Cuộc sống luôn có một quy luật: Không có chiếc bánh nào rơi từ trên trời xuống cả.

Đằng sau rất nhiều niềm vui là những cái bẫy vô hình. Khi cánh cửa này khép lại, luôn có một cánh cửa khác mở ra. Thế nên thay vì ngồi một chỗ chờ chết, hãy đứng lên và hành động.

 

2. Quá vui mừng dễ dẫn đến lỡ lời

Niềm vui đến, khi hào hứng chia sẻ cảm xúc của mình với xung quanh, tuyệt đối đừng để mất đi sự thận trọng trong lời nói. Bằng không, sẽ trở nên tự mãn và kiêu ngạo, làm tổn thương người khác, mất lòng kẻ tiểu nhân dễ thêm thù bớt bạn. Sau này, làm việc gì cũng khó, như bị đá cản đường.

 

3. Qúa tức giận dễ đến phi lễ

Khi tức giận, đừng để bản thân mất kiểm soát. Không điều khiển được lời nói và hành vi sẽ dẫn đến hành xử thô lỗ, đặc biệt là với bề trên. Vậy nên khi tức giận, hãy im lặng, để ngọn lửa đỏ trong lòng nguội lạnh, mới có thể tỉnh táo đưa ra quyết định sáng suốt.

 

4. Quá lộng ngôn, lòng người không tín phục

Một lời nói ra, nặng tựa như núi Thái Sơn. Người càng thích ba hoa, sẽ khó có được sự tín nhiệm của người khác, thậm chí còn bị gièm pha, nói xấu sau lưng.

Đừng hứa hẹn những việc không thể làm. Đừng khoác lác những chuyện không hề có. Hãy sống khiêm tốn và tự tin là chính mình.

 

5. Quá tính toán dễ mất đi chân tình

Sống quá tính toán, chi li từng cắc từng đồng sẽ khiến bạn bè, thậm chí là người thân cảm thấy tù túng và mệt mỏi. Trong các mối quan hệ thân mật, thứ dễ phá hủy đi tình cảm đó là sự tính toán. Thay vào đó, hãy hết lòng, yêu thương chân thành, thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp.

 

6. Quá tham vọng dẫn đến họa sát thân

Người xưa có câu: “Người chết vì tiền, chim chết vì mồi” quả là không sai. Không ai đánh thuế ước mơ, nhưng tuyệt đối nên biết điểm dừng. Kỳ vọng quá nhiều, nhưng không đạt được, sẽ bị ấm ức, bất an triền miên, sống không bằng chết. Ham muốn quá cao, không thấy bờ thấy đáy, sẽ làm những chuyện táng tận lương tâm.

 

Làm người phấn đấu hết mình nhưng phải dừng lại đúng lúc. Như vậy, mới bảo toàn được bản thân và sống an yên.

Phật giáo Việt Nam

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn


ĐÔI MẮT LÀ CỬA SỔ TÂM HỒN

 

Chắc hẳn bạn đã trải nghiệm, khi trong một căn phòng đông người và ồn ào, bạn bắt gặp ánh mắt của một người khác. Nó gần giống như một cảnh trong phim - phần còn lại của thế giới mờ nhạt đi trong khi bạn và tâm hồn kia được kết nối giây lát trong sự hiểu biết lẫn nhau rằng người đó đang nhìn mình và mình nhìn người đó.

 

Tất nhiên, nhìn mắt nhau không phải lúc nào cũng thú vị đến thế- đó là một phần tự nhiên của hầu hết các cuộc trò chuyện thông thường - nhưng nó gần như luôn là quan trọng. Chúng ta đưa ra các giả định về tính cách con người dựa trên mức độ người đó nhìn vào mắt ta hoặc nhìn đi chỗ khác khi ta nói chuyện với người đó. Và khi ta gặp những người lạ trên phố hoặc ở nơi công cộng khác, ta có thể cảm thấy bị từ chối nếu người đó không nhìn mắt ta.

 

Điều này ta đều biết qua kinh nghiệm hàng ngày. Nhưng các nhà tâm lý học và nhà thần kinh học đã nghiên cứu về sự giao tiếp bằng mắt trong nhiều thập kỷ và những phát hiện hấp dẫn của họ tiết lộ nhiều hơn về sức mạnh của nó, bao gồm cả những gì mắt ta thể hiện ra và giao tiếp mắt làm thay đổi như thế nào điều ta nghĩ về người khác khi họ nhìn lại mắt ta.

 

Ví dụ, một phát hiện lặp đi lặp lại là đôi mắt nhìn chằm chằm làm ta chú ý, khiến ta sao lãng những gì khác đang xảy ra xung quanh (làm 'mờ nhạt đi' như tôi nói ở trên). Ngoài ra, khi nhìn vào ánh mắt ai ta gần như tức thời kích hoạt nhiều quá trình hoạt động trong não.

 

Trên thực tế, ngay cả việc nhìn vào một bức tranh chân dung mà người trong đó có vẻ đang giao tiếp bằng mắt cũng cho thấy nó làm kích hoạt một loạt hoạt động não liên quan đến nhận thức xã hội - nghĩa là, ở những vùng não liên quan đến suy nghĩ về bản thân và về người khác.

 

Cùng với việc gửi bộ não của chúng ta vào môi trường xã hội, nghiên cứu cũng cho thấy rằng giao tiếp bằng mắt hình thành nhận thức của ta về con người đang nhìn ta. Chẳng hạn, chúng ta thường nhận thức những người giao tiếp bằng mắt là thông minh hơn, có lương tâm và chân thành hơn (ít nhất ở các nền văn hóa phương Tây), và ta dễ tin điều họ nói hơn.

 

Tất nhiên, giao tiếp bằng mắt quá nhiều cũng có thể khiến ta không thoải mái - và những người nhìn chằm chằm mà không buông tha có thể được coi là đáng sợ. Trong một nghiên cứu được thực hiện tại một bảo tàng khoa học, các nhà tâm lý học gần đây đã cố gắng thiết lập mức thời gian ưa thích của giao tiếp mắt. Họ kết luận rằng, trung bình, nó là 3 giây (và không ai thích cái nhìn kéo dài hơn 9 giây).

Sự việc để nhận ra mình đang là đối tượng của một tâm trí khác làm ta thẫn thờ.

 

Một nghiên cứu gần đây cho thấy ánh mắt nhìn nhau dẫn đến một kiểu hòa trộn của sự ưu ái của bản thân và người khác: chúng ta đánh giá những người lạ mà ta đã giao tiếp mắt là họ giống với ta hơn, về tính cách và ngoại hình.

 

Thiện cảm của giao tiếp mắt không dừng ở đó. Nếu bạn tiến lại gần, bạn và đối tác nhìn của bạn sẽ thấy rằng giao tiếp mắt cũng kết nối 2 người theo một cách khác nữa, trong một quá trình được gọi là "song hành đồng tử" hoặc "đồng tử lây nhau" - nó mô tả cách mà các đồng tử của bạn và của người kia giãn ra và co lại đồng bộ. Điều này đã được giải thích như một hình thức bắt chước tiềm thức mang tính xã hội, một loại vũ điệu mắt, và đó sẽ là một thời khắc rất lãng mạn.

 

Vào những năm 1960, các nhà tâm lý học đã nghiên cứu cách mà đồng tử giãn ra khi chúng ta thích thú hoặc bị kích thích (theo nghĩa sinh lý học), cho dù về trí tuệ, về cảm xúc, thẩm mỹ hay tình dục.

Dù thế nào, hàng thế kỷ trước nghiên cứu này, trí tuệ của dân gian chắc chắn coi việc giãn đồng tử là hấp dẫn.

Ở những giai đoạn khác nhau trong lịch sử, phụ nữ thậm chí đã sử dụng một chiết xuất từ một loại cây để cố tình làm giãn đồng tử như một cách để làm cho mình trông hấp dẫn hơn (do đó là tên thông tục của loại cây này là 'belladonna').

 

Nhưng khi bạn nhìn sâu vào mắt người khác, đừng nghĩ rằng chỉ có các đồng tử là gửi thông điệp cho bạn. Một nghiên cứu khác gần đây cho thấy rằng ta có thể đọc được những cảm xúc phức tạp ở cơ mắt - nghĩa là, người đó đang nheo mắt hay mở to mắt. Vì vậy, ví dụ, khi chán ghét thì người ta nheo mắt lại, sự diễn cảm bằng mắt này - giống như diễn cảm trên mặt - cũng báo hiệu sự chán ghét với người khác.

 

Một đặc điểm quan trọng khác của mắt là các vòng mống mắt (lòng đen): tức vòng tròn thẫm quanh mống mắt. Bằng chứng gần đây cho thấy vòng mống mắt thường là rõ nét hơn ở người trẻ, khỏe mạnh, và người nhìn vào mắt sẽ biết ở một mức độ nhất định, như những phụ nữ dị tính đang tìm kiếm một người tình sẽ đánh giá những người đàn ông có vòng mống mắt rõ nét là khỏe mạnh và hấp dẫn hơn.

 

Tất cả những nghiên cứu này cho thấy câu ngạn ngữ cũ về đôi mắt là một cửa sổ tâm hồn có nhiều điều đúng. Thực tế, có một thứ gì đó vô cùng mạnh mẽ khi nhìn sâu vào mắt một người khác. Người ta nói rằng đôi mắt là phần duy nhất của não tiếp xúc trực tiếp với thế giới bên ngoài.

 

Khi bạn nhìn vào mắt một người khác, hãy nghĩ thế này: có lẽ đây là việc gần nhất để 'chạm vào não'- hoặc chạm vào linh hồn, nếu bạn muốn cho thơ mộng hơn. Với sự thân mật mãnh liệt này, có lẽ không có gì lạ nếu bạn giảm ánh sáng đèn và nhìn chằm chằm vào mắt người khác trong 10 phút không ngừng nghỉ, bạn sẽ thấy những điều kỳ lạ bắt đầu xảy ra, có thể nó kỳ lạ hơn mà trước đây bạn chưa từng trải qua.

 

ST

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

Thay đổi cách thế giới thực hành Phật giáo


THAY ĐỔI CÁCH THẾ GIỚI THỰC HÀNH PHẬT GIÁO

 

Những lời dạy và phương pháp của Thiền sư thu hút sự quan tâm của nhiều người với những quan điểm tôn giáo, tâm linh và chính trị khác nhau. Báo New York Daily News mô tả Thiền sư Thích Nhất Hạnh là người "đã thay đổi cách thế giới thực hành Phật giáo", đồng thời xem Thiền sư là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn.

 

Chánh niệm là một phương pháp tu tập cổ truyền trong đạo Phật, vẫn còn rất thích hợp đến đời sống hiện tại của chúng ta ngày nay. Sự thích hợp ấy tự nó không dính dáng gì đến đạo Phật, hoặc việc trở thành một Phật tử, nhưng nó là sự tỉnh thức dậy, biết sống hòa hợp với chính mình và thế giới chung quanh.

 

Chánh niệm có nghĩa là ta biết tự nhìn lại mình, quan niệm sống của mình và ý thức được tính chất toàn vẹn của từng giây phút trong cuộc sống. Và trên hết, chánh niệm có nghĩa là tiếp xúc được với thực tại, những gì đang xảy ra chung quanh ta. 

 

Bởi, theo quan điểm của Phật giáo, thì trạng thái tỉnh thức của một người bình thường rất có giới hạn và đang bị giới hạn. Nói rõ ra thì có nghĩa là trạng thái ấy giống như của một người nằm mộng hơn của một người tỉnh thức.

Thiền tập sẽ giúp đánh thức ta dậy từ một giấc ngủ mê của những tập quán hành động máy móc vô ý thức. 

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho rằng thực hành chánh niệm giúp nhận diện niềm đau nỗi khổ và chuyển hóa chúng. Chánh niệm là sự biết rõ những gì đang có mặt, đang xảy ra. "Khi nắm tay một em bé, ta hãy để tâm một trăm phần trăm vào bàn tay em. Khi ôm người thương trong vòng tay cũng thế.

Hãy thực sự có mặt, thực sự tỉnh thức". Điều này trái ngược hẳn với cách sống và làm việc của ta trước đây.

 

Trong cuốn sách "Quyền lực đích thực", Thiền sư Thích Nhất Hạnh có viết: Chúng ta từng có thói quen làm nhiều việc cùng một lúc. Vừa trả lời e-mail vừa nói điện thoại. Trong khi đang họp về một dự án này, ta viết xuống những ghi chú cho một dự án khác.

 

Thay vì luôn làm nhiều việc cùng một lúc, ta phải tập thói quen chỉ làm mỗi lần một việc. Giả sử, bạn đang uống trà và ý thức được mình đang uống trà. Chánh niệm về việc uống trà đó là một dạng giác ngộ. Có rất nhiều khi bạn uống mà không để ý vì đang đắm chìm trong lo lắng. Vì thế, chánh niệm về việc uống chính là một dạng giác ngộ.

Nếu tập trung tâm trí vào hành động, hạnh phúc có thể đến trong lúc bạn uống trà. Nhưng nếu không biết uống trà bằng chánh niệm và tập trung, bạn không thực sự uống trà mà uống nỗi đau, nỗi sợ, cơn giận và không chút hạnh phúc.

 

Cõi tịnh độ của Đức Phật không phải vấn đề của tương lai. Thiền sư nói trong một bài phỏng vấn “Tôi nghĩ Đức Phật đang ở đây rồi. Nếu đủ chánh niệm, bạn có thể nhìn thấy Đức Phật trong bất cứ điều gì, đặc biệt là trong Tăng đoàn.

 

Thế kỷ XX là thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân nhưng chúng tôi không muốn như vậy nữa. Giờ đây, chúng tôi cố gắng sống như một cộng đồng. Chúng tôi muốn trôi đi như một dòng sông chứ không phải một giọt nước. Sông chắc hẳn đi tới biển, còn một giọt nước có thể sẽ bay hơi giữa chừng.

 

Đó là lý do chúng tôi nhận ra sự hiện diện của Đức Phật ở đây và bây giờ. Tôi nghĩ rằng mọi bước đi, mọi hơi thở, mọi lời nói được sinh ra trong chánh niệm chính là biểu hiện của Đức Phật. Đừng tìm kiếm Phật ở nơi nào khác. Phật nằm chính trong nghệ thuật sống chánh niệm từng phút giây của cuộc đời”. 

 

ST