Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Bán lược cho Sư,


BÁN LƯỢC CHO SƯ, QUẢN TRỊ HIỆU QUẢ VÀ TRÍ THÔNG MINH CẢM XÚC

Một công ty lớn muốn tuyển dụng một nhóm quản lý tài năng chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo, sau nhiều vòng tuyển chọn với hàng trăm ứng viên tham gía, có 03 ứng viên được gặp ông chủ, và câu hỏi đưa ra cho 3 ứng viên là:Làm thế nào để bán được lược cho nhà sư?

 

Đây là một câu hỏi hóc búa, khi đưa ra câu hỏi này, mục đích của nhà tuyển dụng không phải là muốn làm khó các ứng viên mà để kiểm tra kỹ năng bán hàng cũng như quan điểm của họ về việc Quản trị bán hàng.

 

Các giải pháp của các ứng viên về câu chuyện “Bán lược cho sư”…

Người thứ nhất: Nhấn mạnh vào chức năng làm “quà tặng” của sản phẩm

... có vẻ như anh ta đã đọc câu chuyện kinh điển “bán lược cho sư” rồi thì phải?

Người đầu tiên tham gia buổi phỏng vấn xin việc đã tốt nghiệp đại học, tuổi còn trẻ song đã có kinh nghiệm làm việc trong ngành bán hàng được 5 năm và là một nhân viên bán hàng có năng lực. Tuy nhiên anh ấy buộc phải tìm kiếm công việc mới khi công ty trước đó bị phá sản.

 

Đối với anh chàng này, câu hỏi được đưa ra trong buổi phỏng vấn thực sự khá đơn giản vì bản thân anh đã trải qua rất nhiều khóa đào tạo về bán hàng nên nắm khá rõ về vấn đề.

Vì vậy, anh nhanh chóng đưa ra trả lời: “Tôi sẽ tập trung vào giới thiệu các ưu đãi và quà tặng kèm khi mua chiếc lược cho nhà sư. Nhà sư chắc chắn không cần dùng lược, nhưng những người xung quanh nhà sư có thể cần đến.

Đầu tiên là quan khách hành hương, nhà chùa có thể gói lược tặng khách hành hương như một món quà, tạo thành một nét văn hóa đặc trưng khi ghé thăm chùa, một khi phương thức này trở nên nổi tiếng, tự nhiên khách sẽ tìm đến”.

 

Nghe xong, ông chủ gật đầu khẳng định sự sáng tạo trong câu trả lời của người đầu tiên. Phải thấy rằng ứng viên này quả thực rất giàu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, có thể trích dẫn các kiến thức trong sách và kết hợp các chiến lược marketing hiện đại trong thời gian rất ngắn.

 

Người thứ hai: Nhấn mạnh chức năng chăm sóc sức khỏe của chiếc lược

Ứng viên thứ hai là một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học, trước đây anh ta chỉ tập trung vào việc học tập trên lớp, đọc nhiều sách và tài liệu và có kết quả học tập đáng ngưỡng mộ, và để khởi nghiệp anh bắt đầu với nghề bán hàng và đã chuẩn bị rất kỹ cho các buổi phỏng vấn và anh đã đến được vòng cuối cùng này.

Cho nên anh cũng nghiên cứu và hiểu rõ về lĩnh vực cũng như câu chuyện “bán lược cho sư” này. Vì vậy, ban đầu anh ứng viên này có phần lo lắng do người thứ nhất đã nói trước ý tưởng tốt nhất của câu chuyện, suy nghĩ rất lâu và anh đã đưa ra câu trả lời như sau:

 

“Tôi rất tán đồng với câu trả lời của vị ứng viên đầu tiên. Ngoài cách sử dụng làm quà tặng, tôi liên tưởng đến chức năng khác của chiếc lược, đó là chăm sóc sức khỏe.

Mặc dù các nhà sư không cần dùng đến lược để chải tóc nhưng hoàn toàn có thể dùng lược như một công cụ massage, xoa bóp phần đầu. Thông thường, chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái khi chải đầu, đó là vì chức năng chăm sóc sức khỏe của lược phát huy hiệu quả”.

 

Sau đó, anh ta cầm chiếc lược đã được chuẩn bị sẵn trên bàn và nói: “Nhìn xem, phần răng của chiếc lược trong tay tôi không hề sắc nhọn mà có hình dạng hơi tròn, khi chải lên sẽ có tác dụng xoa bóp da đầu rất thần kỳ. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, hãy nằm trên giường và massage da đầu bằng lược, có thể giúp bản thân thoải mái hơn và có lợi cho giấc ngủ”.

 

Sau khi nghe câu trả lời của cậu ứng viên, ông chủ tán thưởng vỗ tay, ông xem kỹ lại lý lịch của người nộp đơn xin việc thứ 2, khi thấy rằng anh ta chưa có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bán hàng mà lại có một câu trả lời tuyệt vời và hợp lý như vậy là vô cùng có tiềm năng.

 

Tiếp theo là câu trả lời từ ứng viên thứ 3. Ông chủ nhìn anh ta đầy mong đợi, hy vọng rằng người này cũng có thể đưa ra câu trả lời tuyệt vời.

 

Người thứ ba: Từ chối bán lược cho nhà sư

Ứng viên thứ 3 là một sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành marketing, vừa ra trường và chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc.

Anh mỉm cười khi nhìn thấy ánh mắt mong đợi của ông chủ và nói: “Xin lỗi ông chủ nhưng rất có thể tôi sẽ làm ông thất vọng. Tôi xin từ chối trả lời câu hỏi này vì:

…tôi không đồng ý với ý tưởng bán lược cho nhà sư…”.

 

Mọi người kinh ngạc nhìn anh, anh thẳng thắn nói: “Là nhân viên bán hàng, nếu gặp phải vấn đề này, tôi sẽ nghĩ rằng ông chủ đang cố tình làm xấu mặt tôi.

Chúng ta có mặt trên thị trường và bán sản phẩm của mình cho các nhóm khách hàng có nhu cầu rõ ràng hoặc có tiềm năng. Nếu chúng ta quá chú trọng đến chức năng chăm sóc sức khỏe của chiếc lược mà không cần đến chức năng chính của nó là chải tóc thì còn ý nghĩa gì nữa.

 

Chưa kể người ta có thể mua vật chuyên dụng cho việc massage đầu để thu về hiệu quả tốt hơn. Đây là bỏ lớn lấy nhỏ”.

Anh nói thêm: “Tôi không có ý chỉ trích câu trả lời trước, nhưng đây là điều tôi thực sự nghĩ. Khi bán được hàng, chúng ta phải làm rõ các đặc tính của sản phẩm và xác định được nhóm đối tượng. Nếu quá tham lam và muốn chiếm toàn bộ thị trường, sớm muộn gì công ty cũng sẽ bị tiêu diệt.”

 

Các bạn sẽ chọn ai trong số 3 Ứng viên ở câu chuyện thứ hai này? Câu trả lời xin được bỏ ngỏ cho các chủ doanh nghiệp, tôi tin là Ông chủ kia đã có câu trả lời cho chính ông ấy.

 

Trên thực tế, công việc bán hàng thực sự là “chơi” với EQ. Ứng viên đầu tiên có kinh nghiệm, ứng viên 2 thông minh hơn về mặt cảm xúc còn ứng viên thứ ba giành chiến thắng ở tư duy quản lý vĩ mô và EQ cao.

Anh có chính kiến riêng, rõ ràng và không hề đi vào lối mòn của những câu chuyện sách vở và bị cái bóng của ông chủ hay những người đi trước lấn át.

 

Trong cuộc sống hiện nay cũng vậy, mỗi người đều cần có “bản lĩnh chính trị”, ngôi sao định hướng của cuộc đời mình để trở thành nhà lãnh đạo đích thực “Authentic Leadership”

 

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Có những người chồng không bao giờ chịu lớn


CÓ NHỮNG NGƯỜI CHỒNG KHÔNG BAO GIỜ CHỊU LỚN

 

Thời nay Phụ nữ quá giỏi nên mới sản sinh ra nhiều đứa trẻ không chịu lớn nước ngoài gọi châm biếm là man-child, mama boy. Còn ở Việt Nam, những chàng trai này hay được gọi vui là “bé bự”.

 

Thật vô phúc cho những cô nàng nào lấy một ông chồng trẻ con, không bao giờ chịu lớn thì bạn sẽ tự gánh hết những thiệt thòi, vất vả một mình. Đến cả những lúc sức cùng lực kiệt, chỉ mong chờ một bờ vai tựa vào cũng thật khó khăn…

 

Ban đầu khi chọn một người chồng có tính khí hài hước, trẻ con, bạn thấy như chuyện khó khăn mấy cũng có thể cùng họ vượt qua. Bởi họ đem đến cho bạn sự vui vẻ tươi mới, ở bên cạnh họ bạn chẳng cần phải nghĩ ngợi gì nhiều.

 

Nhưng hôn nhân không là nơi dành cho những đứa trẻ to xác không chịu lớn. Lấy nhau rồi, đâu thể chỉ vui vẻ khi gặp nhau mà không lo toan trước sau. Có một gia đình rồi, tính ham chơi của chồng có thể khiến bạn mỏi mệt. Vì anh ấy hầu như chẳng biết nghĩ suy, chỉ thích để vợ lo hết mọi chuyện.

 

Với một người chồng chưa chịu lớn, bạn sẽ luôn bị xếp sau những cuộc vui la cà của anh ấy. Bạn sẽ như bị bỏ rơi vì bản tính thích cái mới, ham chinh phục của ông chồng. Họ như một đứa trẻ vô tư một cách vô tình, thời gian người đàn ông này ở bên bè còn nhiều hơn dành cho gia đình..

Và tất nhiên, bạn sẽ là người gánh chịu sự vô tình ấy, đành phải cố gắng để hiểu, nghĩ rằng chồng cần thời gian để trưởng thành.

 

Một người chồng không chịu trưởng thành luôn để vợ làm hết chuyện lớn nhỏ trong nhà. Từ chuyện ngoại giao bên ngoài đến bếp núc, chăm sóc con cái, anh ta cũng để vợ quyết hết. Không phải vì người chồng này nhường vợ, mà là vô trách nhiệm với gia đình.

 

Có thể ban đầu bạn sẽ thích cảm giác được quyết mọi chuyện nhưng càng về sau bạn sẽ thấy mỏi mệt trước thái độ đùn đẩy trách nhiệm của chồng.

Bài toán thật khó giải, chỉ có người trong cuộc tự quyết định là phù hợp nhất mà thôi.

 

 

 

 

Phụ huynh Hàn Quốc bỏ việc để "học thi" cùng con


PHỤ HUYNH HÀN QUỐC BỎ VIỆC ĐỂ "HỌC THI" CÙNG CON

Người Hàn tin rằng nếu không có nỗi ám ảnh về giáo dục thì quốc gia đã không thể đạt được vị thế như ngày hôm nay trong nền kinh tế thế giới.

Bức tranh giáo dục của Hàn Quốc

Ngày 01/2 vừa qua, Korea Herald đưa câu chuyện về những bà mẹ ở Hàn Quốc sẵn sàng bỏ việc để ở nhà lo cho con trước áp lực của kỳ thi đại học.

Cụ thể, khi làm một bà mẹ toàn thời gian, lịch trình hàng ngày của họ sẽ gắn liền với lịch trình của con mình.

Họ thức dậy từ sớm để đưa con đến trường, làm việc nhà, chuẩn bị bữa ăn cho con khi về và đưa đón con đi học thêm. Bên cạnh việc giáo dục con cái, các bà mẹ cũng phải tạo ra một hồ sơ tuyển sinh đại học tốt cho con.

 

Các tờ báo của Hàn Quốc ví việc trở thành một bà mẹ rời khỏi nơi làm việc, để hỗ trợ học hành cho con cái giống như trở thành chiến binh trong một cuộc chiến. Đó là cuộc chiến để đứa con của mình bước chân vào các trường đại học hàng đầu.

 

Hầu hết những bà mẹ của xứ sở kim chi đều có chung một mục tiêu là giúp con hoàn thành 12 năm học một cách xuất sắc, đỗ vào trường đại học danh tiếng, bất kể tình trạng kinh tế, xã hội của gia đình ở mức nào.

Theo thống kê, hai phần ba người Hàn trong độ tuổi từ 25 đến 34 có bằng đại học, tỷ lệ cao nhất trong số các Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên, con số này lại không mang lại cảm giác hạnh phúc cho người dân nơi đây.

 

Truyền thông nước này đang gọi đây là biểu hiện của tình trạng "over-educated" (lạm phát bằng cấp), tức là quá nhiều người sở hữu bằng cấp cao nhưng không có việc làm. Nguồn nhân lực này thứa mứa và không phù hợp để sử dụng trong các ngành nghề đòi hỏi công việc lao động chân tay.

 

Hơn nữa, trong môi trường cạnh tranh cao như vậy, không phải ai cũng dễ dàng về đích. Hoặc nếu có, thì quá trình chạy đua đến vạch đích mà họ chờ mong có thể tiêu tốn nhiều năm. Điều này góp phần khiến cho những người trẻ ở đây bị yếu kỹ năng sống hay kinh nghiệm xử lý vấn đề trong xã hội, đánh mất niềm vui và hy vọng vào tương lai.

 

Nhìn thấy gì ở châu Á từ bức tranh giáo dục của Hàn Quốc?

Bên cạnh Hàn Quốc, Châu Á cũng có những quốc gia ảnh hưởng nhiều của Nho giáo như Việt Nam, Trung Quốc hay Nhật Bản, vì thế, giáo dục cũng có rất nhiều nét tương đồng với Hàn Quốc, đặc biệt là tình trạng thi cử, bằng cấp.

 

Tại Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 10 triệu học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhưng chỉ 2% trong số đó được nhận vào 38 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, và chỉ 0,05% vào được Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh (vốn được coi là Oxford và Cambridge của Trung Quốc).

 

Đối với Nhật Bản, các công ty rất chú ý đến nền tảng giáo dục của ứng viên. Điều này làm cho cuộc cạnh tranh vào các trường đại học danh tiếng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Những học sinh không trúng tuyển trong năm đầu thường chờ đến năm sau để thi lại.

 

Tại Việt Nam, kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm cũng rất được mong đợi và nhiều cạnh tranh khốc liệt. Mặc dù ngày nay, yêu cầu, quan niệm về bằng cấp trong xã hội đã dễ thở hơn ngày trước rất nhiều, nhưng đây vẫn là một trong những yếu tố để đánh giá và tuyển dụng của các công ty, tập đoàn lớn.

 

Chính vì thế, người Việt cũng đang nằm trong top những quốc gia đầu tư cho giáo dục và luyện thi cao nhất châu Á. Bên cạnh đó, với việc bằng thạc sỹ ngày càng nhiều và được phổ cập khiến tấm bằng cử nhân đại học cũng mất giá hơn.

 

Điều đó cũng vô tình tạo nên áp lực du học đối với những học sinh hay giới trẻ muốn học cao và có thành tích ấn tượng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn dến căng thẳng trong học hành và thi cử tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, ở một khía cạnh tươi sáng hơn, những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự nhiều sự thay đổi về thi cử ở Việt Nam. Nó không chỉ giúp giảm áp lực học hành, thi cử mà còn góp phần định hướng để thay đổi sản phẩm của giáo dục – yếu tố con người. Từ đấy, chúng ta có thể mong đợi một xã hội với nhiều cá nhân hạnh phúc hơn và biết kết nối với nhau hơn.