Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Gen Z là thế hệ được kỳ vọng cực kỳ lớn


GEN Z LÀ THẾ HỆ ĐƯỢC KỲ VỌNG CỰC KỲ LỚN, LỚN HƠN BẤT KỲ THẾ HỆ NÀO TRƯỚC ĐÂY.

 

Gen Z (sinh năm 1996-2012) là thế hệ đầu tiên hoàn toàn lớn lên với Internet và điện thoại thông minh, có trải nghiệm rất khác về thế giới so với thế hệ trước. Đây cũng là thế hệ đầu tiên tiếp xúc với nội dung độc được gây ra bởi các phương tiện truyền thông và công nghệ như quấy rối, bắt nạt trên mạng xã hội.

 

Chính vì vậy, thế hệ Z trở thành đối tượng dễ mắc phải các hội chứng tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu. Họ ngày càng trở nên đơn độc vì cứ phải gồng gánh trên vai những trách nhiệm lớn lao và cao cả, với giấc mộng khẳng định vị thế bản thân, với nỗi lo không sánh bằng bạn bè đồng trang lứa.

 

Theo Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, chỉ 45% Gen Z cho biết sức khỏe tâm thần của họ ổn hoặc rất tốt. Tất cả các nhóm thế hệ khác đều có kết quả tốt hơn về thống kê này, bao gồm Millennials (56%), Gen Xers (51%) và Boomers (70%).

 

Con số trên đã cho thấy Gen Z là thế hệ trầm cảm nhất, các thành viên của nhóm này có nhiều khả năng tìm đến các liệu pháp hoặc tư vấn sức khỏe tâm thần hơn so với các thành viên của nhóm khác. Khoảng 37% thành viên nhóm gen Z – tỷ lệ cao hơn bất kỳ thế hệ nào trước đây – cho biết đã làm việc với chuyên gia sức khỏe tâm thần.

 

Trên thực tế, số liệu được đưa ra ở hội thảo “Trầm cảm – Hãy cùng trò chuyện” (Viện Sức khỏe Tâm thần tổ chức) cho thấy, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm – nhiều hơn gấp 2,5 lần người chết vì tai nạn giao thông.

 

Rối loạn lo âu là căn bệnh phổ biến và có xu hướng tăng cao ở những xã hội phát triển. Theo định nghĩa của Viện Sức khoẻ Tâm thần thuộc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), rối loạn lo âu là một trạng thái căng thẳng cảm xúc, là sự đáp ứng không phù hợp với các kích thích của cơ thể và môi trường (cả về cường độ và thời gian). Dù không có yếu tố gây lo hoặc yếu tố gây lo đã mất đi, người bệnh vẫn còn lo lắng, căng thẳng.

 

Gen Z là một thế hệ bùng nổ trong lo âu: 50% vấn đề sức khoẻ tâm lý xảy ra ở tuổi teen (13-19 tuổi) và 75% diễn ra ở tuổi 24. 1/6 người trẻ hiện tại đang bị rối loạn lo âu.

Thế hệ Z là thế hệ được đặt nhiều kỳ vọng nhất, nhưng cũng là thế hệ mong manh nhất. Sự lo lắng triền miên dẫn tới nhiều hệ luỵ như hoảng loạn, suy sụp tinh thần, mất ngủ, đau tức ngực và khó thở, và thậm chí là tự tử.

 

Nghiêm trọng hơn, tự tử mang tính lây lan, hiện tượng này càng dễ xảy ra khi cái chết ban đầu xuất phát từ người nổi tiếng trong làng giải trí.

Sự âu lo này không chỉ đơn thuần là vấn đề y tế, mà đã trở thành một căn bệnh xã hội cần được quan tâm hơn bao giờ hết.

 

Thế hệ người trẻ lo âu đã, đang và sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực, khó khăn trong cuộc sống, khiến cho sức khỏe tâm lý của họ sẽ trở nên lung lay và bất ổn. Tuy nhiên, khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, và cuộc sống này, dù tàn nhẫn và thử thách nhường nào, vẫn sẽ luôn có hi vọng về một ngày mai tươi sáng.

 

Sống trong thời đại cởi mở, dường như nhiều bạn trẻ đang khép mình lại, có thể vì quá choáng ngợp, có thể vì chưa tìm thấy lối đi riêng. Song, chúng ta không thể mãi né tránh hay cố chịu đựng những cảm xúc tiêu cực.

Năng lượng từ bên trong mới là bộ đồ đẹp nhất, là nụ cười tươi tắn nhất mà những bạn trẻ có thể khoác lên mình.

 

Việc sử dụng những biện pháp xoa dịu tinh thần đều chỉ là nhất thời, cốt lõi của chúng vẫn xuất phát từ niềm tin vào chính bản thân.

Thật vậy, gen Z là một thế hệ dễ tổn thương, thế hệ lo âu, nhưng cũng là thế hệ có sức chịu đựng bền bỉ và khát khao chữa lành lớn nhất.

 

Chính sự áp lực từ điều kiện ngoại cảnh khiến thế hệ Z ý thức được rõ hơn ai hết tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần.

Họ sẵn sàng đón nhận thử thách, bài học để khiến họ trở nên tốt hơn, trở thành một người tròn đầy và hoàn thiện hơn.

Làm gì có thế hệ nào sẵn sàng bỏ qua định kiến để theo đuổi chất riêng của mình, để được là chính mình? Làm gì có thế hệ nào bỏ tiền để đi học một khóa thiền ngay từ độ tuổi cấp 3? Làm gì có thế hệ nào tạm tách mình ra khỏi cộng đồng để quan sát và soi chiếu bản thân?

 

Thế hệ Z là một thế hệ cá nhân, không chỉ vì xu hướng công nghệ thông tin, mà còn bởi họ muốn đào sâu và khám phá những giá trị bên trong của mình. 

Ai có thể đưa ra các quyết định làm thay đổi thế giới


AI CÓ THỂ ĐƯA RA CÁC QUYẾT ĐỊNH LÀM THAY ĐỔI THẾ GIỚI

 

Chỉ có ít quyết định có thể làm thay đổi thế giới - và những quyết định thực sự mang tính cách mạng hiếm khi do các nghiên cứu cấp Tiến sĩ đưa ra.

 

Vào năm 1995, một khoa học gia máy tính trẻ tại Đại học Stanford khi đó đang tìm cách chọn đề tài cho luận án. Anh biết rằng việc lựa chọn đề tài này có thể ảnh hưởng đến toàn bộ sự nghiệp của mình, và vì vậy anh đã lên danh sách khoảng 10 ý tưởng vốn đã thu hút sự chú ý của anh.

 

Một trong những lựa chọn đó liên quan đến mạng World Wide Web tương đối mới, vốn chỉ được phát minh ra sáu năm trước đó.

Nghiên cứu sinh này tự hỏi liệu có thể lập sơ đồ các siêu liên kết giữa các trang web hay không, giống như cách các học giả lập sơ đồ các trích dẫn.

 

Như quý vị có thể đoán ra, nghiên cứu sinh đó chính là Larry Page và đề tài của anh - ban đầu được gọi là BackRub - cuối cùng sẽ tạo thành cơ sở của thuật toán PageRank đằng sau công cụ tìm kiếm của Google.

 

Alphabet, công ty mẹ của Google hiện có giá trị hơn một nghìn tỷ đô la.

Sau này nhìn lại, thiên tài của ý tưởng này - đã thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta lướt mạng Internet và giúp Page kiếm được khoảng 100 tỷ đô la tài sản cá nhân - có vẻ hiển nhiên.

 

Tuy nhiên, cũng dễ tưởng tượng một thế giới thay thế mà ở đó thay vì ý tưởng đó Page đã quyết định chọn một đề tài khác vốn có vẻ là chất liệu hoàn hảo cho công trình tiến sĩ.

Nhìn chung, nghiên cứu cho thấy mọi người ít khi đánh giá chính xác giá trị ý tưởng của mình.

 

Điều này có nghĩa là chúng ta thường không thấy tiềm năng của những ý tưởng hay nhất của mình, khiến chúng ta bỏ qua chúng và lãng phí thời gian vào các dự án ít hứa hẹn hơn.

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về ‘Cuộc đời phía trước’ của Krishnamurti


ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA NÓI VỀ ‘CUỘC ĐỜI PHÍA TRƯỚC’ CỦA KRISHNAMURTI

 

Cuộc đời phía trước (tựa gốc Life Ahead) do First News và NXB Dân Trí ấn hành tập hợp nội dung từ các buổi diễn thuyết mà Krishnamurti dành cho những bạn trẻ sắp bước vào ngưỡng cửa đại học, sắp sửa giáp mặt với cuộc đời.

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma coi Krishnamurti tác giả của Cuộc đời phía trước là một trong những nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thời đại. Hầu như cả phương Đông lẫn phương Tây đều chào đón ông như bậc đạo sư uyên bác nhất.

Nhưng chính Krishnamurti tuyên bố mình là người không quốc gia, không tôn giáo, không môn phái, đồng thời đặt mình nằm ngoài mọi tư tưởng, mọi ý thức hệ.

 

Trong gần 60 năm, Krishnamurti đã có vô vàn buổi nói chuyện về mọi chủ đề, với thính giả từ một vài cá nhân cho đến hàng ngàn người, ở bất cứ nơi nào có người sẵn lòng lắng nghe.

Trong cuốn sách Cuộc đời phía trước mới xuất bản tại Việt Nam, ngôn từ của Krishnamurti thẳng thừng, sắc bén, đôi lúc đầy gay gắt khi chỉ trích lối giáo dục cũ kỹ, “phi nhân tính” hiện hành - điều gần như tất cả chúng ta đều đã hoặc đang trải qua.

 

Krishnamurti cho rằng việc học đúng đắn nhất thiết phải bắt đầu từ việc gạt phăng đi nỗi sợ; người học cần được đắm mình trong bầu không khí an toàn, thoải mái, giàu tình yêu từ thầy cô.

Bên cạnh đó, chính mỗi học sinh phải biết bất mãn, biết tự phản kháng: “Các em không phải là một cục bột để nhào nặn, các em không phải là một loại thạch cao để đổ khuôn”, ông gay gắt.

Theo Krishnamurti, người học phải không ngừng để ý chính mình để nhận ra nỗi sợ xuất phát bên trong lẫn từ môi trường bên ngoài.

 

Khi nỗi sợ hãi không còn, những thiên tính, xúc cảm và sự nhạy cảm nơi người học mới được đánh thức. Họ sẽ nhìn thấy được những năng lực đích thực sâu xa của mình, sẽ làm việc vì lòng yêu thích thật tâm chứ không phải vì tham vọng.

 

Đồng thời, một người không sợ hãi sẽ có đủ cởi mở và sáng tạo để đối mặt với những vấn đề, sự kiện tức thời - và họ cũng sẽ giáp mặt cuộc đời bằng một trí não biết truy vấn cùng lối tư duy tự do như thế.

Cuộc sống này tựa như dòng sông, không ngừng trôi chảy, không bao giờ đứng yên, chỉ có sự nhạy cảm và tự do mới giúp ta đối mặt được với dòng sông ấy, chứ không phải khuôn khổ hay kiến thức nào.

 

Và người tự do chính là người có trí tuệ thực sự, theo Krishnamurti, là “con người được phát triển toàn diện” mà mọi hệ thống giáo dục cần hướng đến.

 

 

Đây là cuốn sách mà bất cứ học sinh, sinh viên nào cũng cần đọc qua một lần, để những câu chữ tuôn tràn của Krishnamurti thúc ép họ suy nghĩ rốt ráo về con đường họ đang đi lẫn cuộc đời họ sắp sửa chạm mặt. 

 

Cuộc đời phía trước cũng là tác phẩm cần thiết với bất cứ thầy cô, phụ huynh hay nhà làm giáo dục nào, những người chịu trách nhiệm cho “bầu không khí không sợ hãi” quanh những học trò.

 

 Cuộc đời phía trước của Krishnamurti luôn hữu ích cho tất cả chúng ta, những người học với nghĩa rộng nhất của từ này, cũng là những cá nhân luôn muốn trở nên tự do trên mọi bình diện để tự tin đối mặt với những thử thách không ngừng diễn ra trong cuộc sống vốn đỗi bộn bề.

 

Theo thanhnien.vn