Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2022

4 tình huống cần nói "Không" với trẻ

Không chỉ nói "Không" mà cha mẹ cần giải thích vì sao trẻ không được làm việc đó. Ảnh: Parenting.

4 TÌNH HUỐNG CẦN NÓI "KHÔNG" VỚI TRẺ

Cha mẹ nào cũng muốn đáp ứng mọi nhu cầu của con cái. Nhưng có những tình huống cần phải nói "Không", vì an toàn, hay ích lợi cho sự phát triển của con cái.

Khi trẻ làm những việc nguy hiểm

Cuộc sống luôn ẩn chứa những yếu tố không an toàn, những nguy hiểm tiềm tàng mà bản thân chúng ta đôi khi nghĩ là "không có gì", ví dụ, nếu trẻ nghịch ngợm ổ điện, trèo ban công, nghịch lửa trong phòng...

Việc phòng ngừa sự cố là an toàn nhất, vậy nên cha mẹ cần kiên quyết nói "không" với tình huống trẻ nghịch dại, để trẻ hiểu đó là một việc làm không được phép, vì sự an toàn của chính chúng.

 

Tuy nhiên, thay vì gay gắt ra lệnh "Không được", bạn cũng cần giải thích cho con thấy tính nguy hiểm của sự việc, để trẻ hiểu được và tránh việc chúng lén lặp lại trò nghịch đó khi không có người lớn.

 

Khi trẻ vượt quá các quy tắc

Mỗi trẻ em đều cần được đặt ra những quy tắc nhất định, điều này không chỉ cho phép trẻ hiểu rõ hơn khái niệm đúng, sai, mà còn giúp trẻ rèn luyện tính tự giác, khả năng kiểm soát mọi vấn đề.

Nếu trẻ đòi bật tivi mới chịu ăn, mà bạn cho phép chúng, thì ngày hôm sau, cứ đến bữa ăn, chúng sẽ đòi bạn mở tivi. Vì thế, ngay khi trẻ mè nheo, cần nói "Không" và đặt ra quy tắc cho trẻ, ví dụ: ăn cơm xong mới được xem. Chính những quy tắc mà bạn đặt ra sẽ giúp củng cố, phát triển khả năng điều chỉnh hành vi của trẻ, để trẻ có thể hợp tác với mọi người.

 

Trong vấn đề này, quan trọng là phụ huynh cần phải xác định các quy tắc mà trẻ sẽ phải tuân theo, đồng thời cho trẻ biết đâu là thẩm quyền mà bé không thể kiểm soát hay vượt qua.

Ví dụ, nếu bé muốn chơi cầu trượt trong công viên mà không phải xếp hàng như các bạn, bạn cần phải nói rõ với con là "Không được", thay vì dung túng trẻ, thậm chí nói với các bạn khác thay con để bé chơi trước.

 

Khi trẻ đe dọa sự an toàn của người khác

Rất nhiều trẻ được cha mẹ nuông chiều sẽ sinh hư: nếu không được thỏa mãn ý mình sẽ đánh cha mẹ, cắn bạn bè để giằng đồ chơi... Dù đây là sự phản kháng mang tính bản năng của trẻ, cha mẹ cũng cần phải sẵn sàng nói "không".

Cần dạy cho trẻ hiểu việc làm đau người khác là không nên. Ngược lại, nếu phụ huynh không sẵn sàng nói không với trẻ mà để chúng tự do hành xử theo bản năng, dần lớn, chúng sẽ hình thành tính hung hăng, hay đi bắt nạt người khác và gây tổn hại cho những người xung quanh.

 

Khi trẻ trốn tránh trách nhiệm

Mọi đứa trẻ đều sợ bị phạt, nên không ít bé nảy sinh tâm lý sợ hãi, muốn trốn tránh trách nhiệm, thậm chí nói dối để tránh bị trừng phạt. Lúc này, cha mẹ nên chỉ cho con thấy thái độ đùn đẩy lỗi cho người khác là không nên, đồng thời hướng con đến việc nhận lỗi, sửa sai cho phù hợp.

Nhờ thế, trẻ trưởng thành mới có ý thức trách nhiệm, trước là có trách nhiệm với bản thân, sau là những người xung quanh mình.

 


Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2022


HAI VIÊN GẠCH XẤU XÍ

 

Đến miền đất mới, các vị sư phải tự xây dựng mọi thứ. Họ mua đất, gạch, mua dụng cụ và bắt tay vào việc.

Một chú tiểu được giao xây một bức tường gạch. Chú rất tập trung vào công việc, luôn kiểm tra xem viên gạch đã thẳng thớm chưa, hàng gạch có ngay ngắn không. Công việc tiến triển khá chậm vì chú đặc biệt kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chú không lấy đó làm phiền lòng bởi vì chú biết mình sắp sửa xây một bức tường tuyệt đẹp đầu tiên trong đời.

 

Cuối cùng, chú cũng hoàn thành công việc vào lúc hoàng hôn buông xuống. Khi đứng lui ra xa để ngắm nhìn công trình lao động của mình, chú bỗng cảm thấy có gì đó đập vào mắt: mặc dù chú đã rất cẩn thận khi xây bức tường song vẫn có hai viên gạch bị đặt nghiêng. Và điều tồi tệ nhất là hai viên gạch đó nằm ngay chính giữa bức tường. Chúng như đôi mắt đang trừng trừng nhìn chú.

 

Kể từ đó, mỗi khi du khách đến thăm ngôi đền, chú tiểu đều dẫn họ đi khắp nơi, trừ đến chỗ bức tường mà chú xây dựng.

Một hôm, có hai nhà sư già đến tham quan ngôi đền. Chú tiểu đã cố lái họ sang hướng khác nhưng hai người vẫn nằng nặc đòi đến khu vực có bức tường mà chú xây dựng. Một trong hai vị sư khi đứng trước công trình ấy đã thốt lên: “Ôi, bức tường gạch mới đẹp làm sao !".

 

“Hai vị nói thật chứ? Hai vị không thấy hai viên gạch xấu xí ngay giữa bức tường kia ư?” - chú tiểu kêu lên trong ngạc nhiên.

“Có chứ, nhưng tôi cũng thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép thành một bức tường tuyệt vời ra sao” - vị sư già từ tốn.

 

Đôi khi chúng ta quá nghiêm khắc với bản thân mình khi cứ luôn nghiền ngẫm những lỗi lầm mà ta đã mắc phải, cho rằng cả thế giới đều nhớ đến nó và quy trách nhiệm cho ta. Chúng ta đã hoàn toàn quên rằng đó chỉ là hai viên gạch xấu xí giữa 998 viên gạch hoàn hảo.

 

Và đôi khi chúng ta lại quá nhạy cảm với lỗi lầm của người khác. Khi bắt gặp ai mắc lỗi, ta nhớ kỹ từng chi tiết. Và hễ có ai nhắc đến tên người đó, ta lại liên hệ ngay đến lỗi lầm của họ mà quên bẵng những điều tốt đẹp họ đã làm.

 

Cần phải học cách rộng lượng với người khác và với chính mình. Một thế giới nhân ái trước hết là một thế giới nơi lỗi lầm được tha thứ.

Hãy nhìn đến cái tốt của người khác để cùng xích lại gần nhau hơn, đừng để tâm đến cái xấu của người khác để rồi gây nên sự phiền muộn, lắng lo.

Xã hội phát triển phải văn minh cả về đời sống tâm linh

MỘT XÃ HỘI ĐƯỢC COI LÀ PHÁT TRIỂN THÌ XÃ HỘI ĐÓ PHẢI VĂN MINH CẢ VỀ ĐỜI SỐNG TÂM LINH

 

Tiến sĩ Joseph Stieglitz, người từng đạt giải Noble kinh tế, phát biểu rằng “những khủng hoảng tài chính trong những năm gần đây có nguyên nhân sâu xa là do lòng tham của con người” Phát biểu này của một nhà kinh tế học rõ ràng ông đã thấy được bản chất của mọi vấn đề, không riêng gì khía cạnh kinh tế mà còn bao hàm các khía cạnh khác của cuộc sống.

Để đáp ứng các nhu cầu về vật chất, con người tạo ra vô số sản phẩm nhằm phục vụ các nhu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức các tài nguyên thiên nhiên cũng như các loài động vật đã đẩy chúng đến cạn kiệt và tuyệt chủng.

 

Lòng tham đã khiến con người ngày càng trở nên dung tục và thấp hèn. Một xã hội được coi là phát triển thì xã hội đó phải văn minh cả về đời sống tâm linh và tiêu thụ của cải vật chất. Giới hạn của lòng tham là vô tận, thế nên tinh thần sẽ không bao giờ được giải phóng khi mà lòng tham vẫn còn ngự trị, như chính đức Phật đã dạy nguyên nhân của khổ chính là dục tham (tanha).

 

Của cải vật chất mang lại cho con người những cảm giác dễ chịu, giúp con người đạt được những cảm giác thoả mãn các giác quan và cảm xúc. Rõ ràng rằng, “dục (tanha) luôn có vị ngọt”, như viên thuốc bọc đường, nếu không thấy sự nguy hiểm của việc tiêu thụ vật chất quá đà, nghĩa là không thấy được sự nguy hiểm của dục tham, chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội xa rời nó được (sự xuất ly).

Bằng con đường tâm linh, con người có thể cứu lấy cuộc đời từ những sai lầm trong việc tiêu thụ của cải vật chất, chỉ có chuyển hoá nội tâm, hướng đến lối sống vô tham thì mới giải phóng con người khỏi khổ đau, căng thẳng và bế tắc.

 

Như vậy của cải vật chất hoàn toàn chỉ là phương tiện, trong khi đó sự bình an của nội tâm phải là mục đích cứu cánh để xây dựng một xã hội lý tưởng. Của cải vật chất, ở góc độ nào đó, là phương tiện giúp con người thoả mãn các nhu cầu trong cuộc sống, nhưng sự bình an nội tâm chỉ có được bằng tuệ giác Phật, đó là sự chuyển hoá, áp dụng các phương pháp thực tập được đức Thế Tôn chỉ dạy thông qua giáo pháp (Dharma) của Ngài.

 

Khái niệm về chỉ số tăng trưởng hạnh phúc quốc gia (GNH) lần đầu được đưa ra và đã áp dụng bởi đức vua Jigme Singye Wangchuck của Bhutan năm 1972, nhằm thay thế chỉ số tăng trưởng sản phẩm quốc gia (GDP).

Với sự theo đuổi lý tưởng này, đất nước Bhutan được đánh giá là đất nước hạnh phúc nhất thế giới, mặc dù kinh tế quốc gia thì không có gì đáng kể. Với kết quả đó, chúng ta có đủ bằng chứng để minh hoạ một xã hội lý tưởng, mà ở đó, tất cả đều sống dưới sự tôn trọng tính uy nghiêm của đạo đức và chân lý (Dharma).