Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ ca. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ ca. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

Nhà thơ Việt Phương kể chuyện Bác Hồ góp ý sửa thơ

 NHÀ THƠ VIỆT PHƯƠNG KỂ CHUYỆN BÁC HỒ GÓP Ý SỬA THƠ

Nhà thơ Việt Phương cho tôi biết, là thư ký riêng giúp việc vị Thủ tướng lâu năm nhất của nước Việt Nam, ông phải "tự kiềm chế" và mất đi rất nhiều điều. Ông vốn lắm cá tính, có kiểu riêng, điệu riêng, cách riêng, thích thú riêng, và thậm chí cả ngang tàng riêng.

Vì vậy, nếu ngay đến trong thơ cũng lại đưa cho thủ trưởng duyệt nữa, thì ông không còn gì, ông không còn là mình nữa. Nàng thơ là lĩnh vực của riêng Việt Phương.

 

Máu văn nghệ sĩ có sẵn trong căn cốt của mình, từ năm 1964, ông đã tham gia một nhóm thơ. Các thành viên trong nhóm đều làm thơ chuyên nghiệp, riêng có mình Việt Phương làm thơ nghiệp dư. Họ là Vũ Quần Phương, Bằng Việt, về sau thêm Phạm Tiến Duật ở trong miền Nam ra. Phái nữ có Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi...

 

Năm 1970, tập thơ "Cửa mở" của Việt Phương ra đời thu hút ngay được sự chú ý của dư luận, không phải chỉ riêng văn đàn mà cả chính giới.

 

Sau những dích dắc liên quan tới tập thơ "Cửa mở", Việt Phương vẫn là cán bộ giúp việc Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đồng thời tham gia nhóm cán bộ giúp việc Tổng Bí thư Lê Duẩn, và là một thành viên cốt cán của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.

 

Những năm tháng ấy, Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Chính phủ ở chung với nhau. Vì vậy, nhiều lần nhà thơ Việt Phương sang giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi thì ông đọc cho Bác nghe những tài liệu trong nước và nước ngoài gửi đến để Bác duyệt; hoặc ông đọc những tài liệu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng muốn xin ý kiến Bác.

Sau những lúc làm việc xong, trong tình thân Bác - cháu, nhà thơ lại đọc Bác nghe một bài thơ ông mới viết.

 

Nhìn vào cuộc sống thấy cả mặt sáng và mặt tối. Dù trong thâm tâm mình vẫn luôn hướng về ánh sáng nhưng ông không thể làm ngơ trước cái xấu. Ông làm bài thơ dài hai trang về đời sống xã hội. Làm việc xong với Bác, ông đề nghị:

 

- Hôm nay cháu có bài thơ mới viết, xin đọc Bác nghe.

Bác Hồ hưởng ứng: "Ừ, chú đọc đi".

Nhà thơ Việt Phương liền đọc khổ thơ mở đầu, trong đó có những ý so sánh sự ác độc của người đời với loài cầm thú, kiểu như "nhăn nhở như đười ươi", "rình mò như cú vọ", "nham hiểm như cáo già", "độc ác như báo hổ".

 

Nghe xong, Bác lắc đầu và bảo:

- Không phải thế đâu chú ạ! Loài vật không xấu xa thế đâu. Đó là định kiến sai lầm của con người gán cho loài vật. Loài vật không xấu xa thế đâu. Loài vật không có như chú viết: nhăn nhở, rình mò, nham hiểm, độc ác. Không phải thế đâu.

 

Kể xong câu chuyện, nhà thơ Việt Phương nói với tôi: "Ngay mở đầu đã hỏng, tôi bỏ cả bài ấy đi. Từ đó tôi rất là thấm thía học được bài học từ Bác. Sau này dần dần cho đến lúc lớn thêm nữa, trải nghiệm, tôi hiểu ra được sự sống:

Sự sống rộng hơn sự người nhiều lắm. Sự người là từng người và cả loài người. Còn sự sống rộng hơn sự người nhiều. Trong sự sống còn nhiều những thành tố khác, những thành tố bình đẳng với con người mà con người cần tương kính, tương thân, tương ái…”.

 

Nhấp một chén trà ấm, nhà thơ Việt Phương trầm ngâm suy tư. Lát sau, ông lấy từng ví dụ để chứng minh cho tôi rõ.

 

Giáo sư Việt kiều Cao Huy Thuần đến chơi đã kể cho ông nghe câu chuyện có những nhà khoa học ở phương Tây dành cả một đời để nghe tiếng nói của từng loài cây.

Trên một mảnh đất độ phì nhiêu như nhau, khí hậu như nhau, người ta trồng một loại cây cùng một lúc, ra cùng một thứ hoa, cùng một thứ quả. Người ta tưới bón chăm sóc giống y như nhau, chỉ có một điều khác duy nhất:

Một cây họ cứ lặng yên chăm sóc, còn một cây trong khi chăm sóc thì họ nói chuyện với cây, tâm sự với cây vào lúc trời nắng, vào lúc trời mưa, vào lúc ra mầm mới, vào lúc rụng lá… Có điều gì trong cuộc sống, niềm vui, nỗi buồn họ cùng tâm sự với cây. Kết quả là cây đó ra hoa sớm hơn hẳn và có quả ngọt hơn hẳn cây kia.

 

Vợ chồng giáo sư toán học Phan Đình Diệu lại kể cho ông nghe câu chuyện về hai cây cau vua cao to trong khoảnh vườn của mình:

"Cây cau vua nhà tôi, hai vợ chồng tôi đếm đã 200 lần rơi lá, không có lần nào lá cây cau rơi xuống mà gây tổn thương hay làm hại, gây khó khăn gì cho cây ở dưới, cứ như là nó lựa chọn ấy.

Nó chọn lúc nào thì rơi, theo chiều gió như thế nào, lá rơi xuống cách ra làm sao, đi theo những đường lượn thế nào, không bao giờ gây tổn hại cho ở dưới cả. Mà đến 200 lần. Có lẽ nào lại không có một tý ý thức nào?

Tôi phải khấn và tôi phải khâm phục cây ấy. Nó tôn trọng các cây khác đến như thế".

 

Còn vợ nhà thơ Việt Phương, bà Trần Tú Lan, con gái đầu của hai nhà cách mạng lão thành Vũ Văn Tân và Nguyễn Thị Phương Hoa, có một con chó và một con mèo. Dường như có sự giao lưu giữa bà chủ với hai con vật nuôi đó rất rõ rệt. Bà nói cái gì hầu như nó hiểu cả. 

 

Cho nên dần dần tôi thấm thía được câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không phải thế đâu chú ạ. Đó là định kiến sai lầm của con người. Loài vật không xấu xa như thế" - Nhà thơ Việt Phương kết thúc câu chuyện với tôi bằng một câu đúc kết đầy tâm đắc.

 

Trích Kiều Mai Sơn (VNCA Xuân 2011)

 

 

 

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2024

Bài thơ ‘Tôi yêu em’ của Puskin

 

BÀI THƠ ‘TÔI YÊU EM’ CỦA PUSKIN

 

Puskin (1799 - 1837) là "Mặt trời của thi ca Nga". Trong cuộc đời ngắn ngủi, bất hạnh của mình, Puskin đã để lại cho đất nước Nga và cho nhân loại những áng thơ văn tuyệt vời.

Ngoài những trường ca nổi tiếng như "Ru-xlan và Lút-mi-la", "Người tù Cáp-ca", "Những người Di-gan", "Ep-ghê-nhi Ô-nhê-ghin"... Puskin còn để lại 800 bài thơ trữ tình, trong đó có nhiều bài thơ tình nổi tiếng. Bài thơ tình "Tôi yêu em" là kiệt tác của Puskin:


"Tôi yêu em; đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen;

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em".


(Thuý Toàn dịch)


Sự nhạy cảm là dấu hiệu của thiên tài. Dấu hiệu đó trước tiên biểu hiện ở việc mở đầu và kết thúc bài thơ. Nếu Puskin mở đầu bài thơ theo một cách khác thì bài thơ "Tôi yêu em" không còn là bài thơ trữ tình mà là một trường ca.

Puskin đã cắt ngang thiên tình sử để tự sự và trữ tình. Mọi biến cố, mọi xúc cảm, thời gian và không gian đều được dồn nén lại:


"Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai".


Có thể nói "Tôi yêu em..." là giai điệu chính của bài thơ. Động từ "yêu" trong nguyên tác đều dùng thì quá khứ đến hiện tại bằng hình ảnh "ngọn lửa tình". Hình tượng ngọn lửa vừa thể hiện sự nồng nhiệt của tình cảm, và diễn tả sự dài lâu, đằng đẵng của nhà thơ đối với người tình.

Lối cắt ngang thiên tình sử để giải bày như vậy khiến cho bài thơ cô đọng, hàm súc.

 

Tác giả không kể lể, chừng mực trong lối biểu hiện cảm xúc, mực thước, kín đáo là những nét nổi bật của phong cách cổ điển.

Giai điệu chính của bài thơ đã xuất hiện mà điều muốn nói chỉ mới được sửa soạn nói thôi, nghĩa là nó sẽ được nói qua những biến tấu trong giây phút thăng hoa của tâm hồn thi nhân.

 

Puskin say đắm với người tình, mải mê kiếm tìm mộng đẹp, nhưng chỉ nhận được toàn cay đắng và não nề, cái mà người tình thi sĩ kiếm tìm được lại là thơ.

"Tôi yêu em..." là thơ rồi, tôi thôi, không yêu em nữa là cũng để yêu em.

 

Thơ tình của nhân loại chưa từng thấy những lời yêu của trái tim nhân hậu như thế này:

"Nhưng không để em bận lòng thêm nữa

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài".


Tưởng chừng như Pu-skin không dụng công làm thơ mà cấu tứ thật là mới mẻ. Tình mới mà thành thơ mới, tâm hồn cao thượng mà thành thơ cao thượng. "Tôi không muốn làm em buồn vì bất cứ lẽ gì" đó là lời thơ trong nguyên tác.

 

Nhà thơ đã chấp nhận thất bại, nhưng không phũ phàng, hằn học. Biến đau thương thành tình yêu thì thật lạ. Tứ thơ lớn cho nên không cần những lời hoa mĩ, không cần các biện pháp tu từ. Lời thơ dung dị mà thấm thía.

 

Bài thơ tình phát triển theo những biểu lộ mới mẻ của tình cảm và những nghịch lí:

 

"Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

Câu em được người tình như tôi đã yêu em".

                   
Sau khi giãi bày nghịch lí của tình yêu, nhà thơ sợ người đời hoài nghi về tình yêu chân thật của mình nên lại "phải nói":


"Phải nói yêu, trăm bận đến nghìn lần".

(Xuân Diệu)

Chỉ có khác với Xuân Diệu là Puskin đã đẩy những lời yêu thương về quá khứ. Vì sao vậy? Vì bây giờ "tôi yêu em" hoặc "tôi mãi mãi yêu em" thì "em băn khoăn”, thì “em buồn” nên Puskin “phải nói”:


"Tôi yêu em âm thầm không hi vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

Tôi yêu em, yêu chân thành đằm thắm".


Nhà thơ đã chọn những chi tiết chính xác để bày tỏ lòng yêu của mình. "Tôi yêu em âm thầm", đó là một thứ tình yêu như sóng ngầm, như than hầm, nung nấu, cháy bỏng. Nhưng "không hi vọng", đây cũng là một sự thổ lộ thành thật.

 

Thời đó Pu-skin có cầu hôn với một vài cô gái quý tộc thượng lưu nhưng đều bị khước từ. Puskin cũng là dòng dõi quý tộc nhưng đã bị sa sút, còn thiên tài thì là cái gì các nàng làm sao biết được, còn thi sĩ thì đối với các nàng coi cũng như "con hát" mua vui vậy thôi.

Khốn nỗi nhà thi sĩ lại "yêu em", "tôi đã yêu em", làm sao cắt nghĩa được tình yêu, "tôi yêu em" thật thà đến "rụt rè".

 

Cử chỉ nhỏ ấy lại là thước đo của lòng thành thật trong tình yêu đấy. Và cũng tầm thường như bất cứ một chàng trai đang yêu nào trên đời này "khi hậm hực lòng ghen".


Đã nói rồi, nói lại:"Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm".


Nói lại như vậy là để nhấn mạnh những thanh âm cao vời sâu thẳm của tình yêu và cũng là để sửa soạn cho một "nghịch lí" mà cũng là một quan niệm tình yêu mới chưa từng có trên đời này nẩy nở:

"Cầu em được người tình như tôi đã yêu em".

(Nguyên văn: Cầu Thượng đế cho em được người khác yêu cũng như thế)


Tình yêu của Pu-skin nồng nàn, chân thành, đằm thắm và giờ đây còn thiêng liêng nữa. Nhưng cũng chỉ là những tình cảm nhân bản mà thôi. Ví như tính chất thiêng liêng chẳng hạn, thì người bình dân ở phương Đông, trước cả Puskin đã biết cầu nguyện cho tình yêu:

 

"Qua chùa núi Hó thắp bó nhang vàng

Xin cho bạn cũ lại hoàn như xưa".

(Ca dao)


Chỉ có tinh thần cao thượng trong tình yêu của Puskin là mới mẻ. Còn từ đông sang tây, trong tình yêu tâm lí thông thường là (Yêu nhau thì ném bả trầu, - Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra - Ca dao).


Tinh thần cao thượng của Puskin được diễn tả theo nhịp độ tăng cấp: không yêu em nữa là cũng để yêu em và cầu cho người tình (từ chối mình) được sống hạnh phúc trong tình yêu.

Minh triết tình yêu đó là điều hết sức mới mẻ và tạo ra sức hấp dẫn lạ thường. Đấy là nhân cách cao thượng của Puskin, đấy cũng là tinh hoa của nền văn học Nga, một nền văn học nhân đạo và lí tưởng.


Bài thơ "Tôi yêu em" thể hiện nhiều nét nghệ thuật tinh hoa của thơ Puskin. Lời thơ giản dị, giản dị đến mức trong suốt; hàm súc, mực thước, ít dùng mĩ từ mà vẫn gợi cảm.

Sức mạnh của nhà thơ dồn ở cấu tứ lạ lùng đã chuyển tải được tình cảm, tư tưởng mới mẻ của thi nhân.

 

Thơ tình của nhân loại chưa bao giờ được chứng kiến một thiên tình sử trong một hình thức nhỏ bé như vậy. Và cũng chưa bao giờ thơ tình của nhân loại đạt đến sự minh triết của tình yêu sáng chói như vậy.

 

Puskin xứng đáng với sự ngợi ca của nhân dân Nga là thi sĩ thiên tài và là nhà tư tưởng lỗi lạc, người mở đường cho nền văn học Nga và người đặt nền móng cho tư tưởng nhân văn cao quý trong văn học Nga.

 

vanhocvatuoitre

Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2024

Làm mới ý tưởng Ngày thơ Việt Nam

 

Nhà thơ Vương Tâm.

LÀM MỚI Ý TƯỞNG NGÀY THƠ VIỆT NAM

Ngày thơ Việt Nam đã được tổ chức rộng rãi ở nhiều nơi với nhiều hình thức, hoạt động. Nhưng với tinh thần là lễ hội mới, là sinh hoạt thơ ca thì việc sáng tạo, nghĩ ra những hình thức, hoạt động mới mẻ, đặc sắc, cuốn hút vẫn là cần thiết. Một số nhà thơ, nhà nghiên cứu chia sẻ ý tưởng với Tinh hoa Việt.

Nhà thơ Vương Tâm: Tạo sân chơi “Hội thơ”

Tôi luôn nghĩ Ngày thơ Việt Nam được coi như một ngày lễ hội mang tính chuyện biệt của một làng nghề, cụ thể ở đây là làng văn.

Mặc dù 2 năm qua, Ngày thơ được tổ chức hoành tráng ở Hoàng thành Thăng Long nhưng vẫn không để lại ấn tượng đáng chú ý. Có lẽ nội dung lễ hội ít có sự đổi mới về ý tưởng, chủ đề.

Đặc biệt nên phát huy hơn nữa Sân thơ Trẻ cho các hội viên trẻ tuổi dưới 35. Các tác giả trẻ luôn là những gương mặt thơ hiện đại với những khám phá sáng tạo mới lạ. Họ đại diện cho một lực lượng thơ triển vọng và tài năng sẽ được khẳng định trong tương lai.

TS, nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim: Kết nối không chỉ trong Ngày thơ

 Có lẽ vấn đề đổi mới Ngày thơ để có được sự cuốn hút luôn là một nỗi trăn trở của Ban tổ chức và các nhà thơ tâm huyết với Ngày thơ từ trước tới nay.

Trong thời buổi mà công nghệ số cuốn mọi thứ đi một cách nhanh chóng như hiện nay thì Ngày thơ Việt Nam đối với những người yêu thơ là một điểm dừng chân lý tưởng để nuôi dưỡng cảm xúc cho mình và lan tỏa cảm xúc ấy đến với đông đảo độc giả trẻ tuổi.

Với tư cách là một thành viên Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam, tôi cho rằng, Ngày thơ, ngoài những thành tựu được ghi nhận của các bậc trưởng lão là các cây đa cây đề thì nên dành nhiều sự ưu ái cho các tác giả trẻ.

Khuyến khích sự sáng tạo của mọi người để họ chia sẻ cảm xúc, tình yêu thơ ca, góp phần gây ấn tượng sâu sắc và khẳng định vị trí của Ngày thơ trong đời sống văn hóa tinh thần.

TS, nhà thơ Nguyễn Minh Cường: Đưa Ngày thơ đến với nhà trường

Ngày thơ Việt Nam hằng năm đã và đang trở thành một món ăn tinh thần của người yêu thơ vào dịp Rằm tháng Giêng. Mà đã là một món ăn tinh thần thì rõ ràng phải thường xuyên đổi nguyên liệu, cách thức chế biến nó mới ngon được.

Vì vậy, tôi đồng ý rằng: cần phải thường xuyên nghĩ ra những hình thức, hoạt động mới mẻ, đặc sắc, cuốn hút.

Trong thời gian tới nên có nhiều hơn những hoạt động giúp cho thơ được tương tác với công chúng như tổ chức các không gian giao lưu thơ ca theo cụm chủ đề; tổ chức thi trình diễn thơ giữa một số cơ quan văn hóa, cơ sở giáo dục, đơn vị lực lượng vũ trang...

Các địa phương có thể tổ chức ngày thơ của địa phương mình tại trường phổ thông hoặc cơ sở giáo dục đại học để thế hệ trẻ quan tâm nhiều hơn đến đời sống văn học nước nhà, bồi đắp tình yêu thi ca.