TÌNH YÊU ĐỒNG HÀNH. (COMPANIONATE LOVE)
Tuy tình yêu đam mê luôn có sức hút cháy bỏng, nhưng rồi tất cả cũng sẽ lắng xuống. Mối quan hệ kéo dài càng lâu, cảm xúc không còn trồi trụt nhiều như trước. Cao trào lãng mạn có thể duy trì được vài tháng, thậm chí là một vài năm. Nhưng không gì là mãi mãi. Sự mới lạ, sự say mê mãnh liệt, sự lãng mạn hồi hộp, cảm giác “lơ lửng trên mây”, tất cả rồi sẽ phai nhạt.
Sau hai năm kết hôn, các cặp đôi cũng thể hiện tình yêu chỉ bằng một nửa so với thời tân hôn. Sau khoảng 4 năm kết hôn, tỷ lệ ly hôn tăng cao ở tất cả các nền văn hóa trên thế giới. Nếu một mối quan hệ thân thiết kéo dài được lâu, hạnh phúc trở nên vững chắc hơn mà vẫn ấm áp. Hatfield gọi đó là loại Tình yêu đồng hành.
Không giống như các cảm xúc hoang dại cuồng nhiệt mà tình yêu đam mê mang lại, tình yêu đồng hành tồn tại ở một cung bậc trầm lắng hơn; nó là sự gắn bó, yêu thương sâu đậm qua thời gian. Khi hai người mới ở bên nhau, trái tim họ bùng cháy và niềm đam mê trong họ thật mãnh liệt.
Nhưng sau một thời gian, ngọn lửa nguội lạnh. Họ tiếp tục yêu thương nhau – nhưng theo một cách thức khác – ấm áp và nương tựa vào nhau hơn.
Sự lên xuống của tình yêu lãng mạn cũng giống như kiểu người ta nghiện cà phê, rượu bia và các loại ma túy khác. Đầu tiên, nó khiến bạn có được một cú hích lớn, có thể là cảm thấy sung sướng. Nhưng cứ lặp đi lặp lại, các cảm xúc đối nghịch sẽ thống trị và sự dung nạp tăng lên. Liều lượng sử dụng trước đó giờ đã không còn đủ để tạo nên cảm giác “phê”.
Tuy nhiên, ngưng sử dụng loại chất đó không khiến bạn trở về được như ban đầu. Thay vào đó, nó khiến bạn trải qua các triệu chứng cai – khó chịu, trầm uất, v.v… Những điều tương tự cũng xảy ra với tình yêu. Ngọn lửa tình yêu đam mê nguội dần chỉ còn âm ấm. Các mối quan hệ không còn lãng mạn, và người trong cuộc coi nó như là một điều hiển nhiên cho đến lúc nó chấm dứt.
Rồi thì những kẻ phụ tình, những góa phụ, những kẻ ly hôn ngạc nhiên với cuộc sống trống trải hiện tại khi không có sự tồn tại của những người mà trước đây họ từng gắn kết đam mê. Vì tập trung quá nhiều vào cái không thể tiếp tục, họ quên mất luôn đó là cái gì.
Sự nguội lạnh của tình yêu đam mê qua thời gian và vai trò lớn mạnh của các yếu tố khác như các giá trị mà cả hai hướng đến, có thể được nhìn thấy trong cảm xúc của những người chọn kết hôn sắp đặt so với những người kết hôn dựa trên tình yêu tại Ấn Độ.
Usha Gupta và Pushpa Singh đã phỏng vấn các cặp đôi tại Jaipur, Ấn Độ, để hoàn thành một thang đo tình yêu. Họ phát hiện ra rằng những người kết hôn dựa trên tình yêu cho biết cảm xúc yêu đương biến mất dần sau 5 năm kết hôn.
Ngược lại, những người kết hôn theo sắp đặt lại tiết lộ họ cảm thấy tình yêu sâu đậm hơn từ 5 năm sau kết hôn.
Sự nguội lạnh của tình yêu mãnh liệt thường tạo ra một khoảng thời gian vỡ mộng cho những người trong cuộc, đặc biệt là những người tin tưởng tình yêu lãng mạn là thiết yếu cho hôn nhân và tin rằng nó sẽ mãi tồn tại.
Các nhà nghiên cứu nghi ngờ “lượng ly hôn tăng đột biến trong hai thập kỷ trở lại đây là có liên quan, ít nhất là ở một mức độ nhất định, đến tầm quan trọng của các trải nghiệm cảm xúc tích cực ở mức mãnh liệt (ví dụ như tình cảm lãng mạn) trong đời sống con người, mà những trải nghiệm này đặc biệt khó duy trì theo thời gian.”
So với người Bắc Mỹ, người Châu Á có xu hướng ít tập trung vào cảm xúc cá nhân mà chú trọng hơn đến các khía cạnh thực tế trong các mối quan hệ gắn bó xã hội. Vì vậy, họ ít bị tổn thương khi vỡ mộng hơn. Người châu Á cũng ít thiên về lối chủ nghĩa cá nhân tập trung vào bản thân mà về lâu dài có thể làm xói mòn mối quan hệ và dẫn đến ly hôn.
Sự suy giảm quyến rũ mãnh liệt đôi bên có thể mang tính tự nhiên và thích nghi đối với sự tồn tại của giống nòi.
Tuy nhiên, đối với những người kết hôn từ 20 năm trở lên, một số cảm giác lãng mạn đã mất thường được làm mới lại khi mái ấm gia đình trở nên trống trải và cha mẹ sẽ một lần nữa có thể tập trung sự chú ý của mình cho nhau.
“Không có người đàn ông hay phụ nữ nào thực sự biết rõ tình yêu là gì cho đến khi họ kết hôn được ¼ thế kỷ.”
Mark Twain nói. Nếu mối quan hệ trở nên thân thiết, hai bên trân trọng và tưởng thưởng nhau, có gốc rễ từ một thời gian cũng nhau sống và chia sẻ, tình yêu đồng hành sẽ trở nên sâu đậm.
Nguồn: David G. Meyers – Social Psychology
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét