HỌC CÁCH LÀM BẠN VỚI CẢM XÚC TIÊU CỰC
TRONG CUỘC SỐNG
Mọi người thường phản ứng một cách thái quá mỗi khi gặp phải các đề tiêu cực, kiểu “tôi muốn mọi thứ luôn vui vẻ, tôi cực ghét mỗi khi nỗi buồn đến”. Song, không phải tất cả cảm xúc tích cực đều tốt và ngược lại. Nỗi buồn, giận dữ, sợ hãi, hay các trạng thái cảm xúc tiêu cực nói chung đều là những thứ hiển nhiên phải xảy ra, và dưới lý giải của khoa học tâm lý, chúng có ích hơn chúng ta tưởng.
Cảm xúc tiêu cực là một lẽ tự nhiên
Áp lực của xã hội hiện đại đặt lên con người vô vàn những loại cảm xúc, gây ra hàng loạt tác động phức tạp Một trong những lý thuyết phổ biến nhất có thể kể đến “Bánh Xe Cảm Xúc” Robert Plutchik.
Theo đó, có 8 loại cảm xúc tiêu cực phổ biến: phẫn nộ, khó chịu, sợ hãi, lo lắng, sầu não, thờ ơ, tuyệt vọng, tội lỗi. Dù là các trạng thái nào thì tất cả đều rất bình thường, diễn ra theo quy luật của tạo hóa, trong hoàn cảnh, môi trường nhất định.
Khi nỗi buồn đến, phải nói thật khó khăn để diễn tả, chậm chạp, nặng nề, từ từ rút cạn năng lượng và giảm đi động lực trong cuộc sống của mỗi người.
Hay khi sợ hãi, cơ bụng sẽ hóp lại, cơ bắp cứng đờ, tim đập nhanh, lòng bàn tay đổ mồ hôi, đầu ngón tay bắt đầu râm ran, gương mặt lộ rõ sự căng thẳng và toàn bộ cơ thể trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Không có lý do gì để kỳ thị các cảm xúc tiêu cực. Mỗi khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường, hệ thần kinh sẽ ngay lập tức truyền tín hiệu về não bộ xử lý. Nghĩa là mỗi các cảm xúc đều vai trò và chức năng riêng.
Sợ hãi là hệ thống báo động đáng tin cậy. Sự tức giận thắp lên một ngọn lửa để vạch trần bất công. Còn nỗi buồn cho chúng ta thấy những gì quan trọng nhất trong cuộc sống.
Cũng đúng thôi, bởi chúng ta buồn khi một người thân thiết qua đời, chia tay một mối tình đẹp đẽ, không đạt được thứ mình mong muốn…
Cảm xúc tiêu cực xuất hiện cũng phần nào mang đến những tín hiệu tích cực:
Động lực phát triển bản thân: theo Martin Luther King Jr: “Thước đo cao nhất của một người không phải là nơi anh ta đứng trong những giây phút thoải mái nhất mà là khi anh ta đối diện với khó khăn, thử thách”. Đối diện với buồn đau trong cuộc sống, chúng ta sẽ không còn e ngại nghịch cảnh, cố gắng thoát khỏi vùng an toàn của bản thân, tiếp cận những thách thức mới.
Thay đổi hành vi tiêu cực: nỗi đau có thể rất lớn nhưng hãy mạnh mẽ nghĩ rằng điều đó không kéo dài mãi mãi. Điều quan trọng là làm sao để duy trì sự tỉnh táo bằng các hành vi tích cực trong những tình huống khó khăn chứ không phải dùng đó làm cái cớ phạm tiếp các sai lầm. Theo Biswas-Diener và Kashdan, những người dễ cảm thấy tội lỗi ít có khả năng trộm cắp, bạo lực, uống rượu hoặc lái xe.
Đánh thức bản năng: cảm giác sầu não khiến con người mệt mỏi, nặng nề nhưng nếu bình tĩnh chấp nhận thì sẽ cảm nhận được một cách trực quan những gì đáng quan tâm trong cuộc sống, nhớ về những bài học từ sai lầm, nhắc nhở phải trân trọng những điều đáng quý, và cho phép bản thân nếm trải đủ mọi cảm xúc phong phú, để từ đó có những thay đổi mang tính “cách mạng” cho chính bản thân mình.
Chấp nhận cảm xúc tiêu cực để hạnh phúc thực sự
“Những ngày mưa tồi tệ” là một phần vốn có và không thể tránh khỏi của cuộc sống. Cuộc sống vốn nhiều khó khăn, đầy thách thức và đôi khi vô cùng tàn nhẫn. Không ai có thể trách cứ nếu một người cảm thấy cuộc sống như đang quay lưng với chính mình. Điều quan trọng là sau những cảm xúc đó, chúng ta sẽ làm gì và cách đối diện như thế nào?
Một nguyên tắc vàng để xử lý những cảm xúc tiêu cực là chấp nhận và thích ứng trong mọi tình huống. Hít hà thật sâu từng cảm xúc lúc ấy, để chúng lần lượt đi qua từng ngõ ngách cơ thể. Một lời khuyên là đừng cố giãy giụa làm gì. Chiến đấu loại bỏ chúng ra khỏi cuộc sống? Chúng ta cùng lắm chỉ có thể vung chân đá một chiếc lon trên đường để thỏa mãn sự ức chế nhất thời mà thôi.
Thay vào đó, hãy dành thời gian làm bạn, học cách sống chung, thừa nhận và hiểu lấy giá trị của từng loại cảm xúc, dù trong hoàn cảnh tiêu cực nhất. Nếu mỗi sáng đều đẹp trời thì còn gì đáng mong đợi ngày mai tới, thành công phải nỗ lực, hạnh phúc phải đấu tranh thì mới trọn vẹn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét