THIỀN TẬP LÀ CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Thiền tập là cho tất cả mọi người mà không phải chỉ cho những người thực tập. Đưa trẻ em đến trung tâm tu học là điều rất tự nhiên. Ở Làng Mai, trẻ em thực tập chung với người lớn. Thỉnh thoảng Làng mở cửa cho thiền sinh mang theo con cái đến thực tập chung với nhau.
Chúng ta chăm sóc trẻ em rất đặt biệt. Khi trẻ em hạnh phúc, người lớn cũng hạnh phúc. Có ngày tôi nghe các em nói chuyện với nhau: “Sao ở đây ba mẹ mình dễ thương quá vậy?”.
Có người thực tập được 14 năm rồi mà chưa bao giờ chỉ dẫn cho con cái thực tập. Chúng ta không thể thực tập một mình.
Chúng ta phải thực tập chung với con cái chúng ta. Nếu con ta không hạnh phúc, không thể cười được thì ta cũng không thể cười được. Khi chúng ta bước được một bước chân an lạc thì bước chân ấy không chỉ cho ta mà còn cho con cháu ta và cho cả xã hội.
Tôi nghĩ rằng sống ngoài xã hội rất khó. Nếu không cẩn trọng, ta có thể bị văng ra khỏi xã hội và một khi bị văng ra khỏi xã hội thì ta không thể làm gì được để giúp thay đổi tình trạng xã hội, không thể biến xã hội thành một nơi để có thể dễ dàng chung sống với nhau được.
Thiền tập là một phương pháp giúp ta có mặt cho xã hội. Điều này rất quan trọng. Chúng ta đã chứng kiến những người thấy mình bị lẻ loi, xa cách với xã hội và không thể hội nhập được với xã hội. Điều này cũng có thể xảy ra với tất cả chúng ta nếu ta không cẩn thận.
Tôi biết nhiều người thực tập đạo Bụt ở Mỹ rất trẻ và có trí thức. Họ đến với đạo Bụt không phải bằng tín ngưỡng mà bằng cánh cửa tâm lý. Nhiều người ở Tây phương khổ đau nhiều vì tâm lý, chính vì vậy mà họ đã trở thành Phật tử, thực tập thiền để giải quyết những vấn đề tâm lý ấy.
Nhiều người vẫn sống với xã hội, nhưng một số thì bị văng ra khỏi xã hội. Sống khá lâu trong xã hội này, chính bản thân tôi cũng thấy khó sống, không thể đi theo xã hội được. Nhiều thứ xảy ra khiến tôi không muốn làm gì cả, chỉ muốn rút về trong cái vỏ của mình.
Nhưng sự thực tập giúp tôi tiếp tục duy trì, tiếp xúc với xã hội bởi vì tôi ý thức rằng nếu từ bỏ xã hội thì tôi sẽ không có khả năng giúp thay đổi tình trạng.
Hy vọng rằng những ai đang thực tập đạo Bụt thành công, có khả năng đứng vững trên đôi chân của mình thì ở lại với xã hội. Đó là niềm hy vọng của chúng ta cho sự an lạc và hòa bình thế giới.
Cách đây hơn 30 năm, lúc đó tôi khoảng 27,28 tuổi, tôi có làm một bài thơ về một thầy tu rất đau khổ đã từ bỏ xã hội để đến trung tâm thiền tập. Vì chùa là cửa từ bi nên mọi người ai cũng tiếp đón thầy.
Khi một ai đó có nhiều khổ đau, họ tìm đến chùa chiền hoặc trung tâm tu học. Trước hết là để được xoa dịu và an ủi. Những người trong chùa có đủ từ bi để cho họ đến, cho họ một nơi để khóc. Người đó cần bao lâu, bao nhiêu năm để khóc? Chúng ta không biết. Nhưng cuối cùng họ nương tựa vào chùa, vào trung tâm tu học và không muốn trở lại xã hội nữa.
Đã quá đủ cho thầy ấy. Thầy nghĩ là thầy đã tìm thấy được một ít an lạc. Nhưng một ngày nọ tôi đến châm lửa đốt cái thất nhỏ, nơi trú ngụ cuối cùng của thầy. Theo thầy thì thầy không có gì khác ngoài cái chòi tranh đó. Thầy không có một nơi nào để đi bởi vì xã hội không phải của thầy.
Thầy nghĩ thầy phải đi tìm giải thoát cho riêng mình. Nhưng dưới
ánh sáng của đạo Bụt thì không có một cái ngã cá nhân như thế. Như chúng ta đã
biết, khi đến một trung tâm tu học chúng ta mang theo tất cả những thương tích,
những vết sẹo từ xã hội và chúng ta cũng mang theo cả xã hội. Trong bài thơ nói
trên tôi là người thầy tu trẻ đó và cũng là người đến châm lửa đốt chòi tranh.
Trích Trái Tim Thiền Tập của Thầy Thích Nhất Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét