Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2021

Một người Việt trầm lặng

 

MỘT NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG

Với tựa đề “Một người Việt trầm lặng” (tựa gốc: Un Vietnamien bien tranquille), cuốn sách viết về tiểu sử nhà tình báo lỗi lạc của Việt Nam qua cách dựng độc đáo với nhiều góc nhìn mới của tác giả người Pháp Jean-Claude Pomonti.


Thời thơ ấu

Tuổi thơ của Ẩn, ngay từ đầu đã khác thường. Ông sinh tháng Chín năm 1927 tại “nhà thương điên” Biên Hòa. Vì ở cái thị trấn nhỏ bé nơi cư trú của cha mẹ ông thời đó chỉ có mỗi một bệnh xá đặt tại cơ sở chăm sóc người bệnh tâm thần là có phòng hộ sinh. Như một linh tính, ông được cha mẹ đặt tên khai sinh là Ẩn, có nghĩa là ẩn giấu, “bí ẩn”. Ông ra đời ba năm trước khi Đảng Cộng sản thành lập trong bí mật, sự kiện đánh dấu một trong những giai đoạn quyết định trong việc thức tỉnh tinh thần dân tộc ở Việt Nam.

Khi Mặt trận Bình dân lên cầm quyền ở Pháp, Ẩn lên 9 tuổi. Thân sinh ra ông là người gốc miền Trung, là một viên chức địa chính đã ngang dọc đi suốt Nam Bộ hay Nam Kỳ lúc đó là thuộc địa của Pháp. Cha ông lấy vợ gốc Bắc, có dáng một nhà nho thấm nhuần đạo lý Khổng, Mạnh truyền thống của Việt Nam. Tuy gia đình không sung túc gì nhưng cũng cố cho con một nền giáo dục vững chắc.

Lên hai tuổi, Ẩn được gửi về cho bà nội ở cố đô Huế nuôi theo tục lệ cổ truyền, hoặc do bà muốn đỡ gánh nặng cho con, hoặc đơn giản hơn, chỉ muốn bà sống với cháu cho vui cửa vui nhà. Hai năm sau, không may bà nội mất, cậu bé Ẩn quay về sống với cha mẹ ở Gia Định, ngày nay thuộc ngoại thành Sài Gòn.

Những năm đầu đến trường, kết quả học tập không có gì khả quan. Ẩn là đứa trẻ ngoan ngoãn, “không lưu manh” như ông tự nói về mình nhưng nghịch ngợm, chơi nhiều học ít, thường trốn học đi bắn chim bằng súng cao su, mê chọi gà, và nhất là thích ngắm cá chọi trong bể cá. Có hôm cha ông bắt đổ xuống cống, ông phải nghe lời, tiếc phát khóc, chạy ra cửa cống đón cá nhưng không thấy. Ẩn thích cả chọi bò cạp. Cha ông bắt nằm sấp dùng roi mây đánh đòn. Chiếc roi mây mẹ ông mua ở chợ về nhưng chọn cái nào ngắn nhất để con đỡ đau.

“Đối với cha tôi, biếng học là tội nặng nhất!”, và ông nói thêm rằng: “Đó là một quan niệm ăn sâu từ nhiều thế hệ trong gia đình tôi cũng như nhiều người khác”.

-------

Tôi là nhân viên tình báo chiến lược chứ không phải điệp viên

Từ tòa soạn báo Time ở khách sạn Continental, Phạm Xuân Ẩn đã theo dõi các diễn biến của sự việc mà ông không có lý do gì để tham dự. Nhiệm vụ của ông đã hoàn thành. Ngay cả bây giờ đây ông không có nhiều thời gian để nghĩ tới nhưng ông đã đi hết con đường dài bắt đầu từ tuổi thiếu niên, ba chục năm về trước. Những người cộng sản không bắn vào máy bay và trực thăng nối đuôi nhau như một guồng nước chở người Mỹ và một số tay chân của họ di tản khỏi Sài Gòn vào giờ phút cuối cùng. Họ để cho người Mỹ bình yên rút chạy trong lúc năm sư đoàn Bắc Việt tăng cường sức ép tiến sâu vào vùng đông dân ở phía nam. Phạm Xuân Ẩn đã đạt tới mục đích của ông: người nước ngoài đã mất hết mọi quyền lực.

Công việc của ông, nhất là trong mười lăm năm cuối cùng đã hoàn toàn thắng lợi. Ba mươi năm sau, ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế phô-tơi trong phòng khách nhà mình, ông nói về công việc của bản thân với một giọng đầy chiêm nghiệm: “Tôi làm việc một mình, không những thu thập tài liệu, bí mật cũng như công khai, mà tôi còn phải phân tích chúng. Áp lực của Hà Nội là lớn vì cấp trên muốn bảo đảm đó phải là những tài liệu xác thực. Cung cấp cho họ chứng cứ vừa khó lại vừa nguy hiểm. Ba trăm trang tài liệu gói gọn trong mười cuộn phim phải chụp, in tráng và làm sao gửi được đến nơi nhận. Thực sự là chúng tôi thiếu điệp viên”. Chắc chắn ông không phải chỉ là “mắt xích đơn giản”.

Ông làm việc một mình, không có lưới che chắn, trong một thế giới không được cấp trên biết đến. Ông phải tự mình tổ chức một hệ thống bảo vệ, cung cấp tin và đối thoại với ông. Ngay cả với bạn bè gần gũi nhất, ông cũng phải hành động hết sức thận trọng, lượm lặt những nhận xét của họ, nhờ vào sự thông minh của họ. Ông tổ chức lưới của ông như thế nào để có thể đột nhập vào các tài liệu tuyệt mật, dù là kế hoạch tác chiến hay hỏi cung tù binh?

Về cách thu thập tài liệu thực tế, ông không bao giờ nói đến, sợ rằng - theo cách ông nói - có thể gây nguy hiểm cho tính mệnh người cung cấp ngay cả đến tận bây giờ. Ông đã từ chối nhiều giao thông viên do cấp trên đề nghị để chọn một phụ nữ can đảm mà ông khâm phục vô bờ bến.

Ngoài mẹ và người vợ ông cưới năm 1962, người nữ giao liên gan dạ ấy là người duy nhất có thể gặp ông. Vậy là có ba người đàn bà biết rõ hoạt động của ông kể từ đầu năm 1960, tức là sau khi ở Mỹ về. Vài cán bộ tình báo cộng sản đã có dịp gặp ông sau đó phải trả giá bằng bao rủi ro to lớn. Ngoài rừng Hố Bò, nơi ông thỉnh thoảng đến để trực tiếp đưa báo cáo, nhưng họ không thể tiếp xúc trực tiếp với ông.

Ẩn buộc phải tự giam mình trong thế giới tình báo đầy bí ẩn quanh co ở Sài Gòn, nơi có những hang ổ xen lẫn. Ông phải canh chừng những điệp viên hai mang, những kẻ bám đuôi, những người có nhiệm vụ thử thách hay theo dõi mình. Ông còn phải hoàn thành một công việc khó khăn hơn cả là giải thích tài liệu đã thu thập được, phân biệt đâu là tài liệu giả đâu là tài liệu thật, tránh những âm mưu cung cấp tin để đưa mình vào bẫy. Chỉ gửi nguyên các tin tức đó chưa đủ mà còn phải chụp vi phim và phân tích, bình luận trước khi giao cho liên lạc mang đi.

Ông nói với một giọng bực bội: “Hà Nội luôn đòi hỏi tôi phải cung cấp tin tức tình báo. Tôi là nhân viên tình báo chiến lược chứ không phải là một điệp viên chỉ làm công việc do thám. Thu lượm tài liệu không phải quyền hạn của tôi nhưng cũng phải có ai đó làm chứ! Tôi không thể chỉ quan tâm đến việc thu thập tin tức, đó là công việc của một thám tử nhưng những người cộng sản không phân biệt được điệp viên khác với tình báo chiến lược ở chỗ nào”. Ông ham mê phân tích và kết hợp với công việc làm báo. Ông nói: “Phân tích đòi hỏi phải hiểu biết rộng tình thế. Nếu bạn không có đủ tri thức thì làm sao đưa ra được một sự phân tích thông minh! Phải hòa nhập với tất cả trong mỗi lĩnh vực quân sự, xã hội, tài chính và tâm lý. Phải nhận thức sâu sắc về Mỹ. Và quan trọng là phải tìm hiểu ý đồ rồi mới đến hành động.

Sau cuộc tiến công Tết năm 1968, những người cộng sản cũng khá thất vọng, nhất là khi có nhiều thiệt hại về sinh mạng. Và đối với họ, thật khó mà đánh giá tình hình”. Để tóm tắt, ông nói: “Tôi biết rằng ở Sài Gòn, nhiều người bắt đầu bán nhà. Hà Nội không thể đo lường được ý nghĩa của hiện tượng này. Tôi có lợi thế là biết rõ tình hình ở cả hai phe. Tôi tự xoay xở để tiếp cận được những tài liệu cộng sản - những nghị quyết… do CIA và CIO bắt được. Tôi đọc các báo cáo thẩm vấn những người cộng sản bị bắt hay những tên đào ngũ đã chạy sang đầu hàng địch. Tôi đọc các báo cáo thẩm vấn tù binh và cả những tên đang đào hầm để có chỗ đưa pháo tháo rời vào gần đối phương”.

Trích sách Một người Việt Trầm Lặng

Theo Một Thế Giới

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét