Thứ Sáu, 26 tháng 3, 2021

Câu chuyện Thần linh đọc diêu bông, tôi chép diêu bông

THẦN LINH ĐỌC DIÊU BÔNG, TÔI CHÉP DIÊU BÔNG

Câu chuyện tình “Lá Diêu Bông” đã đi vào trong nhiều bài hát, Hoàng Cầm kể rằng từ năm 5 tuổi, ông đã rời nhà lên Bắc Giang trọ học ở nhà ông bác. Năm 8 tuổi, trong một lần về thăm nhà, cậu bé Tằng Việt bất ngờ gặp một chị hàng xóm đang trò chuyện với mẹ mình.

Lần đầu tiên trong đời, trái tim non của cậu bé ngừng lại một vài nhịp, rồi lại đập mạnh, xốn xang nhưng cảm xúc khó tả. Rất dạn dĩ, chỉ một tuần sau đó, cậu trở về nhà và gửi tặng chị hàng xóm hơn mình tận 8 tuổi một bài thơ lục bát để “tỏ tình” do chính mình sáng tác. Bài thơ được viết bằng bút mực tím trên giấy học trò và được trang trí hoa, bướm đặc biệt lãng mạn. Phía trên bài thơ là dòng chữ nắn nót của cậu bé 8 tuổi: “Em gửi chị Vinh của em”. Mối tình đó được cậu bé Tằng Việt tơ vương suốt 4 năm, đến tận khi cậu 12 tuổi, thì “chị Vinh” của cậu đi lấy chồng.

Trong suốt 4 năm đó, mọi tâm tư, tình cảm của cậu đều dành cho chị Vinh, Hoàng Cầm mới kể lại (Trích trong cuốn Tám Nhịp Tuần Du – NXB Văn Học 1999): “Trước mắt tôi, chị hiện ra rực rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi như bị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ giây phút định mệnh ấy, tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất, ất giáp, quên cả học hành sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng sang bên kia đường, xê xế nhà tôi khoảng 20 mét, nơi thiên thần của tôi ngồi bán quán nghèo...”.

Kể về khoảnh khắc đã làm nên giấc mơ “lá diêu bông”, thi sĩ Hoàng Cầm viết: “Một buổi chiều của dịp lễ Giáng Sinh năm 1934, nắng hanh vàng rộm, gió lạnh se se, thấy chị Vinh diện váy kiểu Đình Bảng, áo lụa cánh mỡ gà, bên ngoài áo ghi lê tím, bên trong yếm nhạt cánh sen, lưng thắt dải lụa đào, bước thoăn thoắt ra cánh đồng còn trơ gốc rạ dưới chân dãy núi Neo, cậu bé 12 tuổi lập tức vọt theo… Chị đi trên bờ ruộng, cứ vạch từng búi cỏ đầu bờ hoặc ở những bụi cây trên mấy gò nhỏ rồi cắm cúi tìm… Cứ thế, chị đi trước và tìm, cậu bé lẽo đẽo theo sau. Bỗng chị quay lại mắng: “Ơ hay! Sao mày cứ theo tao lẵng nhẵng thế nhỉ?”

.

Cậu bé tự ái muốn khóc, nhưng cố nuốt nghẹn bước theo chị. Hình như chị có thoáng thấy nên.. mỉm cười. Khi chị bước qua bờ ruộng khác thì cậu bé không kìm được, bật hỏi: “Chị Vinh ơi, chị tìm gì thế?” Bỗng chị quay lại, nhìn thẳng vào mắt cậu bé, giọng bỡn cợt: “Chị tìm, tìm cái lá… ấy đấy. Đứa nào tìm được cái lá… ấy thì ta gọi là chồng!”. Dù chỉ mới 12 tuổi, cậu bé cũng nhận ra chị Vinh đã thay đổi cách xưng hô, từ “tao, mày”, rồi “chị” đến “ta”. Cái lá mà chị Vinh nói có lẽ là một thứ lá có thật, nhưng rất khó kiếm… Cuối năm đó, khi chị Vinh đi lấy chồng thì cậu bé quên mất tên chiếc lá mà chị Vinh “đùa trên sự đau khổ” của mình…”

.

Chị bảo
Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng

.

Năm 1992, thi sĩ Hoàng Cầm có viết một bài báo nói về quá trình sáng tác các bài thơ nổi tiếng của mình, trong đó ông kể một câu chuyện rất ly kỳ và mang đầy dấu ấn của tâm linh về thi phẩm “Lá Diêu Bông”, xin trích lại như sau:

.

“…Về đêm mùa rét 1959, đêm nào, khi lên giường nằm, tôi cũng đã để sẵn một tập giấy trắng và cái bút chì. Nếu ngủ được thì càng tốt, nhưng thường về đêm, tôi cứ hay bị thao thức, trằn trọc vô cớ.

Quá nửa đêm, chợt bên tai vẳng lên một giọng nữ rất nhỏ nhẹ mà rành rọt, đọc chậm rãi, có tiết điệu, nghe như từ thời nào xa xưa vẳng đến, có lẽ từ tiền kiếp vọng về:

.

Tôi xoay người trong chăn về phía bên trái và ghi ngay. Giọng nữ vẫn đọc, không vội vàng mà cũng không quá chậm, và tôi ghi lia lịa trong bóng tối mờ. Đến lúc giọng nữ im hẳn, lòng tôi nhẹ bỗng hẳn, một lát sau tôi ngủ thiếp đi. Sớm hôm sau nhìn lại thì có chỗ rõ, đọc được, nhiều chỗ dòng nọ đè lên dòng kia, chữ nọ như xoá mất chữ khác. Phải mất gần tiếng đồng hồ, tôi mới tách được ra theo thứ tự đúng như những lời người nữ kỳ diệu nào đó đã đọc cho tôi viết nửa đêm hôm qua.

.

Bài Lá diêu bông ra đời như vậy, nói có người không tin, nhưng tôi nghĩ bây giờ khoa tâm thần học, vô thức luận, tâm linh học có thể lý giải được hiện tượng đó một cách rất khoa học.

.

Vậy nên, cái lá diêu bông là cái lá gì, ở đâu, nào tôi có biết. Thần linh đọc diêu bông, tôi chép diêu bông, thế thôi…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét