Thứ Bảy, 27 tháng 3, 2021

Lời khen ngợi tưới mát tâm hồn của Trẻ vị thành niên

LỜI KHEN NGỢI TƯỚI MÁT TÂM HỒN CỦA TRẺ VỊ THÀNH NIÊN

Trẻ vị thành niên cần được nghe những lời khen từ cha mẹ. Thế nhưng, điều đáng buồn là nhiều phụ huynh đã quá chú tâm đến thất bại, thiếu sót của trẻ mà không thấy được những hành động tích cực, đáng khen của chúng. Hậu quả là chiếc bình yêu thương của con họ bị trống rỗng.

Vậy nên, dù điều gì xảy ra chăng nữa thì hãy tiếp tục tìm những hành động tích cực của trẻ và trao cho chúng những lời khen ngợi, khẳng định.

Lời khen phải gắn liền với việc ghi nhận những thành quả mà con bạn đã đạt được. Hãy chú ý đến những việc làm đúng của trẻ và tưởng thưởng cho trẻ bằng những lời khen. Có hai yếu tố quan trọng trong việc đưa ra lời khen đối với trẻ vị thành niên.

Đầu tiên là sự chân thật. Trẻ vị thành niên luôn tìm kiếm và chờ đợi tính trung thực và sự chính trực ở người lớn. Bạn có thể tâng bốc chúng khi chúng mới ba tuổi nhưng việc làm này sẽ không có kết quả khi chúng đã mười ba tuổi. Nếu bạn nói với con bạn rằng: “Con đã dọn dẹp phòng của mình rất tốt” trong khi nó không hề làm như vậy thì đó thật sự là một điều nhạo báng đối với trí thông minh của trẻ.

Đặc điểm thứ hai mà bạn cần chú ý khi khen trẻ vị thành niên: Hãy khen cụ thể. Những lời khen chung chung như: “Con đã dọn dẹp phòng của mình rất tốt” thường hiếm khi có tác dụng. Sự thật thì lời khen chỉ có tác dụng trong những trường hợp cụ thể: “Cám ơn con vì đã cào lá trên sân vào thứ bảy. Nhìn thật là gọn gàng”... là những lời khen thường mang lại hiệu quả cao đối với trẻ vị thành niên. Khi đó, chiếc bình yêu thương của cậu bé đã được đổ đầy bởi cậu nhận ra rằng cha cậu rất yêu thương cậu và công sức của cậu được ghi nhận.

Những lời khen ngợi và yêu thương thường có ý nghĩa lớn hơn nếu chúng được nói khi có sự hiện diện của người khác. Chẳng hạn, một người cha nói về cô con gái mình như sau: “Mọi người có thấy con gái tôi tối nay chơi bóng tuyệt không? Con bé đã thực hiện hai cú đánh rất tuyệt vời và giúp đội giành chiến thắng đấy!”. Chắc chắn cô con gái không chỉ hài lòng về trận đấu mà còn hạnh phúc hơn rất nhiều trước lời khen ngợi của cha. Điều này có ý nghĩa sâu sắc với cô bé hơn khi người cha chỉ nói điều đó với riêng cô. Lời khen ngợi là ngôn ngữ yêu thương chính của trẻ vị thành niên. Nó sẽ tưới mát tâm hồn trẻ và giúp trẻ lấy lại được cảm giác tự tin. Và trong tất cả các ngôn ngữ yêu thương của trẻ vị thành niên, không gì quan trọng hơn những lời khen ngợi từ cha mẹ chúng.

Hãy lắng nghe những lời tâm sự của trẻ vị thành niên để hiểu rõ hơn về nhu cầu tình cảm của các em.

- Matt, 17 tuổi, thành viên của đội đô vật: “Khi con thắng, không có gì quan trọng hơn là nghe cha nói rằng: ‘Con làm tốt lắm, con trai’. Và khi con thua, không gì có ích hơn là nghe ông nói: ‘Con đã thể hiện hết khả năng của mình. Nhất định lần sau con sẽ thắng’.

- Judith, 14 tuổi: Khi cháu thất vọng về bản thân, mẹ đã nói với cháu rằng bà yêu cháu biết bao, và kể cháu nghe những điều tốt đẹp về bản thân cháu mà cháu đã không nhận ra. Cháu không thể vượt qua những khó khăn như vậy mà không có mẹ”.

Có thể thấy, đối với trẻ vị thành niên, ngôn ngữ tình yêu của lời khen ngợi luôn có ý nghĩa quan trọng. Khi cha mẹ thường xuyên nói những lời này, chiếc bình yêu thương của trẻ sẽ luôn đầy tràn.


Sức mạnh của lời yêu thương đối với trẻ vị thành niên

Hãy luôn tìm mọi cơ hội nói những lời yêu thương với trẻ vị thành niên. Nếu lời khen tập trung vào những hành vi tốt của trẻ thì sự yêu mến lại tập trung vào chính bản thân chúng. Câu nói yêu thương chứa đựng sức mạnh nhiều nhất chính là những từ rất đơn giản: “Cha/mẹ yêu con”. Ba từ này luôn thích hợp và tỏ rõ tác dụng dù có thể có lúc con cái bạn không muốn nghe những lời đó khi có sự hiện diện của các bạn của chúng.

Thực tế, trẻ vị thành niên không được lắng nghe những lời nói yêu thương từ cha mẹ thường xuyên sẽ trải qua những chấn thương cảm xúc sâu sắc khi trưởng thành.

- Có một vận động viên bóng bầu dục đã tâm sự: “Tiến sĩ Chapman ạ! em chưa bao giờ nghe cha em nói câu ‘Cha yêu con’ cả. Em muốn được ôm lấy cha một lần và nói với ông ba từ thiêng liêng đó biết bao!”. Lần đó, tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy đôi mắt ngân ngấn nước của em. Tôi biết mình có thể nói vài lời yêu thương và ôm em, nhưng chắc chắn chúng sẽ không bao giờ thay thế được lời nói và hành động của người cha.

Lời nói yêu thương cũng có thể tập trung vào vẻ bề ngoài hoặc tính cách của trẻ. “Tóc của con hôm nay thật tuyệt” có thể là trở nên đặc biệt đối với một đứa trẻ mười sáu tuổi khi nó đang phân vân không biết mình có “nhìn được” hay không. “Con thật mạnh mẽ” có thể là những lời làm thay đổi tâm trạng của một cậu con trai mười lăm tuổi đang quá quan tâm đến những nhược điểm trên khuôn mặt mình. Hãy tìm những đặc điểm hình thể nổi trội của trẻ để khen ngợi. Đó là một cách thể hiện tình cảm yêu thương rất hiệu quả.

Những lời yêu thương có thể cũng tập trung vào tính cách của trẻ: “Cha thật hạnh phúc khi con mạnh mẽ như vậy. Có thể con cho rằng mình khá nhút nhát nhưng cha thấy con rất cởi mở với mọi người, đặc biệt là khi con trò chuyện”. Hãy nói những câu nói tình cảm và có ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn trẻ. Chúng sẽ mang đến cho con bạn cảm giác có giá trị, được thừa nhận và được yêu thương.

Sở dĩ tình cảm yêu thương trở nên quan trọng đối với tuổi vị thành niên là vì nó tác động đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng. Khi không cảm nhận được tình yêu thương, trẻ sẽ cho rằng: “Không ai thực sự quan tâm đến mình cả”. Khi đó, mọi động lực để trẻ học hỏi và vươn lên sẽ tiêu tan. Chúng sẽ tự hỏi: “Tại sao mình phải đi học chứ? Dù sao thì có ai quan tâm đến mình đâu”.

Đối với một số bậc cha mẹ, việc thể hiện tình cảm yêu thương thường không dễ dàng. Vì thế, bạn nên có một cuốn sổ tay và ghi vào đó những câu nói yêu thương mà bạn tâm đắc. Bạn cũng có thể tự nghĩ ra những cách bộc lộ tình cảm riêng và thỉnh thoảng thực hành chúng với con mình. Khi cha mẹ thường xuyên nói những lời này, chiếc bình yêu thương của trẻ sẽ luôn đầy tràn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét