Thứ Năm, 11 tháng 3, 2021

Ham muốn là ý nghĩ tự phát?

 

HAM MUỐN LÀ Ý NGHĨ TỰ PHÁT?

 

Một số ham muốn được hình thành nhờ vào các quá trình suy nghĩ lý trí. Giả sử tôi muốn ăn trưa.Tôi kết luận rằng cách tốt nhất để ăn trưa là lái xe đến một nhà hàng gần đây, khi đã xét đến việc tủ lạnh nhà tôi đã hết thức ăn. Kết quả là, tôi hình thành một ham muốn lái xe đến nhà hàng. Quá trình này hợp lý một cách hoàn hảo và đáng ca ngợi.

.

Tuy nhiên, sẽ là một sai lầm nếu cho rằng mọi ham muốn của chúng ta đều được hình thành theo cách này. Ngược lại là đằng khác, nhiều ham muốn sâu sắc, có ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời chúng ta lại không có lý trí, theo nghĩa là ta không dùng đến quá trình suy nghĩ lý trí để tạo nên chúng. Quả thực, chúng ta không tạo ra chúng; mà chúng tự hình thành bên trong ta. Chúng chỉ đơn giản là xuất hiện trong đầu ta, một cách đường đột, không mời mà đến. Trong khi chúng cư trú ở đó thì chúng kiểm soát cuộc sống của chúng ta. Một ham muốn xấu/nổi loạn có thể giẫm nát những kế hoạch mà chúng ta đặt ra cho cuộc đời mình và do đó làm thay đổi số phận của chúng ta


Nếu chúng ta hiểu được ham muốn—thực vậy, nếu chúng ta hiểu được thân phận của con người—thì chúng ta cần phải thừa nhận về khả năng tự phát của ham muốn. Sau đó chúng ta hãy xem xét một số trường hợp mà cuộc sống của những con người vô cùng lý trí bỗng bị đảo lộn hoàn toàn bởi sự xuất hiện đột ngột, không thể lý giải được của ham muốn.

 

Rơi vào lưới tình là một ví dụ điển hình của một ham muốn ảnh hưởng đến cuộc sống theo cách không tự nguyện. Chúng ta không thể dùng lý trí thuyết phục mình yêu, và chúng ta thường không thể dùng lý trí thuyết phục mình đừng yêu: khi chúng ta yêu, vũ khí lý trí của ta ngừng hoạt động. Yêu cũng giống như bị cảm lạnh khi thức dậy—hoặc nói đúng hơn, giống như tỉnh dậy mà bị sốt. Chúng ta không đưa ra quyết định phải lòng ai đó, cũng như ta không quyết định mình bị cúm.


Bệnh tương tư là một tình trạng ngược lại ý muốn của ta, bởi một thế lực bên ngoài gây ra cho chúng ta. 

Khi tương tư, chúng ta mất kiểm soát đáng kể đối với cuộc sống của mình. Chúng ta bắt đầu hành động một cách ngu ngốc—quả thật, chúng ta trở thành kẻ ngốc vì yêu. Triết gia khắc kỷ La Mã Seneca mô tả tình yêu là “tình bạn bị mất trí.” Nhà cách ngôn người Pháp François duc de La Rochefoucauld tuyên bố rằng, “Mọi đam mê đều khiến chúng ta phạm phải sai lầm, nhưng tình yêu là nguyên nhân dẫn đến những sai lầm ngu xuẩn nhất.” Freud gọi bệnh tương tư là “chứng loạn thần của người bình thường.”


Mặc dù tình yêu lãng mạn có những thăng trầm qua nhiều thế kỷ, chứng tương tư dường như vẫn luôn có mặt quanh ta, mãi mãi. Thi ca của Ai Cập cổ đại mô tả về một điều gì đó không thể phân biệt được với chứng tương tư thời hiện đại. Một bài thơ, được viết cách đây hơn 3000 năm, bắt đầu như sau:

Đã bảy ngày trôi qua kể từ khi ta gặp được [tình yêu] của mình.

Căn bệnh xâm chiếm ta. Tứ chi của ta bị dẫn dắt.

Ta không còn cảm nhận được cơ thể mình.

Nếu bác sĩ đến, thì thuốc của họ chẳng thể nào chữa được con tim ta,

cũng như thầy tế lễ không thể chẩn ra bệnh tình của ta

Họ nên nói, “Đây, nàng ấy, ”sẽ chữa lành cho ta.


Robert Burton, trong tác phẩm Anatomy of Melancholy, được xuất bản vào năm 1621, nói nhiều về tương tư như một căn bệnh. Ông nhận định rằng “Trong tất cả đam mê. . .Tình yêu là đam mê cuồng bạo nhất.” Ông cũng đưa ra một phương pháp điều trị cho chứng tương tư: “Nơi ẩn náu cuối cùng và phương thuốc điều trị chắc ăn nhất, cần thực hiện nếu đã cố gắng hết sức, khi không còn biện pháp nào khác có hiệu quả, là để cho họ đi với nhau, và vui vẻ bên nhau.”


Những ai từng bị tương tư đều biết rõ các triệu chứng của nó. Đầu tiên là sự chú tâm vào một người—một cơn say nắng. Với cơn say nắng này, chúng ta mất kiểm soát một phần trong quá trình suy nghĩ của mình vì chúng ta không thể ngừng suy nghĩ về đối tượng mà mình khao khát. Chúng ta trải nghiệm cái mà các nhà tâm lý gọi là những ý nghĩ xâm nhập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét