KHOA HỌC KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ NÓI VỀ CÁCH CHÚNG TA SỐNG
Khoa học không có gì để nói về cách chúng ta sống
Không còn nghi ngờ gì nữa, khoa học và các ứng dụng công nghệ đã đem lại vô số lợi ích, nhưng nó cũng là nguồn gốc của nhiều tàn phá không kém. Mặc dù những tri thức mà khoa học đã đem lại cho chúng ta - không một mô tả có giá trị nào về thế giới tự nhiên ngày nay có thể bỏ qua những thành tựu của thuyết tương đối, cơ học lượng tử và thuyết tiến hóa của các loài - nhưng khoa học lại không có gì để nói về cách chúng ta tồn tại và sống trong xã hội. Nó không đủ để mang lại cho chúng ta hạnh phúc.
Chỉ cần quan sát dân chúng của các nước tiên tiến nhất về khoa học kĩ thuật: nếu như tiện nghi vật chất ở đó rất đầy đủ, thì tiện nghi ấy cũng không ngăn chặn được những bất hạnh về tình cảm và tâm lí. Điều này có khi lại nghiêm trọng hơn ở các nước phát triển nhất. Khoa học hiện đại đã góp phần to lớn làm giảm nỗi vất vả nhọc nhằn thường nhật của chúng ta, nhưng nó không giúp chúng ta có được hạnh phúc tinh thần. Chỉ khi làm chuyển biến được từ bên trong ta mới hi vọng đạt được sự thanh thản và hạnh phúc. Chỉ một mình khoa học thôi thì không đủ khả năng phát triển trong chúng ta những phẩm chất nhân văn mà một cuộc sống hạnh phúc cần phải có, bởi bản thân khoa học không thể sinh ra đạo lí.
Những người làm khoa học cho dù có bằng cấp cao cỡ nào, kể cã giải Nobel danh giá thì họ vẫn chỉ là một con người tầm thường nhất trong cuộc sống thường nhật. Các nhà khoa học cũng không khá hơn hay tồi tệ hơn mức trung bình của con người.
Lịch sử các khoa học đầy dẫy những mẩu truyện về các nhà khoa học lớn, lại tỏ ra rất tầm thường trong các cuộc giao tiếp. Ví dụ:
Einstein lại đi cổ vũ cho một hành động quân sự chống Hitler. Đó là bức thư ông viết cho Tổng thống Roosevelt mở đầu cho dự án Manhattan để chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên. Nhưng sau những vụ tàn phá ở Hiroshima và Nagasaki ông lại kêu gọi cấm sử dụng các loại vũ khí hạt nhân.
Trong chiến tranh Việt Nam, nhiều nhà khoa học giải Nobel tham dự vào “nhóm Jason”, một ủy ban do Ngũ giác đài thành lập để nghiên cứu và phát triển vũ khí mới.
Giữa 1932 đến 1972, 400 công nhân Mỹ ở bang Alabama, tất cả đều da đen và nghèo khổ, được sử dụng để nghiên cứu diễn tiến dài lâu của bệnh giang mai, mà không hay biết họ là những vật thử nghiệm bởi sở y tế công cộng.
Người ta hứa cho những bệnh nhân sự săn sóc thuốc men miễn phí và vài quyền lợi nhỏ nhoi khác (như 5000 USD dùng vào việc chôn cất) với điều kiện họ phải thường xuyên đến cơ sở y tế để xét nghiệm–thực sự họ không được chữa chạy gì cả. Thật ra chỉ là một cuộc nghiên cứu diễn tiến của bệnh giang mai không chạy chữa do các bác sĩ và các nhà khoa học đáng kính tiến hành và sau đó công bố kết quả trên những tập san y học. 28 bệnh nhân đã chết vì chứng bệnh, 100 người khác chết vì những biến chứng thứ phát, 40 người vợ và 19 trẻ sơ sinh lây nhiễm. Việc nghiên cứu bị gián đoạn thình lình khi sự việc được phát giác bởi một nhà báo nữ Jean Heller. Không có một nhân viên nào của sở y tế ngỏ lời xin lỗi, không có một bác sĩ nào bị truy tố. Chỉ có một sự đền bù nhỏ được dành cho các nạn nhân và chỉ đến năm 1997 Tổng thống Bill Clinton mới đưa ra lời xin lỗi nhân danh dân tộc Hoa Kỳ. …
Trích : Vũ trụ và hoa sen của Nguyễn Xuân Thuận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét