Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

Sai lầm về tiền bạc phụ nữ thường mắc phải


SAI LẦM VỀ TIỀN BẠC PHỤ NỮ THƯỜNG MẮC PHẢI

Tiêu tiền thiếu khôn ngoan

Chẳng có thời điểm nào là không tốt cho việc đi mua sắm cả. Nhưng dù sao, tiêu tiền bừa bãi cũng là một cản trở lớn trong việc đạt được những mục tiêu tài chính.

Sai lầm 1: Chìm trong nợ nần

Nghiên cứu về lý do tại sao mọi người lại tích lũy nợ nần cho thấy tình trạng này có dính líu nhiều đến sự tự tôn của họ hơn là liên quan đến số tiền họ kiếm được.
Bí quyết hành động:  Chỉ đi đến cây rút tiền tự động mỗi tuần một lần.

Sai lầm 2: Tiêu tiền để giải tỏa cảm xúc

Có hai loại chi tiêu cảm tính. Một loại là kiểu mua sắm những thứ hấp dẫn đối với bạn và mang lại cảm xúc. Loại còn lại là sử dụng tiền để giải tỏa tâm lý. Sai lầm này tập trung vào loại thứ hai.

Chi tiêu cảm tính là một cách thức ngắn hạn để giải quyết vấn đề mang tính dài hạn. Thiếu khả năng ngăn chặn nhận diện cảm xúc khiến bạn mua sắm cảm tính sẽ góp phần đẩy bạn lấn sâu hơn vào lối đi tốn kém này.

Bí quyết hành động: Đừng đi mua sắm khi bạn đang cảm thấy bị tổn thương tình cảm; Loại bỏ sự bốc đồng trong chi tiêu.

Sai lầm 3: Mua hàng theo cảm tính

Đa số chúng ta đều có trải nghiệm chi ra một khoản tiền lớn, sau đó nhận ra rằng mình đã mắc sai lầm. Hầu như bất kỳ việc gì được thực hiện khi có sự điều khiển của cảm xúc đều khiến bạn cảm thấy ân hận về sau.

Bí quyết hành động: Cân nhắc xem bạn sẽ phải làm việc bao nhiêu giờ để có đủ tiền mua món đồ đó; Đừng bao giờ sử dụng tiền tiết kiệm hay quỹ hưu trí để thực hiện việc mua sắm cảm tính.

Sai lầm 4: Mua sắm 24/7

Mạng Internet có thể là một phương án tiết kiệm thời gian tuyệt vời. Tuy nhiên, điều không hợp lí ở đây là bạn c ó thể làm việc này vào thời điểm mà bạn không kiếm được chút tiền nào!

Bí quyết hành động: Đọc catalogue. Hãy cứ đọc nó, đánh dấu những trang có chứa sản phẩm mà bạn quan tâm, sau đó bỏ qua chúng tầm một đến hai tuần, cân nhắc xem bạn có còn thật sự cần những sản phẩm đó hay không.

Sai lầm 5: Mua sắm bốc đồng

Một thất bại của nhiều phụ nữ chính là không có khả năng điều chỉnh sự chi tiêu bốc đồng. Khi chúng ta có thói quen mua sắm bốc đồng, những người bán hàng thực sự điều khiền được chúng ta. Họ biết được tâm lý của người mua và biết rằng sức mạnh ý chí cũng không tác dụng gì trong thời điểm này.

Bí quyết hành động: Lên danh sách những thứ cần mua trước khi đi mua sắm.

Sai lầm 6: Không phân biệt giữa mong muốn và nhu cầu

Đàn ông có xu hướng mua những thứ có giá trị lớn, nhưng số lần giao dịch ít hơn nhiều. Phụ nữ thường thích mua những thứ mà họ muốn và vào thời điểm mà họ muốn.
Bí quyết hành động: Tập trung vào những thứ tự ưu tiên của bạn.

Sai lầm 7: Đầu hàng trước áp lực xã hội

Một người nào đó tặng quà cho bạn trị giá khoảng 50 đến 100 đô la, bạn có thể có cảm giác rằng bạn cũng phải đáp lại món quà có giá trị tương tự.

Một dạng áp lực xã hội khác là nhu cầu "giữ hình tượng". Bất kỳ khi nào bạn tiêu tiền nhiều hơn dự định, tức là bạn đang phải chịu áp lực xã hội.

Bí quyết hành động: Theo dõi ngân quỹ của bạn; Lựa chọn trong đầu những món quà gắn với từng người.

 Sai lầm 8: Hội chứng công việc đầu tiên

Những phụ nữ trẻ mới ra trường khi nhận được khoản thù lao đầu tiên thường không tránh khỏi sai lầm này. Nó được coi là "khoản tiền chùa". Họ tiêu nó!

Bí quyết hành động: Hãy cho phép mình trích một phần nhỏ từ phần còn lại của thu nhập sau khi chi trả các hoá đơn để sử dụng nó như "khoản tiền bốc đồng".

Sai lầm 9: Tiêu tiền để “tiết kiệm” tiền

Một nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có xu hướng mua đồ giảm giá gấp năm lần đàn ông và mua những thứ họ không cần gấp 2 lần đàn ông.

Bí quyết hành động: Theo dõi những khoản chi tiêu ngoài dự tính.

Sai lầm 10: Không dành thời gian để nghiên cứu

Dù mua một chiếc xe hơi hay một cái máy tính, bạn không nên chi ra bất cứ số tiền nào mà bạn khó khăn lắm mới kiếm được trước khi bạn biết chắc chắn là bạn đã có được mức giá tốt nhất.

Bí quyết hành động: Tìm kiếm trên mạng những trang web cho phép bạn so sánh giá cả; Hãy đợi đến lúc giảm giá.

--------------

Theo Nice Girls Don’t Get Rich - Tác giả: TS Lois P.Frankel

Tiến sĩ Lois P.Frankel là chủ tịch Công ty Corporate Coaching International có trụ sở tại thành phố Pasadena, bang California của Hoa Kỳ, chuyên tư vấn đào tạo lãnh đạo cấp cao, phát triển kỹ năng lãnh đạo và xây dựng kỹ năng nhóm.



Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Vị thế của bạn là do sự lựa chọn của bạn

VỊ THẾ CỦA BẠN LÀ DO SỰ LỰA CHỌN CỦA BẠN

 

Mỗi sự lựa chọn trong đời đều dẫn đến vị thế của chính bạn sau này

Một cậu con trai đã hỏi bố khi đi qua ngã tư đường rằng: "Tại sao có người phải đứng phơi nắng giữa đường phát quảng cáo, lại có người thì được ngồi trong cửa hàng hưởng máy lạnh ạ?"

Người bố trả lời: "Đó là lựa chọn của họ."

 

Cậu con trai tiếp tục hỏi: "Vậy sao họ không chọn ngồi trong phòng điều hòa nhỉ?"

Người bố giải thích: "Lựa chọn mà bố nói không dựa vào hiện tại, mà là sự lựa chọn từ nhiều năm trước của họ cơ. Còn bây giờ, không phải dễ có thể thay đổi lựa chọn của mình."

 

Không chỉ cậu bé trai mà có lẽ, rất nhiều người trẻ bây giờ đều chưa hiểu đạo lý này. Đa số thanh niên ngoài kia chỉ cần kiếm được công việc đã tự thấy mình giỏi giang, chỉ cần nhận lương mỗi tháng đủ nuôi sống mình thì đã hài lòng với hiện tại. Ít ai tự hỏi bản thân rằng: Đến năm 30 tuổi, vị thế của mình sẽ nằm ở đâu?

 

Nếu được hỏi "Sau khi tan sở, bạn có làm thêm việc ở nhà hay không?", đa phần giới trẻ đều lắc đầu từ chối. Họ cho rằng công việc và nghỉ ngơi phải được duy trì ở mức cân bằng để có được sức khỏe ổn định nhất, cho nên, sau khi hết giờ làm, họ không bao giờ mang thêm công việc về nhà giải quyết.

Cho dù công việc còn chưa giải quyết xong, họ vẫn có thể gác lại đến hôm sau và tình nguyện bớt thời gian để bản thân có thể vui chơi giải trí.

 

Cho dù đang ở thời tuổi trẻ sung sức, sức khỏe đỉnh cao, cuộc sống của đa số thanh niên vẫn rập khuôn như vậy, lặp đi lặp lại mỗi ngày mà không có gì đổi mới. Thay vì hăng hái chinh phục những đỉnh cao mới lạ của cuộc đời, họ lại chọn cho mình cách sống an nhàn, ổn định như các cụ già bước vào tuổi nghỉ hưu.

Để đến khi thời gian qua đi, tuổi trẻ đã hết, họ mới bắt đầu thấy buồn chán. Những tháng ngày "không làm gì cả" nhìn qua tưởng chừng có vẻ sung sướng, nhưng thực chất đó là thời gian bất ổn nhất của đời người.

 

Ai cũng chỉ có một lần tuổi trẻ duy nhất trong đời, bạn đừng đốt cháy nó một cách lãng phí bằng những sự lựa chọn chỉ mang tính an nhàn, ổn định trong lúc có thể chịu khó chịu khổ nhất, để rồi tương lai không có gì phải nuối tiếc.

Cuộc đời bắt đầu từ những ước mơ

CUỘC ĐỜI BẮT ĐẦU TỪ NHỮNG ƯỚC MƠ

Trong nhiều năm, sự vận động lớn nhất mỗi ngày của tôi là lên giảng đường và về nhà. Gen nhà tôi rất xấu. Ba tôi qua đời năm 45 tuổi vì đột quỵ, mẹ qua đời năm 62 tuổi vì tiểu đường và ung thư gan, còn anh trai vừa qua đời năm 63 tuổi vì tim yếu.

Năm nay tôi 61 tuổi và tôi có ước mơ thực hiện hành trình đạp xe xuyên Việt. Đó không phải là một quyết định dễ dàng, tôi đã phải dành rất nhiều thời gian để tập trung rèn luyện sức khỏe, bù lấp vào các điểm yếu thể trạng do công việc và có yếu tố di truyền của mình.

 

Cuối cùng, tôi hoàn thành chuyến đi xuyên Việt an toàn, khỏe mạnh và có được rất nhiều trải nghiệm tuyệt vời dọc dài đất nước. Tất cả vì tôi có ước mơ.

Chúng ta đều có ước mơ. Để hiện thực ước mơ, chúng ta phải đi qua vô số những nỗi lo sợ. Nhưng bao nhiêu người dám làm?!

 

Nhìn lại cuộc đời tôi là chuỗi những ước mơ và nỗ lực thực hiện các ước mơ đó.

Xuất thân trong một gia đình nghèo, nhà có 9 anh em. Năm tôi 11 tuổi, ba bị liệt nửa người nên tôi phải đi bán thuốc lá ở bến xe lam Gò Vấp, sau đó về Lái Thiêu (Bình Dương) cày mướn, làm nông thuê để phụ lo cho gia đình.

Mỗi bữa gia đình tôi chỉ ăn cơm độn khoai mì (sắn). Đói. Không có ăn nên tôi không dám mơ cao sang. Tôi chỉ ước ao có một đĩa cơm tấm đầy ắp thịt và được ăn một mình hết đĩa cơm đó mà không phải chia cho anh em.

 

Ước mơ vốn không có giới hạn, nhưng kiến thức và trải nghiệm của bạn sẽ mở ra các biên độ của giấc mơ.

Tôi đến Mỹ năm 19 tuổi, không người thân, không ngôn ngữ, không hiểu văn hóa. Bản năng thôi thúc tôi, nhắc nhở tôi "phải sống, phải tồn tại". Tôi cũng ghi khắc sâu vào tâm khảm câu nói của ba: "Học để thoát nghèo con ạ!".

 

Khi được theo học năm cuối trung học tại Mỹ, tôi thấy mình bắt đầu có cơ hội. Hiểu câu dặn dò của ba, tôi tập trung hoàn toàn vào chuyện học. Nhưng điều này thực sự không hề đơn giản với một đứa trẻ không thân thích ở xứ người.

Tôi nhận thức rất rõ muốn tồn tại và phát triển ở đất nước này phải giỏi gấp 2 - 3 lần so với người bản xứ cùng trang lứa.

 

Từ đây, ước mơ của tôi bắt đầu tăng lên thêm một bậc. Tôi muốn vào đại học. Chỉ có học mới giúp mở mang kiến thức, và trải nghiệm giúp mình mở ra ước mơ. Nếu không học có lẽ mãi mãi tôi cũng chỉ mơ có đủ ăn đủ mặc.

Vì vốn liếng tiếng Anh ít ỏi nên tôi không đủ tiêu chuẩn vào đại học. May thay các thầy cô ở trường trung học viết thỉnh nguyện thư một trường đại học gần nhà ba mẹ nuôi sau khi họ từ chối hồ sơ.

Tôi được nhận vào học thử một năm kèm điều kiện phải chứng minh được năng lực trong năm học đầu tiên.

 

Vào được đại học rồi, tôi tìm việc làm thêm để có đủ trang trải và đứng trước hai sự lựa chọn: (1) Làm việc khó ít tiền nhưng có cơ hội học hỏi (như làm việc trong phòng thí nghiệm); (2) Làm việc dễ lại có nhiều tiền (như làm việc ở nhà hàng). Đa số sinh viên chọn cái dễ, còn tôi vì muốn có cơ hội học hỏi nên tôi chọn cái khó. Tôi nghĩ, vào làm việc tại phòng thí nghiệm sẽ học được điều gì đó.

Sau đó tôi có cơ hội làm việc tại phòng thí nghiệm của GS. Mark Gordon (học trò của John Pople, người nhận giải Nobel năm 1998). 

Trong khi sinh viên thường chọn bạn bè cùng trang lứa thì tôi chọn ở xung quanh nghiên cứu sinh, tiến sĩ, những người giỏi hơn mình nhiều bậc. Tôi nỗ lực học hỏi từ tương tác với họ.

 

Sau bốn năm đại học, tôi ra trường với bằng cử nhân hóa học hạng giỏi, cùng các bằng phụ, Toán, Vật lý, công nghệ thông tin, và sém cầm thêm bằng xác suất thống kê, cùng 4 bài nghiên cứu tương đương một luận án tiến sĩ. Một ước mơ mới mở ra với tôi: Đi học Cao học!

Lúc ở Việt Nam, tôi có nghĩ đến ước mơ này không?!  Thưa không.

Lúc mới đến Mỹ, có ước mơ này không?!  Thưa, không.

 

Sau bốn năm đại học, vì tôi biết nghiên cứu nên mới mơ học cao học. Thầy tôi, GS. Mark Gordon khuyên: "Em hãy chọn một sư phụ giỏi chứ không nên chọn trường". Và lời khuyên này đã mở ra hành trình nghiên cứu khoa học của tôi.

Vào cao học, ước mơ của tôi lại lên một tầm cao mới.

Học cao học phải trải qua rất nhiều thử thách, nhưng cuối hành trình ấy tôi lại có thêm nhiều sự lựa chọn. Hoặc đi làm cho công ty, hoặc đi dạy.

Người thầy hướng dẫn của tôi, GS. Andy McCammon (học trò của GS. Martin Karplus, Nobel Prize 2013) khuyên nên theo con đường học thuật, trở thành giáo sư khi trên tay tôi đang cầm lá thư mời nhận việc nghiên cứu cho doanh nghiệp với lương cao.

 

Tôi đắn đo lắm, không tự tin với chính mình nhưng thầy đưa ra một nhận định ngắn gọn: "Em ra làm doanh nghiệp là một mất mát lớn cho khoa học và giáo dục Mỹ". Tôi nhìn ông và hỏi: "Thầy nghĩ thế à?". Ông chỉ gật đầu.

Tôi run lắm, nhưng tôi tin thầy tôi. Sau đó, tôi được nhận làm giáo sư của Đại học Utah (Mỹ).

 

Ngày đầu tiên đến Mỹ vào năm 1980, tôi chỉ có một bộ áo quần. Đến cuối năm 1990, tôi cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ danh giá, được nhận học bổng nhà khoa học trẻ tài năng bình chọn bởi National Science Foundation (Mỹ).

Năm 1992, tôi trở thành giáo sư phụ giảng tại Đại học Utah (có Khoa hóa được xếp hạng 30 - 40 trên toàn cầu); năm 1994 được bình chọn bởi NSF (Quỹ khoa học quốc gia Mỹ) là một trong những nhà khoa học trẻ có tiềm năng nhất nước Mỹ.

 

Sau khi trở thành giáo sư đại học, có phòng thí nghiệm riêng, có học trò, một ước mơ mới lại mở ra với tôi, chính là nghiên cứu khoa học và có những công trình nghiên cứu khoa học giá trị.

Ước mơ vốn không có giới hạn, nhưng ước mơ của bạn sẽ bị giới hạn bởi kiến thức và trải nghiệm bạn có. Chỉ khi bạn bước khỏi một tầng, mới mở ra tầng cao hơn. Cứ như vậy, leo lên càng cao thì ước mơ càng xa hơn và tầm nhìn cuộc đời sẽ dài hạn hơn. Ước mơ của tôi không còn là đĩa cơm tấm và thoát nghèo. Nó đã khác xa nhiều rồi. Việc học đã mở ra cho tôi những chân trời mới.


Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống. Bill Gates, Steve Job, tôi, và các bạn, ai cũng chỉ có mỗi ngày 24h. Sự khác biệt nếu có chỉ là cách chúng ta sử dụng 24h đó như thế nào. Tất cả đều nằm trong sự lựa chọn của bạn. Chúng ta cần dành mỗi ngày 8h để ngủ, sử dụng 2/3 thời gian còn lại như thế nào sẽ ảnh hưởng đến tất cả những gì sau này của bạn.

Cuộc đời là chuỗi sự lựa chọn. Chọn cái mốc này, ngã rẽ này, sẽ dẫn ta đến những cột mốc tiếp theo. Và thường thì chúng ta đi tiếp chứ ít khi quay lại.

 

Vậy các bạn cần chuẩn bị những gì, nhất là khi tuổi đời còn trẻ? Hãy dám ước mơ và hành động. Trong không gian an toàn, chúng ta sẽ khó mà học hỏi được gì. Bước ra khỏi không gian đó, chúng ta bắt đầu học hỏi, trải nghiệm cái mới, thu thập kinh nghiệm cuộc sống. Không phải tất cả kinh nghiệm, trải nghiệm đều hạnh phúc. Cuộc đời có thành công và thất bại. Quan trọng là chúng ta học được gì từ những thất bại đó, khi lặp lại sẽ làm tốt hơn.

Trải nghiệm sẽ cho bạn sự tự tin. Bạn học bao nhiêu lý thuyết trong trường lớp vẫn chỉ là kiến thức trong bạn. Cho đến khi bạn trải nghiệm, bạn sử dụng nó, thì mới thực sự là học.

Lời khuyên của tôi là, khi còn đi học nên đi tìm những câu hỏi để biết cuộc đời cần gì. Hãy mở biên độ ước mơ của mình rộng ra và suy nghĩ về việc làm gì với 24 giờ của mình.

 

Tìm cơ hội trải nghiệm, biết mình có thể sai và ứng dụng trong cuộc sống. Khi bước ra khỏi vùng an toàn mới đến vùng phát triển. Một ngày nào đó quay đầu nhìn lại, chúng ta sẽ thấy cuộc đời mình đáng sống và giá trị.

……

Tác giả: Giáo sư Trương Nguyện Thành có bằng Tiến sĩ Hóa tính toán tại Đại học Minnesota năm 1990. Ông nhận học bổng hậu tiến sĩ từ National Science Foundation. Năm 2002, ông trở thành giáo sư chính giảng dạy môn Hóa học ở Đại học Utah.

Năm 2017, ông tạm nghỉ và về Việt Nam làm Hiệu phó Đại học Hoa Sen, rồi Hiệu phó tại Đại học Văn Lang ở TP HCM.  Hiện ông dành thời gian tư vấn cho các tổ chức giáo dục.

 

Ành: GS Trương Nguyện Thành trong hành trình đạp xe xuyên Việt, tháng 9/2022 (Ảnh: NVCC)