Thứ Bảy, 29 tháng 4, 2023

Cách sống của người thông thái


CÁCH SỐNG CỦA NGƯỜI THÔNG THÁI: 

20 KHÔNG SO, 30 KHÔNG TRANH, 40 KHÔNG THAM, 50 KHÔNG CẦU, 60 KHÔNG SẦU

Bất kể có ở vào độ tuổi nào, đều phải biết cách đưa ra lựa chọn, biết cầm lên thì cũng phải biết buông xuống, có vậy mới không lãng phí thời gian, khiến bản thân phải hối hận.

 

Đời người dài đằng đẵng, già đi là dung nhan, tăng lên là tuổi tác. Dung nhan khác nhau, khí chất khác nhau; tuổi tác khác nhau, lĩnh ngộ khác nhau.

 

20 tuổi, không so sánh, cứ là chính mình

20 tuổi là độ tuổi hiểu chuyện, cũng là khi áp lực với bản thân là ít nhất. Ở độ tuổi này, chúng ta rất dễ rơi vào cái bẫy "đứng núi này trông núi nọ".

Ngưỡng mộ những gì người khác có, dán mắt vào những thứ không thiết thực, mà không nghĩ xem có hợp với mình hay không. Kết quả chính là, làm việc gì cũng nhanh chán, thường xuyên "buông con bỏ chợ", đợi tới lúc quay đầu lại mới phát hiện ra, bản thân đã lãng phí không biết bao nhiêu thời gian đáng quý.

 

Ở tuổi 20, nếu bạn có thể kiên trì xây dựng cho mình một nền tảng kiên cố, nó sẽ là tiền đề cho những bất ngờ trong tương lai.

20 tuổi, đừng nghĩ quá nhiều, làm đã rồi hãy nói. Nghiêm túc, nỗ lực, vậy là bạn đã vượt qua rất nhiều người cùng tuổi rồi.

 

30 tuổi, không tranh, quản cho tốt tính nóng nảy của mình

Chúng ta ở tuổi 30, đã trải qua một số chuyện, nhìn thấu một vài người, hiểu ra được rằng đâu là điều quan trọng nhất, đâu là thứ chẳng có ý nghĩa gì.

Có đủ sự nhẫn nại với những chuyện và người xung quanh, không phải chuyện gì cũng tranh cãi, so đo, tính toán tới cùng, cũng không dễ dàng nóng nảy, cáu giận. Bởi lẽ nóng giận không giải quyết được vấn đề, mà sẽ chỉ càng làm gia tăng mâu thuẫn hơn mà thôi.

 

Khi bạn không còn lãng phí thời gian đi tranh cãi, yên tĩnh tự lắng đọng lại bản thân, thứ bạn muốn, năm tháng đều sẽ cho bạn.

Tâm tĩnh khí hòa, khoan dung độ lượng, đây mới là phương thức đối nhân xử thế đúng đắn nhất của người ở tuổi 30.

 

40 tuổi, không tham, biết thỏa mãn

Ở tuổi 40, bất kể là thể lực hay tinh thần đều không còn được như trước, có rất nhiều chuyện đều lực bất tòng tâm. Lúc này, phải học cách làm phép trừ cho cuộc sống: trừ bớt dục vọng, khát khao, học cách biết thỏa mãn.

 

Mất đi rồi, bình thản mà nhìn nhận; thất bại, sớm mà vực lại tinh thần; có được, đừng quá đắc ý; thành công cũng luôn khiêm tốn. Bất kể chuyện tốt hay chuyện xấu, thuận lợi hay khó khăn, cũng đừng nghĩ ngợi linh tinh, luôn đón nhận với một sự lạc quan và bình thản hết sức có thể.

 

Bước vào tuổi 40, phải học cách thỏa mãn, trừ bớt đi những dục vọng vật chất, phàm là chuyện gì cũng không quá cưỡng cầu. Trân trọng những gì đang có ở hiện tại, trân trọng khoảng thời gian được ở bên gia đình, đây chính là hạnh phúc giản đơn và thiết thực nhất ở độ tuổi này.

 

50 tuổi, không cưỡng cầu, mọi chuyện tùy duyên

Bước vào tuổi 50, cái nên có sớm đã có, cái không có được thì học cách bình thản mà buông xuôi.

Đời người chính là như vậy, những cái gặp nhưng không có được, những sự bất lực vốn dĩ tồn tại rất nhiều. Buông bỏ chấp niệm, chấp nhận sự không hoàn hảo, có vậy bạn mới gặp được phong cảnh đẹp hơn.

 

Phàm là chuyện gì cũng không cưỡng cầu, mới có thể nắm bắt được hiện tại, mới không phụ lòng những thứ đã có được.

 

60 tuổi, không âu lo, mỉm cười với cuộc sống

Bước qua tuổi 60, phương thức sống tốt nhất chính là mỉm cười với cuộc sống. Những chuyện đã trải qua trong nửa đời trước nói với chúng ta rằng, ưu sầu sẽ chẳng thể giải quyết được bất cứ vấn đề gì, chi bằng mỉm cười đối diện với phần đời còn lại.

Con cháu có cái phúc của con cháu, không cần phải chăm chăm lo lắng cho chúng.

 

Mọi thứ xung quanh, mọi phiền não, tất cả đều do một chữ "tâm" mà ra, "tâm" ra sao, cuộc đời y như vậy.

Mỉm cười đối diện với cuộc sống, chính là trí tuệ sống cao cấp ở tuổi 60, và cũng là phần thưởng xứng đáng nhất cho những vất vả của những năm tháng trước đó.

 

Độ tuổi khác nhau, lựa chọn khác nhau.

Năm tháng khác nhau, cuộc đời khác nhau.

Mong bạn có đủ trí tuệ để sống một đời thong thả yên vui.

Tìm được cho mình câu trả lời thỏa đáng nhất trong thực tiễn cuộc sống này.

 

Doanh nghiệp và tiếp thị

Nhớ ngày giỗ Tổ Hùng Vương


NHỚ NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

Là người Việt mấy ai không thuộc câu ca dao: "Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba". Câu ca dao cho thấy ý nghĩa thiêng liêng và gần gũi của ngày giỗ Tổ Hùng Vương trong tâm thức của người Việt qua bao thế hệ.

Ngày 6/12/2012, kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra ở Paris (Pháp), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua quyết định ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của dân tộc Việt đã vượt ra khỏi ranh giới quốc gia để trở thành di sản văn hóa chung cần được bảo tồn và gìn giữ của cả nhân loại.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đại diện cho truyền thống uống nước nhớ nguồn đã hình thành trong tâm thức của bao thế hệ người Việt trải dài qua hàng ngàn năm lịch sử ở một quốc gia trải qua vô vàn cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). nhắc nhở con cháu nhớ về tổ tiên, nguồn cội, lối sống có trước có sau và nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc. Không chỉ nhớ ơn các vị vua Hùng, người Việt các thế hệ sau này còn ghi ơn công lao của những người đi trước.

Thực tế đã chứng minh ở những thời điểm đất nước đối mặt với khó khăn chính là khi tinh thần đoàn kết được nêu cao. Điều này có thể thấy ở bất cứ cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền nào của người Việt kéo dài suốt chiều dài lịch sử.

Truyền thống thờ Tổ tiên bắt nguồn từ việc biết ơn đối với cha mẹ, ông bà nên trong mỗi gia đình đều có bàn thờ gia tiên, đền thờ Tổ của dòng họ, thờ thành hoàng làng ở từng làng xã và đến cấp độ cao hơn là thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng.

Dân tộc nào trên thế giới cũng có nguồn cội của mình nhưng chỉ có người Việt Nam cùng thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng. Nó đã trở thành một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của Việt Nam và góp phần tạo ra hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh Việt Nam.

Có lẽ chính vì vậy mà người Việt luôn có được một sức mạnh đoàn kết phi thường để đương đầu với nghịch cảnh, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng tìm được cách vượt qua và vươn lên. Giữ gìn khí tiết dòng máu lạc hồng, xây dựng đất Việt đời đời bền vững.

 


 


Thứ Sáu, 28 tháng 4, 2023

Thứ tự sinh ra trong gia đình ảnh hưởng thế nào đến “vận mệnh” cuộc đời bạn?


THỨ TỰ SINH RA TRONG GIA ĐÌNH ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN “VẬN MỆNH” CUỘC ĐỜI BẠN?

Những người con cả có xu hướng làm lãnh đạo, trong khi những người con thứ cân bằng các mối quan hệ rất tốt. Con út trong gia đình có thường là những người hài hước và có thể trở thành nghệ sĩ.

1. Con cả luôn sẵn sàng để thành công

Tác giả Jeffrey Kluger của cuốn sách Ảnh hưởng của thứ tự anh chị em đối với cuộc sống cho rằng: "Những đứa con cả đến với thế giới này trong sự nuông chiều của cha mẹ. Họ có khuynh hướng nghiêng về tự do hơn, họ lớn lên với ý thức rằng bản thân là trung tâm của gia đình". Vì thế, những người con cả thường có xu hướng đảm nhận các vị trí lãnh đạo.

 

Một khảo sát với 1.582 giám đốc điều hành năm 2007 cho thấy, 43% số họ là con cả trong gia đình. Một cuộc khảo sát với phạm vi hẹp hơn cũng cho kết quả tương tự, những người làm con cả sáng lập công ty hoặc tổ chức chiếm 55% so với phần còn lại.

 

Những đứa trẻ lớn nhất trong nhà cũng có xu hướng có chỉ số IQ cao hơn, luôn chú tâm và thận trọng hơn trong mọi việc. Họ cũng thường có mức lương cao hơn khi đi làm, theo nghiên cứu của Career Builder.

"Các nghiên cứu dựa trên dữ liệu của các CEO chỉ ra rằng, những người là con cả có xu hướng điều hành công ty của họ một cách thận trọng, cải tiến mọi thứ bằng cách sắp xếp các dòng sản phẩm, đơn giản hóa các tuyến phân phối và đảm bảo mọi thứ hoạt động đúng giờ", Kluger viết.

Elon Musk, Richard Branson và Jeff Bezos đều là những người con cả và họ đều là những CEO thành công.

 

Những người là con một trong gia đình có tính cách kha khá giống con cả, nhưng những phẩm chất của họ lại nổi lên mạnh mẽ và đôi khi tiêu cực hơn. Họ không chỉ là một người thủ lĩnh tuyệt vời mà còn là một kẻ theo chủ nghĩa hoàn hảo tuyệt đối.

 

2. Con thứ là người của sự hòa đồng, gắn kết

Những người là con thứ có khuynh hướng bị ảnh hưởng tính cách bởi anh chị hoặc em của mình. Kluger viết: "Những người con ở giữa khá phức tạp. Họ có thể chịu ảnh hưởng từ hành vi của anh chị cả hoặc em út. Họ có sự pha trộn tính cách của các thành viên khác trong gia đình".

 

Nghiên cứu từ Đại học Redlands, California cho biết, những đứa trẻ ở giữa tập trung nhiều hơn vào các mối quan hệ, đó là điều tốt cho sự nghiệp khi trưởng thành. "Quản lý tốt các mối quan hệ là điều quan trọng nhất trong hầu hết mọi công việc: Kết nối, đàm phán và môi giới các bên khác nhau. 

Những người là con ở giữa có thể không trở thành lãnh đạo doanh nghiệp nhưng dù làm gì đi nữa, họ vẫn sẽ làm việc chăm chỉ hơn, kết nối mọi người tốt và kết quả là thành công hơn", Kluger viết trong cuốn sách của mình.

 

Katrin Schuman, đồng tác giả cuốn sách Sức mạnh bí mật của những người con thứ: Làm thế nào để trẻ khai thác những khả năng đáng kinh ngạc cho rằng, những người con ở giữa là con người của xã hội, các nhà thương thuyết giỏi, suy nghĩ đột phá và sáng tạo. Cô chỉ ra những ví dụ điển hình như Madonna, Martin Luther King Jr., Charles Darwin, và Abraham Lincoln.

 

3. Những đứa con út phá vỡ luật lệ

Theo Kluger, con út trong gia đình thường là người nhỏ nhất, yếu nhất trong nhóm. Điều đó làm cho họ nổi loạn hơn (có thể là để lật lại, chống đối những người đi trước). Tuy nhiên, con út cũng sẽ là đứa trẻ vui vẻ, hài hước nhất, thu hút nhất so với các anh chị lớn hơn.

Nếu bạn không có sức mạnh, vị thế lớn, bạn cần học cách thu hút người khác bằng sự "quyến rũ" dễ thương, hoặc nổi loạn. Bạn có thể chỉ cần là một em bé nhưng cũng đủ để khiến anh/chị bạn vui vẻ. Bạn có để ý thấy rằng nếu bạn càng cười đùa, nói giỡn ngây ngô và làm những điều ngốc nghếch như một đứa trẻ, thì mọi người sẽ thấy vui vẻ và mong muốn được che chở bạn hơn?

 

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Đại học California, Berkerley và Guildford, những người làm con út có xu hướng thích các môn thể thao mạo hiểm hơn các anh chị ruột. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn trong thế giới việc làm. Những người là con út có thể tậu một con tàu mới hoặc phát minh ra một thứ hoàn toàn khác để thay thế những thứ cũ chứ không tìm cách cải tiến, cải thiện mọi thứ.

 

Một nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng, những người là con út có tính cách thoải mái hơn, thú vị hơn. Những người con út dễ có xu hướng trở thành một nhà văn, một nghệ sĩ hay một diễn viên hài hơn.

 

Ví dụ điển hình là Stephen Colbert - một diễn viên hài, người dẫn chương trình, chính trị gia và nhà văn người Mỹ được biết đến với phong cách hài châm biếm, dí dỏm. Sinh năm 1964, anh là con út trong gia đinh gồm 11 người con.

 

Tuy nhiên, những người con út cũng khá cả thèm chóng chán, họ sợ bị từ chối và ít khi chú tâm vào thứ gì được dài lâu. Những người con út có đầy đủ phẩm chất của một người truyền cảm hứng tuyệt vời, nhưng đôi khi họ cũng có thể trở nên tâm trạng, ích kỉ và dễ nổi nóng.

 

Business Insider