Thứ Năm, 2 tháng 2, 2023

Định nghĩa về tình yêu của những nghệ sĩ nổi tiếng


ĐỊNH NGHĨA VỀ TÌNH YÊU CỦA NHỮNG NGHỆ SĨ NỔI TIẾNG

 

Mỗi người có một cách yêu khác nhau, vì vậy, định nghĩa về tình yêu của mỗi người cũng khác. Nhưng, tất cả đều hướng đến hạnh phúc và kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho nhau.

 

Chúng ta yêu quý những nghệ sĩ nổi tiếng bởi nhan sắc, tài năng và lối sống tích cực của họ. Nhiều nghệ sĩ được khán giả lắng nghe và tôn trọng bởi quan điểm sống thú vị và truyền cảm hứng. Khi nói về tình yêu, họ cũng để lại dấu ấn đặc biệt vì cách suy nghĩ mới mẻ, sâu sắc. Hãy cùng lắng nghe xem những nghệ sĩ mà bạn yêu quý định nghĩa thế nào về tình yêu?

 

BIẾT YÊU MÌNH ĐỂ CÓ THỂ YÊU NGƯỜI

– SCARLETT JOHANSSON.

 

“Tôi luôn tin rằng bạn nhất định phải yêu bản thân mình trước rồi mới có thể yêu được người khác. Tôi nghĩ đó cũng chính là thứ đã nuôi dưỡng cho những mối tình cảm động nhất trên thế giới này”.

 

Một phần quan trọng trong tình yêu đích thực chính là việc bạn có thể đem lại những giá trị tốt đẹp cho người mình yêu. Chỉ khi bạn yêu bản thân mình, hiểu được giá trị của bản thân thì bạn mới có thể cho người bạn thương những điều tốt nhất.

 

YÊU LÀ CAN ĐẢM

- MADONNA.

 

“Can đảm nghĩa là yêu ai đó vô điều kiện và không kì vọng điều gì cho bản thân mình” – Madonna.

Không phải ai cũng có thể dốc hết lòng mình để yêu một ai đó và chỉ mong người ấy hạnh phúc. Chỉ có tình yêu chân thành và vẹn nguyên nhất mới có thể hóa thành sự can đảm, giúp chúng ta vượt qua những nỗi sợ, bất an để mang lại hạnh phúc cho người mình yêu.

 

YÊU LÀ CÙNG NHAU VƯỢT QUA BÃO GIÔNG

– OPRAH WINFREY.

 

“Nhiều người muốn cùng bạn ngồi trên chiếc xe Limo đắt tiền. Nhưng bạn chỉ cần ai đó giúp bạn bắt chiếc xe buýt mà thôi”. Đây là câu nói nổi tiếng của Oprah Winfrey trong một bài phỏng vấn cho tạp chí People khi được hỏi về bí quyết hạnh phúc với Stedman Graham.

 

Khi chúng ta xinh đẹp, lộng lẫy, sẽ có nhiều người muốn ở cạnh bên chúng ta. Nhưng chỉ có người yêu ta thật lòng mới sẵn sàng ở bên khi ta ốm đau và khó khăn. Câu nói của Oprah nhắc nhở chúng ta rằng giữa vô vàn người đi qua cuộc đời, hãy tỉnh táo chọn đúng người có thể ở bên mình suốt đời.

 

TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC GIỐNG NHƯ NHỮNG HÒN THAN LUÔN CHÁY ÂM Ỉ

– BRUCE LEE.

 

“Tình yêu giống như tình bạn được tiếp thêm ngọn lửa. Ban đầu là một ngọn lửa rất đẹp, nóng bỏng và dữ dội, tỏa ra những tia sáng lấp lánh. Khi tình yêu già đi, trái tim chúng ta cũng trưởng thành và tình yêu khi đó trở thành những hòn than mãi cháy âm ỉ, không bao giờ tắt”.

 

Đối với huyền thoại Lý Tiểu Long, anh định nghĩa về bản chất của tình yêu đích thực chính là tình tri kỉ khi được tiếp thêm lửa đam mê. Nếu đam mê và khát khao chính là khởi đầu, kéo hai người xa lạ đến bên nhau thì sự thấu hiểu và đồng cảm như những người tri kỉ chính là điều giúp cho ngọn lửa tình yêu luôn cháy mãi.

Và một tình yêu đã trưởng thành sẽ không còn lấp lánh, ồn ào nữa mà trở nên trầm lặng nhưng sâu sắc vô cùng.

 

Theo Elle

“Thuận theo tự nhiên” là cách sống của người trí tuệ

“THUẬN THEO TỰ NHIÊN” LÀ CÁCH SỐNG CỦA NGƯỜI TRÍ TUỆ

Tục ngữ nói: “Cố tình trồng hoa, hoa không nở. Vô tâm cấy liễu, liễu thành rừng”. Trong cuộc sống, rất nhiều khi cưỡng cầu mong có được thì lại bị mất đi, giống như nắm cát nằm trong tay, nắm càng chặt thì nó rơi càng nhanh. 

Cổ nhân nói: “Sống chết có số, phú quý do trời”, bởi vậy hết thảy sự tình trong cuộc sống thuận theo tự nhiên là lựa chọn tốt nhất. Con người sở dĩ phiền não phần lớn đều là vì lo được lo mất, hoặc là canh cánh trong lòng một số sự tình nào đó. Người ta thông thường đều là ở trong cường điệu bản thân quá mức hoặc truy cầu quá nhiều rồi không đạt được mà đánh mất đi sự khoái hoạt, tường hòa vốn có, mà rơi vào đau khổ.

Mọi việc không cần phải cố ý đi thể hiện, dùng tâm thái bình thản, tự nhiên để xử lý các sự tình trong cuộc sống, hết thảy thuận theo tự nhiên mới có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. Nếu khi gặp khó khăn, tìm không ra phương pháp giải quyết tốt nhất, chúng ta nên để nó thuận theo tự nhiên.

Phàm là việc gì, khi làm mà canh cánh trong lòng mong muốn đạt được kết quả như ý thì thường lại bị thất vọng. Không cầu, thuận theo tự nhiên mà làm, tự nhiên lại đạt được kết quả như ý. Đây chính là điều mà cổ nhân nói: “Không cầu mà tự được”.

Thái Tương là nhà chính trị, nhà văn, nhà thư pháp nổi tiếng thời Bắc Tống. Ông có một bộ râu rất rậm nên mọi người thường gọi ông là “Mỹ nhiêm công”. Tống Nhân Tông rất thích bộ râu của Thái Tương nên có một lần hỏi đùa ông rằng: “Không biết ban đêm khi ái khanh ngủ, chòm râu này đặt ở trong hay ở ngoài chăn bông?”

Thái Tương nghe thấy câu hỏi này thì giật mình vì chính ông cũng chưa bao giờ để ý đến điều đó. Vì thế, ông không thể trả lời được.

Đêm đó, khi Thái Tương ngủ, ông hết đặt chòm râu ra ngoài chăn rồi lại cho vào trong chăn. Cuối cùng, cả đêm ông không ngủ được vì không biết nên đặt ở trong hay ở ngoài cho thích hợp nhất.

Về sau, ông mới tìm ra được đáp án tốt nhất, đó là lúc bình thường căn bản không cần để ý, râu ở bên trong chăn hay ở bên ngoài chăn, hãy để nó thuận theo tự nhiên là hơn hết.

Kỳ thực, con người ngủ như thế nào, thức dậy như thế nào đều là việc rất tự nhiên. Nếu trong lòng có chấp nhất, gượng ép thì lại thành ra trái với tự nhiên. Một khi đã trái với tự nhiên thì làm sao có thể có được sự thoải mái?

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, một con chó nhỏ không ngừng chạy vòng quanh mà đuổi theo cái đuôi của mình. Sau một hồi chạy đuổi như thế, sức cùng lực kiệt, nó nằm dưới đất thở hổn hển.

Bỗng có một con chó lớn đi qua, hỏi nó đã xảy ra chuyện gì. Con chó nhỏ đáp: “Một người bạn đã nói cho tôi biết, nếu tôi có thể đuổi được cái đuôi của mình thì tôi vĩnh viễn có được hạnh phúc và khoái hoạt. Cho nên, tôi mới đuổi theo cái đuôi của mình mà bị sức cùng lực kiệt như thế này.”

Con chó lớn thở dài một tiếng rồi nói: “Lúc ta còn trẻ, cũng được nghe qua người khác nói như vậy, ta cũng làm như vậy mà sức cùng lực kiệt giống như ngươi bây giờ. Nhưng khi ta theo đuổi khoái hoạt và hạnh phúc thì nó lại vĩnh viễn không ở trước mặt ta. Trái lại, khi ta không tận sức truy đuổi, hết thảy đều để thuận theo tự nhiên mới phát hiện ra rằng hạnh phúc và khoái hoạt nguyên là ở phía sau, ngày đêm đi theo ta.”

Hạnh phúc và khoái hoạt là một phần của cuộc sống, chỉ là rất nhiều người thế gian không biết thưởng thức như thế nào. Rất nhiều người mỗi ngày đều truy đuổi danh lợi, địa vị và hưởng thụ vật chất khiến tinh thần mệt mỏi sức lực cùng kiệt mà vẫn không đạt được niềm hạnh phúc và khoái hoạt thực sự.

Người ta không biết được rằng rất nhiều thứ trong cuộc sống chỉ có thuận theo tự nhiên mới có thể đạt được, cưỡng cầu là không thể được và khoái hoạt cũng là như vậy. Cảnh giới cao nhất của nhân sinh chính là không cầu mà được. Phàm là việc gì cũng không nên cố ý cưỡng cầu, thuận theo tự nhiên, tùy ngộ mà an, vận khí tốt và hạnh phúc sẽ thuận theo đó mà đến.

                                                                                                                                     

 

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2023

Cách Jim Forest tìm được sự an lạc nơi lao tù


CÁCH JIM FOREST TÌM ĐƯỢC SỰ AN LẠC NƠI LAO TÙ

 

Bên Mỹ có một anh chàng rất thân với tôi. Tên anh là Jim Forest*. Anh ta ở trong tổ chức Catholic Peace Fellowship.

 

Ngày xưa anh ta đã đốt thẻ trưng binh chống chiến tranh Việt Nam và đi ở tù hơn 1 năm. Hồi đó, nghe anh ta ở tù, tôi hơi ngại, bởi tánh anh ta rất hoạt động, nôn nóng muốn hành động, sợ không kham nổi sự tù túng trong phòng giam.

Tôi viết cho anh một lá thư rất ngắn rằng: “Hãy nếm trái quít của anh, hãy hợp nhất với trái quít của anh, bởi vì ngày mai trái quít ấy không còn nữa”.

 

Tôi không ngờ câu nói của tôi có hiệu quả. Ba năm sau hồi tưởng lại chuyện ấy, Jim viết: “Câu ấy giúp cho tôi nhiều hơn là thầy có thể tưởng tượng!” Nhờ câu ấy mà tôi tìm được sự an lạc nơi lao tù, làm bạn được với lao tù và sống trong lao tù những ngày lợi lạc”.

Jim đã tìm được tự do trong lao tù, khôi phục được thì giờ và sự sống của mình ngay trong lao tù.

 

Mùa đông năm kia Jim qua đây chơi. Tôi thường hay rửa bát sau khi ăn cơm xong trước khi lên ngồi uống trà. Một tối Jim đòi rửa bát. Tôi nói “rửa thì rửa nhưng phải biết cách rửa” Jim nói: “bộ Thầy nói tôi không biết cách rửa chén hay sao?”,

Tôi nói: “Có hai cách rửa chén. Cách thứ nhất là rửa để cho rửa xong, cách thứ hai là rửa không phải để cho rửa xong”. Jim thích quá nói “Tôi sẽ chọn cách thứ hai, rửa chỉ để rửa mà thôi”. Từ đấy Jim hay giành rửa chén. Tôi giao “trách nhiệm” cho anh ta trong cả tuần.

 

Sau đó trở về xứ, anh đã tuyên truyền “chủ nghĩa rửa chén để mà rửa chén” trong nhiều bài báo. Anh ta tuyên truyền nhiều quá, ngay cả trong gia đình nữa. Khiến Laura cười bảo anh “ở dưới bếp chỉ còn chén bát sạch, nếu anh thích rửa bát để mà rửa bát quá như vậy thì sao anh không xuống đem chén bát sạch ra mà rửa lại một lần nữa đi”.

 

Hồi tôi còn làm “Điêu” tại chùa Từ Hiếu, cách đây 30 năm, rửa chén bát không phải là một việc làm dễ chịu lắm đâu nhé! Vào những mùa an cư, hai người trực nhật phải nấu cơm và rửa bát có khi cho cho hơn 100 thầy. Xà phòng không có, chỉ có tro trấu và bẹ dừa mà thôi.

Ngồi trước một đống chén bát lớn như vậy rất nản. Nhất là nhằm mùa đông phải nấu một nồi nước nóng khá lớn mới rửa được vì nước lạnh, lạnh buốt.

 

Bây giờ đứng rửa bát trong bếp, có xà phòng nước, có tissus Metalliques, có nước ấm chảy dưới tay mình, thật là dễ chịu hơn nhiều quá. ấy vậy mà ai đã rửa bát ai cũng muốn rửa thật mau cho xong, để mà lên ngồi chơi, có nhiều bà đòi chồng mua cho được cái máy rửa chén. Thiều à! cái máy giặt tôi còn chịu được (Mấy năm ở ngoại quốc tôi chỉ giặt bằng tay chứ còn cái máy rửa chén thật tình tôi không chịu nổi. Các bà ở quê mình sẽ chép miệng ‘Mèng đéc ơi, làm biếng đến vậy là cùng …

 

Theo tinh thần của kinh quán niệm thì trong khi rửa bát mình chỉ nên rửa bát mà thôi: có nghĩa là khi rửa bát mình có ý thức được rằng sự kiện chính mình đang rửa bát? Mới nghe qua thì thấy buồn cười. Rửa bát thì có gì hay ho đâu mà tập trung ý lực vào đấy nhiều như thế. 

 

Nhưng quả thực tất cả sự hay ho là nằm chỗ đó nghe Thiều. Sự kiện tôi đứng đây rửa và rửa những cái bát này là một sự kiện mầu nhiệm. Tôi hoàn toàn là tôi, làm chủ được hơi thở tôi, ý thức được sự có mặt, ý thức tâm, ý thức ý và hành động của tôi.

 

Tôi không bị động trong hoàn cảnh như một cái nút chai bị những đợt sóng trên mặt biển vùi dập và lôi kéo, tâm ý tôi không tán thất trong loạn tưởng như một mớ bọt biển trên đầu sóng, tan nát thảm thương khi làn sóng đập đầu vào ghềnh đá.

Trích Phép lạ của sự tỉnh thức – Thích Nhất Hạnh

 ----------------

*Jim Forest qua đời vào 13 /01/2022 ở tuổi 80 tại quê hương Alkmaar

Ông đã hoàn thành loạt bài Eyes of Mercy: Học hỏi từ Thích Nhất Hạnh . 

(Một sự trùng hợp kỳ lạ là Thích Nhất Hạnh qua đời ở tuổi 95 chỉ sau Jim vài ngày.)