Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Cuộc sống hiện đại ngày càng mệt mỏi nên đừng vội phán xét người khác


CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI NGÀY CÀNG MỆT MỎI NÊN ĐỪNG VỘI PHÁN XÉT NGƯỜI KHÁC: LỜI NÓI CÓ THỂ TẠO NÊN NHỮNG VẾT THƯƠNG TỒN TẠI CẢ ĐỜI!

 

Năng lực nhận thức là nhân tố quan trọng trong đời sống. Không chỉ trẻ con cần có năng lực nhận thức để nhận biết về thế giới xung quanh mà chính người trưởng thành cũng cần có nó để phân biệt thị phi, đúng sai.

 

Là một cư dân hiện đại, thường xuyên tiếp xúc với các mạng lưới xã hội trên Internet, chúng ta cũng có thể bắt gặp vô vàn thông tin đa dạng, phong phú nhưng không được kiểm chứng một cách rõ ràng. Trong vô số thông tin tràn lan trên các trang mạng trực tuyến, rõ ràng chỉ phần ít có chứa nội dung đúng sự thật, nhưng vẫn có không ít người tin theo.

 

Theo James Coan, nhà tâm lý học tại Đại học Virginia tại Hoa Kỳ, nghiên cứu cho thấy rằng khi chúng ta nghe một thông tin hoặc một ý tưởng hoàn toàn mới, não bộ sẽ tin trước, sau đó mới tìm kiếm những ký ức liên quan để kiểm chứng tính chính xác của thông tin đó.

 Vì vậy, hoạt động thông thường của não bộ khiến chúng ta dễ dàng tin tưởng một vấn đề trong thời gian rất ngắn.

 

Đây cũng là lý do tại sao ấn tượng đầu tiên đóng vai trò quan trọng, thường có thể quyết định đánh giá của chúng ta về toàn bộ một người, một sự vật, hiện tượng nào đó và được lưu giữ rất lâu trong tâm trí.

Nhưng nhìn chung, đại đa số các ấn tượng đầu tiên đều phải trải qua quá trình thay đổi hoàn toàn khi chúng ta tiếp cận, tìm hiểu sâu hơn về chính con người, sự vật hoặc hiện tượng đó.

 

Lấy ví dụ như, Khi nhìn một thiếu niên ăn mặc ngổ ngáo, mặt mày lầm lì, ấn tượng đầu tiên của mọi người có thể là "Vừa trông đã biết là bọn hư hỏng, đú đởn ăn chơi, chẳng biết lo học hành gia đình gì cả".

Nhưng thực tế chính chàng trai đó là đứa trẻ mồ côi, đã phải tự bươn chải kiếm tiền từ khi còn nhỏ để chi trả học phí của chính mình.

 

Tại sao chúng ta dễ có những suy nghĩ ban đầu như vậy? Là do tiếp cận những thông tin hời hợt từ báo đài, truyền thông đại chúng, từ những câu chuyện xã giao mỗi ngày.

Và tại sao những ấn tượng ban đầu rất dễ trở thành định kiến sai lầm? Vì chúng ta thường sợ sự thiếu hiểu biết. Khi bắt gặp những hiện tượng nằm ngoài sự hiểu biết, con người sẽ bắt đầu bản năng phòng thủ, nảy sinh tâm lý nghi ngờ, từ đó hình thành tính bài xích.

 Khi hiện tượng đó bị số đông bài xích, tự nhiên nó trở thành định kiến, tạo ra những suy nghĩ và hành vi phân biệt đối xử.

 

Đừng nghĩ rằng phân biệt đối xử chỉ là chuyện nhỏ, nghĩ sai có thể nghĩ lại, nhưng lời nói ra ngoài như bát nước đổ đi, làm sao có thể rút lại?

Có rất nhiều cuộc sống đã âm thầm biến mất trên thế giới này chính vì lối suy nghĩ và cư xử đầy định kiến của cả cộng đồng.

Tất cả đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, năng lực nhận thức không đầy đủ về một con người, sự vật và hiện tượng nào đó.

 

Phải nhớ rằng, người xưa đã có câu: "Biển học vô bờ". Vũ trụ rộng lớn bao nhiêu thì tri thức mà con người chưa thể chạm tới càng lớn bấy nhiêu. Chẳng nói đâu xa, ngay chính bản thân mình cũng còn chưa thể hiểu thấu, thì lấy đâu ra năng lực để phán xét những người xung quanh?

 

Do đó, tốt nhất hãy giữ một thái độ khiêm tốn, luôn sẵn lòng học hỏi, tìm hiểu tất cả mọi thứ. Đừng nghĩ rằng ấn tượng đầu tiên thì luôn là ấn tượng đúng.

Cho dù bây giờ nó được coi là đúng theo nhận thức số đông, nhưng có lẽ đến một ngày nào đó, tất cả nhận thức đó đều được chứng minh hoàn toàn ngược lại. 

 

Ví dụ điển hình nhất chính là trường hợp của Galileo Galilei đã từng bị buộc tội vì ủng hộ học thuyết Copernicus cho rằng Trái Đất là một hành tinh quay xung quanh Mặt Trời trong khi tất cả mọi người thời bấy giờ đều tin rằng Trái Đất mới là trung tâm của vũ trụ.

Nhà toán học, triết học và thiên văn học thiên tài đã bị giam cầm suốt phần đời còn lại vì tội ủng hộ dị giáo. Tuy nhiên, khoa học sau này đã giúp ông tìm lại được sự thực xác đáng, khẳng định phần nào trí tuệ và năng lực nhận thức của một thiên tài.

 

Vậy nên, đừng ngăn cản bản thân lắng nghe và học hỏi những điều chưa biết. Đừng bao giờ mù quáng tự cho rằng những gì mình biết đều là đúng đắn vĩnh hằng. Bởi vì cuối cùng, chính những kiến ​​thức này sẽ ảnh hưởng đến phán đoán, quyết định của chúng ta.

 

Chỉ một phần trăm không chính xác trong số thông tin đó cũng kéo theo cả thất bại đau đớn để đời, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai về sau.

 

Con người khi mới sinh thì mềm mại, mà khi chết thì cứng ngạnh


CON NGƯỜI KHI MỚI SINH THÌ MỀM MẠI, MÀ KHI CHẾT THÌ CỨNG NGẠNH

 Lão Tử viết: “Nhân chi sinh dã nhu nhược, kỳ tử giả kiên cường”.

Con người khi mới sinh thì ai cũng mềm yếu, mà khi chết thì cứng ngạnh.

Lão Tử cũng viết: Vạn vật cây cỏ mới sinh thì mềm dịu, mà khi chết thì khô héo.

Bởi vậy, cứng và mạnh là bạn của chết, mềm và yếu là bạn của sự sống.

Cứng và mạnh ở bậc dưới còn mềm và yếu là ở bậc trên, cũng giống như “lấy nhu khắc cương”, “lấy mềm mại nhu hòa thắng cứng ngạnh”.

 

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Tầm nhìn tương lai của Nikola Tesla đã thành hiện thực


TẦM NHÌN TƯƠNG LAI CỦA NIKOLA TESLA ĐÃ THÀNH HIỆN THỰC

 

Nikola Tesla sinh ra tại Smiljan, ngày nay, Smiljan là một phần của Croatia. Cậu thiếu niên Nikola bị thu hút bởi sự thông minh và trí sáng tạo của người mẹ. Mặc dù bà là người duy nhất trong gia đình không được đến trường nhưng có lẽ bà là người cần cù và sáng tạo nhất.

 

Khi còn bé, Nikola rất yêu thích thiên nhiên. Những khu rừng trên núi cao mang đến nhiều cơ hội để mơ mộng và trải nghiệm với những nguồn năng lượng tự nhiên như ánh sáng, gió và đặc biệt là nước.

 

“Tôi bị cuốn hút bởi hình ảnh dòng thác Niagara mà tôi đã xem qua và tôi hình dung hình ảnh một bánh xe lớn quay trong dòng thác. Tôi nói với chú tôi rằng tôi sẽ đến Mỹ quốc và thực hiện kế hoạch này. Ba mươi năm sau, tôi thấy các ý tưởng của mình đã được thành hiện thực tại Niagara. Tôi kinh ngạc trước bí ẩn không ngờ của tâm trí.”

 

Mặc dù cha mẹ muốn Nikola trở thành một linh mục nhưng họ đã để cho con trai theo đuổi sở thích của mình. Chỉ vài năm sau khi theo học trường Bách Khoa tại Graz, Áo và làm một vài công việc lặt vặt, Tesla bắt đầu phác thảo nguyên lý động cơ cảm ứng.

 

Sau đó, một cơ hội làm việc với vai trò kỹ sư điện đã đưa ông đến Budapest. Tại đây, ông đã hình dung và rút ra những nguyên lý hoạt động của loại động cơ mới mẻ này.

Tiếp đó, ông được mời làm việc cho Công ty Continental Edison tại Pháp, nơi mà Tesla được tiếp cận với công việc của Thomas Edison – vốn là thần tượng của ông. Vì những thành tựu xuất sắc tại Paris, ông được “thúc ép” đến Mỹ và làm việc trực tiếp với Edison.

 

Tesla đã gây ấn tượng mạnh với Edison khi làm kỹ sư cho trụ sở của Thomas Edison tại Manhattan. Tuy nhiên, quan điểm khác nhau của họ về dòng điện một chiều (DC) với dòng điện xoay chiều (AC) đã dẫn đến cái mà một số người gọi là “Cuộc chiến của các dòng điện”.

Trong “cuộc chiến” này, cuối cùng Tesla sẽ chiến thắng bởi vì dòng điện xoay chiều (AC) được chứng minh là hệ thống truyền tải điện hiệu quả và rẻ hơn theo đường dài. Tesla sớm rời công ty do sự bất đồng với Edison và bắt đầu con đường của riêng ông.

Thắp sáng Thác Niagara và New York

Tesla đã thu hút sự chú ý của đối thủ lớn của Edison, George Westinghouse, nhà phát minh đã cho ra đời hệ thống điện xoay chiều đầu tiên gần Boston.

Với ứng dụng dòng điện xoay chiều của Tesla, George Westinghouse giành được hợp động điện khí hóa tại Hội chợ Thế giới Chicago năm 1893 hay còn gọi là Triển lãm Columbia Thế giới.

 

Ứng dụng dòng điện AC thành công rực rỡ tại hội chợ đã thuyết phục được Công ty Điện lực Niagara Falls trao cho Westinghouse hợp đồng sản xuất điện từ Thác Niagara. Là một trong những trạm thủy điện đầu tiên trên thế giới,

Niagara Falls sẽ cung cấp điện cho Buffalo, New York và không lâu sau đó là điện khí hóa thành phố New York. Tesla sở hữu 9 trong số 13 bằng sáng chế được sử dụng trong dự án này. Giấc mơ thời thơ ấu của Tesla đã thành hiện thực.

Phát biểu trong buổi khánh thành trạm thủy điện Niagara Falls vào ngày 16/11/1896, Tesla đánh giá thành tựu ấn tượng của họ có ý nghĩa lịch sử:

 

Chúng ta đã có nhiều đài kỷ niệm về các thời đại trong quá khứ; chúng ta đã có các cung điện và kim tự tháp, các đền thờ Hy Lạp và các thánh đường Thiên chúa giáo. Các công trình này đã thể hiện được sức mạnh của nhân loại, sự vĩ đại của các quốc gia, tình yêu nghệ thuật và tín ngưỡng. Nhưng, công trình trạm thủy điện tại Thác Niagara có nét riêng của nó, phù hợp hơn với tư duy và xu hướng đương thời của chúng ta. 

 

Đây là công trình xứng đáng với thời đại khoa học của chúng ta, một biểu tượng chân chính của sự khai sáng và hòa bình. Công trình biểu thị cho sự chinh phục nguồn năng lượng thiên nhiên để phục vụ cho nhân loại, chấm dứt sử dụng các biện pháp man rợ, giải thoát hàng triệu người khỏi dục vọng và đau khổ.

 

Một ước mơ thời thơ ấu lại thành hiện thực khi Tesla chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ vào tháng 7/1891.

Tesla còn có những phát minh khác như máy biến áp cao áp, còn gọi là Cuộn Tesla, đèn huỳnh quang thắp sáng các bảng hiệu dọc các con đường trên khắp thế giới, và tua-bin Tesla, một loại động cơ pít-tông được dùng để cung cấp điện cho xe ô tô.

Ông còn làm thí nghiệm với tia X, thực nghiệm về liên lạc vô tuyến tầm ngắn và trước sự ngạc nhiên của giới quan sát có mặt tại Madison Square Garden ở New York, ông điều khiển một chiếc thuyền bằng sóng vô tuyến. Ông nhận tổng cộng hơn 300 bằng sáng chế.

 

Trong giai đoạn ban đầu khi truyền thông có dây mới được khai thác, Tesla đã đề xuất phát triển truyền thông không dây. Thậm chí, ông còn mường tượng ra điện thoại thông minh và internet không dây ngay từ những năm 1890. Trong quyển tự truyện, ông đã viết: 

 

Khi mạng không dây được ứng dụng hoàn hảo, toàn bộ trái đất sẽ được chuyển đổi thành một bộ não khổng lồ. Trên thực tế, tất cả mọi thứ đều là những phần tử của một tổng thể chân thật và nhịp nhàng. Chúng ta sẽ có thể liên lạc với nhau ngay lập tức, bất kể khoảng cách. Không chỉ điều này, mà thông qua truyền hình và điện thoại, chúng ta sẽ nhìn thấy và nghe thấy nhau một cách hoàn hảo như thể chúng ta đang đối mặt trực tiếp bất chấp sự ngăn cách hàng ngàn dặm; và chúng ta sẽ có thể làm được điều này bằng các thiết bị đơn giản đến kinh ngạc so với loại điện thoại mà chúng ta đang dùng. Một người sẽ có thể mang một chiếc [thiết bị này] trong túi áo gi-lê của mình.

 

Thật không may, Tesla đã không thu được lợi nhuận từ những phát minh của mình. Ông chưa bao giờ có đầu óc kinh doanh sành sỏi ông quan tâm đến việc nghiên cứu và cải thiện cuộc sống của người khác hơn là kiếm tiền. Một số dự án kinh doanh của ông gặp thất bại và đến những năm 1920, ông bắt đầu rút lui khỏi thế giới.

Ông qua đời trong cô độc và bần hàn tại một căn phòng khách sạn ở New York vào ngày 7/1/1943.

 

Mặc dù Tesla chưa bao giờ thành công về mặt tài chính nhưng niềm tin của ông vào nhân loại và tình yêu dành cho Mỹ quốc là không giới hạn, những đóng góp của ông làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn là vô cùng to lớn.

 

Theo tạp chí American Essence.

------------

Vào ngày 6/2/2018, hãng SpaceX của Elon Musk phóng thành công tên lửa Heavy Falcon cùng chiếc xe điện mang tên Tesla ra ngoài vũ trụ với ước mơ về cuộc sống trên sao Hỏa.

Hẳn Nikola Tesla đã rất vui mừng khi hoài bão của mình đã được thế hệ sau thừa hưởng và phát triển. Một ý tưởng về việc ra ngoài vũ trụ được coi là “ngớ ngẩn và điên rồ” vào thế kỷ XIX, giờ đây đã trở thành một bước tiến lớn của nhân loại cũng như làm hiện thực hóa ý tưởng và đem tên tuổi của Nikola Tesla trở lại với thế kỷ XXI.