Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2022

Cuộc sống hiện đại ngày càng mệt mỏi nên đừng vội phán xét người khác


CUỘC SỐNG HIỆN ĐẠI NGÀY CÀNG MỆT MỎI NÊN ĐỪNG VỘI PHÁN XÉT NGƯỜI KHÁC: LỜI NÓI CÓ THỂ TẠO NÊN NHỮNG VẾT THƯƠNG TỒN TẠI CẢ ĐỜI!

 

Năng lực nhận thức là nhân tố quan trọng trong đời sống. Không chỉ trẻ con cần có năng lực nhận thức để nhận biết về thế giới xung quanh mà chính người trưởng thành cũng cần có nó để phân biệt thị phi, đúng sai.

 

Là một cư dân hiện đại, thường xuyên tiếp xúc với các mạng lưới xã hội trên Internet, chúng ta cũng có thể bắt gặp vô vàn thông tin đa dạng, phong phú nhưng không được kiểm chứng một cách rõ ràng. Trong vô số thông tin tràn lan trên các trang mạng trực tuyến, rõ ràng chỉ phần ít có chứa nội dung đúng sự thật, nhưng vẫn có không ít người tin theo.

 

Theo James Coan, nhà tâm lý học tại Đại học Virginia tại Hoa Kỳ, nghiên cứu cho thấy rằng khi chúng ta nghe một thông tin hoặc một ý tưởng hoàn toàn mới, não bộ sẽ tin trước, sau đó mới tìm kiếm những ký ức liên quan để kiểm chứng tính chính xác của thông tin đó.

 Vì vậy, hoạt động thông thường của não bộ khiến chúng ta dễ dàng tin tưởng một vấn đề trong thời gian rất ngắn.

 

Đây cũng là lý do tại sao ấn tượng đầu tiên đóng vai trò quan trọng, thường có thể quyết định đánh giá của chúng ta về toàn bộ một người, một sự vật, hiện tượng nào đó và được lưu giữ rất lâu trong tâm trí.

Nhưng nhìn chung, đại đa số các ấn tượng đầu tiên đều phải trải qua quá trình thay đổi hoàn toàn khi chúng ta tiếp cận, tìm hiểu sâu hơn về chính con người, sự vật hoặc hiện tượng đó.

 

Lấy ví dụ như, Khi nhìn một thiếu niên ăn mặc ngổ ngáo, mặt mày lầm lì, ấn tượng đầu tiên của mọi người có thể là "Vừa trông đã biết là bọn hư hỏng, đú đởn ăn chơi, chẳng biết lo học hành gia đình gì cả".

Nhưng thực tế chính chàng trai đó là đứa trẻ mồ côi, đã phải tự bươn chải kiếm tiền từ khi còn nhỏ để chi trả học phí của chính mình.

 

Tại sao chúng ta dễ có những suy nghĩ ban đầu như vậy? Là do tiếp cận những thông tin hời hợt từ báo đài, truyền thông đại chúng, từ những câu chuyện xã giao mỗi ngày.

Và tại sao những ấn tượng ban đầu rất dễ trở thành định kiến sai lầm? Vì chúng ta thường sợ sự thiếu hiểu biết. Khi bắt gặp những hiện tượng nằm ngoài sự hiểu biết, con người sẽ bắt đầu bản năng phòng thủ, nảy sinh tâm lý nghi ngờ, từ đó hình thành tính bài xích.

 Khi hiện tượng đó bị số đông bài xích, tự nhiên nó trở thành định kiến, tạo ra những suy nghĩ và hành vi phân biệt đối xử.

 

Đừng nghĩ rằng phân biệt đối xử chỉ là chuyện nhỏ, nghĩ sai có thể nghĩ lại, nhưng lời nói ra ngoài như bát nước đổ đi, làm sao có thể rút lại?

Có rất nhiều cuộc sống đã âm thầm biến mất trên thế giới này chính vì lối suy nghĩ và cư xử đầy định kiến của cả cộng đồng.

Tất cả đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, năng lực nhận thức không đầy đủ về một con người, sự vật và hiện tượng nào đó.

 

Phải nhớ rằng, người xưa đã có câu: "Biển học vô bờ". Vũ trụ rộng lớn bao nhiêu thì tri thức mà con người chưa thể chạm tới càng lớn bấy nhiêu. Chẳng nói đâu xa, ngay chính bản thân mình cũng còn chưa thể hiểu thấu, thì lấy đâu ra năng lực để phán xét những người xung quanh?

 

Do đó, tốt nhất hãy giữ một thái độ khiêm tốn, luôn sẵn lòng học hỏi, tìm hiểu tất cả mọi thứ. Đừng nghĩ rằng ấn tượng đầu tiên thì luôn là ấn tượng đúng.

Cho dù bây giờ nó được coi là đúng theo nhận thức số đông, nhưng có lẽ đến một ngày nào đó, tất cả nhận thức đó đều được chứng minh hoàn toàn ngược lại. 

 

Ví dụ điển hình nhất chính là trường hợp của Galileo Galilei đã từng bị buộc tội vì ủng hộ học thuyết Copernicus cho rằng Trái Đất là một hành tinh quay xung quanh Mặt Trời trong khi tất cả mọi người thời bấy giờ đều tin rằng Trái Đất mới là trung tâm của vũ trụ.

Nhà toán học, triết học và thiên văn học thiên tài đã bị giam cầm suốt phần đời còn lại vì tội ủng hộ dị giáo. Tuy nhiên, khoa học sau này đã giúp ông tìm lại được sự thực xác đáng, khẳng định phần nào trí tuệ và năng lực nhận thức của một thiên tài.

 

Vậy nên, đừng ngăn cản bản thân lắng nghe và học hỏi những điều chưa biết. Đừng bao giờ mù quáng tự cho rằng những gì mình biết đều là đúng đắn vĩnh hằng. Bởi vì cuối cùng, chính những kiến ​​thức này sẽ ảnh hưởng đến phán đoán, quyết định của chúng ta.

 

Chỉ một phần trăm không chính xác trong số thông tin đó cũng kéo theo cả thất bại đau đớn để đời, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tương lai về sau.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét