Thứ Ba, 28 tháng 6, 2022

Bài học từ người Thầy dạy võ

 

BÀI HỌC TỪ NGƯỜI THẦY DẠY VÕ

“Phần lớn hạnh phúc hay bất hạnh được quyết định bởi tính cách của bạn chứ không phụ thuộc vào hoàn cảnh” - Martha Washington

Một cậu bé 10 tuổi quyết định học môn võ judo cho dù cánh tay trái của cậu đã mất trong một tai nạn xe hơi. Cậu theo học judo với một võ sư Nhật.

Vì tin rằng mình đã học tập rất chuyên cần và tiến bộ nên cậu vô cùng thắc mắc tại sao sau ba tháng tập luyện mà thầy chỉ dạy cho mình mỗi một thế võ duy nhất.

Cuối cùng, không kiên nhẫn nổi nữa, cậu bé hỏi thầy:

- Thưa thầy, chẳng lẽ con không thể học được các thế võ khác sao?

Ông trả lời:
- Đây là thế võ duy nhất thầy dạy con, cũng chính là thế võ duy nhất mà con cần phải học.

Tuy không hiểu hết lời thầy nhưng tin tưởng ở thầy, cậu bé tiếp tục tập luyện.

Nhiều tháng sau, lão sư phụ dẫn cậu đến tham dự một cuộc thi judo. Cậu bé rất ngạc nhiên khi thấy mình thắng dễ dàng trong hai trận đầu.
Trận thứ ba khó khăn hơn nhưng sau một hồi, đối phương mất kiên nhẫn trong các đòn tấn công, cậu bé đã khéo léo sử dụng thế võ và chiến thắng. Vẫn chưa hết ngạc nhiên vì thành công của mình, cậu tự tin bước vào trận chung kết.

Lần này, đối thủ của cậu là một võ sinh cao lớn, to khỏe và dày dặn kinh nghiệm hơn. Vào trận không lâu, cậu bé đã liên tiếp trúng đòn và hoàn toàn bị đối phương áp đảo. Hết hiệp đầu, sợ cậu bé bị thương, trọng tài ra hiệu kết thúc trận đấu sớm nhưng người thầy của cậu không đồng ý:

Cứ để cậu bé tiếp tục. - Võ sư yêu cầu.

Ngay sau khi trận đấu bắt đầu lại, đối phương phạm phải sai lầm nghiêm trọng: anh ta coi thường đối thủ và mất cảnh giác. Ngay lập tức cậu bé dùng thế võ duy nhất của mình quật ngã đối phương và khóa chặt anh ta trên sàn.

Cậu bé đã đoạt chức vô địch.

Trên đường về, hai thầy trò ôn lại các thế đánh trong từng trận đấu.Lúc này cậu bé mới thu hết can đảm nói ra cái điều ám ảnh trong đầu mình bấy lâu nay:

- Thưa thầy, làm sao con có thể trở thành vô địch chỉ với một thế võ như thế?

Con chiến thắng vì hai lý do. Người thầy trả lời.

- Lý do thứ nhất con gần như đã làm chủ được một trong những cú đánh hiểm và hiệu quả nhất của môn võ này. Lý do thứ hai, cách duy nhất mà đối thủ của con phá được thế võ đó là họ phải giữ chặt cánh tay trái của con lại
- Mà con lại không có tay trái.

Đôi khi, một điểm yếu của ai đó lại trở thành điểm mạnh vững chãi nhất của họ. Có ưu điểm là một điều tốt nhưng nếu có thể biến khuyết điểm thành lợi thế lại càng là một điều kỳ diệu hơn.

Hãy tin vào chính mình, bạn có thể làm tất cả!

“Hãy biến nghịch cảnh thành cơ hội giúp bạn đạt được những điều tốt đẹp hơn.” -   Wille Jolley

 

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2022

Những câu nói để đời về giáo dục của Herbart

 

NHỮNG CÂU NÓI ĐỂ ĐỜI VỀ GIÁO DỤC CỦA HERBART

Johann Friedrich Herbart (1776 -1841) là một triết gia, nhà tâm lý học và là người sáng lập ra nền giáo dục khoa học người Đức. Herbart đã mở rộng việc áp dụng kiến ​​thức tâm lý học vào hệ thống giáo dục trường học, và là người đầu tiên nhấn mạnh rõ ràng rằng sư phạm phải dựa trên tâm lý học.

* Đạo đức là mục đích cao nhất của loài người, cũng là mục đích cao nhất của giáo dục.

* Lựa chọn nội dung bài giảng trên lớp học bắt buộc phải thống nhất với trải nghiệm và hứng thú của con trẻ, có như vậy mới tạo được hứng thú cho chúng.

* Một nhà giáo dục chân chính nên tránh xâm phạm tính cách của học sinh càng nhiều càng tốt, thay vào đó, nên làm xuất hiện những nét đặc trưng trong tính cách ấy.

* Đối với những người lớn lên dưới áp lực của sự giám sát, sẽ không thể nào hi vọng họ đa tài đa nghệ, không thể nào hi vọng họ có khả năng sáng tạo, cũng không thể hi vọng họ có tinh thần quả cảm hay sự tự tin.

Sưu tầm

Bộ lọc 3 câu hỏi Socrates

 

BỘ LỌC 3 CÂU HỎI SOCRATES

 

Socrates là triết gia nổi tiếng thời Hy lạp cổ đại. Một ngày nọ, ông gặp một người quen trên đường. Người này nói với Socrates

- Ông có biết tôi mới nghe chuyện gì về bạn ông không?

- Chờ chút. Trước khi kể, cho tôi hỏi 3 câu đã. 3 câu này tôi gọi là 3 bộ lọc.


Câu thứ nhất: "Anh có chắc chắn những gì mình sắp nói là sự thật?"

- Không chắc. Tôi cũng chỉ nghe người khác kể lại...'

- Vậy là anh không chắc', Socrates nói.

 

- Câu thứ 2: những gì anh sắp nói về bạn tôi có phải là những điều tốt đẹp về anh ấy?

- Không, ngược lại là đằng khác. Người đàn ông trả lời.

- Vậy là anh sắp nói Xấu về bạn tôi nhưng không chắc điều mình sắp nói là Sự thật đúng không?


Giờ tôi hỏi câu thứ 3: Những gì anh sắp nói có giúp ích gì cho tôi không?

- Thật ra là không. Người đàn ông trả lời.

 

Socrates nghe xong bảo 'Nếu những gì anh sắp nói anh không chắc là Sự thật, không phải là điều hay ho tốt đẹp, mà lại chẳng giúp gì cho tôi, vậy anh nói làm chi?'

 

Câu chuyện trên của Socrate dạy chúng ta sử dụng 3 bộ lọc khi tiếp nhận thông tin hoặc muốn nói điều gì đó, nói về người khác.

Với mỗi thông tin khi nghe hoặc muốn nói ra, mình cần tự hỏi:

 

1. Điều người đó nói có phải là Sự Thật không? Họ là người chứng kiến hay chỉ nghe kể lại.
2. Điều đó có ích cho những người liên quan không?
3. Điều đó có phải là điều tốt đẹp cho cả người nói lẫn người nghe không?

Đặc biệt chỉ nên ghi nhận mà không phán xét, tránh để cảm xúc dẫn dắt, tránh rơi vào ma trận cảm xúc.

Có nhiều việc ta trực tiếp thấy cũng chưa hẳn đã là Sự thật.

 

3 bộ lọc này đặc biệt hữu ích khi bạn là chủ doanh nghiệp, manager khi hàng ngày bạn nhận được vô số những thông tin trái chiều về cùng một vấn đề từ nhân viên, khách hàng, đối tác ...

 

Nếu bạn không bình tâm, bạn sẽ mất tự chủ trong ma trận cảm xúc của chính mình. Sai lầm, rủi ro luôn trực sẵn và núp bóng dưới những mỹ từ cơ hội, quyền năng, địa vị,

 

Lời bình: Người thông minh không để những câu chuyện tầm phào, vô bổ làm vướng bận họ, khiến họ mất thời gian và dễ rơi vào những tình huống thị phi rắc rối. Họ tập trung trí lực và sức lực cho những vấn đề thiết thực và ý nghĩa với mình.


Sưu tầm.