Thứ Ba, 28 tháng 9, 2021

Cách đi bộ giúp bạn tăng tuổi thọ thêm 15 - 20 năm

CÁCH ĐI BỘ GIÚP BẠN TĂNG TUỔI THỌ THÊM 15 - 20 NĂM

Một số nghiên cứu đã xác nhận tập thể dục cường độ nhẹ giúp kéo dài tuổi thọ, nhưng một nghiên cứu được công bố trên British Medical Journal đã kiểm tra mối liên quan giữa thời gian đi bộ và tuổi thọ. 

Các tác giả đã theo dõi 27.738 người tham gia từ 40 đến 79 tuổi và thu thập dữ liệu về tuổi thọ của những người tham gia trong khoảng thời gian 13 năm.

Kết quả cho thấy những người từ 40 tuổi, nếu đi bộ 1 giờ mỗi ngày có tuổi thọ cao hơn so với những người đi bộ ít hơn 1 giờ mỗi ngày.

Ngoài tuổi thọ cao hơn, những người từ 40 tuổi, nếu đi bộ 1 giờ mỗi ngày cũng tốn kém chi phí chữa bệnh ít hơn so với những người đi bộ ít hơn 1 giờ mỗi ngày.

Trong phần kết luận của mình, các nhà nghiên cứu cho biết: "Mọi người nên đi bộ để kéo dài tuổi thọ và giảm chi phí y tế suốt đời, đặc biệt là đối với nam giới".

Đi bộ nhanh hơn thì sống lâu hơn

Bằng chứng cho thấy không chỉ thời gian đi bộ quan trọng, mà tốc độ đi bộ cũng có tác động rất lớn.

Nghiên cứu, theo dõi thói quen đi bộ và tử vong của gần 475.000 người ở độ tuổi 50, cho thấy, những người đi bộ nhanh thì sống lâu hơn những người đi bộ chậm.

Đi thế nào là đi bộ nhanh?

Đi bộ nhanh được các nhà nghiên cứu định nghĩa là đi bộ với tốc độ ít nhất là gần 5 km/giờ, hoặc 100 bước mỗi phút.

Nghiên cứu, được công bố trên Mayo Clinic Proceedings cho thấy, những người đi bộ nhanh có khả năng sống lâu hơn cho dù họ mập hay ốm.

Tiến sĩ Francesco Zaccardi, nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Leicester (Anh) và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Khả năng sống sót của tất cả những người đi bộ nhanh là như nhau, bất kể là người mập hay ốm”.

"Kết quả này chỉ ra rằng thể lực tốt là yếu tố quan trọng nhất quyết định tuổi thọ, và người có thể lực tốt có thể sống lâu hơn".

Ngược lại, những người đi bộ chậm hơn có khả năng chết sớm hơn cho dù người mập hay ốm.

Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng, những phụ nữ đi bộ nhanh hơn có tuổi thọ khoảng 87 tuổi, so với 72 tuổi ở những phụ nữ đi bộ chậm. Còn ở nam giới là khoảng 86 tuổi so với 65 tuổi.

Như vậy, phụ nữ đi bộ nhanh có khả năng sống thọ hơn 15 năm và nam giới đi bộ nhanh có khả năng sống thọ hơn 20 năm, so với những người đi bộ chậm. 

Nên ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng để duy trì sức khỏe tốt và tinh thần tốt nhất, bao gồm:

  • Ăn ít nhất 5 phần trái cây và rau quả khác nhau mỗi ngày
  • Các bữa ăn cơ bản gồm khoai tây, bánh mì, cơm hoặc mì ống
  • Tiêu thụ sữa hoặc các sản phẩm từ sữa
  • Ăn các loại đậu, cá, trứng, thịt và đạm
  • Chọn dầu không bão hòa và ăn ít dầu mỡ
  • Uống nhiều nước, ít nhất 6 - 8 ly mỗi ngày
  • Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh cho biết thêm, đối với thức ăn và đồ uống chứa nhiều chất béo, muối và đường, chỉ nên ăn ít.

Thứ Hai, 27 tháng 9, 2021

Bạn cảm xúc theo kiểu nào?

 

BẠN CẢM XÚC THEO KIỂU NÀO?

Biết được kiểu cảm xúc của mình sẽ giúp bạn có được cái nhìn sâu sắc hơn về cách mà bạn tương tác với mọi người và làm chủ cảm xúc của chính mình.

Ngoài ra, cảm xúc cũng là lăng kính mà bạn dùng để phản ứng với thế giới xung quanh cũng như đại diện cho tính cách và bản năng tự nhiên của con người bạn.

Nhà thần kinh học Lisa Feldman Barrett cho biết, bằng cách xác định rõ ràng hoặc phân loại cảm xúc, bạn có thể xoa dịu nỗi đau và tăng cảm giác bình yên.

Kiểu 1: Người suy nghĩ sâu sắc

Họ là những người có logic cao, thông minh và có khả năng phân tích. Họ nhìn nhận thế giới bằng lý trí và sự sáng suốt. Trong những tình huống bất hòa, những người này luôn biết cách giữ cho mình cái đầu lạnh và tránh xa những cảm xúc tiêu cực. Họ thuộc kiểu người chắc chắn, ít khi tham gia vào những điều mạo hiểm và các hoạt động giải trí.

Đã bao giờ bạn tin rằng mình có thể tìm được cách giải quyết cho bất kỳ vấn đề nào? Hay khi đối mặt với khó khăn, bạn có xu hướng phân tích ưu và nhược điểm thay vì dựa trên cảm tính? Bạn thích lên kế hoạch trước hơn à các sự kiện ngẫu nhiên? Nếu bạn là một người thiên về lý trí như vậy, hãy thử các cách sau đây để cân bằng cảm xúc tốt hơn: thường xuyên thực hiện các bài tập hít thở và tập luyện thể dục để thư giãn đầu óc và tránh bế tắc về mặt tinh thần; học cách lắng nghe trái tim thay vì lý trí  cũng như cảm thông với mọi người xung quanh.

Kiểu 2: Người thấu cảm

Những người này thường nhạy cảm về mặt cảm xúc nhưng cũng rất tốt bụng và luôn giúp đỡ mọi người. Họ hiểu được những gì người khác phải trải qua và luôn sẵn sàng để lắng nghe, nhưng họ cũng dễ cảm thấy xúc động và đau buồn trước những tình huống xấu xảy ra.

Đã bao giờ bạn bị mọi người gọi là quá nhạy cảm? Bạn thích ở một mình hơn là ở cùng đám đông? Nếu bạn cảm thấy như vậy, hãy thả lỏng bản thân và giải tỏa hết những cảm xúc lo lắng này. Bên cạnh đó, bạn có thể liệt kê những điều dễ khiến mình cảm thấy bối rối nhất và tìm cách để giúp bản thân tránh khỏi tình huống như thế. Chẳng hạn, bạn có thể xác định đâu là mối quan hệ xã hội lành mạnh cho mình thay vì gượng ép bản thân kết bạn với những người khiến bạn không hạnh phúc.

Đi tìm lý do đằng sau sự xúc động và cách cân bằng lại cảm xúc

Đôi khi, chúng ta sẽ cảm thấy buồn, vui vô cớ hay bỗng nhiên xúc động mà không có một lý do nào cả. Những cảm xúc này có thể bất chợt đến, đi bất chợt.

Kiểu 3: Người có tính cách mạnh mẽ

Nhất quán, đáng tin cậy và ổn định chính là những phẩm chất điển hình ở họ. Ở bên cạnh những người này, bạn có thể thoải mái thể hiện cảm xúc của mình mà không cần phải lo lắng họ sẽ đánh giá. Tuy nhiên, họ thường gặp khó khăn trong việc bộc lộ cảm xúc và chia sẻ tâm tư của mình.

Nếu bạn cảm thấy việc lắng nghe người khác dễ dàng hơn nhiều việc chia sẻ cảm xúc của chính mình hoặc nhận thấy mình là người độc lập thì bạn chính là người thuộc kiểu thứ 3. Hãy học cách bày tỏ suy nghĩ của mình với mọi người xung quanh như thể đó là một điều thích thú của bạn và cũng là để cho mọi người có cơ hội hiểu bạn hơn. Bắt đầu từng bước một, bạn có thể thử viết nhật ký hàng ngày, viết thư và sau đó là những buổi nói chuyện nghiêm túc.

Kiểu 4: Người giãi bày cảm xúc

Họ là những người dễ bộc lộ cảm xúc và sẵn sàng chia sẻ những gì mình cảm nhận với người khác. Chính vì thế, mọi người dễ cảm thấy gần gũi khi ở bên cạnh họ. Ngoài ra, họ cũng dễ dàng vượt qua những giai đoạn đau buồn và lấy lại năng lượng tích cực. Tuy nhiên, việc họ thể hiện cảm xúc bản thân một cách thái quá cũng dễ khiến mọi người cảm thấy khó chịu.

Để biết được bạn có phải là kiểu cảm xúc số 4 hay không, hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi sau đây: Bạn có cảm thấy lo lắng khi giữ mãi suy nghĩ của mình? Khi đối mặt với vấn đề, việc đầu tiên bạn làm có phải là chia sẻ điều ấy với mọi người?

Bạn có gặp rắc rối trong việc học cách đồng cảm với người khác? Nếu bạn thuộc kiểu cảm xúc này thì hãy lắng nghe trực giác của bản thân trước khi vội vàng tìm kiếm sự giúp đỡ xung quanh.

Bạn có thể dành ra vài khoảng lặng để suy nghĩ trước khi thể hiện điều gì. Sau cùng, bạn nên nhớ rằng, đối với mỗi vấn đề xảy ra, chỉ có sự bình tĩnh mới có thể cho bạn giải pháp tối ưu nhất.

Einstein: Tấm gương lớn của Tư duy độc lập


Ảnh: 100 năm trước ngày 2. 4. 1921, Einstein lần đầu tiên đặt chân lên nước Mỹ. Ông được đưa đi diễu hành ở New York bằng đoàn xe như một người hùng (1921)

ALBERT EINSTEIN TẤM GƯƠNG LỚN CỦA TƯ DUY ĐỘC LẬP

“Mục đích (của giáo dục) phải là đào tạo những cá nhân biết tự hành động và tư duy độc lập, nhưng lại nhìn thấy nhiệm vụ cao cả nhất của cuộc đời trong sự phục vụ cộng đồng”. Albert Einstein

Sức mạnh lớn nhất của Einstein với tư cách nhà khoa học là tính không chạy theo lề thói. Ông từ chối chấp nhận quyền uy và quy ước. Điều đó đúng không những trong khoa học của ông. Nó cũng còn hiển nhiên trong cách nhìn chính trị và trong đời sống cá nhân của ông. Walter Isaacson

Giữa không khí học tập sôi động ngày càng gia tăng, mỗi người cố gắng vươn lên học hỏi nhiều hơn, tốt hơn, “tham vọng” hơn, có tính “ganh đua” hơn, thì có một tiếng nói khác thầm lặng và bình dị hơn: Albert Einstein. Quan niệm giáo dục của ông “hiền hòa”, khiêm tốn, tự nhiên hơn, nhưng không thiếu sự sâu sắc và tính chất bền vững. Ông học để hiểu, và hiểu biết là niềm vui, cũng như để có cơ hội phụng sự xã hội. Ông học vì óc tò mò nguyên sơ thánh thiện, và muốn hiểu những bí ẩn còn chứa đằng sau tấm màn tri thức của thời đại ông, ở thế giới vô cùng lớn và vô cùng nhỏ. Ông thường lập đi lập lại, ông không thông minh, mà chỉ tò mò, và kiên trì theo đuổi.

Dưới đây là một số nét của tư duy giáo dục Einstein. Ông cho thấy, còn có con đường, một thái độ triết lý khác để tiếp cận việc học hiệu quả, có chiều sâu, không rầm rộ, không ganh đua, không nhồi nhét, không áp lực, tự do và nhân văn hơn. Ông học mà không bị “tha hóa”, đúng hơn học để ông đích thực là mình hơn, để độc lập trong tư duy và nhận định, để mình không bị che mắt bởi những chân lý đã có sẵn, từ đó giúp ông nhìn thấy những ý tưởng hoàn toàn mới và có tính cách mạng.

Lối giáo dục của Einstein là nhằm gìn giữ và phát triển “bản gốc” của mình có thể bị mai một bởi nền giáo dục đại trà vô tình đánh mất, hay bởi ảnh hưởng của “những giá trị ảo” của cuộc sống bên ngoài. Tìm được “bản gốc” để sống thật với mình, để đam mê, yêu thích những gì mình làm, thao thức, sống hết mình và đi đến cùng tận của cuộc hành trình trí thức đúng theo tiếng gọi bên trong.

Mỗi con người là một “bản gốc” thiêng liêng của tạo hóa, không ai giống ai. Hãy phát triển nó với những giá trị nhân văn phù hợp với nó, và can đảm từ chối những giá trị đi ngược lại nó. Hãy có đủ tự do, nhận thức, và chọn lựa. Einstein là hình tượng nguyên mẫu của giáo dục giữ gìn “bản gốc”. Trên bình diện cao hơn, nếu công dân gìn giữ được “bản gốc” thì họ cũng thể hiện được tính “bản gốc” của dân tộc. Ngược lại, một quốc gia hay dân tộc có thể đánh mất “bản gốc” của mình nếu một số đông đáng kể (critical mass) công dân đánh mất “bản gốc” của họ.

Những ý tưởng giáo dục của Einstein có thể là những viên gạch nền cho một nền giáo dục sáng tạo trong thế kỳ 21. Chúng ta vui mừng có một tiếng nói hữu ích để lắng nghe.

Bài viết này được viết trong tháng 4, 2021, tháng kỷ niệm 66 năm mất của Einstein, và 100 năm Einstein lần đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ.