Thứ Năm, 28 tháng 1, 2021

TAM TỰ KINH Bài 13

 

TAM TỰ KINH  Bài 13

Sơ cố nội, cha đến mình
Mình đến con, con đến cháu
Từ con cháu, đến chắt chít
Là chín đời, là luân thường.

Ân cha con, thuận vợ chồng,
Anh yêu thương, em cung kính.
Có tôn ti, yêu thương bạn.
Vua phải kính, thần phải trung,
Mười nghĩa này, người đều giống.

 

Diễn giải:

 

Từ ông sơ sinh ra ông cố, ông cố lại sinh ra ông nội, ông nội sinh ra cha, cha lại sinh ra bản thân ta. Ta sinh con, con lại sinh cháu, cứ tiếp tục từng đời từng đời như thế.

.

Từ con, cháu của ta một mạch đến chắt và chít, đây là chín đời (cửu tộc) mà người xưa nói, bao gồm bốn đời trên ta và bốn đời dưới ta. Đây là quan hệ huyết thống, quan hệ mật thiết nhất đến bản thân ta. Cửu tộc đại biểu quan hệ, thứ tự lớn-nhỏ, trên-dưới của nhân loại.

.

Giữa cha con với nhau cần có ân tình, cha đối với con cần phải nhân từ, yêu thương, con đối với cha cần phải hiếu thuận.

Vợ chồng với nhau nên tôn trọng nhường nhịn nhau, hòa thuận với nhau. Còn anh chị thì nên yêu thương em, em nên cung kính đối với anh chị.

.

Giữa bề trên và bậc con cháu phải phân biệt rạch ròi thứ bậc trên dưới. Giữa bạn bè với nhau cần thành thật và tin tưởng nhau. Vua đối với bề tôi cần phải tôn trọng thì bề tôi tự nhiên sẽ nhất mực trung thành đối với vua.

.

Đây là mười đạo nghĩa mà mỗi người đều phải tuân thủ và hành xử theo.

Giáo dục sự đồng cảm cho học sinh

 

Phụ huynh đọc cho con các loại sách truyện khác nhau để bồi dưỡng các cung bậc cảm xúc 

Tìm lại giá trị ‘thương người như thể thương thân’ trong gia đình và trường học

Nếu không biết thấu hiểu và đồng cảm với người khác, trẻ sẽ không thể nào tự hóa giải những cảm xúc tiêu cực trong lòng, cũng không biết giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Có lẽ vì vậy mà người dân đất nước hạnh phúc nhất thế giới rất coi trọng giáo dục cho trẻ sự đồng cảm, vừa hay điều đó lại giống như tinh thần tương thân tương ái trong truyền thống văn hóa của cha ông chúng ta.

Ở một đất nước mà hơn bốn thập kỷ luôn đứng đầu về chỉ số hạnh phúc như Đan Mạch thì điều mà cả phụ huynh, nhà trường và chính phủ coi trọng trong giáo dục lại thật trái ngược với chúng ta. Trong quan niệm của họ, hạnh phúc không bắt nguồn từ thành tích học tập.

Ngay cả khi biết rằng có nhiều cách để thu nạp kiến thức thì điều mà nhà trường và phụ huynh lựa chọn cũng không phải là làm thế nào để nhồi nhét kiến thức, càng không phải chạy theo điểm số và bằng khen.

Phụ huynh Đan Mạch quan niệm rằng không có lý do gì để biến một đứa trẻ non nớt thành người “cuồng thành tích” nhưng lại không có khả năng đối phó với nghịch cảnh và cảm xúc tiêu cực. Họ lựa chọn trau dồi cho thế hệ trẻ sự đồng cảm, thấu hiểu.

Nhìn người mà ngẫm tới mình. Chẳng phải trong văn hóa truyền thống, cha ông ta luôn coi trọng tinh thần “thương người như thể thương thân” và “lá lành đùm lá rách” hay sao? Đó cũng chính là sự đồng cảm đấy thôi. Vậy điều gì đã khiến những giá trị cốt lõi này bị thui chột dần?

Không bao giờ là quá muộn để thay đổi. Ta hãy học Đan Mạch, đất nước hạnh phúc nhất thế giới, đang ngày ngày dạy trẻ về sự đồng cảm. Đó cũng là con đường trở về với truyền thống tương thân tương ái quý báu của cha ông chúng ta. Nếu ai cũng được hiểu, được yêu thương, sẻ chia, tha thứ, từ nhà cho tới trường, thì làm gì còn không gian cho bạo lực học đường và nỗi buồn tới mức trầm cảm, tự tử nữa. Điều cuối cùng bọn trẻ cần có phải là hạnh phúc chân thực, không phải một thành tích đẹp đẽ bề ngoài mà ẩn chứa những điều tiêu cực bên trong.

Chuyện kể rằng ở đất nước Đan Mạch ấy, trong gia đình và trường học, trẻ đều được dạy về sự đồng cảm.

Phụ huynh

Ở nhà, cha mẹ Đan Mạch chú trọng đọc sách cho con, thường là các thể loại truyện khác nhau để bồi dưỡng các cung bậc cảm xúc. Nghiên cứu khoa học chỉ ra đọc sách về tất cả cảm xúc, từ vui vẻ đến bi thương sẽ giúp trẻ tăng khả năng đồng cảm.

Có lẽ vì vậy mà những câu chuyện cổ tích của Andersen như Nàng tiên cá, Cô bé bán diêm… có kết cục buồn, lại trở thành nguồn học liệu tốt. Thông qua việc thảo luận những tình tiết trong truyện, cha mẹ giúp con tiếp thu sự thất vọng cũng như bi kịch của nhân vật, từ đó con mới hiểu thế nào là xót xa và cảm thương cho người khác.

Có thể nói rằng phụ huynh Đan Mạch là tấm gương về sự đồng cảm cho con noi theo. Họ đặt mình ở vị trí con trẻ để hiểu rằng chúng thích cha mẹ quan tâm và vui chơi cùng mình, vì vậy họ dành nhiều thời gian bên con, cùng chơi những trò chơi như cờ cá ngựa, cờ tỷ phú… Hiểu rằng trẻ con học qua sự bắt chước, nên họ không bao giờ bình phẩm tiêu cực về người khác ở trước mặt con bởi đó không phải là ngôn ngữ của sự đồng cảm.

Thay vì nghĩ xấu về người khác, họ sẽ giúp con tìm hiểu nguyên nhân đằng sau những hành động chưa tốt là gì. Ví dụ, khi gặp người bất lịch sự, cha mẹ Đan Mạch thường hỏi con: “Con có nghĩ người đó đang đói hay đang mệt vì không được ngủ trưa hay không? Con có biết cảm giác đói và mệt như thế nào không? Đó là những gì người ấy đang trải qua”.

Nhà trường

Trong chương trình giáo dục ngay từ tiểu học cho đến hết trung học phổ thông, học sinh được học một giờ một tuần hoặc nhiều hơn về sự đồng cảm như một kỹ năng sống quan trọng.

Thông thường, trong giờ học này các em sẽ đưa ra khúc mắc của bản thân, sau đó cả lớp cùng nhau thảo luận và tìm ra giải pháp. Đó là một cách thức giúp các em cảm thấy bản thân được lắng nghe và được thấu hiểu, đồng thời các em có cơ hội đặt mình ở vị trí người khác để suy nghĩ và hiểu được cảm giác của họ.

Để bọn trẻ thoải mái, không ngại chia sẻ, theo Quartz, giáo viên sẽ tạo bầu không khí hòa đồng bằng cách cho bọn trẻ ngồi quây thành vòng tròn nắm tay nhau, hoặc cùng nhau nướng một chiếc bánh để vừa ăn vừa nói chuyện.

Giáo viên

Tại trường, giáo viên đều được đào tạo để nhìn nhận mỗi cá nhân có một khả năng và nhu cầu khác nhau. Qua đó, giáo viên hiểu được điểm mạnh, yếu của từng em.

Sau đó giáo viên sẽ sắp xếp các em thành từng nhóm sao cho người này bổ sung cho người kia. Ví dụ học sinh nhút nhát sẽ được ghép cùng các bạn sôi nổi để có được ảnh hưởng tích cực từ bạn. Đó là một cách làm thể hiện học sinh nhận được sự đồng cảm trực tiếp từ giáo viên của mình.

Làm người ai cũng có lần vấp ngã, gặp khó khăn trong cuộc sống. Những lúc như vậy rất cần ai đó thấu hiểu, đồng cảm để ta đối mặt với nghịch cảnh và vượt qua cảm xúc tiêu cực trong lòng. Vì vậy phụ huynh, nhà trường cần dạy học sinh “thương người như thể thương thân”, làm nền tảng cho một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp bền lâu.

Theo DKN