Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Một trận dịch bệnh giúp ta hiểu rằng


Một trận dịch bệnh giúp ta hiểu rằng: Cuộc sống ngắn ngủi, thật khó để biết NGÀY MAI và ĐẠI NẠN, thứ nào sẽ đến trước, cho nên hãy sống trọn khoảnh khắc này...

 

Người sống ở thế gian, ngoài cái chết ra những thứ khác đều là chuyện nhỏ. Tiền tài dù có giá trị đến đâu, cũng không giá trị bằng mạng sống. Danh lợi dù có quan trọng đến đâu, cũng không quan trọng bằng sức khỏe. Cuộc sống này, thực sự rất mong manh và ngắn ngủi, thật khó để biết được rằng: ngày mai và đại nạn, thứ nào sẽ đến trước.

 

Một lần dịch bệnh giúp chúng ta hiểu ra rằng…
Chiếc giường đắt nhất thế gian là giường bệnh, thần dược quý giá nhất thế gian chính là sức khỏe.

Chúng ta làm việc bạt mạng cả một đời chỉ để kiếm tiền, không phải vì để khám bệnh thuốc thang, mà để sau này có thể tận hưởng lạc thú, sống cuộc sống thảnh thơi an nhàn. Dùng cả thanh xuân làm việc cật lực để kiếm tiền, khi về già lại đem tiền bạc đổi lấy sức khỏe, đó là cách sống ngu xuẩn nhất!

Trên thế giới này có thể có người lái xe thay bạn, có thể có người kiếm tiền thay bạn, nhưng không có ai tình nguyện mắc bệnh thay bạn đâu. Đồ mất rồi đều có thể tìm thấy lại nhưng có một thứ mất đi là vĩnh viễn không còn tìm thấy, đó chính là sức khỏe. 
Không coi trọng sức khỏe, dùng sức khỏe như dùng một con trâu để đi cày, rồi đến một ngày sẽ phải ngỡ ngàng vì không biết phải tìm sức khỏe ở đâu. Nên nhớ, một khi mất đi sức khỏe là mất tất cả. Người có sức khỏe thì có cả trăm ngàn ước mơ, người không có sức khỏe thì chỉ có một ước mơ duy nhất là sức khỏe. Có sức khỏe là có tất cả, sức khỏe quý hơn vàng. Thời hạn của cuộc đời tùy thuộc sức khỏe, còn sức khỏe thì do cách sống quyết định.

Ăn ngon, ngủ ngon, sống một cuộc đời lành mạnh, tâm thái lạc quan vui vẻ, ấy mới thực là bí quyết trường thọ hơn bất cứ thần dược nào.

Một lần dịch bệnh giúp chúng ta hiểu ra rằng…
Nhà luôn là quan trọng nhất!

Chúng ta cứ loay hoay đi tìm hạnh phúc. Nhưng, thực ra hạnh phúc rất đỗi giản đơn: tan làm ra khỏi công ty, bạn biết rằng mình nên đi về đâu; khi màn đêm buông xuống, bạn biết rằng luôn có một ngọn đèn thắp sáng đợi bạn; xoa chiếc bụng trống rỗng, bạn biết rằng có một bàn ăn nóng hổi đang đợi mình ở nhà...

Nhà, chính là nơi bình dị và thiêng liêng như thế. 
Khi bạn mải miết kiếm tìm, kiệt sức vì danh vọng, thì một mâm cơm ấm, một vòng tay êm, một góc sân nhỏ, "nhà" chính là hạnh phúc.
Khi bạn đau đớn, vấp ngã, "nhà" sẽ nhẹ nhàng xoa dịu vết thương của bạn.
Khi bạn cô đơn, bất lực, "nhà" sẽ dùng yêu thương sưởi ấm trái tim đơn độc của bạn.
Khi bạn đón nhận thành công, "nhà" sẽ cùng nhau chia sẻ thành quả lao động mà bạn đã phải dùng những vất vả khó khăn, những mồ hôi nước mắt để đổi lấy.

Nhà là nơi bắt đầu cũng là nơi kết thúc cuộc đời của mỗi người chúng ta, là bến đỗ bình yên cho tâm hồn và sức khỏe của chúng ta. Thế nên, hãy trân trọng! 

Một lần dịch bệnh giúp chúng ta hiểu ra rằng…
Tinh thần cống hiến vô tư là thứ thật sự tồn tại.

Đứng trước hiểm cảnh, mầm bệnh lan tràn, đại nạn ập đến, có bao nhiêu người đã lội ngược dòng đi lên? 
Biết bao nhiêu người đã mặc kệ cái chết, bình thản ung dung tiến về phía trước, hòa mình vào tuyến đầu trong cơn dịch bệnh.
Biết bao "thiên sứ" đã quên mình xả thân vì người khác, không ngần ngại gian nan khó nhọc, chỉ mong có thể mang lại sự sống, sức khỏe, và bình an cho mọi người.

Một lần dịch bệnh giúp chúng ra hiểu ra rằng…
Nhân sinh vô thường, đời người vốn không có thứ gọi là "ngày tháng dài lâu".

Cuộc sống thật mong manh và ngắn ngủi, thật khó để biết được rằng: ngày mai và đại nạn, thứ nào sẽ đến trước.
Vậy nên, hãy cứ sống tốt trong khoảnh khắc này, trân quý những người bên cạnh ta. Những gì nên làm, thì hãy tận sức đi làm, đừng để lại tiếc nuối khiến chúng ta ân hận cả đời.
Một đời này của người ta, chỉ khi trải qua một lần sinh tử mới hiểu được mạng sống đáng quý biết nhường nào. Chỉ khi kinh qua một lần bệnh nặng, mới hiểu rằng sức khỏe là điều đáng quý biết bao.

Mong sao mỗi chúng ta đều có thể hiểu được giá trị của sự sống và trân quý sinh mệnh của chính mình. Trong phần đời còn lại, hãy sống một cuộc đời vị tha, thiện lành, khỏe mạnh và bình an…


Thứ Hai, 27 tháng 4, 2020

Đại dịch Corona và thông điệp ‘lằn ranh đỏ’ từ Mẹ Thiên Nhiên


Cả thế giới hiện nay đang đương đầu với đại dịch Corona. Cuộc khủng hoảng này có thể được diễn giải theo các hướng khác nhau, từ góc độ xã hội cho tới góc độ tâm linh; và tất cả đều có thể tạo nên những bài học có ý nghĩa.

Không cần phải lục lại trí nhớ, chắc hẳn những hình ảnh kinh hoàng của các thảm hoạ thiên nhiên gần đây vẫn chưa phai nhòa trong ý thức chúng ta: cháy rừng lớn ở Hy Lạp năm 2018, sóng nhiệt ở nhiều nơi năm 2018, lũ lụt ở Nigeria và Ấn Độ năm 2018, và đặc biệt là hai trận cháy rừng kinh hoàng năm 2019 tại Amazon và Úc Châu. Đó là chưa kể đến vấn đề ô nhiễm không khí trầm trọng đang diễn ra tại nhiều nước, cũng như những hiện tượng đang ngày càng rõ của vấn đề biến đổi khí hậu, như nhiệt độ tăng, nước biển dâng.

Xét theo logic, đại dịch Corona không nhất thiết được gắn với các vấn đề trên, vì người ta vẫn có quyền xem đại dịch này như một trong vô số các đại dịch khác diễn ra trong lịch sử con người mà thôi. Tương tự, người ta cũng có thể nói rằng việc các thảm hoạ diễn ra gần nhau như thế chỉ là do ngẫu nhiên mà thôi. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta nên chân thành với trực giác của mình và cảm quan chung của nhân loại để nhìn nhận rằng: Mẹ Thiên Nhiên đang cho thấy sự quá tải. Khi đặt trong tổng thể chung với nhau, những thảm họa nói trên đang là một dấu hiệu chung của điều đó. Chúng ta nên nhìn nó như một thông điệp mà Mẹ Thiên Nhiên đang đưa ra cho con cái mình, rằng chúng ta đã tiệm cận đến ‘lằn ranh đỏ’ rồi!

Nguyên nhân chính của hiện trạng này không gì khác hơn là chính lối sống ích kỷ và tiêu thụ bấy lâu nay của chúng ta. Lối sống này đang khai thác tận cùng nguồn lực của thiên nhiên, đồng thời biến đổi cấu trúc hài hòa của nó với những thứ phá huỷ và độc hại do con người tạo ra. Theo góc nhìn đó, đại dịch Corona thực sự là cơ hội cho nhân loại cứu lấy vận mệnh chung của thế giới nếu chúng ta biết rút tỉa và thực hành những bài học quý giá từ nó.

* Bài học đầu tiên là cơ hội để chúng ta nhận ra đâu là những điều thực sự hữu ích và cần thiết cho cuộc sống con người, và đâu là những điều phù phiếm mà ta vẫn thường theo đuổi. Điển hình như, trong đại dịch, người ta thấy giấy vệ sinh còn giá trị hơn cả cái túi hàng hiệu; hay chút thực phẩm để ăn và chút không khí trong lành để thở quan trọng hơn mọi thứ quyền lực và tiền bạc.

* Bài học thứ hai mà chúng ta có thể nghiệm ra từ cơn dịch này là số phận mọi con người gắn chặt với nhau. “trong đại dịch, chúng ta thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền.” Chúng ta vẫn thường đinh ninh một cách sai lầm rằng mình có thể tao ra một đời sống riêng cho cá nhân hay cho dân tộc; đời sống đó biệt lập và không lệ thuộc vào những nhóm người khác; hay rằng có thể tạo lập ra những cộng đồng an toàn và thịnh vượng cho riêng mình, bất chấp những đau khổ của những người khác. Những con virut nhỏ bé kia đang chế nhạo thứ suy nghĩ sai lầm đó. Nó đang thách đố mọi thứ ranh giới quốc gia của con người. Chúng ta không chỉ gần nhau, mà còn gắn chặt số phận với nhau. Đây cũng là lời nhắc nhở đặc biệt tới những người có não trạng tính toán tham lam và ích kỷ.

* Bài học thứ ba là chúng ta đang có cơ hội truy vấn lại hệ thống vận hành của xã hội hiện đại ở mọi khía cạnh, từ chính trị cho tới kinh tế, văn hoá. Trong cơn đại dịch này, hầu như cả thế giới đang phải sống chậm lại, đồng thời nó khiến ta liên tục đặt ra các câu hỏi nghi ngờ. Chúng ta thấy mọi thứ đều mịt mù: khi nào thì dịch bệnh có thể kết thúc? Thế giới sẽ thế nào sau dịch bệnh? Liệu nền kinh tế có bị sụp đổ? v.v. Tất cả các hệ thống và lề lối quen thuộc mà ta từng mặc định chấp nhận thì nay đều bị đặt vào dấu hỏi.

Chúng ta cần cùng nhau xét lại xem những hệ thống nào còn thật sự cần thiết; và trong mỗi hệ thống, những yếu tố nào còn mang lại ích lợi thiết thực cho con người. Ví dụ, xét về mặt kinh tế, hệ thống hiện đại dường như đã và đang mang lại quá nhiều thứ bất cập. Cuộc cách mạng công nghiệp đã dần dà tạo nên một lối sống tiêu thụ, hoang phí, đi kèm với một não trạng kệch cỡm, phù vân; cùng với đó, hệ thống phân phối kiểu thương mại dịch vụ không chỉ tha hóa bản chất của lao động, mà còn gây nên sự bất công và khoảng cách đói nghèo ngày càng tăng. Vì vậy, dù điều này khó xảy ra, nhưng nếu toàn nhân loại cùng đặt vấn đề về hệ thống hiện tại, chúng ta có cơ may tìm cách xây dựng một hệ thống kinh tế mới tốt lành hơn, trong đó tài nguyên thiên nhiên được trân trọng và gìn giữ hơn, sức lao động được trả lại giá trị đúng mức hơn, và các hình thức lao động thủ công có cơ hội được thúc đẩy nhiều hơn.

Nhịp sống hối hả thời hiện đại, với lượng thông tin khổng lồ và những thứ bận tâm hoàn toàn vô nghĩa. Nó đã làm tê liệt nền văn hoá sống động, và biến ta thành những ‘sinh thể robot’. Vì vậy, một cơ hội đang mở ra cho chúng ta trở về với lối sống khiến chúng ta thật sự là người hơn.

Nói tóm lại, nếu đặt cơn đại dịch Corona trong bối cảnh chung của cuộc khủng hoảng sinh thái, chúng ta như có thể nghe thấy tiếng kêu than của Mẹ Thiên Nhiên khi con cái mình đang tiệm cận đến ‘lằn ranh đỏ’ của sự huỷ diệt.

Chúng ta có thể chứng tỏ rằng cái chết của các nạn nhân không trở nên vô nghĩa khi nó đã góp phần vào việc thể hiện thông điệp chung của Mẹ Thiên Nhiên để thức tỉnh lương tâm con người! 


Chủ Động Tạo Ra Văn Hóa Vợ Chồng


Giáo sư John Gottman, người đã dành 16 năm tìm hiểu điều làm những cuộc hôn nhân trở nên bền chặt hay đổ vỡ trong "phòng thí nghiệm tình yêu" của mình ở Đại học Washington :
Bạn thường nghe đến văn hóa hợp tác vĩ mô giữa các quốc gia, công ty hay đội nhóm.
Song giữa hai hoặc nhiều người cũng tồn tại một văn hóa hợp tác vi mô nữa.
Một văn hóa thường bao gồm các quy tắc, tập quán, giá trị, nghi thức, biểu tượng, mục tiêu, câu chuyện chung, v.v. Các yếu tố trên cùng nhau góp phần tạo nên một ý nghĩa chung không chỉ tăng cường kết nối giữa các xã hội mà còn giữa các cá nhân.

Nếu bạn không chủ động trong việc tạo ra văn hóa vợ chồng thì nghĩa là bạn mặc định để cho hoàn cảnh bên ngoài tác động đến cuộc hôn nhân của mình. Nếu bạn không muốn văn hóa vợ chồng của mình bị định hình bởi những thăng trầm cuộc sống, ý kiến của bạn bè, gia đình và văn hóa theo trào lưu hiện nay, thì hãy cân nhắc việc xác định một lý do - một sứ mệnh hôn nhân.

Thật ngạc nhiên khi có nhiều người bước vào giai đoạn hợp tác quan trọng nhất cuộc đời mình mà không biết tại sao họ lại làm như vậy.  Hẳn rồi, "vì ta yêu nhau" là một lý do hoàn hảo, song tình cảm là một dạng cảm xúc, và cảm xúc thì hay dao động. Nếu không thì làm gì có chuyện hai người xa lạ quyết định chia sẻ mọi thứ với nhau và sống bên nhau suốt phần đời còn lại?

Không có chất bôi trơn nào tốt hơn cho bánh răng tình yêu bằng lòng biết ơn. Hãy nhớ rằng, tình yêu lãng mạn không hề bí ẩn; nó dựa trên sự thỏa mãn nhu cầu cơ bản của con người, và một trong số những nhu cầu mạnh mẽ nhất chính là được công nhận và cảm kích. Quả thật, nhiều người sẵn lòng cảm thông cho bạn đời hơn khi bạn đời thường xuyên thể hiện sự biết ơn, ngưỡng mộ và trân trọng sự tồn tại của họ.
Song bày tỏ sự biết ơn không chỉ có lợi cho người bạn đời, mà nó còn nhắc bạn nhớ lại những gì mình yêu quý ở đối phương, đánh thức cảm giác may mắn khi được kết hôn với họ.

Việc thể hiện sự biết ơn với nhau thường xuyên cuối cùng sẽ có lợi cho cả hai lẫn cho mối quan hệ vợ chồng, cũng như tăng cường sự ngưỡng mộ và yêu mến nhau, đồng thời ngăn cản một trong những thứ giết chết mối quan hệ nhanh nhất: sự khinh thường.

Sự cảm kích không nên chỉ dành cho những điều lớn lao mà nên được thể hiện một cách liên tục với cả những điều nhỏ nhặt. Khi có bất cứ điều gì bạn đời làm khiến bạn thấy vui thì hãy bày tỏ lòng biết ơn. Điều này cũng bao gồm những công việc thường ngày - những điều bạn làm thường xuyên mỗi ngày và cho rằng mình "phải làm" với tư cách là một người chồng/vợ hay là cha mẹ. Nhưng hãy nhớ rõ, không phải người chồng/vợ hay cha mẹ nào cũng làm điều đó.
Nếu bạn cảm ơn một người quen vì đã làm những điều đó, thì cũng hãy cảm ơn bạn đời khi họ làm vậy; hãy nhớ đừng chỉ ưu ái người khác.

Cảm giác biết ơn bạn đời không phải là thứ bạn phải đợi nó xảy đến một cách tự nhiên, mà bạn có thể chủ động tập biết ơn bằng cách nhìn vào những phẩm chất và hành động tích cực của họ để khen ngợi, đồng thời tập thiền định khi có những điều khiến bạn không hài lòng về bạn đời.

Đôi khi bạn nghe ai đó nói rằng hôn nhân là sự hợp tác 50/50. Nhưng trong những mối quan hệ hạnh phúc nhất, cả hai bên đều cho đi 100%. Bằng cách đó, dù một trong hai người có nhiều thiếu sót thì cuộc hôn nhân đó vẫn có thể dài lâu. Những cuộc hôn nhân thành công không rơi vào cái bẫy “ăn miếng trả miếng", theo kiểu tính toán xem ai làm nhiều hơn ai. Thay vào đó, cả hai luôn giữ một thái độ tích cực, chấp nhận một mức độ chênh lệch cho-nhận nhất định và luôn mong muốn trợ giúp lẫn nhau. Nếu họ thấy việc gì cần làm, họ chỉ đơn giản là làm nó.

Theo: Artofmanliness