Thứ Ba, 22 tháng 10, 2019

Học cách học



HỌC CÁCH HỌC: Một bài học quan trọng bậc nhất đang bị bỏ quên
Nếu bạn gặp một bài toán khó, dù cố gắng nhiều mà giải mãi không xong, thì làm thế nào? Câu trả lời phổ biến nhất là cố gắng tìm ra chỗ sai trong lập luận rồi đi tiếp hoặc “làm lại từ đầu”. Cả hai phương án theo kinh nghiệm này không phù hợp với những lời khuyên của các chuyên gia về não bộ.
Theo họ, não bộ của chúng ta hoạt động theo hai cơ chế khác nhau: tập trung (focused mode) và thư giãn (diffused mode). Khi ta tập trung cao độ vào giải quyết một bài toán, não sẽ vào cuộc sử dụng cơ chế tập trung với số ít các tế bào thần kinh tại một vùng tập trung của não bộ được huy động. Khi ta rơi vào thế bí như tình huống đã dẫn, thì dù có cố gắng đến mấy, cũng chỉ có vùng não tập trung được hoạt động. Có nghĩa là chúng ta có xu hướng lặp đi lặp lại các cách giải quyết vấn đề, và khó lòng thoát ra khỏi bế tắc. Khi đó hành động rà soát lại lời giải hay đi lại từng bước từ đầu không có ích gì mấy.
Albert Einstein từng nhận xét đại ý “bạn không thể giải bài toán theo 1000 cách giống nhau rồi hy vọng có lời giải khác!”. Trong những lúc bí bách như thế này, cách tốt nhất là tạm rời xa bài toán đấy, đi chơi, thư giãn rồi hẵng quay lại với bài toán. Đây không phải là lời xúi bậy vô trách nhiệm. Việc bạn tạm rời bài toán đó để đi bộ, hóng gió, hoặc ngồi thiền ít phút sẽ giúp não bộ chuyển sang chế độ thư giãn, lúc này các vùng khác của não bộ được kích hoạt. Nếu quay trở lại giải toán, bạn sẽ có khả năng tìm ra một con đường khác, không bế tắc như lúc đầu.
Trên đây chỉ là một trong hàng tá ví dụ cho thấy những nghiên cứu về não bộ có thể giúp cải thiện đáng kể cách thức chúng ta học tập và làm việc. Tuy nhiên, bấy lâu nay chúng ta vẫn không mấy khi nghĩ về việc tìm hiểu các kiến thức loại này để cải thiện cách học tập, vì chúng ta thường phó mặc cho thói quen sai khiến trong các hoạt động của mình.
Có thể dẫn ra đây một thói quen tai hại khác vẫn chiếm chỗ trong trường học của chúng ta: các bài giảng dài. Bạn có thể gặp ở bất kì trường học nào các tiết học kéo dài từ 45 phút tới vài tiếng. Bạn cũng dễ dàng bắt gặp cảnh tượng hàng tá học sinh lơ đãng, ngủ gật, hoặc ngồi làm việc riêng trong lớp vì không thể chú tâm vào bài giảng. Trong khi hầu hết các giáo viên đổ lỗi cho các cô cậu học trò, thì các chuyên gia não bộ có một lời giải thích đơn giản cho hiện tượng này:
Não chúng ta chỉ có khả năng chú tâm suy nghĩ trong một thời gian rất ngắn, chừng 10 phút, sau đó là sẽ đến giai đoạn mất tập trung. Đây là cơ chế phòng vệ hết sức tự nhiên của não người, vì vậy hãy phân chia các bài giảng thành từng phân đoạn ngắn hơn. Sau mỗi 10 phút tập trung, hãy thiết kế một hoạt động để thư giãn và chuyển đổi sang phân đoạn tiếp theo. Thực ra đã từ lâu người ta đã biết dùng kĩ thuật phân giờ Pomodoro với các quy tắc đơn giản kể trên để gia tăng đáng kể năng suất làm việc và học tập.
Một nghiên cứu đăng trên Psychological Science in the Public Interest năm 2013 cho thấy, những phương pháp học tập được sử dụng phổ biến trong nhà trường như “tóm tắt nội dung bài giảng”, “dùng bút đánh dấu đoạn văn bản quan trọng khi đọc sách”, “đọc đi đọc lại một chương sách” hoá ra lại là những cách không mang lại mấy hiệu quả về ghi nhớ. Có những cách khác hữu hiệu hơn nhiều để giúp gia tăng hiệu quả học tập như: tích cực làm các bài luyện tập, hay học tập các kiến thức theo hình thức luyện tập phân tán với các khối kiến thức được chia nhỏ và học tập qua thời gian đủ dài.
Nhìn từ những tình huống kể trên, trường học hiện nay có vẻ đang phí phạm rất nhiều thời gian của học trò chỉ vì ưa thích kinh nghiệm mà ít quan tâm tới việc tìm hiểu và vận dụng các kiến thức khoa học về việc con người học tập như thế nào để từ đó xây dựng các hoạt động giáo dục cho tối ưu.
Chúng ta có thể liên hệ việc học tập như câu chuyện cái cần câu và con cá. Cách dạy truyền thống phổ biến hiện nay là dạng cho đi con cá, trong khi nếu ta trang bị năng lực tự học cho học sinh thì tức là cho họ một cái cần câu để tự lập suốt đời.
Sự thiếu vắng những bài học liên quan đến việc rèn luyện kĩ năng học tập sẽ mang lại hậu quả mà chúng ta đã được chứng kiến là những thế hệ học trò thụ động chỉ biết trông chờ kiến thức và chân lý từ giáo viên và những người đi trước mà không chủ động tự mình xây dựng tri thức cho mình. Điều này càng trở nên tai hại trong bối cảnh thời đại tri thức và số hóa hiện nay khi mà lượng thông tin tăng trưởng theo cấp số mũ. Kiến thức ngày hôm nay còn đúng, ngày mai có thể đã sai đi nhiều. Chỉ có cách làm chủ việc học như thế nào mới giúp học sinh đứng vững trong thế giới ngày nay.
Người xưa có câu, phàm phải trong tình huống khó lường thì “lấy bất biến ứng vạn biến”. Đối với việc học tập, cái bất biến là phương pháp tự học, cái vận động không ngừng là tri thức của thời đại. Không gì bằng trang bị cho được cái bất biến đó để người học của thế kỉ 21 có thể tự mình đi trên đôi chân tự do khám phá cánh đồng tri thức của nhân loại trong suốt cuộc đời.
Thiếu kĩ năng thiết yếu này thì những khẩu hiệu rổn rảng về xã hội học tập, hay học tập suốt đời chỉ cùng lắm là những lời nói cho sang miệng. Bài học về CÁCH HỌC cần phải là bài học căn cơ nhất mà mỗi học sinh cần phải được luyện rèn.

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2019

Những "mọt sách" bậc nhất thế giới



Những "mọt sách" bậc nhất thế giới
Một công bố do các nhà nghiên cứu tại trường đại học quốc gia Australia và trường đại học Nevada (Mỹ) đã phát hiện những quốc gia có những kẻ mọt sách hàng đầu thế giới, và phát hiện ra, lớn lên trong gia đình càng có nhiều sách, dẫu cho không cần thiết đọc nhiều, thì việc cải thiện kết quả học tâp là điều rõ ràng.
Trên thực tế, họ tìm ra những người trường thành từng tốt nghiệp đại học nhưng lớn lên trong những ngôi nhà ít sách thì chỉ đạt trình độ đọc viết tương đương với người chỉ tốt nghiệp lớp 9 nhưng lớn lên trong nhà có nhiều sách.
Nghiên cứu “Scholarly culture: How books in adolescence enhance adult literacy, numeracy and technology skills in 31 societies” được xuất bản trên tạp chí Social Science Research của nhà xuất bản Elservier, đã xác định được số lượng sách gia đình mà mỗi người ở độ tuổi có mối liên hệ trực tiếp và mang tính tích cực với khả năng đọc viết, tính toán và kỹ năng IT trong những năm sau – điều này độc lập với việc  họ học tập như thế nào ở bậc THPT hay họ có đọc thường xuyên khi trưởng thành hay không.
Họ phân tích dữ liệu từ Chương trình đánh giá năng lực quốc tế của tổ chức OECD thực hiện từ năm 2011 đến 2015 với sự tham gia của những người thuộc độ tuổi 25 đến 65 ở 31 quốc gia, trong đó bao gồm Mỹ, Canada, Australia, Đức, Pháp, Singapore và Thổ Nhĩ Kỳ. Tất cả những người được hỏi là có bao nhiêu sách trong nhà khi họ 16 tuổi.
Người Australia có khoảng 148 cuốn sách/gia đình nhưng 35% số người tham gia trả lời thì chỉ sở hữu 65 cuốn.
Người Estonia dẫn đầu thế giới với số lượng trung bình 218 cuốn, và 35% người sở hữu 350 cuốn hoặc nhiều hơn.
Người Nauy có 212 cuốn, Thụy Điển 210, Czech 204, Anh 143, Mỹ 114. Thổ Nhĩ Kỳ có số lượng thấp nhất 27 cuốn với 60% cho biết nhà họ chỉ có duy nhất năm cuốn.
TS. Joanna Sikora của trường đại học quốc gia Australia, cho biết, việc tiếp xúc với sách khi còn ít tuổi sẽ xếp đặt nền móng cho một "văn hóa học thuật", yếu tố góp phần đem lại những cải thiện về học tập trong suốt cuộc đời, bất kể sống ở xã hội tiên tiến hay không.
Lợi ích mà các cuốn sách đem lại có tính nhất quán trên toàn thế giới, và độc lập với trình độ giáo dục mỗi người được hưởng, độc lập với cả nghề nghiệp khi trưởng thành, giới tính, độ tuổi hay trình độ giáo dục của cha mẹ họ.
Nhiều nghiên cứu trước đó đã tìm thấy sự liên hệ giữa việc đọc sách giải trí và kết quả học tập, và giữa việc lớn lên với các cuốn sách và khả năng kiếm tiền khi trưởng thành.
“Giỏi đọc viết, ham thích đọc sách từ tuổi thiếu niên sẽ đem đến một lợi thế trong giáo dục”. Dữ liệu cho thấy: nếu đọc nhiều sách khi còn nhỏ, bạn sẽ có khả năng đọc tốt nhiều sách sau này. Bạn sẽ có trình độ đọc viết tốt trong lĩnh vực hoàn toàn khác biệt, lĩnh vực số”.
Thật quan trọng khi bọn trẻ thấy cha mẹ mình và những người quanh mình đọc sách”.  
theguardian.com

Chung sống với tha nhân



CHUNG SỐNG VỚI THA NHÂN

Thiếu hiểu biết về bản thân biến chúng ta trở thành "của nợ" với những người xung quanh:

• Chúng ta không nhận ra tác động của mình lên người khác: ta vô tình xuất hiện một cách đầy kiêu ngạo, lạnh lùng trong mắt người khác, giống như đang cố giành lấy mọi ánh nhìn. Cũng có thể trông như khép kín và chần chừ quá mức hay nổi giận vào những lúc không nên nổi giận.

• Chúng ta có thể rơi vào tình trạng cô đơn không cần thiết: chỉ vì không hiểu mình thực sự cần gì và điều gì ở mình khiến người khác khó hiểu.

• Khó thấu cảm: không thừa nhận những phần bất an và dễ tổn thương của bản thân, đồng nghĩa với không xem bản thân mình 'giống với' những người khác ở những phương diện cốt yếu. Ta khó mà hiểu được những điều sâu kín ở người khác nếu chưa từng khám phá chúng ở bản thân trước.


Đức Đạt Lai Lạt Ma :
- Nếu bạn coi người khác như anh em mình và tôn trọng quyền của họ thì sẽ không có chỗ cho bạo lực xuất hiện.


- chúng ta đang bị tấn công dồn dập bởi những thông điệp về của cải vật chất. Có rất ít thông điệp về sự tha thứ, từ bi, kiên nhẫn, khoan dung và tốt bụng. Bạn phải đặt những ưu tiên này lên hàng đầu để thực sự có được hạnh phúc.