Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Danh họa Tề Bạch Thạch

Tề Bạch Thạch danh họa Trung Quốc với các tác phẩm đầy sức sống, đạt đến độ siêu phàm.

Mỗi khi nhắc về tranh vẽ Trung Quốc, người ta sẽ nghĩ ngay đến Tề Bạch Thạch. Nhưng ít có ai biết rằng, người họa sĩ vĩ đại mà di sản để lại nhiều hơn ba vạn bức tranh kia lại có một sự chuyển biến bản thân hết sức nhọc nhằn và muộn màng. Cuộc đời nghệ thuật của ông là minh chứng cho tinh thần cầu thị cao cả, sự cần cù khổ luyện không ngừng để đi đến thành công.
.
Người yêu nghệ thuật ngày hôm nay biết về Tề Bạch Thạch thường thông qua những bức tranh tôm cua sống động như đang bơi lội nhảy nhót, những chú gà con tròn xoe như những nắm bông, những bó cải trắng, nấm hương, cà rốt, những quả bầu nậm đung đưa trong gió... và cả một thế giới cỏ cây hoa lá chim thú thảo trùng sinh động hồn nhiên như trẻ thơ. Thực chất cái thế giới hồn nhiên như trẻ thơ đó lại bắt đầu xuất hiện dưới đôi bàn tay của một họa sĩ khi mà tuổi đời đã xế chiều. “Suy niên biến pháp”, nghĩa là “tuổi già đổi phép” đã trở thành một câu chuyện nổi tiếng trong giới họa Trung Quốc.

Nguồn cơn của “tuổi già đổi phép” này bắt đầu vào năm 1917, chiến tranh quân phiệt diễn ra liên miên, thổ phỉ hoành hành khắp vùng Hồ Nam, Tề Bạch Thạch giờ đã 55 tuổi buộc phải đưa gia đình đi lánh nạn ở Bắc Kinh, trú ngụ qua ngày ở chùa Pháp nguyên, lấy việc vẽ tranh bán ấn làm kế sinh nhai. Tề Bạch Thạch mặc dù ở quê hương mình ông đã gây dựng được không ít tiếng tăm, nhưng đến kinh đô mọi chuyện lại khác, tranh của ông không được giới thưởng ngoạn ở Bắc Kinh đánh giá cao. Mặc dù chỉ bán tranh bằng nửa giá những họa gia làng nhàng khác nhưng tranh ông vẫn không được ai đoái hoài, cuộc sống hết sức cùng khốn.
.
Nhưng cũng chính vào giai đoạn bế tắc đó, một nhân vật đã xuất hiện tạo nên một bước chuyển biến ngoạn mục trong sự nghiệp nghệ thuật của Tề Bạch Thạch, mà sau này người đời đã ví ông như Bá Nhạc*, người có con mắt tinh tường nhìn ra cái nội lực tiềm ẩn của Thiên lý mã vậy.  Đó là danh họa Trần Sư Tăng một trong những nhà cải cách giáo dục nghệ thuật danh tiếng, ngọn cờ lớn của họa đàn Bắc Kinh đầu thế kỷ 20. Tranh sơn thủy của ông đề cao việc học tập tự nhiên, phản đối tư duy câu nệ cổ pháp, sao chép cổ nhân đang thịnh hành đương thời.
.
Vào một ngày dường như là định mệnh, Trần Sư Tăng bắt gặp ấn chương của Tề Bạch Thạch đang gửi bán ở hiệu giấy Lưu ly xưởng. Cảm thấy vô cùng thích thú, ông liền tìm đến gia đình họ Tề đang cư ngụ tại chùa Pháp Nguyên. Mặc dù Tề Bạch Thạch hơn Trần Sư Tăng những mười hai tuổi, nhưng như thể số trời đã định sẵn cho đôi bạn tri kỉ, cả hai đều không câu nệ tuổi tác, lời lời nói ra đều tâm đầu ý hợp. Kể từ đó, Tề Bạch Thạch ngày ngày tìm đến Hòe đường nơi nhà Trần Sư Tăng để đàm họa luận thế, kèm theo đó ông có cơ hội kết giao với rất nhiều danh sĩ ở kinh đô đương thời.
.
Một con đường nghệ thuật vĩ đại phía trước được mở ra với Tề Bạch Thạch dưới ngón tay chỉ lối của họ Trần.
Sau này danh họa Trần Tử Trang đã kể lại rằng: Tề Bạch Thạch thời trẻ chuyên vẽ mỹ nữ và khá có tiếng tăm, được người địa phương xưng tụng là Tề mỹ nhân (mỹ nhân của họ Tề). Trần Sư Tăng sau khi xem tranh mỹ nữ của Tề Bạch Thạch đã chẳng ngại ngần mà phê phán: “Anh tính tình thô khoáng, chỉ đặt bút xuống là thấy thô kệch rồi, làm sao vẽ nổi mỹ nữ, thôi, tốt nhất là nên học theo lối đại tả ý, mới mong biến cái thô phác thành cái đẹp được”. Trần Sư Tăng sau đó đã khuyên Tề Bạch Thạch học theo khuynh hướng tả ý của Dương Châu bát quái đời Thanh, và gần nhất là của Ngô Tuấn Khanh tức họa gia Ngô Xương Thạc lừng danh đương thời, sau đó ông còn mượn bạn bè hai mươi bức tranh của Ngô Xương Thạc để Tề Bạch Thạch lâm tập*.
.

Dưới sự chỉ bảo dẫn dắt của Trần Sư Tăng, Tề Bạch Thạch đã buông hẳn lối cũ, tận chí cải đổi. Trong suốt ba năm, ông bảo vợ khóa trái cửa lại, ngày ngày giam mình trong phòng nghiền ngẫm lâm tập, đến nỗi, vì ít ra sáng mà màu da trở nên nhợt nhạt trắng bệch. Rồi một ngày kia, không phụ công phu khổ luyện của người họa sĩ lão thành, Lâm Cầm Nam một danh sĩ đương thời sau khi xem một bức vẽ quạt của Tề Bạch Thạch đã phải thốt lên: “Nam Ngô Bắc Tề, cái đẹp có thể tương sánh rồi”.
.
Năm 1922, Trần Sư Tăng được mời sang Đông Kinh (Nhật Bản) để tổ chức một cuộc triển lãm giao lưu giữa giới thư họa hai nước. Lần này Tề Bạch Thạch được Trần Sư Tăng chọn tranh mang sang triển lãm. Điều khiến công chúng tham quan hết sức kinh dị, đó là khi họ nhìn thấy tác phẩm của một họa sĩ vô danh được đề giá cao lại được tiến cử bởi một họa gia danh tiếng và đầy uy tín như Trần Sư Tăng? Và thế là người ta đổ xô đến để xem tranh của Tề Bạch Thạch. Chẳng mấy chốc mà toàn bộ số tranh mang đi đã bán hết sạch và cái giá được trả cao gấp hai mươi lần giá tranh hiện đang bán ở Trung Quốc của họ Tề. Thậm chí người Nhật còn ngỏ ý muốn quay một bộ phim cho riêng hai họa gia.
.
Có thể nói nếu không nhờ có Trần Sư Tăng nhìn ra tài năng và khích lệ truyền cảm hứng thì sẽ không thể có một Bạch Thạch lão nhân ”đại biến” trong những năm tháng mà tuổi tác đã không còn là đồng minh của mọi sự đột phá. Từ đó, ông bất chấp mọi sự công kích của tầng lớp họa gia bảo thủ, công thức đương thời, mạnh dạn sáng tạo, đột phá vào chỗ bế tắc của họa đàn cuối Thanh đầu Dân quốc, nơi nuôi dưỡng những tư tưởng họa viện cổ lậu, quẩn quanh trong vòng cô tịch, quay lưng với thực tại. Giữa cái không khí bảo thủ ngột ngạt đó, sự cải đổi của Tề Bạch Thạch như đóa hoa hướng dương nở giữa mây mù, sống động rực rỡ, làm ấm lên cả một vùng xám lạnh tăm tối của trường phái phục cổ.
Tranh của Tề Bạch Thạch toát lên vẻ đẹp riêng có chính là vì được nuôi dưỡng bởi hơi ấm của một trái tim hồn hậu trong trẻo như một đứa trẻ. Bất cứ sự vật gì lọt vào mắt ông cũng được quan sát, nắm bắt tỉ mỉ hình thù đối tượng dưới một nhãn quan dí dỏm tinh nghịch để diễn tả được hình, và sau đó lấy cái màu sắc của nội tâm ra tô vẽ cho hình thù ấy vừa giống ngoại cảnh, vừa giống tâm cảnh, đó cũng chính là mượn sự vật của tạo hóa để biểu hiện cái tinh thần sống nội tại của chính mình vậy. Ông đã thực hiện đúng với lời của danh họa Trương Tảo đời Đường là bên ngoài học từ thiên nhiên, tôn tự nhiên làm thầy nhưng bên trong lại xuất phát lòng mình, thỏa mãn cái bản chất riêng có của bản thân, dung hợp hai yếu tố khách quan và chủ quan trong tranh để đạt tới cái đích “hình thần kiêm bị”. Nói ra tuy dễ nhưng trong lịch sử hội họa liệu có mấy người đạt được thành tựu đó.
.
Không chỉ kế thừa di huấn của tiền nhân, mà qua thực tiễn quan sát và sáng tạo, Tề Bạch Thạch cũng tự rút ra những điều mà ông cho là cốt tủy của nghệ thuật, những lời đó tuy dung dị, mộc mạc song đã hóa thành bất hủ, được các thế hệ hậu sinh truyền học, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là: “Vẽ tranh vi diệu ở chỗ vừa giống vừa  không giống. Nếu quá giống tức là chiều theo thế tục, mà không giống thì là nhạo báng thế nhân”. Tranh của Tề Bạch Thạch sở dĩ được mọi tầng lớp yêu thích, là do ông đã biết dung hợp một cách tài tình giữa cái thuần phác nhân bản của nghệ thuật dân gian với cái thanh nhã cao thượng của Văn nhân họa, cũng như hòa tan được những đối nghịch tưởng chừng như không thể dung hòa giữa trí tuệ và bản năng, giữa cái thô và cái tế, cái tục và cái nhã, cái cầu kỳ và cái giản đơn...v.v… điển hình trong việc ông đã dám kết hợp giữa “công bút” (lối vẽ tỉ mỉ, tinh vi) với “tả ý” (lối vẽ phóng túng, bay bổng) trong rất nhiều tác phẩm về thảo trùng. Song, theo ông thì tất cả đều phải chuyển hóa, như lời Thạch Đào, một họa gia kiệt xuất cuối Minh đầu Thanh từng nói, đó là: “Bút mực phải tùy theo thời đại”
……………..


* Tề Bạch Thạch 1864 - 1957
Danh họa Trung Quốc Lột xác ở tuổi sáu mươi với các tác phẩm linh động đầy sức sống. Đến khi tuổi cao, ông vẫn vẽ và không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã có. Ông từng nói: Tôi vẽ tranh mấy chục năm rồi mà chưa thấy có gì là của mình, nên tôi quyết định đại biến.

Năm 1955, Hội đồng hòa bình thế giới trao giải thưởng và công nhận ông là Danh nhân văn hóa thế giới.

* Bá Nhạc: người thời Xuân Thu, tương truyền có biệt tài xem tướng ngựa. Người đời sau dùng tên ông để chỉ những người có năng lực phát hiện, tiến cử, bồi duỡng những tài năng còn đang ẩn giấu.

* Lâm tập: là hình thức học tập thư họa bằng cách sao chép các danh tác của người đi trước. Thông thường đuợc gọi chung là lâm mô. Lâm là đối diện với nguyên tác để chép theo. Mô là để một tờ giấy mỏng không ngấm nước lên nguyên tác để tô theo. Lâm thì thường được ý nhưng mất hình, Mô thì thường được hình nhưng mất ý.


Thứ Năm, 23 tháng 5, 2019

Thuốc thử cho “Thuyết Trung Quốc vượt Mỹ”


Khoảng hơn chục năm nay dư luận Trung Quốc (TQ) ngày càng bàn thảo sôi nổi về vấn đề vượt Mỹ. một số học giả TQ càng hăng hái đưa ra các kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh sức mạnh của TQ trên một số mặt đã vượt Mỹ từ rất sớm.
.
Nhân vật tiêu biểu của thuyết này là Giáo sư Hồ An Cương, một trong các học giả khoa học xã hội uy tín nhất ở TQ hiện nay.
.
Hồ An Cương hiện là Giám đốc Viện Nghiên cứu tình hình TQ [“Quốc tình Nghiên cứu Viện”, National Conditions Institute, NCI] thuộc Đại học Thanh Hoa Bắc Kinh – một cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu TQ.
.
Hồ An Cương viết: Năm 2010, TQ đã trở thành nước lớn nhất thế giới trong ngành chế tạo, năm 2013 là nước xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất, năm 2014 là nền kinh tế lớn nhất toàn cầu…TQ đã tiến vào trung tâm vũ đài thế giới, phát huy tác dụng lãnh đạo toàn cầu. Ngoài ra về sức mạnh quốc phòng, ảnh hưởng quốc tế và sức mạnh mềm về văn hóa, TQ cũng đang tăng tốc đuổi và vượt Mỹ”.
.
Những công bố đó đã làm nức lòng dân chúng trong nước nâng cao tinh thần dân tộc và tâm lý tự hào của dân chúng, hình thành “Thuyết TQ vượt Mỹ”.
.
 “kết quả nghiên cứu khoa học” của GS Hồ đã gây ra sự phản cảm ở một số học giả và quan chức, những người hiểu rõ hiện tình lạc hậu của TQ, nhất là về văn hóa và KHKT.
.
Ngày 21/6/2018, Lưu Á Đông Tổng biên tập “Nhật báo Khoa học và Kỹ thuật” (của Bộ KHKTTQ) nói trong một cuộc họp: Ai cũng biết TQ còn cách Mỹ và các nước phát triển khác một khoảng cách rất lớn về KHKT. Thế mà ở ta vẫn có một số người lúc thì nói “4 Tân đại phát minh”, lúc thì nói “Đuổi và vượt [Mỹ] toàn diện”, trở thành “Nhất thế giới”… Nếu TQ cho rằng mình có thể sớm thay thế Mỹ, trở thành quốc gia dẫn đầu KHKT thế giới thì đó chỉ là sự tự lừa dối. Phát biểu này được dư luận khen là “dám nói thật”.
.
Phái bênh vực Thuyết TQ vượt Mỹ cũng viện dẫn nhiều tư liệu để chứng minh họ đúng. Ví dụ họ cho rằng cách tính GDP hiện nay là chưa hợp lý, nếu tính GDP theo sức mua ngang giá thì một báo cáo của IMF năm 2014 cho biết ngay năm đó, GDP TQ đã vượt Mỹ… TQ còn nhất thế giới về nhiều mặt…
.
Cuộc tranh cãi nói trên lắng dần sau khi Tổng thống Trump “nâng cấp” các tranh chấp buôn bán TQ - Mỹ thành chiến tranh thương mại, bắt đầu với vụ trừng phạt Tập đoàn ZTE, gã khổng lồ công nghệ thông tin của TQ, có doanh thu 17 tỷ USD (2017).
.
Một nhà báo TQ viết “Nếu không vì lão điên Trump gây ra cuộc chiến tranh thương mại này thì có lẽ chúng ta vẫn còn say sưa với ‘Kỳ tích kinh tế 40 năm qua’ và vòng hào quang ‘Nước lớn trỗi dậy’, tới mức chưa tỉnh”.
.
Dư luận TQ dấy lên phong trào chống tuyên truyền khoa trương [anti-hype movement]. Đầu tháng 8/2018, một nhóm cựu sinh viên tốt nghiệp ĐH Thanh Hoa gửi thư ngỏ đòi Hiệu trưởng trường này sa thải Hồ An Cương *. Ngay cả Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập “Thời báo Hoàn cầu” sặc mùi chủ nghĩa dân tộc cũng viết: “Một học giả nổi tiếng tuyên truyền rằng quốc lực tổng hợp của TQ đã vượt Mỹ. Tôi cảm thấy lo lắng sâu sắc về phán đoán ấy.” 
.
Tóm lại, cú gục ngã của ZTE trở thành liều thuốc thử chứng tỏ Thuyết TQ vượt Mỹ thiếu căn cứ đứng vững.
.
Theo khoahocphattrien.vn



* Báo “South China Morning Post” 3/8/2018 đưa tin: Một nhóm cựu sinh viên tốt nghiệp ĐH Thanh Hoa những năm 80 vừa gửi thư ngỏ tới Khưu Dũng [Qiu Yong] Hiệu trưởng trường này đòi sa thải Hồ An Cương vì những phát ngôn gây tranh cãi của ông.

Bức thư viết, họ lấy làm xấu hổ vì trường Đại học Thanh Hoa có một giáo sư như thế và chỉ rõ: "Mấy năm gần đây, Tiên sinh Hồ An Cương, nặn ra cái gọi là báo cáo học thuật "Sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc đã vượt nước Mỹ", có thể nói " trên thì khiến quốc gia nhầm lẫn khi ra quyết sách, dưới thì mê hoặc dân chúng, các nước ở xa cảnh giác, láng giềng gần lo ngại, thật là hại nước hại dân".

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2019

NGÀY QUỐC TẾ GIA ĐÌNH 15/5



Những điều mà cha mẹ có thể làm cho con mình

.

* Theodore Hesburgh Chủ tịch Đại học Notre Dame - Mỹ  (1917-2015) : “Điều quan trọng nhất mà người cha có thể làm cho các con mình là yêu mẹ của chúng”.
.
* Chuyên gia tâm lý người Mỹ Gary Chapman cũng khẳng định, cách tốt nhất để yêu thương con của mình là yêu người sinh thành ra chúng.
.
* Tiến sĩ Gary Chapman cho rằng cuộc sống hôn nhân ảnh hưởng rất lớn đến cách cư xử của bạn với con cũng như cách trẻ tiếp nhận tình yêu thương đó. Nếu bạn có một cuộc hôn nhân tốt đẹp - cả hai vợ chồng đối xử với nhau tử tế, tôn trọng và toàn vẹn - thì khi đó, bạn và người bạn đời của bạn sẽ cảm nhận được tình yêu của nhau và cùng phối hợp trong việc nuôi dạy con.
.
* Tiến sĩ Stephen Covey, nhà giáo dục, nhà văn, nhà kinh doanh và nhà diễn giả của Mỹ : “Sự vững chắc trong hôn nhân sẽ tạo nên một cảm giác an toàn trong cả gia đình. Vì mối quan hệ thiết yếu nhất trong gia đình là mối quan hệ giữa vợ chồng. Chất lượng của mối quan hệ này sẽ quyết định chất lượng của cuộc sống gia đình.”
.
* Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 dạy rằng: “Nếu nguồn an vui tràn ngập trong gia đình, và các giá trị nhân bản được tôn trọng, thì chẳng riêng gì cha mẹ mà cả con cháu đều được sống trong bầu không khí hạnh phúc và thư giãn, và cũng biết đâu cái không khí đó sẽ còn tiếp tục tồn tại cho đến những thế hệ về sau.
.
* John Media nhà sinh học phân tử : Việc bố mẹ bất hòa làm ảnh hưởng nhiều mặt đến con trẻ, trong đó có khả năng học tập. Sự căng thẳng về hôn nhân trong gia đình có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích học tập của trẻ, xét trong mọi chừng mực và gần như ở bất kỳ độ tuổi nào. Đáng chú ý, khi bọn trẻ lớn lên, các tác động của những căng thẳng thời thơ ấu có thể vẫn còn.
.
* John C. Maxwell chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo người Mỹ, “một cuộc hôn nhân thành công là cuộc hôn nhân đi từ khủng hoảng này qua khủng hoảng khác với sự gắn bó ngày càng mật thiết. Giống như bất kỳ điều gì mà bạn phải đấu tranh mới có được, hôn nhân đòi hỏi kỷ luật và sự cam kết.”
.
Người ta chỉ đạt được mục đích khi đặt ưu tiên cao nhất cho mục đích đó. Một khi cả hai cha mẹ đều cam kết rằng sẽ duy trì không khí gia đình hòa thuận bằng sự yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, thì cả gia đình đều sẽ được hưởng lợi, và các con sẽ là người hạnh phúc nhất.



Lời hứa và tính trung thực đã làm nên một thương hiệu

Trước đây, ở phía nam dãy Himalaya Nepal, rất ít người nước ngoài đến thăm. Nhưng sau đó, một số lượng lớn du khách Nhật Bản đã đến thăm nơi đây, nguyên nhân là do một cậu bé ở đất nước Nepal đã giữ lời hứa của mình.

.
Hơn mười năm trước, vào một ngày nọ, một nhóm nhiếp ảnh gia Nhật Bản đã đến thăm các khu vực núi non của Nepal để chụp ảnh cho các dự án của họ. Họ đã đến một vùng heo hút ở độ cao 1500 mét. Các làng đều không điện, không nước, không có đường cho xe du lịch. Sau khi họ dốc sức làm việc, họ muốn uống một chút bia. Vì họ đã phải đi con đường núi hiểm trở nên họ đã không thể mang theo ngay cả một chai bia để cho hành lý nhẹ nhàng nhất có thể.
.
Có một thiếu niên tên là Qi Duoli trong làng. Thông qua thông dịch viên, Qi nói với các nhiếp ảnh gia rằng cậu có thể đi xuống một ngôi làng nhỏ ở chân núi để mua bia Đức cho họ. Các nhiếp ảnh gia đã rất ngần ngại lúc đầu, bởi vì đường đi rất xa. Nhưng cậu bé khăng khăng rằng cậu sẽ đi nhanh chóng và trở lại trước khi trời tối.
·        .
Như đã hứa chắc, Qi trở về trước khi trời tối với năm chai bia trong túi vải nhỏ của mình. Ngày hôm sau, Qi lại tình nguyện đi mua bia cho các nhà nhiếp ảnh. Các nhiếp ảnh gia đã đưa cậu nhiều tiền hơn và một túi vải lớn hơn. Tuy nhiên, Qi đã không trở lại đêm đó.
.
Sáng hôm sau khi các nhiếp ảnh gia hỏi thăm cậu bé, dân làng nói với họ rằng có thể Qi đã mang tiền bỏ chạy, bởi vì nhà của Qi trong làng khác và cậu ta chỉ đi học ở đây thôi. Các nhà nhiếp ảnh đã rất hối tiếc nhẽ ra họ không nên vấy bẩn sự tinh khiết của một đứa trẻ bằng tiền.
.
Nhưng vào giữa đêm, họ nghe một tiếng gõ cửa. Khi họ mở cửa, họ thấy Qi với bộ quần áo rách toạc đầy bùn và trên người cậu có nhiều vết bầm tím. Qi giải thích rằng cậu chỉ có thể mua bốn chai bia tại ngôi làng đầu tiên và cậu đã phải leo qua một ngọn núi tới một ngôi làng khác để mua thêm sáu chai. Nhưng không may, cậu bị ngã và làm vỡ ba chai bia Đức. Qi sau đó trao trả bia, tiền lẻ và những mảnh thủy tinh vỡ cho họ.
.
Các nhiếp ảnh gia Nhật Bản đã rất xúc động đến nỗi che mặt lại và khóc, có lẽ họ xấu hổ bởi những nghi ngờ đối với sự trung thực của Qi.
.
Khi câu chuyện dần dần lan rộng ở Nhật Bản, tất cả những người nghe được câu chuyện vô cùng cảm động và muốn gặp người thiếu niên đơn giản biết giữ lời hứa của mình, và muốn tới miền núi nơi cậu lớn lên. Kết quả là, khu vực này đã ngày càng có nhiều hơn và nhiều hơn nữa khách du lịch khắp nơi.




Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2019

Câu chuyện điển hình về giữ lời hứa


Bên bờ sông Hudson ở New York, cách lăng mộ của vị Tống thống đời thứ 18 của nước Mỹ Ulysses S. Grant chưa tới 100 mét, có một ngôi mộ của một cậu bé. Bên cạnh ngôi mộ có một tấm biển bằng gỗ, ghi lại một câu chuyện như sau:
.

Ngày 15 tháng 7 năm 1797, có một cậu bé 5 tuổi bất hạnh bị rơi xuống vách núi và tử vong. Cha mẹ cậu bé vì quá đau thương, tuyệt vọng nên đã xây một ngôi mộ ngay ở cạnh nơi cậu bé đã qua đời. Sau đó vì tình hình kinh tế gia đình khó khăn, cha cậu bé đã bất đắc dĩ phải chuyển nhượng mảnh đất này, tuy nhiên, bản hợp đồng có kèm theo một yêu cầu đặc biệt cho người chủ mới: hãy vĩnh viễn lưu giữ lại phần đất nơi đặt ngôi mộ của cậu bé.

Người chủ nhân mới đồng ý với điều kiện này và viết nó vào trong điều khoản hợp đồng. 100 năm qua đi, mảnh đất này chuyển đổi bán cho rất nhiều người, nhưng phần mộ của cậu bé vẫn được giữ nguyên ở đó. Năm 1897, mảnh đất được lựa chọn để đặt làm lăng mộ yên nghỉ của Tổng thống Ulysses S. Grant, nhưng điều khiến nhiều người xúc động hơn nữa là mộ phần của cậu bé vẫn được giữ lại ở đó và trở thành lăng mộ hàng xóm của Tổng thống Grant.

Lại 100 năm nữa qua đi, đến tháng 7 năm 1997, nhân dịp kỷ niệm 100 năm nhân ngày xây dựng lăng mộ của Tổng thống Grant, thị trưởng thành phố New York đã tới đây để tưởng nhớ ông đồng thời cho tu sửa lại phần mộ của cậu bé. Chưa dừng lại ở đó, ông còn đích thân tự tay viết câu chuyện này lên phần mộ của cậu bé để nó có thể lưu truyền lại đời đời cho hậu thế.

Một hợp đồng kéo dài 200 năm đã cho chúng ta thấy một đạo lý làm người rất đơn giản: Khi đã hứa, nhất định phải giữ lời. Giữ lời hứa là một điều rất đáng quý trong cuộc sống. Vì một khi đã hứa thì phải giữ lời. Giữ lời hứa là một trong những việc làm khó khăn nhất của con người. Vậy nên, trước khi hứa phải suy nghĩ cẩn thận, xem mình có đủ khả năng để thực hiện lời hứa đó hay không và đã hứa thì phải giữ, nếu không thực hiện được thì phải gánh chịu hậu quả, không được che dấu, lờ đi hoặc đổ lỗi cho người khác.

Việc giữ lời hứa không chỉ chứng minh rằng bạn là người đáng tin cậy mà còn chứng minh bạn rất đáng để người khác ủy thác trách nhiệm. Còn nếu không giữ lời hứa, người khác sẽ không những không tin tưởng bạn mà còn xa lánh bạn.   
        
Ai đó nếu bị bạn bè, người quen nhận xét rằng “mười voi không được bát nước xáo”  thì e rằng khó mà làm nên điều gì trong cuộc sống.   



Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2019

Văn hóa phản biện



Nếu bạn đọc quyển Quốc gia khởi nghiệp, hẳn đều nhớ : Tại Israel, nhân viên mới của công ty được phép tranh luận với Tổng giám đốc. Một người lính cấp bậc thấp khi cần có thể không tuân theo lệnh cấp trên. Một thường dân có quyền nêu ý kiến với các cán bộ cấp cao. Tưởng phi lý nhưng không hề phi lý. Bởi đó chính là một trong các bí quyết làm nên thành công của người Israel, khiến họ được xem là dân tộc thông minh hàng đầu: Văn hóa phản biện.

Ở Mỹ và châu Âu, giáo viên rèn luyện cho học sinh tranh luận từ cấp tiểu học. Họ đặt ra các đề tài mang tính khơi gợi như “Ma quỷ có tồn tại không?” hay “Ta nên luôn trung thực hay có thể nói dối khi cần thiết?”… rồi chia học sinh thành hai nhóm có ý kiến khác nhau. Các nhóm sẽ trình bày lập luận, sau đó giáo viên sẽ đổi vai trò, nhóm nào từng chống lại giờ phải ủng hộ, và ngược lại. Mục đích không phải là tìm câu trả lời, mà rèn luyện cho trẻ em thấy được các mặt khác nhau của cùng một vấn đề.

Quá trình phát triển của nhân loại chứng minh không có tiến bộ vĩ đại nào xuất hiện nếu không có tư duy phản biện đồng hành. Giordano Bruno bị Giáo hội trung cổ thiêu sống vì tin vào các bằng chứng cho thấy Trái Đất hình cầu chứ không phải mặt phẳng. Albert Einstein, bộ óc vĩ đại nhất nhân loại thế kỉ 20, cũng bị ngờ vực khi đưa ra Thuyết tương đối… Các cá nhân trên không để cho tư tưởng cũ đàn áp hoặc áp lực cộng đồng chi phối, mà kiên định tin tưởng vào kết quả từ quá trình tự vấn, trao đổi và suy nghiệm của bản thân. Nhờ bạn đồng hành vô hình mang tên PHẢN BIỆN, tri thức loài người đã tiến những bước dài.

Một dịch giả người Pháp có đặt câu hỏi : Tại sao trong trang viết của các nhà văn trẻ Việt Nam thường xuyên xuất hiện một (vài) nhân vật lớn tuổi, được miêu tả theo màu “chính diện”, người không ngừng khuyên nhủ bảo ban các nhân vật khác, cả khi được yêu cầu lẫn khi không được yêu cầu? dịch giả này cho biết khúc mắc của ông: Khi dịch ra các ngôn ngữ khác, theo góc nhìn chung của độc giả phương Tây, những “người tốt” này được xem là kẻ hợm hĩnh dạy đời. Còn các nhân vật chỉ biết nghe lời, tuân theo chỉ dẫn của kẻ khác cũng bị đánh giá thấp (!)

Có nhiều cách giải thích cho thắc mắc của dịch giả trên, nhưng sâu xa, vấn đề nằm trong sự khác biệt ở tư duy người Việt. Từ xa xưa, cha ông ta không đề cao việc tự tìm tòi phản biện. Thậm chí, phẩm chất này bị triệt tiêu từ trứng nước: Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Việc im lặng không dám bày tỏ, với nam nhi được xem là khiêm tốn, với nữ nhi được xem là kín đáo nhu mì. Tâm lý né tránh tranh luận được đúc kết như cách ứng xử khôn ngoan: Một sự nhịn, chín sự lành.

Tuổi tác, vai vế, chức vụ hay kinh nghiệm đem đến tiếng nói quyết định chứ không phải quá trình trao đổi và phân tích để có được giải pháp tốt hơn. Còn trẻ mà tự tin thể hiện là không nên, bị chê “Múa rìu qua mắt thợ”. Chính vì thế, khi du học, học sinh sinh viên người Việt thường bối rối khi giảng viên từ chối trả lời trực tiếp mà đề nghị hãy tự tìm lời giải.
Từ “phản biện” (critical) theo nhận thức chung thiên về yếu tố “suy xét” trong tư duy. Nhưng trong tiếng Việt, nó lại thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, là các ý kiến phê phán, chống đối. Vô cùng đáng tiếc, đây lại là rào cản chưa được tháo bỏ.

Thực tế cho đến hôm nay, phần đông người Việt trẻ chúng ta, trong học tập, công việc lẫn cuộc sống hằng ngày, rất ít sử dụng đến kỹ năng phân tích và phản biện, dù các bạn có thể. Giáo dục phổ thông lẫn đại học vẫn theo hình thức áp đặt một chiều. Trừ một số trường quốc tế hay thực nghiệm, hầu hết học trò không được khuyến khích thể hiện bản thân. Nếu chúng ta có vấn đề thắc mắc cần đào sâu hay muốn đưa ra góc nhìn riêng, việc trình bày trước lớp dễ bị đánh giá là “tinh tướng” hay “chơi nổi”, tranh luận với thầy cô bị xem là “hỗn láo”. Trong gia đình, việc con cái “nghe lời” vẫn được khen nhiều hơn là “trao đổi” với mẹ cha. Dần dần, chúng ta trở nên thụ động, mong muốn được dẫn dắt hơn là tự tìm đường, thích dựa dẫm hơn là tự trải nghiệm.

Chúng ta vui vẻ trong cộng đồng những người giống như mình, chúng ta khó chịu khi chứng kiến ai đó hành động khác biệt.


Luật cao nhất nhất chính là luật tự nhiên


Thiền sư Duy Nghiễm là đại sư nổi tiếng thời nhà Đường. Ông cùng với rất nhiều cao tăng có “sở trường” giỏi về việc dẫn dắt ngộ tính của các đồ đệ. Có một câu chuyện về ông và các đồ đệ, kể rằng:

Có một lần, thiền sư Duy Nghiễm dẫn hai vị đệ tử của ngài là Đạo Ngô và Vân Nham đi xuống núi. Trên đường đi, thiền sư Duy Nghiễm chỉ tay vào một cái cây khô trong rừng và hỏi: “Các con nói xem, cái cây này khô héo mới tốt hay là xanh tươi mới tốt?”

Đạo Ngô không nghĩ ngợi gì, lập tực trả lời: “Đương nhiên là xanh tươi mới tốt!”
Thiền sư Duy Nghiễm lắc đầu, nói: “Hết thảy phồn thịnh cuối cùng rồi cũng biến mất!”

Đến lúc này, câu trả lời dường như đã sáng tỏ, nên Vân Nham lập tức nói: “Theo con thì khô héo mới là tốt!”
Không ngờ, thiền sư Duy Nghiễm nghe xong vẫn lắc đầu. Ông nói: “Khô héo thì cuối cùng cũng trở thành quá khứ!”

Vừa hay lúc này có một vị tiểu hòa thượng đi qua nơi ba thầy trò họ đứng. Thiền sư Duy Nghiễm liền đem câu hỏi ấy để khảo nghiệm vị tiểu hòa thượng này.
Tiểu hòa thượng thông minh, chậm rãi và từ tốn nói: “Khô héo thì để nó khô héo, mà tươi tốt thì nên để nó tươi tốt!”

Thiền sư Duy Nghiễm vuốt cằm và khen ngợi: “Tiểu hòa thượng nói đúng lắm! Bất kể sự tình gì trên thế giới này đều nên là để cho nó tự nhiên, đừng chấp nhất, cố chấp. Đây mới là thái độ của tu hành!”

Lão Tử nói: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên.”  Ý tứ chính là, người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên. 
Trên thế gian này, luật to lớn nhất chính là luật tự nhiên, luật của con người kỳ thực là rất nhỏ bé. Cho nên, “thuận theo tự nhiên” mới là đạo sinh tồn của nhân loại.

Quy luật tự nhiên là rộng lớn bao la mà cũng rất khắc nghiệt. “Phồn vinh, tươi tốt” cũng thế mà “tàn lụi, khô héo” cũng vậy, hết thảy cũng đều thuận theo thời gian mà cuối cùng biến mất.

Đời người, xinh đẹp, quyền lực, của cải, danh lợi đều chỉ bất quá là tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi. Con người hẳn là nên thuận theo tự nhiên mà sống, càng không nên làm trái ngược, truy cầu quá nhiều mà nhận lấy mệt mỏi và làm mê mất tâm linh của chính mình?

Luật tự nhiên là tối thượng, khi luật của con người trái với luật tự nhiên thì xã hội rối loạn, nguy cơ sinh tồn sẽ bị hủy hoại.



Ảnh : Trung tâm TP.HCM ngập lớn trong cơn mưa chiều 26/92016. Hình ảnh tại Ngã tư Hai Bà Trưng – Mạc Thị Bưởi, Q1. (Ảnh: FB Ngô Nhật Hoàng)