Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Danh họa Tề Bạch Thạch

Tề Bạch Thạch danh họa Trung Quốc với các tác phẩm đầy sức sống, đạt đến độ siêu phàm.

Mỗi khi nhắc về tranh vẽ Trung Quốc, người ta sẽ nghĩ ngay đến Tề Bạch Thạch. Nhưng ít có ai biết rằng, người họa sĩ vĩ đại mà di sản để lại nhiều hơn ba vạn bức tranh kia lại có một sự chuyển biến bản thân hết sức nhọc nhằn và muộn màng. Cuộc đời nghệ thuật của ông là minh chứng cho tinh thần cầu thị cao cả, sự cần cù khổ luyện không ngừng để đi đến thành công.
.
Người yêu nghệ thuật ngày hôm nay biết về Tề Bạch Thạch thường thông qua những bức tranh tôm cua sống động như đang bơi lội nhảy nhót, những chú gà con tròn xoe như những nắm bông, những bó cải trắng, nấm hương, cà rốt, những quả bầu nậm đung đưa trong gió... và cả một thế giới cỏ cây hoa lá chim thú thảo trùng sinh động hồn nhiên như trẻ thơ. Thực chất cái thế giới hồn nhiên như trẻ thơ đó lại bắt đầu xuất hiện dưới đôi bàn tay của một họa sĩ khi mà tuổi đời đã xế chiều. “Suy niên biến pháp”, nghĩa là “tuổi già đổi phép” đã trở thành một câu chuyện nổi tiếng trong giới họa Trung Quốc.

Nguồn cơn của “tuổi già đổi phép” này bắt đầu vào năm 1917, chiến tranh quân phiệt diễn ra liên miên, thổ phỉ hoành hành khắp vùng Hồ Nam, Tề Bạch Thạch giờ đã 55 tuổi buộc phải đưa gia đình đi lánh nạn ở Bắc Kinh, trú ngụ qua ngày ở chùa Pháp nguyên, lấy việc vẽ tranh bán ấn làm kế sinh nhai. Tề Bạch Thạch mặc dù ở quê hương mình ông đã gây dựng được không ít tiếng tăm, nhưng đến kinh đô mọi chuyện lại khác, tranh của ông không được giới thưởng ngoạn ở Bắc Kinh đánh giá cao. Mặc dù chỉ bán tranh bằng nửa giá những họa gia làng nhàng khác nhưng tranh ông vẫn không được ai đoái hoài, cuộc sống hết sức cùng khốn.
.
Nhưng cũng chính vào giai đoạn bế tắc đó, một nhân vật đã xuất hiện tạo nên một bước chuyển biến ngoạn mục trong sự nghiệp nghệ thuật của Tề Bạch Thạch, mà sau này người đời đã ví ông như Bá Nhạc*, người có con mắt tinh tường nhìn ra cái nội lực tiềm ẩn của Thiên lý mã vậy.  Đó là danh họa Trần Sư Tăng một trong những nhà cải cách giáo dục nghệ thuật danh tiếng, ngọn cờ lớn của họa đàn Bắc Kinh đầu thế kỷ 20. Tranh sơn thủy của ông đề cao việc học tập tự nhiên, phản đối tư duy câu nệ cổ pháp, sao chép cổ nhân đang thịnh hành đương thời.
.
Vào một ngày dường như là định mệnh, Trần Sư Tăng bắt gặp ấn chương của Tề Bạch Thạch đang gửi bán ở hiệu giấy Lưu ly xưởng. Cảm thấy vô cùng thích thú, ông liền tìm đến gia đình họ Tề đang cư ngụ tại chùa Pháp Nguyên. Mặc dù Tề Bạch Thạch hơn Trần Sư Tăng những mười hai tuổi, nhưng như thể số trời đã định sẵn cho đôi bạn tri kỉ, cả hai đều không câu nệ tuổi tác, lời lời nói ra đều tâm đầu ý hợp. Kể từ đó, Tề Bạch Thạch ngày ngày tìm đến Hòe đường nơi nhà Trần Sư Tăng để đàm họa luận thế, kèm theo đó ông có cơ hội kết giao với rất nhiều danh sĩ ở kinh đô đương thời.
.
Một con đường nghệ thuật vĩ đại phía trước được mở ra với Tề Bạch Thạch dưới ngón tay chỉ lối của họ Trần.
Sau này danh họa Trần Tử Trang đã kể lại rằng: Tề Bạch Thạch thời trẻ chuyên vẽ mỹ nữ và khá có tiếng tăm, được người địa phương xưng tụng là Tề mỹ nhân (mỹ nhân của họ Tề). Trần Sư Tăng sau khi xem tranh mỹ nữ của Tề Bạch Thạch đã chẳng ngại ngần mà phê phán: “Anh tính tình thô khoáng, chỉ đặt bút xuống là thấy thô kệch rồi, làm sao vẽ nổi mỹ nữ, thôi, tốt nhất là nên học theo lối đại tả ý, mới mong biến cái thô phác thành cái đẹp được”. Trần Sư Tăng sau đó đã khuyên Tề Bạch Thạch học theo khuynh hướng tả ý của Dương Châu bát quái đời Thanh, và gần nhất là của Ngô Tuấn Khanh tức họa gia Ngô Xương Thạc lừng danh đương thời, sau đó ông còn mượn bạn bè hai mươi bức tranh của Ngô Xương Thạc để Tề Bạch Thạch lâm tập*.
.

Dưới sự chỉ bảo dẫn dắt của Trần Sư Tăng, Tề Bạch Thạch đã buông hẳn lối cũ, tận chí cải đổi. Trong suốt ba năm, ông bảo vợ khóa trái cửa lại, ngày ngày giam mình trong phòng nghiền ngẫm lâm tập, đến nỗi, vì ít ra sáng mà màu da trở nên nhợt nhạt trắng bệch. Rồi một ngày kia, không phụ công phu khổ luyện của người họa sĩ lão thành, Lâm Cầm Nam một danh sĩ đương thời sau khi xem một bức vẽ quạt của Tề Bạch Thạch đã phải thốt lên: “Nam Ngô Bắc Tề, cái đẹp có thể tương sánh rồi”.
.
Năm 1922, Trần Sư Tăng được mời sang Đông Kinh (Nhật Bản) để tổ chức một cuộc triển lãm giao lưu giữa giới thư họa hai nước. Lần này Tề Bạch Thạch được Trần Sư Tăng chọn tranh mang sang triển lãm. Điều khiến công chúng tham quan hết sức kinh dị, đó là khi họ nhìn thấy tác phẩm của một họa sĩ vô danh được đề giá cao lại được tiến cử bởi một họa gia danh tiếng và đầy uy tín như Trần Sư Tăng? Và thế là người ta đổ xô đến để xem tranh của Tề Bạch Thạch. Chẳng mấy chốc mà toàn bộ số tranh mang đi đã bán hết sạch và cái giá được trả cao gấp hai mươi lần giá tranh hiện đang bán ở Trung Quốc của họ Tề. Thậm chí người Nhật còn ngỏ ý muốn quay một bộ phim cho riêng hai họa gia.
.
Có thể nói nếu không nhờ có Trần Sư Tăng nhìn ra tài năng và khích lệ truyền cảm hứng thì sẽ không thể có một Bạch Thạch lão nhân ”đại biến” trong những năm tháng mà tuổi tác đã không còn là đồng minh của mọi sự đột phá. Từ đó, ông bất chấp mọi sự công kích của tầng lớp họa gia bảo thủ, công thức đương thời, mạnh dạn sáng tạo, đột phá vào chỗ bế tắc của họa đàn cuối Thanh đầu Dân quốc, nơi nuôi dưỡng những tư tưởng họa viện cổ lậu, quẩn quanh trong vòng cô tịch, quay lưng với thực tại. Giữa cái không khí bảo thủ ngột ngạt đó, sự cải đổi của Tề Bạch Thạch như đóa hoa hướng dương nở giữa mây mù, sống động rực rỡ, làm ấm lên cả một vùng xám lạnh tăm tối của trường phái phục cổ.
Tranh của Tề Bạch Thạch toát lên vẻ đẹp riêng có chính là vì được nuôi dưỡng bởi hơi ấm của một trái tim hồn hậu trong trẻo như một đứa trẻ. Bất cứ sự vật gì lọt vào mắt ông cũng được quan sát, nắm bắt tỉ mỉ hình thù đối tượng dưới một nhãn quan dí dỏm tinh nghịch để diễn tả được hình, và sau đó lấy cái màu sắc của nội tâm ra tô vẽ cho hình thù ấy vừa giống ngoại cảnh, vừa giống tâm cảnh, đó cũng chính là mượn sự vật của tạo hóa để biểu hiện cái tinh thần sống nội tại của chính mình vậy. Ông đã thực hiện đúng với lời của danh họa Trương Tảo đời Đường là bên ngoài học từ thiên nhiên, tôn tự nhiên làm thầy nhưng bên trong lại xuất phát lòng mình, thỏa mãn cái bản chất riêng có của bản thân, dung hợp hai yếu tố khách quan và chủ quan trong tranh để đạt tới cái đích “hình thần kiêm bị”. Nói ra tuy dễ nhưng trong lịch sử hội họa liệu có mấy người đạt được thành tựu đó.
.
Không chỉ kế thừa di huấn của tiền nhân, mà qua thực tiễn quan sát và sáng tạo, Tề Bạch Thạch cũng tự rút ra những điều mà ông cho là cốt tủy của nghệ thuật, những lời đó tuy dung dị, mộc mạc song đã hóa thành bất hủ, được các thế hệ hậu sinh truyền học, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là: “Vẽ tranh vi diệu ở chỗ vừa giống vừa  không giống. Nếu quá giống tức là chiều theo thế tục, mà không giống thì là nhạo báng thế nhân”. Tranh của Tề Bạch Thạch sở dĩ được mọi tầng lớp yêu thích, là do ông đã biết dung hợp một cách tài tình giữa cái thuần phác nhân bản của nghệ thuật dân gian với cái thanh nhã cao thượng của Văn nhân họa, cũng như hòa tan được những đối nghịch tưởng chừng như không thể dung hòa giữa trí tuệ và bản năng, giữa cái thô và cái tế, cái tục và cái nhã, cái cầu kỳ và cái giản đơn...v.v… điển hình trong việc ông đã dám kết hợp giữa “công bút” (lối vẽ tỉ mỉ, tinh vi) với “tả ý” (lối vẽ phóng túng, bay bổng) trong rất nhiều tác phẩm về thảo trùng. Song, theo ông thì tất cả đều phải chuyển hóa, như lời Thạch Đào, một họa gia kiệt xuất cuối Minh đầu Thanh từng nói, đó là: “Bút mực phải tùy theo thời đại”
……………..


* Tề Bạch Thạch 1864 - 1957
Danh họa Trung Quốc Lột xác ở tuổi sáu mươi với các tác phẩm linh động đầy sức sống. Đến khi tuổi cao, ông vẫn vẽ và không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đã có. Ông từng nói: Tôi vẽ tranh mấy chục năm rồi mà chưa thấy có gì là của mình, nên tôi quyết định đại biến.

Năm 1955, Hội đồng hòa bình thế giới trao giải thưởng và công nhận ông là Danh nhân văn hóa thế giới.

* Bá Nhạc: người thời Xuân Thu, tương truyền có biệt tài xem tướng ngựa. Người đời sau dùng tên ông để chỉ những người có năng lực phát hiện, tiến cử, bồi duỡng những tài năng còn đang ẩn giấu.

* Lâm tập: là hình thức học tập thư họa bằng cách sao chép các danh tác của người đi trước. Thông thường đuợc gọi chung là lâm mô. Lâm là đối diện với nguyên tác để chép theo. Mô là để một tờ giấy mỏng không ngấm nước lên nguyên tác để tô theo. Lâm thì thường được ý nhưng mất hình, Mô thì thường được hình nhưng mất ý.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét