Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2024

Bình bài thơ "Đèo Ba Dội" của Hồ Xuân Hương

 

BÌNH BÀI THƠ "ĐÈO BA DỘI" CỦA HỒ XUÂN HƯƠNG

Một đèo, một đèo, lại một đèo,

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.

Cửa son đỏ loét tùm bum nóc,

Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,

Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.

Hiền nhân quân tử ai là chẳng?

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.

Đèo Ba Dội hay còn gọi là đèo Tam Điệp là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa, gồm ba dốc cao nối tiếp nhau.

Đèo có một cổng giống như cổng thành sơn màu đỏ. Lâu năm, cây cỏ mọc um tùm trên nóc làm tăng thêm vẻ cổ kính.

Hồ Xuân Hương ở bài thơ này, câu phá đề rất lạ:

Một đèo, một đèo, lại một đèo,

Sao nữ sĩ không viết là: Một đèo, hai đèo, lại ba đèo? Vì viết như thế thì lộ rõ vị trí của người đếm là nhìn từ xa. Còn viết: Một đèo, một đèo, lại một đèo thì nhạc điệu câu thơ cho thấy tư thế, thậm chí cả hơi thở mệt nhọc của người đang cố leo đèo.

Vừa hết dốc này, chưa kịp nghỉ ngơi cho khỏe thì dốc khác lại sừng sững trước mắt. 

Lên đến đỉnh đèo, lữ khách thở phào sung sướng trước cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ hiện ra trước mắt và bật thốt lên lời khen ngợi:

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.

Ở những bài viết về đề tài thiên nhiên, Hồ Xuân Hương gọi đấng sáng tạo ra muôn vật trên mặt đất là Tạo hóa… thì ở bài này, bà dùng đại từ phiếm chỉ "ai" và như thế là nữ sĩ đã hạ bớt quyến năng tối thượng của siêu nhiên để cho gần với con người hơn.

Hai câu thực tả chi tiết:

Cửa son đỏ loét tùm bum nóc,

Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

Cửa son, hòn đá... là những sự vật bình thường nhưng Cửa son đỏ loét và Hòn đá xanh rì thì đã thấp thoáng dấu ấn Xuân Hương.

Thêm hai tính từ đỏ loét và lún phún đã rõ ràng là Xuân Hương chẳng lẫn bởi bà rất giỏi trong sáng tạo và chơi từ độc!

Hai câu luận tiếp tục tả cảnh đèo Ba Dội:

Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc

Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo

Ngay cái kiểu đưa tính từ lên trước danh từ chỉ sự vật cũng thể hiện chủ ý của nữ sĩ là muốn nhấn mạnh tính chất, đặc điểm của sự vật đang hiện hữu trước mắt. Nghệ thuật đối ở cặp câu luận quá chỉnh:

Lắt lẻo cành thông/ Đầm đìa lá liễu; cơn gió thốc / giọt sương gieo.

Liên tưởng bất ngờ và thú vị nằm ở hai câu kết:

Hiền nhân quân tử ai là chẳng?

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.

Cái này mới thật sự Hồ Xuân Hương đây! Tả thực mà ám chỉ, thanh mà tục, tục mà thanh.

Ngày xưa, những đệ tử của Nho giáo theo đòi nghiệp bút nghiên hay muốn học hành đỗ đạt để ra làm quan đều phải vào Kinh ứng thí (kinh đô Huế).

Muốn vào Huế thì bắt buộc phải leo qua đèo Ba Dội cheo leo, hiểm trở, cho dù mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo; sức cùng lực kiệt vẫn muốn trèo!!! Chứng tỏ "cái đèo" ấy có sức cuốn hút ghê gớm khó mà cưỡng lại.

Đúng là tiếng cười châm biếm của nữ sĩ họ Hồ đau như roi quất vào mặt và tiếng cười khanh khách ấy còn vọng mãi tới bây giờ - khi đám đạo đức giả đang nhan nhản trong xã hội.

Theo: Hoa Mai

 

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

Phụ nữ khôn ngoan phải độc lập

 

PHỤ NỮ KHÔN NGOAN PHẢI ĐỘC LẬP

 

Phụ nữ yếu đuối sẽ tạo cho đàn ông tâm lý muốn chở che. Thế nhưng, nếu quá yếu đuối và dựa dẫm lại trở thành phiền phức và mệt mỏi cho họ.

Chính vì vậy, mà phụ nữ cần phải độc lập. Phụ nữ độc lập sẽ không bắt đàn ông lo hết thảy cho họ, cũng không đòi hỏi đàn ông phải luôn bên cạnh họ.

 

Phụ nữ độc lập không cần giỏi giang hơn người, nhưng phải có công việc mình yêu thích, tự kiếm tiền, không phụ thuộc, càng không ràng buộc với bất kì ai.

Không hẳn vì họ không tin vào đàn ông, chỉ là họ muốn tin vào chính bản thân mình hơn.

 

Phụ nữ độc lập luôn biết cách tạo cho mình một đường lui dù ngay cả khi có chồng, phụ nữ cũng nên giữ vững bản ngã của mình. Họ yêu thương vừa đủ, không bi lụy, càng không sợ cô đơn. Đàn ông vì vậy mà muốn giữ lấy họ cả đời.

 

 

 

Làng Việt Nam: 'Làng tôi' của Văn Cao

 

 LÀNG VIỆT NAM: LÀNG TÔI' CỦA VĂN CAO

 

Với người Việt Nam, mỗi khi nhắc tới chữ "làng" là nhắc tới những gì cực kỳ gắn bó, cực kỳ thân thiết với mình, dù làng mình đã có từ nghìn năm trước hay mới có trăm năm nay, làng mình đã thấm sâu vào cuộc đời mình, trở thành máu thịt của mình, không sao quên được.

 

Nếu Văn Cao Ca khúc Làng tôi của nhạc sĩ Văn Cao sinh ở Hải Phòng, quê cha ở Nam Định, nhưng người Hải Phòng hay Nam Định đều cảm thấu bài hát ấy viết về chính quê hương mình.

 

Với ngôi làng miền Bắc, là làng Công giáo, thì tiếng chuông chiều buông gợi lên bao cảm xúc. Âm thanh tiếng chuông chiều nghe giống nhau, nhưng tâm trạng mỗi người nghe lại mỗi khác. 

Cũng như lũy tre làng, nhìn thì lũy tre làng nào cũng giống nhau, nhưng khi hình ảnh ấy đi vào thơ nhạc, thì mỗi người đọc hay nghe lại có "cõi riêng" của mình về lũy tre ấy. Thu vào mỗi cảm xúc riêng tư, và tỏa rộng ra thành cảm xúc của cộng đồng, hình ảnh làng quê chúng ta tồn tại như vậy đó.

 

Bồi hồi và hân hoan, ngân rung và nao nức, ấy là lúc Làng tôi chuyển điệu, như tiếng reo vui của dân làng, như niềm hy vọng về một ngày mai thái bình. Làng lại về với hình ảnh xưa cũ của mình, thương yêu và gần gũi biết bao nhiêu.

 

Ca từ của bài Làng tôi, ca từ thật giản dị mà đầy cảm xúc của nhạc sĩ - nhà thơ Văn Cao:

 

Làng tôi xanh bóng tre

Từng tiếng chuông ban chiều

Tiếng chuông nhà thờ rung

Đời đang vui đồng quê yêu dấu

Bóng cau với con thuyền, một giòng sông...

 

... Làng tôi cùng đoàn quân chiến thắng,

Đánh tan lũ quân thù về làng xưa.

Dân tưng bừng chặt tre phá cầu,

Cùng lập chiến lũy đào hào sâu.